- Thời lượng: 133 phút
- Đạo diễn: Chris Appelhans
- Nhân Vật: Din, Lina, Thần Long
- Quốc gia: Mỹ
- Thể loại: Phiêu lưu, Viễn tưởng, Hoạt hình
- Khởi chiếu: 11/6/2021
Thực chất, phim đã được phát hành năm 2020 tại Trung Quốc và tới tận giữa năm nay mới được trình làng trên Netflix. Như vậy, trong dịp giãn cách xã hội hiện nay, ngoài phim Luca (2021) thì chúng ta còn có thêm một bộ phim hoạt hình thú vị để hóng hớt và thưởng thức rồi nè các bạn. Để biết Wish Dragon hay và đáng yêu như thế nào, xin mời các bạn cùng xem bài review chi tiết của mình về phim nhé. Nào, chúng ta cùng bắt đầu thôi!
Cốt truyện: Wish Dragon lấy bối cảnh tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, kể về cuộc sống tuổi 19 của cậu bé Din. Trong một lần giao hàng, Din vô tình gặp được một ông lão kì lạ vì cứ nằng nặc đòi tặng cho cậu một ấm trà thần kỳ mà bên trong đó có thần rồng Longzhu cư ngụ. Từ đây cuộc sống của Din thay đổi hoàn toàn với sự màu nhiệm của thần Rồng Longzhu đồng thời những rắc rối cũng bắt đầu xảy đến với cặp đôi hoàn cảnh này. Hãy xem phim để cùng đồng hành với Din và thần rồng trong những chuyến phiêu lưu vô cùng thú vị và hấp dẫn nhé.
Chắc hẳn là sau khi xem qua trailer, nhiều người sẽ nhận ra có một sự quen thuộc và tương đồng không hề nhẹ giữa Wish Dragon và phim Aladdin (1992) kinh điển trước đây. Vẫn là mô típ câu chuyện kể về sự khác biệt giai cấp trong đó nam chính nghèo khổ vô tình nhận được sự giúp đỡ của vị thần nằm trong một đồ vật không ai ngờ tới và trung tâm của câu chuyện là hành trình tìm kiếm tình yêu và lẽ sống đích thực của các nhân vật. Tuy nhiên, như vậy không đồng nghĩa là Ước nguyện thần long sao chép tác phẩm nổi tiếng kia của Disney mà thay vào đó, đạo diễn Chris Appelhans đã thổi một làn gió mới cho tuyến nhân vật chính, từ tạo hình cho đến hướng đi của câu chuyện, từ đó mang những bài học có giá trị mới mẻ hơn.
Nếu ở Aladdin, Thần Đèn Genie không được đề cập về quá khứ, thì ở Wish Dragon, Chris Appelhans đã sử dụng những năm tháng làm người của thần Longzhu làm tiền đề xây dựng thông điệp cho nửa sau bộ phim. Đây là một điểm cộng rất lớn của Ước nguyện thần long bởi vì nội dung của phim thực sự còn rất đơn giản và dễ đoán nên nếu đạo diễn không truyền tải hợp lý thì khả năng cao người xem sẽ cảm thấy chán chường và bỏ dở sau khi xem được 30 phút của phim.
Với bối cảnh chính là Trung Quốc nên không khó để bắt gặp những nét đặc trưng của văn hóa Châu Á được các nhà làm phim lồng ghép trong các tình tiết của phim. Đơn cử như hình ảnh những khu nhà cũ lụp xụp, những chung cư đầy ắp tiếng người ra vào, những vách ngăn nhà mỏng manh mà chỉ cần úp tai vào là nghe được từ A đến Z hàng xóm nói gì, rồi đến cả sự kỳ vọng của gia đình vào việc học của con cái,… Tất cả các chi tiết đó trong những phút đầu tiên của phim Wish Dragon đã khiến Ghiền Review phải thốt lên “Chời ơi, sao mà quen thuộc quá vậy!”. Cứ thế, tự dưng mình bị dán mắt vào màn hình và xem đến tận phút cuối cùng của phim đấy các bạn.
Mặc dù vậy, không khó để nhận ra điểm yếu của Wish Dragon. Như mình đã nói ở trên, nội dung phim khá đơn giản và dễ đoán, cộng thêm việc giải quyết các vấn đề trong phim rất sơ sài và thậm chí có thể đánh giá là rập khuôn kém hấp dẫn luôn í. Phản diện của phim được mô tả rất nguy hiểm ở đầu phim nhưng càng về cuối thì càng nửa nạc nửa mỡ và hướng xử lý vấn đề chỉ đơn giản dựa vào những điều ước của Din và Li Na khiến cho mọi thứ trong phim rất khó đọng lại trong đầu người xem.
Nếu như How to train your Dragon, Hotel Transylvania, Kẻ cắp mặt trăng hay Gia đình Croods đều rất xuất sắc và thành công khi làm thêm nhiều phần mới, thì Wish Dragon lại rất khó có thể được các nhà sản xuất bật đèn xanh để khai thác các phần phim tiếp theo. Nguyên nhân rất đơn giản bởi vì phim thực sự không có quá nhiều chi tiết nổi bật và gây ấn tượng đủ mạnh để khán giả mong đợi vào những chuyến phiêu lưu mới của các nhân vật trong phim.
Bên cạnh đó, theo mình, Wish Dragon chỉ có thể xem là trọn vẹn và thú vị đối với các em nhỏ vì sự đáng yêu trong tạo hình nhân vật cùng với những mộng mơ trong chuyến phiêu lưu của các nhân vật. Đối với người lớn như mình, tất nhiên vẫn sẽ thích phim ở một mức độ nào đó vì tính ra phim rất ư là dễ thương và hài hước, nhưng để gọi là hoàn hảo và tuyệt vời thì vẫn còn xa vời lắm. Mình cần một chút gì đó gay cấn hơn, bất ngờ hơn cũng như kịch tính và khó nhằn hơn trong các tình huống đối đầu giữa thiện và ác, đồng thời vẫn bảo đảm tính logic và thuyết phục để đẩy được cao trào và mạch cảm xúc cho người xem.
Về mặt ý nghĩa, chắc hẳn một bộ phim hoạt hình nói về gia đình sẽ truyền tải rất nhiều thông điệp tình cảm gia đình rồi phải không các bạn? Tình mẫu tử, tình phụ tử và tình bạn đẹp giữa người và rồng đều được phim nhắn gửi rất tinh tế, đặc biệt ở một vài phân cảnh còn có những những thông điệp nhẹ nhàng và thú vị khác mà mình sẽ để cho các bạn xem và tự khám phá nhé. Nhìn chung với một cốt truyện đơn giản, dễ thương, hài hước được nhào nặn theo mô típ quen thuộc và mạch phim đẩy nhanh quá mức như Wish Dragon, Mình chỉ chấm 6.5/10 thôi các bạn nhé!
Hình ảnh – Âm thanh: Bởi vì Wish Dragon là bộ phim hoạt hình được phát triển thiên về hướng giải trí nên Sony dường như không tập trung quá nhiều vào phần đồ họa và kỹ xảo của phim. Nếu đặt lên bàn cân với phim Hotel Transylvania hay các bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác, chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng nhận thấy đồ họa của Ước nguyện thần long đơn giản hơn nhiều với độ chi tiết không quá cao. Tuy nhiên tổng thể phim vẫn bảo đảm được sự bắt mắt, hài hòa về màu sắc và dễ thương trong từng phân cảnh nên phần nhìn của phim vẫn đủ sức để thu hút người xem. Âm thanh của Wish Dragon không tệ nhưng đồng thời cũng không quá xuất sắc, đặc biệt là chưa nổi bật và ấn tượng nên tổng thể mình chấm phần hình ảnh – âm thanh của phim cũng chỉ ở mức 6.5/10 thôi nha.
Diễn xuất: Vì là phim hoạt hình nên mình sẽ không đánh giá về diễn xuất của nhân vật, thay vào đó mình tập trung vào tạo hình và hướng phát triển nhé. Điểm sáng của phim 100% thuộc về thần Rồng Longzhu (do John Chu lồng tiếng) các bạn ơi. Phải thừa nhận rằng, Mình chưa bao giờ thấy một vị thần Rồng – nhưng lại chả giống thần Rồng một chút nào như ở phim này luôn í các bạn. Khi nhắc đến các vị thần, chúng ta thường nghĩ tới nét uy nghiêm của họ nhưng với trường hợp của thần Longzhu thì vẻ uy nghiêm ấy mất sạch, thay vào đó là một hình ảnh cực kỳ hề hước, rất lém lỉnh và dễ chiếm được sự yêu thích và mến mộ của các em nhỏ. À, mình cực thích điểm đặc biệt của thần rồng chính là làn da phủ nguyên cây hồng nổi bật cùng bàn tay mũm mĩm, cưng xỉu lên xỉu xuống luôn các bạn ạ.
Một điểm đặc biệt trong tạo hình các nhân vật chính và phụ của phim là việc lấy cảm hứng theo đúng đặc trưng của người châu Á nên mang đến được sự quen thuộc cho khán giả Việt Nam khi theo dõi. Bên cạnh đó, nhờ vào phần lồng tiếng vô cùng nhập tâm của các diễn viên Jimmy Wong trong vai Din hay Natasha Liu Bordizzo trong vai Li Na nên các nhân vật trong Wish Dragon trở nên sống động và gần gũi hơn. Do đó, Mình chấm phần diễn xuất 7/10 luôn các bạn ạ.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 7.2/10 (12.000 đánh giá)
- Metacritic: 59/100
- Rotten Tomatoes: 65/100 (Cà chua tươi)
Tóm lại, Wish Dragon – Ước nguyện thần long là một bộ phim hoạt hình khá phù hợp để xem giải trí trong những ngày dịch dã căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, hãng phim Sony vẫn chưa thực sự tạo được sự bứt phá cho Wish Dragon vì phim còn quá dễ đoán, thiếu ấn tượng và chưa đẩy được cao trào và cảm xúc nên ngay từ khi ra mắt, phim đã không nhận được sự chú ý của công chúng và truyền thông. Mặc dù vậy, phim vẫn khá thành công khi xây dựng hình tượng thần Rồng nổi bật và thú vị đối với người xem, đồng thời các thông điệp mà phim truyền tải khá nhẹ nhàng, ý nghĩa và thích hợp cho cả gia đình cùng thưởng thức!
Để lại bình luận
5