- Herbalife có phải đa cấp, herbalife lừa đảo, herbalife có tốt không?
- Review phim Lừa đểu gặp lừa đảo: Vui, cưng và hay xỉu
- Amway có lừa đảo không? Amway có phải đa cấp không?
- Review bỉm Angel- Bỉm có thật sự tốt như lời đồn của các nhà quảng cáo?
Chỉ với từ khóa "lừa đảo combo du lịch", bạn sẽ tìm thấy rất nhiều kết quả trên các hội nhóm mạng xã hội. So với chiêu trò dùng tài khoản ảo, cách thức lừa đảo hiện tại đã khó nắm bắt hơn rất nhiều. Hãy cùng tìm hiểu để có thể tránh ngay bạn nhé.
Đủ trò lừa đảo
Thu Trang, du khách Hà Nội, đăng bài tìm phòng nghỉ cho chuyến du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) từ 23 -26/4 và được một tài khoản tên Minh Anh tư vấn. Người này giới thiệu cho Trang combo với vé máy bay kèm một đêm nghỉ resort 5 sao giá hơn 3 triệu đồng/người lớn và 1,5 triệu đồng/trẻ em.
"Bạn này gửi mã đặt chỗ máy bay, khách sạn và yêu cầu tôi thanh toán đủ combo cho 5 người lớn, một trẻ em. Để tăng độ tin cậy, tài khoản Minh Anh kia còn gửi tôi hình những giao dịch thành công trước đó và cả chứng minh thư (không trùng tên tài khoản mạng)
Sau khi xác nhận với hãng hàng không và bên khách sạn, tôi đã chuyển 17 triệu đồng cho người này vào số tài khoản có tên trùng với trên chứng minh thư", Trang chia sẻ với Zing.
Cô cho biết mình từng đặt vé máy bay qua bên trung gian nhiều lần. Sau khi xác nhận mã vé đã được đặt, cô sẽ chuyển tiền để họ thanh toán. Tuy nhiên, lần này, một ngày sau khi chuyển tiền, Trang vẫn chưa nhận được thông báo xác nhận từ hãng bay. Khi gọi hỏi lại, cô được hãng thông báo mã vé bị hủy vì không thanh toán trong 24 giờ.
Về phía khách sạn 5 sao kia, Trang cũng đã gọi điện để xác nhận đặt phòng khi nhận mã từ Minh Anh. Tuy nhiên, phía khách sạn chỉ xác nhận có phòng được đặt đúng như mã vé. Việc mã đã được thanh toán chưa thì phía khách sạn không trả lời.
Trả lời phóng viên, du khách này cho biết cảm thấy bị lừa nên vẫn tiếp tục giữ liên lạc và còn nói đặt thêm combo cho đồng nghiệp.
Tuy nhiên, Trang yêu cầu tài khoản kia gửi ảnh chụp các khoản thanh toán với hãng hàng không, khách sạn. Sau khoảng 2 giờ, cô nhận được những bức ảnh thanh toán đầy đủ nhưng thực chất đã bị kẻ gian này chỉnh sửa.
Du khách này cho biết đã phải tự bỏ tiền thêm để mua vé máy bay, phòng khách sạn sát ngày. Hiện cô đã gửi đơn tố giác tới Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Được biết, nhiều người dùng mạng khác cũng bị tài khoản này lừa với cách thức y hệt Trang.
Ngoài chiêu trò này, những kẻ lừa đảo giờ còn mạo danh các hãng lữ hành lớn để bán hàng. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cho biết đơn vị vừa bị kẻ gian mạo danh "rất tinh vi" để lừa lừa khách mua combo.
"Sau khi khách đăng tin lên hội thanh lý voucher, combo, kẻ gian đã lợi dụng tên tuổi công ty tôi để giao dịch. Thậm chí, người này còn gửi cả thư có logo của bên tôi cho khách để tăng uy tín. Tôi đã xem bức thư đó, nó đẹp y như thật. Có thể, kẻ gian là người từng mua sản phẩm của chúng tôi và đã dùng thư công ty gửi để chỉnh sửa lại", ông Tú chia sẻ.
Ngoài những thủ thuật "biến ảo khó lường" này, nhiều kẻ gian còn sử dụng số giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành, giải thưởng và tạo website rất đẹp để lừa khách. Đại diện đơn vị này cho biết đã báo cáo lên Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhưng chưa được phản hồi.
Mạng xã hội trở thành "chợ lừa đảo"?
Việc mạng xã hội trở nên phổ biến khiến nhu cầu tiếp nhận, tìm hiểu thông tin của người dân thường được thực hiện trên môi trường này. Mọi giao dịch dễ dàng "chốt đơn" chỉ sau vài tin nhắn. Người cần tìm combo đăng bài và chỉ vài phút sau, rất nhiều người bán sẽ tự động nhắn tin quảng cáo, tư vấn tới họ.
Theo đại diện của Best Price, các mạng xã hội tập trung người bán, người mua nên dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Chúng không cần đăng tin rao bán mà chỉ cần có khách hỏi mua sẽ tự động nhắn tin mời chào. Do đó, việc kiểm soát những thành phần này cũng rất khó cho người quản lý.
"Tôi là quản lý nhóm nhưng thật sự không kiểm soát hết nổi vì quá nhiều tổ chức, cá nhân vào seeding (bình luận tạo hiệu ứng, gây dựng niềm tin), quảng cáo... Cấm hết sao được. Khi tham gia các hội nhóm mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin cần phải rất cẩn thật", Bùi Nguyễn Duy Nguyên, chủ nhóm Ghiền Đà Lạt, chia sẻ.
H.M (giấu tên), chủ một hội nhóm chuyên săn combo, tour giá rẻ, cũng đồng tình với quan điểm những người quản lý không thể kiểm soát được hết. Tuy nhiên, cô cho rằng hội nhóm không khiến việc lừa đảo trở nên phổ biến hơn. Mục đích của nó là nơi để trao đổi vấn đề khi người dùng chưa có kiến thức.
"Khi giao dịch, khách hàng nên tìm hiểu về công ty hoặc trang web của người bán cũng như lịch sử giao dịch. Việc xác nhận uy tín qua bình luận nên được xem là một phần để giúp củng cố trước khi đưa ra quyết định", H.M nêu quan điểm.
Mặt khác, cô cũng nói việc lấy chứng minh thư để chứng thực khá vô nghĩa bởi công nghệ photoshop hiện rất tinh vi.
Về chế tài, theo luật sư Đỗ Minh Hiển - Văn phòng luật sư JVN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - tùy thuộc vào việc có hành vi bỏ trốn hay không, đối tượng có thể bị xử lý về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, ông Hiển nhận xét các vụ lừa đảo combo du lịch chưa bị các cơ quan pháp luật xử lý nhiều trong thời gian qua. Nguyên nhân chính do việc đặt combo du lịch, thanh toán tiền đều trên môi trường mạng xã hội.
"Người mua combo không biết tên, mặt hay địa chỉ liên hệ của người bán là khá phổ biến. Do đó, khi bị lừa đảo, nếu người mua trình báo với cơ quan chức năng thì cũng mất nhiều thời gian để xác định danh tính, thông tin đối tượng lừa đảo cũng như chứng minh hành vi lừa đảo của đối tượng", ông Hiển nhận xét.
Mặt khác, luật sư này nói nhiều khách hàng cũng có tâm lý ngại trình báo cơ quan pháp luật do số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Điều này khiến các vụ lừa đảo combo du lịch giá rẻ diễn ra nhiều hơn.
Làm sao để tránh lừa đảo?
Theo luật sư Đỗ Minh Hiển, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý.
Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Còn theo ông Bùi Thanh Tú, khách hàng cần thật bình tĩnh khi đặt combo du lịch.
"Hiện có nhiều cách để tham khảo trước khi đặt, nếu khách đặt với cá nhân trên mạng xã hội, hãy kiểm tra thông tin người đó. Nếu đối tượng lừa đảo, thông tin của chúng sẽ có ít cập nhật và bạn bè. Tiếp đó, hãy hỏi người bán làm cho công ty nào, hoặc cộng tác viên của bên nào để gọi xác minh", ông Tú nói.
Trong trường hợp làm việc với công ty, ông Tú nhấn mạnh nên làm việc với các bên có email chính thức của công ty chứ không phải các loại email miễn phí.
Sơn Tùng, quản lý khách sạn Hanoi La Selva Central cho rằng để biết cách tránh lừa đảo, du khách cần hiểu giá trị của sản phẩm du lịch.
"Bạn không nên để từ giá rẻ thu hút. Mỗi sản phẩm ở các cấp độ khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, đều có những mức giá hợp lý để khác hàng cân nhắc.
Với những người sành du lịch chút, họ sẽ tự tìm hiểu về một tour, khách sạn, resort nhất định để xác định được tầm giá. Sau đó, họ mới tìm đến những đại lý lữ hành để có mức giá tốt hơn (nếu có) và sự đảm bảo, đồng hành của một bên thứ 3", anh này nhấn mạnh.
Để lại bình luận
5