Bác sĩ Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết chườm lạnh hoặc chườm nóng rất hiệu quả khi bị đau, chấn thương lưng, đầu gối, các khớp. Tùy loại chấn thương mà lựa chọn hình thức chườm phù hợp.

Chườm lạnh hay chườm nóng để giảm đau?

Chườm lạnh

Nếu chấn thương trong khi chơi bóng đá hoặc chạy bộ thì nên chọn cách này. Chườm lạnh giúp thu hẹp các mạch máu và giảm viêm, chủ yếu dùng khi đau cấp tính, viêm và các chấn thương mới. Chườm nóng trong tình huống này có thể gây tác dụng ngược vì làm tăng sưng, viêm.

Để chườm lạnh đạt hiệu quả cao, có thể sử dụng khăn lạnh, túi gel lạnh hoặc bọc đá vào khăn trước khi chườm lên khu vực bị tổn thương. Không chườm lạnh quá 20 phút để tránh làm tổn thương các mô.

Chườm nóng

Là cách tuyệt vời giúp kiểm soát các cơn đau mạn tính và chấn thương không viêm sưng. Chườm nóng làm tăng tuần hoàn và lưu lượng máu đến vùng tổn thương, từ đó giảm đau và giãn cơ, hiệu quả trong trường hợp căng hoặc cứng cơ. Không nên dùng sau khi tập thể dục.

Dùng chai nước nóng, túi chườm nóng hoặc dùng khăn nhúng nước ấm để chườm lên khu vực bị tổn thương. Nhiệt độ trung bình để chườm khoảng 40-45 độ C. Thời gian chườm khoảng 20 phút. Tránh chườm ở nhiệt độ cao dễ làm tổn thương da.

Chườm lạnh hay chườm nóng để giảm đau?

Khi nào vừa chườm lạnh vừa chườm nóng

Đau vùng lưng trên

Đau lưng là tình trạng thường gặp với nhân viên văn phòng. Ngồi suốt ngày cùng một vị trí và tư thế có thể gây căng, xoắn, cứng vùng lưng trên. Để giảm đau, nên chườm lạnh trong khoảng ba ngày, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 10-15 phút, sau đó chườm nóng để giảm căng và giãn cơ.

Đau thắt lưng

Đau thắt lưng thường là hậu quả của gắng sức quá mức. Các cơ bị căng làm giảm lưu thông máu nên chườm lạnh và nóng đều có thể giúp giảm đau. Chườm lạnh trong khoảng ba ngày sau đó chuyển sang chườm nóng để thư giãn cơ.

Chườm lạnh hay chườm nóng để giảm đau?

Đau đầu

Với những cơn đau như búa bổ và đau nửa đầu, liệu pháp lạnh là tốt nhất. Nếu đau đầu do co cứng cổ, liệu pháp nóng thích hợp hơn.

Đau đầu gối

Đau đầu gối có thể do bong gân, viêm bao hoạt dịch, viêm gân... Nếu đầu gối bị sưng nên chườm đá ít nhất trong khoảng ba ngày để giảm viêm. Sau đó chườm nóng để tăng khả năng vận động.

Bác sĩ khuyến cáo, nếu không giảm đau với phương pháp chườm nóng và chườm lạnh, cần đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn đầy đủ hơn.

(Reviews365 tổng hợp)