- Review phim Lừa đểu gặp lừa đảo: Vui, cưng và hay xỉu
- Review nội dung phim Âm Dương Sư - Ngôn tình, đam mỹ, ma mị đầy sức quyến rũ
- Review phim Gái già lắm chiêu V: Nỗi khổ của người giàu
- Thời lượng: 128 phút
- Đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng & Trấn Thành
- Diễn viên: Trấn Thành, Tuấn Trần, Ngân Chi, NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Lan Phương
- Quốc gia: Việt Nam
- Thể loại: Tình cảm, Tâm lý, Hài hước
- Khởi chiếu: 05/03/2021
Tuy nhiên nội dung của bản chiếu rạp lại hoàn toàn khác biệt, trừ 2 nhân vật chính của phim là Trấn Thành và Tuấn Trần. Bộ phim này được PR vô cùng mạnh mẽ bởi những tên tuổi hàng đầu của showbiz Việt hiện nay và dù bị dời lịch chiếu do Covid-19 nhưng khi được chiếu lại, phim vẫn hot một cách chóng mặt. Tất cả các rạp đều full kín chỗ, nhiều người xếp hàng mua vé phải ra về trong sự tiếc nuối vì đã hết vé. Nào, hãy cùng mình review bộ phim này và tìm hiểu xem liệu rằng phim có hay thực sự không nhé!
Cốt truyện: Bố già là câu chuyện xoay quanh gia đình 4 anh em ruột Giàu, Sang, Phú, Quý, trong đó ông Sang là người khác biệt nhất khi luôn lo chuyện bao đồng và giúp đỡ người khác. Con trai ông là Quắn là một thanh niên thức thời, kiếm tiền bằng Youtube nhưng rất thương cha và em gái mình. Chứng kiến cảnh cha và nhà mình bị người ngoài và thậm chí là cả những người thân trong gia đình ức hiếp, Quắn liên tục cãi nhau với ông Sang. Liệu rằng mâu thuẫn của hai cha con sẽ đi về đâu? Xem phim để có câu trả lời các bạn nhé.
Tóm tắt nội dung phim Bố già: Lấy bối cảnh chính ở xóm lao động giữa trung tâm Sài Gòn, phim có câu chuyện độc lập, dàn nhân vật khác biệt so với bản gốc. Bố già không đi theo một sườn kịch bản với tuyến truyện rõ rệt, mà tập hợp những lát cắt đời thường, gần gũi. Phim chọn điểm nhìn từ Ba Sang (Trấn Thành) - một người cha đơn thân làm đủ nghề nuôi hai con. Tính thích bao đồng, hay giúp đỡ người khác, dù là kẻ cả xóm khinh ghét, ông Sang thường tự chuốc phiền phức vào thân. Ông có thể hà tiện với con một chai dầu gội, nhưng sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng cứu người em bị giang hồ đòi nợ. Đối lập cha - Quắn (Tuấn Trần) - sống tự lập, không quan tâm đến xung quanh.
Một phần ba đầu của phim là những mẩu chuyện giúp người xem hiểu về cuộc sống hai nhân vật chính. Giữa khu xóm ồn ào, rối ren, vợ chồng cãi nhau như cơm bữa, khoảng cách giữa hai thế hệ lộ rõ. Là dân lao động, Ba Sang thường xuyên bị con trai - chuyên làm vlog phát Youtube - chọc giận vì những trò trái khoáy. Ngược lại, Quắn nhiều phen mệt mỏi với tính tiết kiệm quá mức của cha. Những cuộc cãi vã nhỏ dần tích tụ thành mâu thuẫn khó hàn gắn của hai cha con, cho đến khi biến cố xảy ra.
Không có kịch bản giàu tình tiết, phim phát huy ưu thế ở lối thoại đậm chất đời thường. Là đồng biên kịch, Trấn Thành để lại dấu ấn qua cách các nhân vật tranh luận theo lối chơi chữ. Có đoạn, cha con Ba Sang đối đáp nhau qua bàn ăn kéo dài nhiều phút vẫn cuốn hút người xem. Ở những cảnh sâu lắng, phim ghi điểm nhờ thoại cô đọng, gãy gọn. Những câu đậm tính triết lý nhà Phật cũng được gửi gắm để làm dày thêm ý tưởng đạo diễn, như lời một nhân vật cuối phim: "Hãy trả lại sự cân bằng cho vạn vật. Phải những điều đau khổ mới có những điều tốt đẹp".
Sau khi xem xong Bố già, mình phải khẳng định rằng thành công của phim hoàn toàn xứng đáng. Bỏ qua chuyện phim được ưu ái hơn trong số lượng khung giờ chiếu cũng như chiến dịch PR cho phim siêu mạnh thì chất lượng của phim chính là thứ giúp phim hút khách vì nó khá tốt so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt, đặc biệt cốt truyện của Bố già cực kỳ an toàn, bảo đảm làm hài lòng được tất cả khán giả đến rạp nhờ vào sự kết hợp nhuần nhuyễn của 2 yếu tố trái ngược nhau: hài và bi.
Một điểm nữa mà phim "Bố già" làm rất tốt đó chính là sự trau chuốt trong lời thoại của từng nhân vật. mình cực kỳ ấn tượng với từng câu, từng chữ mà các nhân vật nói ra với nhau, thoạt đầu nghe nó rất tự nhiên, rất đơn giản nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy đội ngũ biên kịch đã lựa chọn câu từ rất kỹ với việc tạo ra vần điệu, chơi chữ, punchline và thậm chí còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa ẩn dụ, tương tự như cách mà rapper dạo giờ hay xài luôn nè các bạn. Câu từ hay, diễn xuất chuẩn, tự dưng xem những cảnh như vậy đã ghê các bạn ạ.
Theo mình, nội dung của phim Bố già như thể được chắp ghép từ những mẩu chuyện nhỏ của gia đình và họ hàng nhà ông Sang nên nhiều khi xem, bạn sẽ cảm thấy có chút gì đó rời rạc và không giống một bộ phim điện ảnh. Tuy nhiên, nhờ việc cài cắm tinh tế và liên tục các tình huống hài và bi trên cơ sở mô tip câu chuyện rất quen thuộc về tình cha con nên khán giả sẽ quên đi mọi điểm yếu của phim và thứ duy nhất đọng lại chính là những thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cha con. Phim có những tình tiết vô cùng đắt giá về thứ tình cảm này, đơn cử như có một phân cảnh mà dù đó là câu chửi tục nhưng vẫn khiến khán giả rùng mình, rơm rớm lệ hoặc nếu ai nhạy cảm thì có thể khóc trôi cả son.
Trấn Thành quá am hiểu công thức để tạo ra sự hài lòng và thỏa mãn cho khán giả khi ra rạp nên ở Bố già hội tụ đủ mọi thứ khán giả Việt yêu cầu. Phim vẫn bảo đảm được chất giải trí, vừa đáp ứng được yêu cầu truyền tải thông điệp, vừa đẩy được cảm xúc của người xem, đồng thời mang đến cho khán giả những cảnh quay đẹp, những màn tung hứng ăn ý của các diễn viên nổi tiếng và những bài nhạc hay. Không chỉ vậy, phim còn phản ánh chất đời thường của Sài Gòn (thậm chí còn đời hơn cả phim Ròm) và hội tụ nhiều khúc bẻ lái tương đối bất ngờ, đặc biệt có 1 plot twist khá tương đồng với phim Gái già lắm chiêu V – là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Bố già vì cả hai ra rạp cùng ngày với nhau luôn í.
Tuy nhiên, nếu ca ngợi phim Bố già là một tuyệt phẩm thì e rằng vẫn hơi bị quá lời. Kịch bản của phim quen thuộc đến nỗi mà chúng ta có thể dễ dàng đoán ra đường đi nước bước của câu chuyện và mọi tình tiết lặp lại theo hướng suy nghĩ thông thường của một phim Việt Nam. Nếu bạn để ý kỹ, toàn bộ câu chuyện của Bố già chỉ là tập hợp của đâu đó 9-10 cảnh cãi nhau, từ cha – con, họ hàng – làng xóm để dẫn đến kết cục là đập phá, tức giận rồi ngay ở cảnh sau lại nhanh chóng làm lành và chuẩn bị cho một trận cãi nhau sắp tới.
Bên cạnh đó, phim vẫn tồn tại rất nhiều tình tiết vô lý, phi logic, sai lệch về bối cảnh và câu chuyện của Bố già được phát triển theo hướng hơi kịch tính hóa, xa rời thực tế. Yếu tố hài hước của phim thực sự đã quá cũ, không có nét sáng tạo nên khó lòng khiến những khán giả khó tính hài lòng ở mảng này (mình chỉ cười duy nhất ở một cảnh mà tên đòi nợ thuê đến nhà ông Sang thôi nè các bạn ơi, khó tính quá đi).
Ngoài ra, dù Bố già khá hấp dẫn và cuốn hút từ đầu đến cuối phim nhưng phải thừa nhận rằng phim vẫn có nhiều tình tiết khá dài dòng, không có ý nghĩa và giải quyết quá chóng vánh. Phim có những nhân vật, những từ ngữ, những cách hành xử không phù hợp lắm đối với những khán giả trên trẻ, đặc biệt là chưa đủ tuổi thành niên. Do vậy, mình sẽ chấm phần này 7/10 các bạn nhé.
Hình ảnh – Âm thanh: Mặc dù bối cảnh và tạo hình nhân vật có vẻ hơi kịch nhưng theo mình nhìn chung phần nhìn của phim Bố già thực sự rất tốt. Dưới bàn tay của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và ekip, người xem được chiêm ngưỡng rất nhiều góc quay nghệ thuật với những cú lia máy gần xa, chéo ngang và những cảnh quay slo-motion để lại rất nhiều cảm xúc. Song song với phần nhìn, phần âm thanh của phim cũng làm rất tốt vai trò đẩy cảm xúc người xem khi mang đến 2 ca khúc hợp với phim kinh khủng khiếp, nghe là đã muốn khóc rồi dù sự xuất hiện của chúng chưa thực sự tự nhiên lắm. Vì thế, mình chấm phần này 8/10 các bạn nha.
Diễn xuất: Đây là điểm sáng nhất của phim Bố già khi phim quy tụ dàn sao cực kỳ chất lượng với lối diễn xuất vô cùng tự nhiên duyên dáng, diễn như không cần phải diễn. Các diễn viên đều làm tốt như chính cách họ thể hiện cho khán giả xem trước đây nhưng theo mình diễn viên nổi bật nhất của Bố già chính là Tuấn Trần. Mình thực sự rất bất ngờ trước lối diễn xuất vô cùng chân thật, đặc biệt trong việc đài từ, nghe như thể đi từ tận tâm cốt của anh đi ra, lại còn chất như đọc rap nữa. Chưa kể đến anh chàng này có những pha độc diễn trước máy quay cực kỳ xuất sắc, cho thấy được sự nhập vai tuyệt vời của anh chàng có nét Hàn Quốc này trong phim. Do đó, mình chấm phần diễn xuất 8.5/10 luôn các bạn ơi.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: Chưa đánh giá
- Google: Chưa đánh giá
- Galaxy Cinema: 7.9/10
Tóm lại, Bố già phiên bản điện ảnh là một bộ phim an toàn và đủ sức làm hài lòng mọi khán giả khi đến rạp xem nhờ vào câu chuyện quen thuộc nhưng kết hợp được yếu tố hài và bi lại thành một tổng thể hợp nhất, bổ trợ và liên kết chặt chẽ với nhau. Phim không quá xuất sắc nhưng mình tin rằng Bố già sẽ lập nên những kỷ lục mới cho điện ảnh Việt Nam bởi vì phim đang hội tụ đủ cả 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để bứt phá trong bối cảnh đất nước đang dần kiểm soát được đợt lây lan Covid-19 lần thứ 3.
Để lại bình luận
5