"30 chưa phải là hết" là bộ phim nói về câu chuyện của những cô gái đứng trước ngưỡng cửa 30 tuổi. Khi bước vào lứa tuổi bản lề này, nhiều người nghĩ cuộc sống đã có một phần cơ sở ổn định, tuy nhiên đây thực chất mới chỉ là khởi đầu cho một giai đoạn mới với những thử thách mới. 

30 tuổi, thứ mà các cô gái phải đối mặt có thể đến từ bất kì đâu: từ công việc sự nghiệp, từ hôn nhân gia đình, từ việc nuôi dạy con cái, vun vén hạnh phúc... Nỗi khổ tâm của 3 nữ chính trong phim - Cố Giai, Chung Hiểu Cần và Vương Mạn Ni thực tế đều là cuộc sống của chính bạn nhưng được thu lại và chiếu lên màn ảnh.

01 "Chúng ta phải không ngừng gắng sức, gia tăng sức nặng bản thân mới mong không bị đào thải"

Trong phim, Vương Mạn Ni là một nhân viên sale hàng hiệu. Từ quê lên Thượng Hải, cô nàng vật lộn với cuộc sống ở thành phố lớn đã 8 năm. 30 tuổi, Mạn Ni vừa phải đấu tranh với những lời giục giã cưới xin từ bố mẹ, lại vừa muốn "cắm rễ" tại thành phố, tiếp tục xây dựng sự nghiệp. Tình cảm không ổn định, vật chất khó khăn, đủ mọi loại thị phi ở chỗ làm, từ việc bị đồng nghiệp tranh công, hãm hại đến những sự kiện gặp phải khách hàng tác oai tác quái khiến cuộc sống của Mạn Ni căng như dây đàn. 

Cô nàng liều mạng kiếm tiền nhưng quá nửa tiền lương phải dành để trả tiền nhà, mỗi bữa chỉ dám ăn cơm hộp rẻ tiền, chủ nhà vừa gọi là hôm sau phải gói ghém đồ đạc chuyển đi. Phải chịu đựng quá nhiều áp lực, có lần Mạn Ni từng ngất đi ở nhà riêng khi đang nói chuyện điện thoại với mẹ. Sau đó, vì ở xa, mẹ Mạn Ni phải gọi điện đến đường dây nóng để đưa cô đi cấp cứu.

Dù cuộc sống nơi thành phố gian nan là thế nhưng Vương Mạn Ni vẫn cắn răng chịu đựng, không muốn phụ thuộc vào một người đàn ông nào cả, không cam lòng từ bỏ mục tiêu bấy lâu của bản thân.

Khung cảnh cô nàng ngồi trên giường bệnh, nước mắt lã chã rơi, gương mặt xanh xao yếu ớt nhưng vẫn bình tĩnh nói qua điện thoại với bố mẹ rằng mình không sao làm ai cũng xúc động.

"Chúng ta phải không ngừng gắng sức, gia tăng sức nặng bản thân mới mong không bị đào thải."

Mỗi cô gái từng rời quê nhà, tự lập ở nơi xa có lẽ đều thấy bóng dáng mình trong nhân vật Vương Mạn Ni.

Ở độ tuổi 20 đầy nhiệt huyết, họ mang theo khát vọng thanh xuân gia nhập vào bầu không khí nhộn nhịp phố phường, với mong muốn có thể có được cho mình một vị trí riêng nơi hoa lệ này. Nhưng rồi chuỗi ngày mệt nhoài vì phòng thuê chật chột, ngày ngày chen chúc xe buýt, đắn đo vì từng bữa cơm cứ thế kéo đến, loáng cái họ đều đã 30 tuổi. Những tham vọng, những nhiệt huyết khi xưa giờ đây phần lớn đã bị bào mòn. Phía trước họ là đống công việc chất chồng, phía sau là vô số gương mặt mới đang không ngừng tràn vào. Không chỉ thế, họ còn rơi vào vòng xoáy tuổi tác và loạt vấn đề liên quan đến tình yêu, hôn nhân.

Các cô gái ấy đều từng hoang mang, từng dao động, từng suy sụp, từng thất bại, từng vấp ngã và đều từng tự mình đứng lên.

Nhưng rồi họ đều giống Mạn Ni, không muốn bỏ cuộc một cách dễ dàng. Dù thành phố này keo kiệt đến mức không dành cho họ nổi một điểm sáng cũng không sao, họ vẫn sẽ kiên trì tiến về phía trước. Vượt qua từng lớp sương mù, chịu đủ đắng cay đả kích từ hiện thực, họ không tránh nổi tổn thương nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ gấp bội.

02 "Tỉnh dậy sau sinh, cảm giác như Cố Giai trước đó đã chết rồi"

Khác với Vương Mạn Ni, trong phim Cố Giai một người phụ nữ xinh đẹp, đầy đủ công - dung - ngôn - hạnh đã kết hôn cùng chồng là thương gia thành đạt và hạ sinh được một cậu con trai. Tuy cuộc sống hôn nhân viên mãn là thế, Cố Giai vẫn không có giây phút nào thật sự thư thái, thảnh thơi. Từng là một cô gái cũng tham vọng như ai nhưng sau khi có con, Cố Giai chấp nhận lui về phía sau làm một người phụ nữ của gia đình.

Một vị phu nhân sang trọng, thần thái trong mắt mọi người thực chất lại là một nữ chiến binh sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì con.

Cố Giai chọn dịu dàng trở lại vì muốn con trai được giáo dục tốt hơn. Nhưng vẫn người mẹ nhẹ nhàng ấy, lại dũng cảm tháo giày cao gót để bảo vệ khi con gặp đám côn đồ. Hình ảnh người phụ nữ bé nhỏ quần áo lộn xộn đứng dưới bóng đèn đường ôm cậu con trai đang say ngủ chậm rãi bước về nhà làm người ta bất giác cay sống mũi.

Có một câu từng được chia sẻ rất nhiều trên MXH thế này: "Trước khi sinh con, bạn có thể là bất kì ai. Nhưng sau khi sinh con, bạn là mẹ, là bảo mẫu, là vợ, nhưng sẽ không bao giờ là chính mình nữa."

Đằng sau chữ "mẹ" là vô vàn những hy sinh mà người thường sẽ không bao giờ hiểu được. 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau đúng là rất khó khăn nhưng sau khi đứa trẻ ra đời, cuộc chiến mới thực sự bắt đầu. Những người mẹ cũng có rất nhiều nỗi sợ: Sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ già, sợ bệnh, sợ chết. Tuy nhiên, có con rồi, họ bỗng như hóa thành siêu anh hùng không sợ hãi bất kì điều gì.

Sau bao lần mất ngủ, bao lần sụp đổ, phụ nữ 30 tuổi từ bỏ khát vọng tuổi trẻ để xây dựng tương lai cho chính con mình.

03 "20 tuổi theo đuổi kiểu dáng, 30 tuổi chỉ cần chất lượng thôi"

Câu nói này được Mạn Ni thốt ra trong lúc đi mua giày và được nhân viên cửa hàng gợi ý mua hàng fake cho tiết kiệm. Dù được đề nghị vậy nhưng Mạn Ni lại thẳng thừng từ chối. Tưởng chừng chỉ là câu thoại đơn giản nhưng thực chất, khi ngẫm lại, người ta lại thấy nó đã nói lên chính tiêu chí cuộc sống, tiêu chí chọn nửa kia của con gái thay đổi như thế nào theo thời gian.

Hồi còn trẻ, ai trong chúng ta cũng vậy, thường dễ dàng bị mê hoặc bởi những thứ hào nhoáng, những lời hoa mỹ bên ngoài. Chúng ta yêu mà không suy xét nhiều, yêu vì ở khoảnh khắc ấy, con tim thấy rung động, vậy là đủ. Chúng ta cũng không nghĩ nhiều đến tương lai. Điều duy nhất chúng ta quan tâm là một anh bạn trai có vẻ bảnh bao hoặc tử tế và thấy vui khi ở bên.

Nhưng rồi càng trưởng thành, bạn sẽ càng nhận ra tình yêu không đơn giản đến thế, hoặc chính xác hơn, hôn nhân không đơn giản đến thế. Yêu một người và cưới một người có đôi khi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. 30 tuổi, thứ bạn phải cân nhắc là rất nhiều. Bạn không thể yêu theo cảm tính, không thể dễ dàng ở bên một người. Điều bạn cần là một trái tim biết thấu hiểu, một tâm hồn đồng điệu, một sự tồn tại có thể khiến bạn an tâm đồng thời cũng có thể giúp bạn tiến bộ. Người ấy có thể không cần đẹp trai, không cần giàu có nhưng nhất định phải là một người tích cực. Bởi lẽ cuộc sống dài rộng sau này, "hình thức" có thể sẽ mất đi nhưng những gì tốt đẹp bên trong nội tâm sẽ còn mãi.

30 tuổi, chúng ta không còn bồng bột để đưa ra các quyết định nóng vội nữa. Mọi thứ đều cần cẩn trọng, vì cơ hội để làm lại thực chất không còn nhiều nữa.

(Nguồn - Theo Pháp luật & Bạn đọc)