- Có nên cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp?
- Nên cúng ông Công ông Táo ở bếp hay trên bàn thờ?
Theo tín ngưỡng dân gian, trong mỗi nhà đều có 3 vị Thần trông coi bếp núc được gọi là Táo quân, trong đó có 2 Táo ông và một Táo bà. Bổn phận của họ là trông coi bếp lửa của mỗi gia đình.
Ngày 23 tháng Chạp âm lịch, bộ tam Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc Hoàng mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong các gia đình ở hạ giới một năm qua. Các Táo lên thiên đình vào 23 tháng Chạp hàng năm, tới đêm Giao thừa mới trở về hạ giới tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Theo tục lệ xưa, trong 7 ngày vắng Táo quân, người dân thường dựng cây nêu để xua đuổi tà ma. Nhưng ngày nay, nhiều nơi không còn lệ này, thay vào đó là những tục lệ khác.
1. Bao sái ban thờ
Vì tin rằng, những ngày này thần linh đi vắng nên đây là dịp để các gia đình dọn dẹp ban thờ sau một năm, cũng là chuẩn bị ban thờ Tết.
Thông thường, trong lễ cúng ông Công ông Táo, tiễn Táo quân, chủ nhà cũng xin phép việc sửa sang bàn thờ đón Tết. Một số gia đình cẩn thận hơn, ngoài lễ tiễn Táo quân, khi dọn dẹp ban thờ lại thắp hương với hoa quả, nhang đèn để xin phép thần linh.
Việc đầu tiên, cần chọn người trong gia đình có tính tỉ mỉ, cẩn thận, thường là người chủ sự gia đình hạ bát hương xuống để làm công việc bao sái ban thờ. Khi hạ bát hương, cần để bát hương ở nơi sạch sẽ, tránh bị va chạm, cẩn thận hơn trải hoặc phủ vải đỏ cho bát hương khi bao sái.
Trong một năm, ban thờ có thể bị bụi, bẩn. Các gia đình có thể tháo ban thờ để lau rửa hoặc dùng khăn sạch, nước sạch để làm công tác vệ sinh.
Kết thúc công việc lau rửa, có thể dùng nước nóng hòa tinh dầu ngọc am, quế… hoặc đơn giản hơn là đun nước gừng để lau rửa lại một lần cuối. Tương tự với ảnh thờ, đồ thờ.
2. Làm lễ mời an vị Táo quân vào ngày cuối năm và cúng Tất Niên
Lúc này, ban thờ đã sạch sẽ, khang trang để chào đón Thần linh, các gia đình cần làm lễ an vị Táo quân, an vị Thần linh. Thông thường, lễ cúng này được làm vào trưa ngày 30 Tết.
Tuy nhiên, các gia đình về quê, đi xa trong ngày này có thể cúng sớm hơn. Có thể cúng lễ Tất niên gộp vào lễ thỉnh an vị Táo quân vào buổi trưa hoặc chiều ngày 30 Tết.
3. Dán giấy đỏ có viết tên hoặc vẽ hình các Táo trên bếp
Sau lễ tiễn Táo quân lên chầu trời xong, để vẫn có sự hiện diện của Táo quân trong nhà, bạn có thể dán tờ giấy đỏ có viết tên hoặc vẽ hình Táo quân rồi dán trên nóc bếp, có ý nghĩa xua trừ tà khí, đồng thời chào đón Táo quân từ thiên đình trở về.
Cuối năm sau khi Táo quân về chầu trời thì hóa mảnh giấy cũ xuống và dán mảnh giấy đỏ mới lên để lại đón Táo quân trở về.
4. Dọn dẹp nhà cửa để nạp nguồn năng lượng mới
Sau khi chu tất mọi việc trong bếp, cả nhà sẽ cùng nhau dọn dẹp và lau chùi nhà cửa. Đây không chỉ là việc vệ sinh thông thường mà còn mang nặng ý nghĩa tâm linh. Người xưa tin rằng cuối năm dọn dẹp cửa nhà là cách để loại trừ năng lượng cũ và khí xấu để đón nguồn năng lượng và sinh khí mới.
Khi dọn dẹp, nên lưu ý lau chùi và nạp năng lượng mới cho các vật phẩm phong thủy từ bộ ba Phúc, Lộc, Thọ cho đến các con Tỳ Hưu, Thiềm Thừ hay đá quý nếu trưng bày trong nhà.
Cách nạp năng lượng cho các đồ phong thủy như sau: 11 giờ trưa ngày tất niên nên đốt 3 ngọn nến trước ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ và các vật phẩm phong thủy khác. Việc này có ý nghĩa mang lại năng lượng cho các vị thần khi năm mới tới.
5. Chuẩn bị bữa cơm tất niên đầm ấm
Ngày tất niên được chọn lấy một ngày bất kỳ trong 7 ngày nhà vắng các Táo. Nhưng thông thường, các gia đình có thói quen tổ chức vào ngày cuối cùng của năm cũ. Theo lệ, bữa cơm tất niên đòi hỏi các thành viên trong gia đình tề tựu đủ đầy, không vắng mặt một ai.
Tuy nhiên, vì hoàn cảnh hiện tại, nhiều người không thể về bên gia đình trong mâm cơm họp mặt cuối năm này. Nhưng ít nhất họ sẽ được báo ngày làm lễ để cùng hướng về gia đình.
Khi dự tiệc tất niên, từ người lớn đến trẻ nhỏ trong nhà đều ăn mặc chỉnh tề, trang trọng. Nếu là phụ nữ phải đeo cả trang sức lộng lẫy và luôn tươi cười như một điềm báo may mắn lại đến với cả nhà trong năm mới.
May mắn tới càng nhiều vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới, nên tất cả mọi người trong gia đình dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau.
6. Mở cửa, bật đèn sáng trong đêm 30 để đón nguồn dương khí dồi dào
Đêm 30 Tết, tất cả cửa chính và các cửa nhà phải được mở trước Giao thừa, đèn nến bật hết để cả nhà tràn ngập ánh sáng, đón nguồn dương khí dồi dào để đón rước may mắn. Thời khắc Giao thừa được xem là giờ linh thiêng của đất trời. Nếu hoa mai, hoa cúc, hoa đào… trồng trong nhà nở đúng vào thời điểm này được xem là một điềm may mắn lớn cho gia chủ trong năm mới.
Khi thời khắc giao thừa đến, con cái sẽ chúc bố mẹ những lời chúc tốt đẹp và cùng nhau lên chùa hái lộc đầu năm. Ở nhiều nơi, người làm ăn buôn bán còn chọn đêm Giao thừa để xuất hành với mong ước gặp nhiều thuận lợi trong năm mới.
Để lại bình luận
5