Sau ngày 21/12/2012 (từng được đồn là ngày tận thế theo lịch của người Maya cổ) mà nhân loại vẫn bình yên, nhiều bộ phim với đề tài hậu tận thế lại ra mắt. Trong năm qua, Hollywood đã sản xuất gần chục bộ phim khai thác chủ đề này. Snowpiercer của đạo diễn Hàn Quốc, Bong Joon-ho, cũng là một tác phẩm với bối cảnh Trái Đất sau ngày tận thế, trở về Kỷ Băng Hà nhưng khai thác những khía cạnh khác về xã hội, con người. Là một bộ phim của xứ kim chi nhưng phim quy tụ nhiều ngôi sao Hollywood như “Captain America” Chris Evans, diễn viên từng giành giải Oscar - Octavia Spencer, ngôi sao gạo cội Ed Harris hay minh tinh người Anh Tilda Swinton.
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết truyện tranh Le Transperceneige của ba tác giả người Pháp, Snowpiercer lấy bối cảnh thế giới năm 2031. Sau thất bại trong nỗ lực khắc phục sự nóng lên toàn cầu, Trái Đất trở về Kỷ Băng Hà và khắp nơi bao phủ tuyết trắng, loài người đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Những người may mắn sống sót cùng ở trên con tàu mang tên Snowpiercer với động cơ vĩnh cửu. Con tàu giống như một xã hội thu nhỏ, phân biệt rõ toa trên của người giàu còn những người nghèo ở toa dưới cùng.
Quá mệt mỏi dưới chế độ của Mr. Wilford, chủ của con tàu và là người nắm giữ bí mật về động cơ vĩnh cửu; chàng trai Curtis (Chris Evans) lãnh đạo những người nghèo sống ở toa sau của con tàu làm cuộc nổi dậy lật đổ tầng lớp thượng lưu sống ở toa trước. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của họ đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách và cả những tổn thất. Với sự giúp đỡ của chuyên gia phá khóa người Hàn Quốc, Nam Goong Min Su (Song Kang-ho), và cô con gái của anh ta là Yona (Ah-Sung Ko); Curtis tìm cách tiếp cận Wilford…
Ở những bộ phim trước như Memories of a Murder, The Host (Quái vật sông Hàn) hay Mother, Bong Joon-ho đã tạo không khí kịch tính, gây tò mò ngay từ đầu và lần này cũng vậy. Tiếng con tàu chạy, những cánh cửa toa được khóa để ngăn người từ toa dưới lên toa trên, những người dân sống ở toa cuối như một khu ổ chuột, ngày ngày nhận thức ăn là một thanh protein đen sì từ Ngài Wilford... tất cả tạo nên một không khí ảm đạm, u ám và đưa người xem bước vào cuộc hành trình của Curtis.
Chuyến tàu Snowpiercer tượng trưng cho một xã hội thu nhỏ. Ở đó có kẻ giàu, người nghèo, có tầng lớp thượng lưu với cuộc sống sung túc, đầy đủ, xa hoa trong khi tầng lớp dưới cùng chịu cảnh đói khát, bẩn thỉu và bị coi thường. Hình ảnh ẩn dụ trong câu thoại của nhân vật Mason đầy tính thuyết phục: “Vị trí của những chiếc mũ luôn là ở trên đầu còn những chiếc giày thì luôn nằm dưới chân. Giày không thể đặt trên đầu”. Khi mà thế giới lụi tàn và con người phải đối mặt với thảm họa diệt vong, sự phân cấp xã hội vẫn còn rõ nét với những luật lệ bất công. Hàng trăm khối thép di chuyển như một con trăn khổng lồ giữa tuyết trắng và bên trong đó là cuộc chiến khốc liệt diễn ra giữa hai giai cấp đối lập.
Nhân vật Curtis là biểu tượng người anh hùng xuất thân từ thân phận thấp hèn. Anh khao khát sự bình đẳng và quyết tâm đi đến tận cùng của toa hạng nhất để tiếp cận với Ngài Wilford. Hành trình của anh trải qua nhiều thử thách với những cuộc đối đầu đẫm máu với các binh lính bảo vệ khoang hạng nhất cũng như động cơ vĩnh cửu. Hình tượng chuyến tàu với cuộc hành trình vĩnh cửu không có điểm dừng tượng trưng cho một thế giới nhìn ngoài có vẻ như an toàn nhưng lại không có lối thoát, bế tắc.
Bong Joon-ho cũng sử dụng nhiều hình ảnh đối lập như thế giới xa hoa, phù phiếm của khoang trên với những chiếc giường tạm bợ ở toa cuối; tiếng súng đạn, khói lửa bên trong con tàu với không gian rộng lớn, lạnh lẽo của thế giới bên ngoài… Chính những hình ảnh đó biểu trưng cho sự cân bằng của xã hội ở bất kỳ đâu, khi mà cái thiện và cái ác, sự sống và cái chết cùng tồn tại song song không thể tách rời.
Snowpiercer quy tụ nhiều ngôi sao Hollywood tham gia trong “chuyến tàu” đẫm máu này. Nếu không nhìn tên diễn viên từ đầu, khán giả sẽ khó có thể nhận ra tài tử điển trai Chris Evans. Trong bộ phim này, anh “lột xác” hoàn toàn so với hình ảnh Captain America để vào vai một cư dân khu ổ chuột “tức nước vỡ bờ” làm thủ lĩnh cuộc nổi dậy. Khán giả cũng sẽ gặp lại hai diễn viên Hàn Quốc Song Kang-ho và Ko Ah-Sung. Đây là hai diễn viên từng đóng vai hai cha con trong phim Quái vật sông Hàn cũng của Bong Joon-ho vào năm 2006. Cô bé con Ko Ah-Sung nay đã lớn và có nhiều đổi khác về ngoại hình nhưng đôi mắt cá tính, sắc bén vẫn không hề thay đổi và để lại nhiều dấu ấn cho người xem.
Tuy nhiên, đỉnh cao về diễn xuất trong Snowpiercer là nữ diễn viên Tilda Swinton. Trong vai một bộ trưởng của chuyến tàu, minh tinh người Anh thể hiện đẳng cấp và lối diễn xuất biến hóa tài tình mà khán giả sẽ phải thán phục. Nhân vật Mason thường xuyên qua lại giữa các toa tàu để theo dõi tình hình cuộc sống của từng giai cấp và báo cáo lại với Ngài Wilford. Từ điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, dáng vẻ và cả những câu thoại đắt giá mà Tilda Swinton thể hiện biến Mason trở thành nhân vật thú vị nhất trong Snowpiercer, áp đảo cả Chris Evans, Ed Harris, Jamie Bell hay nữ diễn viên da màu Octavia Spencer.
Mặc dù đoạn kết hơi mang tính kể lể dài dòng, cần tiết chế hơn lời thoại, về tổng thể, Snowpiercer vẫn là một tác phẩm xuất sắc của điện ảnh châu Á trong năm nay. Không chỉ có một câu chuyện kịch tính, nghẹt thở; Bong Joon-ho cùng đoàn phim của mình còn đem tới cho khán giả những trải nghiệm thực sự mãn nhãn tới thế giới hậu tận thế, khi mọi thứ chìm vào băng giá. Khung cảnh Trái Đất nhìn từ những ô cửa sổ của toa tàu được dàn dựng rất huy hoàng, hùng tráng với hiệu ứng đẹp mắt. Mang dáng dấp của một phim Hollywood nhưng cái “hồn” của Snowpiercer vẫn đậm nét văn hóa châu Á khi khai thác mạnh vào yếu tố cảm xúc con người.
Phim đem tới nhiều thông điệp về cuộc sống với những sự chua chát, châm biếm mà mỗi người có thể tự nhận thấy qua từng cảnh phim nhưng nổi cộm lên vẫn là câu chuyện về sự thay đổi, về sự hủy diệt những cái cũ để cái mới lên ngôi. Mọi thứ trong cuộc sống này đến một lúc nào đó cũng sẽ lụi tàn, nhường chỗ cho sự hồi sinh và đó cũng là lẽ cân bằng của tự nhiên.
Chuyến tàu băng giá - Snowpiercer khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 6/12. Vì có khá nhiều cảnh quay táo bạo, ghê rợn nên phim không dành cho khán giả dưới 16 tuổi.
(Reviews365 tổng hợp)
Để lại bình luận
5