Với nhiều năm kinh nghiệm của một nhà giáo, bà BARBARA COLOROSO tiến hành phân tích kỹ càng vấn nạn bắt nạt học đường với những câu chuyện có thật trong chính cuộc sống mà mỗi ngày vẫn đang diễn ra trên toàn thế giới, thành phần của một vòng tròn bắt nạt cũng như cách để phụ huynh tiếp cận và ngăn chặn vấn nạn này, bảo vệ con em của họ. Đây được xem như một cẩm nang toàn diện-chìa khóa vàng không thể thiếu cho các bậc phụ huynh.

Tác giả Barbara Coloroso

Barbara Coloroso là một diễn giả được công nhận trên thế giới, đồng thời là nhà cố vấn về cách nuôi dạy con, kỷ luật trường học… Bà từng là nhân vật được nhắc đến trên New York Times, U.S. New & World Report, Newsweek…

Barbara Coloroso là tác giả của 4 bốn cuốn sách bán chạy trên toàn cầu:

  • Kids are worth it! Giving Your Child the Gifl of Inner Discipline (4 món quà tặng con: Tự giác, Nhân ái, Kiên định, Có trách nhiệm);
  • Parent Through Crisis – Helping Kids in Times of Loss, Grief and Change:
  • The Bully, the Bullied, and the Bystander – From Pre-School to High School, How Parents and Teachers Can Help Break the Cycle of Violence;
  • Just Because It’s Not Wrong Doesn’t Make It Right – From Tolddlers to Teens, Teaching Kids to Think and Act Ethically.
Ba mẹ ơi con bị bắt nạt: Chìa khóa vàng bảo vệ con khỏi bị bắt nạt học đường
Ba mẹ ơi con bị bắt nạt: Chìa khóa vàng bảo vệ con khỏi bị bắt nạt học đường

Nội dung sách “Ba mẹ ơi con bị bắt nạt”

Như đã nói, đây như một cẩm nang dành cho các bậc làm cha mẹ để bảo vệ con em khỏi nạn bắt nạt học đường, bằng những câu chuyện thực tiễn và sinh động, thúc đẩy sự suy ngẫm và hành động của chính các bậc phụ huynh.

“Ba mẹ ơi con bị bắt nạt” được tác giả chia làm hai phần chính. Phần đầu gồm có bảy chương, với hàng loạt những vụ bắt nạt diễn ra trên toàn thế giới, hiện trạng và hậu quả của nó, những thành phần của một vòng tròn bắt nạt, quá trình cụ thể và diễn biến tâm lý của từng thành phần trong một vụ bắt nạt.

Bảy chương đầu tiên như một phóng sự dài mô tả khách quan, lý tính, toàn diện về mọi mặt của bắt nạt trên thế giới. Có rất nhiều cái chết, rất nhiều tranh cãi, những sự việc đau lòng xảy đến với những người yếu thế.  Đồng thời, phần này còn nêu rõ cả những hậu quả đau lòng của chính những kẻ gây nỗi đau cho người khác phải gánh chịu. Chúng ta đã bắt gặp nhiều câu chuyện tương tự trên các mặt báo, truyền hình, nhưng đa phần là thông tin lướt qua, nỗi ám ảnh không đậm và sâu như cái cách mà tác giả bắt chúng ta đối mặt khi lật giở từng trang sách bằng hàng loạt những thống kê cụ thể, với những con số cụ thể.

Qua những con số được thống kê một cách khoa học đã chỉ ra bắt nạt học đường không chỉ là sự mâu thuẫn nhỏ nhoi giữa những đứa trẻ mà đó là một vấn đề thực sự nghiêm trọng và là những mầm mống đáng sợ, như bệnh dịch ăn mòn đạo đức, nhân cách của một con người. Kể cả khi đó là kẻ bắt nạt hay bị bắt nạt thì nếu đứa trẻ đó sống trong vòng tròn bắt nạt đến khi trưởng thành, với những méo mó trong tâm hồn lẫn thể xác chính các em sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến xã hội, thậm chí là mang đến những vụ giết người hàng loạt chấn động toàn thế giới.

Phần hai chính là phần trọng tâm của quyển sách này, gồm có 7 chương, ba chương đầu tập trung xác định những loại gia đình như thế nào dễ sản sinh ra những thành phần của vòng tròn bắt nạt; làm sao để biết được có kẻ bắt nạt hoặc bị bắt nạt trong gia đình chúng ta hay không? Nếu có thì chúng ta phải làm gì để đối mặt với điều này? Chương 11 chỉ cho chúng ta cách để biến những kẻ bàng quan trở thành người dũng cảm. Hai chương còn lại thiên về những việc mà phụ huynh, nhà trường và xã hội có thể làm để cho con em mình có một môi trường sống và học tập ưu tú nhất.

Ba mẹ ơi con bị bắt nạt: Chìa khóa vàng bảo vệ con khỏi bị bắt nạt học đường
Ba mẹ ơi con bị bắt nạt: Chìa khóa vàng bảo vệ con khỏi bị bắt nạt học đường

Ở phần này, tác giả cũng xác định để giải quyết triệt để vấn nạn bắt nạt thì xuất phát điểm của chúng ta là chính mỗi gia đình. Tác giả trình bày ba loại hình gia đình điển hình trong xã hội là: gia đình tường gạch, gia đình sứa và gia đình xương sống. Việc nắm được định nghĩa về từng loại gia đình vừa nêu là vô cùng quan trọng bởi loại hình gia đình thế nào sẽ tạo ra những đứa trẻ có đúng bản chất của loại gia đình ấy

Gia đình tường gạch nặng về sự tuân phục mệnh lệnh, kiểm soát, vâng lời. Ở đây, trẻ em bị thao túng, những cảm xúc của trẻ bị phớt lờ, bị chế nhạo hoặc phủ nhận. Đặc biệt cha mẹ luôn điều khiển, giám sát, giáo huấn, ra lệnh đối với trẻ. Từ đó những đứa trẻ có khuynh hướng trở thành kẻ bắt nạt bởi một số em sẽ tìm kiếm người khác để kiểm soát như cách các em bị kiểm soát; một số khác dễ trở thành kẻ bị bắt nạt bởi đã quen phục tùng và một số trẻ sẽ trở nên yếu đuối đến nỗi các em không còn nguồn lực ở bên trong để có thể mạnh mẽ chống lại kẻ bắt nạt hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đối với gia đình sứa, đây được xem như loại gia đình tương phản với gia đình gạch nhưng vẫn là kiểu gia đình thiếu một cấu trúc vững chắc. Trong kiểm gia đình này, không khí dễ dãi và không can thiệp chiếm ưu thế. Trẻ em bị bao bọc hoặc là bị bỏ mặc, bị làm cho xấu hổ, thưởng phạt hoặc đe dọa, hối lộ. Và cũng như gia đình tường gạch, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình sứa có khả năng cao tham gia vào vòng tròn bắt nạt. Những đứa trẻ có hành vi hung hăng không bị kiềm chế có thể điều khiển gia đình làm cho cha mẹ anh chị em ruột phải sợ hãi, một số khác bị chi phối bởi cảm giác mất mát sâu sắc, không có nguồn lực nào để bảo vệ chính mình trước một kẻ bắt nạt. Một số bé sẵn sàng tham gia vào một vụ bắt nạt để được kết nối với một người nào đó, và một số trẻ khác sẽ đứng ngoài cuộc, bất lực vì không dám làm gì để can thiệp, càng không dám hy vọng sự can thiệp của mình mang đến kết quả gì.

Với nội dung bám chặt vào thực tế, phần hai này sẽ đưa người đọc từng bước bước ra ánh sáng và nhìn thấu vấn đề nằm ở đâu để tiến hành giải quyết. Ở đây không chỉ đưa ra những giải pháp cho những bậc phụ huynh có con em bị bắt nạt mà còn có trường hợp khi con em là kẻ bắt nạt và kẻ tham gia hoặc thờ ơ khi chứng kiến vụ bắt nạt đó.

Ngoài 13 chương với nội dung trọng tâm là trình bày thực trạng và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất để các bậc phụ huynh cũng như nhà trường, những người trưởng thành có trách nhiệm bảo vệ những đứa trẻ có thể ngăn chặn sự bùng nổ mạnh mẽ của nạn bắt nạt học đường. Quyển sách “Ba mẹ ơi con bị bắt nạt” còn có 3 phần phụ lục “Đối phó với bắt nạt trên mạng, Các thuật ngữ Internet và mạng xã hội, Phản ứng với hành động trả thù bằng ảnh, video khiêu dâm”. Phần phụ lục này cung cấp cho chúng ta một lượng kiến thức lớn về thế giới của mạng xã hội, những điều cần học hỏi tại đây cũng như những vấn nạn cần tránh và các biện pháp đối phó. Đặc biệt các bậc cha mẹ có con em sớm tiếp xúc với internet và mạng xã hội thì không thể bỏ qua phần phụ lục này.

Ba mẹ ơi con bị bắt nạt: Chìa khóa vàng bảo vệ con khỏi bị bắt nạt học đường
Ba mẹ ơi con bị bắt nạt: Chìa khóa vàng bảo vệ con khỏi bị bắt nạt học đường

Ngày nay, việc trẻ em bị bắt nạt tại trường học đã trở thành một vấn nạn gây ra những hệ lụy nhức nhối trong chính cuộc sống của các em và gia đình, xã hội. Hàng ngày hàng giờ trên thế gi

ới này đã và đang xảy ra những vụ bắt nạt dẫn đến những hậu quả đau lòng. Những vụ tự vẫn, sả súng vào bạn học, thầy cô đã gieo rắc những nỗi ám ảnh kinh hoàng mà nguồn gốc bắt nguồn từ những vụ gây hấn, khủng bố cả về thể xác lẫn tinh thần. Ở Việt Nam, chúng ta không hề khó khăn để bắt gặp những video nữ sinh đánh nhau, nam sinh đánh bạn trong kí túc xá hoặc học sinh phổ thông thóa mạ nhau trên mạng xã hội

Đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại, nhìn nhận một cách nghiêm túc và sâu sắc về thực trạng này để tìm một con đường an toàn dẫn dắt con em chúng ta để các em không trở thành kẻ bắt nạt hoặc bị bắt nạt, cũng như kẻ bàng quan cổ vũ cho vấn nạn này.

Có thể nói, “Ba mẹ ơi con bị bắt nạt” không hổ với những thành tích mà quyển sách này đã tạo ra. Không chỉ là một quyển sách nghiên cứu đơn thuần, trong thời gian tới quyển sách này còn thế phát huy tác dụng nhiều hơn nữa, trở thành quyển sách “gối đầu nằm” cho các bậc làm cha làm mẹ có con em bước chân vào học đường.

Dù đã gây tiếng vang trong lĩnh vực giáo dục trên toàn thế giới nhưng ở Việt Nam “Ba mẹ ơi con bị bắt nạt” vẫn chưa thật sự được nhìn nhận đúng với giá trị của quyển sách. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh đang tìm kiếm một sự trợ giúp hữu ích để bảo vệ con em mình.

7, Theo Reviview 365 tổng hợp