Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh túi phình mạch máu não được ghi nhận.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nhi Thành Phố, Thành Nhân 3 tuổi, ngụ Vĩnh Long đang chơi với bạn thì đột ngột bị té xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Bé trai được gia đình khẩn trương đưa đi cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM trong tình trạng hôn mê.

Dựa vào kết quả xét nghiệm và chụp CT-scan sọ não tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện cháu bé có dấu hiệu xuất huyết rất nhiều dưới màng nhện. Sau khi bé được hồi sức ổn định, các bác sĩ chỉ định cho bé tiếp tục chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây ra căn bệnh đột quỵ nguy hiểm. Trùng khớp với những dự đoán ban đầu của các bác sĩ, kết quả nguyên nhân xuất huyết não chính là bé có túi phình mạch máu não.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã cấp cứu thành công cho bé trai 3 tuổi bị đột quỵ não
Hình ảnh túi phình mạch máu não của em bé 3 tuổi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Vốn dĩ, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở tuổi trẻ hơn.

"3 tuổi chính là độ tuổi trẻ nhất mắc bệnh túi phình mạch máu não đã được ghi nhận", bác sĩ Vũ cho biết.

Sau khi được hồi sức ổn định, bé được các bác sĩ khoa ngoại thần kinh lên kế hoạch điều trị nguyên nhân. Mục tiêu là tắc hoàn toàn túi phình, bằng cách đặt stent chuyển dòng để tránh tình trạng xuất huyết não thêm.

Theo bác sĩ Vũ, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố hội chẩn và ra quyết định đặt stent chuyển dòng cho bé để tắc hoàn toàn túi phình. Đây là một phương pháp điều trị kĩ thuật cao đã được triển khai tại bệnh viên Nhi Đồng Thành Phố hơn 2 năm nay. Đây là phương pháp không cần phải phẫu thuật.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã cấp cứu thành công cho bé trai 3 tuổi bị đột quỵ não
Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh đang xử trí túi phình mạch não tránh nguy cơ vỡ, xuất huyết và đột quỵ lần nữa. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa Ngoại Thần Kinh là người thực hiện việc luồn ống thông vào trong mạch máu của bệnh nhân qua lỗ chích kim rất nhỏ ở ngoài da, đi theo các mạch máu đến vị trí túi phình, sau đó thả stent chuyển dòng gây tắc túi phình. Đây là phương pháp kĩ thuật cao, giá tiền cho 1 ca thủ thuật rất cao, nhưng nhờ có chính sách Bảo hiểm y tế hỗ trợ, nên gia đình đã không phải tốn quá nhiều chi phí cho đợt điều trị. Đến nay, bé đã ổn định sức khoẻ, chuẩn bị xuất viện.

"Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được, thậm chí nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não nhanh chóng. Do bệnh rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng", bác sĩ Huỳnh Hữu Danh chia sẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong. Trường hợp bé trai mới 3 tuổi đã bị đột quỵ cảnh báo chúng ta không nên chủ quản cho rằng đây là căn bệnh chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Theo các chuyên gia ý tế, việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó …) là rất cần thiết để có thể kịp thời phát hiện bệnh và cứu tính mạng người bệnh.

Để phòng ngừa đột quỵ, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều nên thực hiện những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Theo Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

7, Theo Reviview 365 tổng hợp