- Nuôi dạy bé từ 0 đến 6 tuổi: "Thay đổi cách nói con sẽ nghe lời"
- Muốn vợ chồng hạnh phúc, nên làm 9 điều này trước khi đi ngủ
1. Khen ngợi nỗ lực của trẻ, không khen trẻ thông minh
Hãy dành lời khen tặng cho việc mà trẻ có thể dễ dàng kiểm soát – cho phần nỗ lực mà trẻ dùng để làm việc đó. Điều này dạy cho trẻ biết kiên trì, bền bỉ và rằng sự tiến bộ luôn là điều có thể đạt được thông qua quá trình cố gắng thực hiện.
Trong cuốn “NurtureShock: New Thingking about Children”, hai tác giả Po Bronson và Ashley Merryman viết: “Nhấn mạnh vào nỗ lực của trẻ giúp trẻ có được một lựa chọn mà chúng hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát. Trẻ sẽ nhận ra chính bản thân mình là người kiểm soát được thành công của mình. Nhấn mạnh trí thông minh bẩm sinh khiến trẻ không có được sự kiểm soát đó và hơn thế, nó còn không đem lại lợi ích gì cho trẻ trong việc phản ứng trước thất bại”.
Nhưng khen ngợi quá nhiều cũng có thể trở thành vấn đề. Nếu sự kiên trì của một đứa trẻ chỉ dựa trên những phần thưởng như khen ngợi thì khi “những lời có cánh” không còn nữa, nỗ lực của trẻ cũng sẽ dừng lại. Điều tốt nhất nên làm là gì? Bạn hãy khen ngợi trẻ tùy nơi tùy lúc. Quan trọng là sự củng cố gián đoạn. Não sẽ học được rằng những khoảng thời gian khó chịu hoàn toàn có thể vượt qua.
2. Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc
Mất một giờ ngủ sẽ làm giảm trí thông minh của trẻ học lớp 6 xuống ngang với trí thông minh của trẻ học lớp 4. Nói cách khác, một học sinh lớp 6 hơi thiếu ngủ sẽ thể hiện như một học sinh lớp 4 trên lớp. Nhiều nghiên cứu khẳng định, ảnh hưởng của giấc ngủ thực sự có thể đo đếm được. Cứ mỗi 1 giờ thiếu ngủ tương đương với việc bị mất đi 2 năm trưởng thành và phát triển về nhận thức. Cha mẹ cần chú ý điều này khi nuôi dạy con.
Nếu tình trạng thiếu ngủ kéo dài, nó có thể gây ra những vấn đề nan giải. Hiện tượng hay cáu kỉnh, gắt gỏng ở tuổi thiếu niên thực sự do thiếu ngủ triền miên gây ra. Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết: rắc rối liên quan tới giấc ngủ trong những năm định hình có thể là thủ phạm cho những thay đổi vĩnh viễn trong cấu trúc não trẻ dưới dạng những tổn thương. Thậm chí, rất có thể những đặc điểm đặc trưng trong thời niên thiếu như tâm trạng thay đổi thất thường, trầm cảm, sự thèm ăn quá đà về bản chất đều là triệu chứng của thiếu ngủ mạn tính.
Bên cạnh đó, ngủ quá muộn vào cuối tuần cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe của trẻ. Theo nghiên cứu, thức khuya vào hai ngày cuối tuần khiến sụt giảm 7 điểm IQ – tương đương với hậu quả của tình trạng phơi nhiễm chì. Một điều tra trên 3.000 học sinh cấp 3 ở Rhode Island cũng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa giấc ngủ và điểm số. Học sinh nhận được điểm A trung bình ngủ nhiều hơn 15 phút so với học sinh đạt điểm B. Tương tự với trường hợp học sinh đạt điểm B và điểm C.
3. Nuôi dạy con thành thật
Nói với trẻ rằng sự thật khiến bạn vui, chứ không phải một câu trả lời đẹp đẽ, phù hợp, bạn sẽ có nhiều cơ hội được trẻ chia sẻ sự thật hơn.
Nếu bạn nói với con: “Mẹ sẽ không buồn đâu nếu con nhìn trộm bài bạn. Và nếu con nói thật cho mẹ biết, mẹ sẽ cảm thấy thực sự vui mừng”, nó sẽ đem lại hiệu quả lớn. Bởi đây là một lời đề nghị cho thấy bạn hoàn toàn hiểu ai cũng có khả năng làm điều xấu đồng thời lại đưa ra con đường rút rõ ràng để trẻ trở về với con đường đúng.
Một mẹo nhỏ giúp trẻ thành thật hơn là dùng câu nói: “Mẹ đang định hỏi con một câu hỏi. Nhưng trước khi mẹ hỏi, con sẽ hứa với mẹ là nói thật chứ?”. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết câu hỏi này tất nhiên đều nhận được câu trả lời đồng ý từ trẻ. Lời hứa nói sự thật thực sự giúp trẻ giảm 25% khả năng nói dối.
4. Trẻ cần các quy tắc
Trẻ trở nên hoang dã và vướng vào rắc rối phần lớn do cha mẹ không đề ra các quy tắc hay tiêu chuẩn. Đó là những phụ huynh yêu thương và luôn chấp nhận cho dù đứa trẻ đó có làm gì đi chăng nữa. Nhưng trẻ lại coi việc thiếu quy tắc là dấu hiệu cho thấy cha mẹ không thực sự quan tâm tới mình.
Những phụ huynh đặt ra quy tắc nền tảng và kiên trì củng cố chúng thuộc nhóm cha mẹ ấm áp nhất khi đối xử với con. Họ thường xuyên trò chuyện với con cái. Và con họ cũng thuộc nhóm trẻ ít nói dối nhất. Điểm mấu chốt là họ đưa ra một số quy tắc trong vài lĩnh vực ảnh hưởng quan trọng nhất định và luôn giải thích vì sao lại cần quy tắc đó. Họ trông chờ con mình sẽ tuân thủ quy tắc. Trong những khía cạnh khác của đời sống, họ luôn ủng hộ quyền tự quyết của con, cho phép trẻ tự do đưa ra quyết định của riêng chúng. Theo nghiên cứu, thay vì giấu cha mẹ 12 vấn đề khác nhau thì con của những phụ huynh đề ra nguyên tắc rõ ràng chỉ giữ cho riêng mình 5 chuyện không muốn nói.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn nên làm một Mẹ Hổ. Phụ huynh kiểm soát con quá nhiều sẽ khiến trẻ cảm thấy buồn chán. Và những đứa trẻ buồn chán thì dễ sa đà vào rượu chè, ma túy.
5. Tranh luận với lứa tuổi teen là bình thường – và mang lại lợi ích
Mâu thuẫn ở mức vừa phải với trẻ ở độ tuổi teen giúp tạo ra sự thích nghi tốt hơn là không làm gì cả. Tiến sĩ Judith Smetana thuộc Đại học Rochester, trưởng nhóm nghiên cứu về teen, xác nhận rằng, xét về lâu dài, mâu thuẫn vừa phải với cha mẹ (trong thời kỳ trưởng thành) có liên quan tới khả năng thích nghi tốt hơn trong đời sống thay vì duy trì quan hệ không mâu thuẫn hoặc thường xuyên mâu thuẫn.
Hơn 3/4 teen-girl cảm thấy tranh cãi với mẹ giúp củng cố mối quan hệ mẹ con. Chỉ có 23% teen-girl cho rằng những cuộc tranh cãi đó làm xấu quan hệ mẹ con. Quan niệm của teen về những tranh cãi với cha mẹ thực sự khá phức tạp. Họ coi đó là cách để nhìn cha mẹ theo một cách mới mẻ.
6. Tranh cãi trước mặt trẻ có thể tốt
Thêm một nguyên tắc nuôi dạy con đó là cha mẹ tranh cãi trước mặt con cái không có gì xấu – nếu trẻ trực tiếp nhìn thấy cách hai người lớn giải quyết tranh cãi. Nếu có khúc mắc với nhau và vợ chồng bạn lại đề nghị con đi chỗ khác trước khi vấn đề được giải quyết, đó mới là việc làm không tốt.
Một nghiên cứu cho thấy, khi đoạn băng ghi lại một màn “đấu đá” của 2 phụ huynh dừng lại giữa chừng, nó tác động rất tiêu cực tới tâm trạng trẻ. Nhưng nếu trẻ được phép xem hết đoạn băng với kết cục mâu thuẫn được hóa giải, trẻ lập tức bình tĩnh trở lại.
Cuộc tranh cãi có thể thực sự rất căng thẳng nhưng chỉ cần nó được giải quyết thì trẻ vẫn cảm thấy ổn. Tất nhiên, điều cần đặc biệt chú ý là cuộc tranh cãi phải không bị đẩy tới mức quá đáng, những lời miệt thị, xúc phạm đối phương cần tuyệt đối tránh và mâu thuẫn được giải quyết trong tình cảm. Như thế, cảm giác an toàn của trẻ sẽ được cải thiện. Hành vi xã hội của trẻ cũng nhờ đó, được tăng cường. Bài học quan trọng nhất mà trẻ sẽ rút ra sau khi có cơ hội chứng kiến màn mẫu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn của cha mẹ là: Không thể tránh khỏi bất đồng, nhưng cách hóa giải mới là điều đáng nói.
Để lại bình luận
5