Tin tưởng và dũng cảm theo đuổi điều mình mong muốn là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, khi những nỗ lực không thể mang lại kết quả tốt, bạn có đắn đo về con đường mình lựa chọn? Bạn có thắc mắc liệu bản thân đang kiên cường theo đuổi mục tiêu hay cố chấp bám víu thứ không thuộc về mình? Hãy cùng ELLE khám phá điểm khác biệt giữa những người kiên cường và người ngoan cố thông qua bài viết dưới đây nhé.
Người ngoan cố
1. Phụ thuộc
Phần đông những người ngoan cố thường phụ thuộc vào ý kiến của người khác. Họ tin rằng giá trị của bản thân phải được đánh giá dựa trên cách nhìn của những người xung quanh. Vì vậy, thay vì buông bỏ những điều không phù hợp với chính mình, họ lại cố chấp vin vào những thứ không thực tế. Một trong những nguyên do lớn dẫn đến sự phụ thuộc này là vì họ bị điều khiển bởi hiệu ứng đám đông.
Một nguyên nhân khác có thể đến từ gia đình. Nhiều người có tính cách cố chấp thường sống trong môi trường của sự sai khiến, quyền lực. Họ tự ti và không tìm thấy sức mạnh của bản thân. Người ngoan cố không hiểu bản thân cần gì, muốn gì. Họ chạy theo những mục tiêu vô định và những đích đến hão huyền. Vì mơ hồ với chính mình nên những người này có xu hướng làm phận “tầm gửi” vào người khác và không muốn thoát ra khỏi vòng tròn an toàn.
2. Cứng nhắc và bảo thủ
Thông thường, những người sở hữu tính cố chấp đều khá hung hăng và hiếm khi lắng nghe ý kiến của người khác. Thật khó để những người này có thể mở lòng và tiếp nhận những lời khuyên. Bởi những gì họ nhìn thấy không có gì hơn ngoài “khoảng trời” chật hẹp do chính họ tô vẽ nên.
Người ngoan cố rất thích thao túng và điều khiển người khác. Họ khá quyết liệt trong việc bảo vệ quan điểm của bản thân và luôn muốn mọi người phải làm theo ý mình. Họ có thể dành cả giờ đồng hồ chỉ để tranh luận, chứng minh là mình đúng và “giành phần thắng” về phía mình. Tuy nhiên, điều này lại khiến họ mất đi những mối quan hệ giá trị và nhiều cơ hội tiềm năng.
Học cách kiểm soát bản thân để làm chủ cuộc đời
Đã bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống? Khối lượng công việc quá tải, các mối quan hệ phức tạp có khiến bạn ngập trong áp lực và không thể...
3. Sợ hãi
Bề ngoài, những người ngoan cố thường tỏ ra bình ổn, tự tin nhất có thể. Nhưng sâu bên trong họ lại chất chứa những nỗi sợ hãi, vô vọng và tự ti. Đối với họ, sự thất bại là một trong những mối lo lớn nhất. Điều này dẫn họ đến những hành vi khiên cưỡng và có phần mù quáng.
Nỗi sợ hãi khiến cho tâm trí của những người ngoan cố mù mờ và thiếu sáng suốt. Họ không dám nhìn thẳng vào sự thật và tự “che mắt” mình bằng những ảo tưởng sai lệch. Cũng vì sợ hãi mà ý chí của những người này trở nên yếu ớt, họ sợ sự thay đổi và không thể chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Đây cũng là lý do tại sao họ phớt lờ những lời khuyên hữu ích, những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của bản thân. Họ luôn cảm thấy bị đe dọa khi nhận được những lời khuyên và thường “xù lông” để đáp trả những ý kiến trái chiều.
4. Muốn chứng tỏ bản thân và không màng hậu quả
Những người ngoan cố hay tỏ ra thông minh và giỏi giang hơn người. Họ muốn thể hiện bản thân và chạy theo những giá trị hão huyền bất chấp hậu quả để lại cho cộng đồng và chính họ. Để đạt được mục tiêu, họ có thể nói dối, lợi dụng người khác, tự đề cao hoặc hạ thấp bản thân, thậm chí thực hiện những hành vi trái với pháp luật và đạo đức. Một số nhà khoa học cho rằng sự kiêu ngạo của những người ngoan cố là biểu hiện của “sự ảo tưởng về tính hoàn hảo”.
Người kiên cường
1. Độc lập
Trái ngược với người ngoan cố, người kiên cường sẽ không phụ thuộc vào ý kiến của người khác bởi họ luôn tin tưởng vào chính mình. Họ có thể đi ngược với số đông nhưng không vì thế mà đánh mất đi sự kiên định của bản thân. Những điều kiện ngoại cảnh cùng những khó khăn, thử thách không thể nào đánh gục những người kiên cường. Sóng gió không những không làm họ chùn bước mà ngược lại còn khiến “đôi cánh” của họ thêm vững vàng và cứng cáp.
Nếu như người ngoan cố dễ nổi giận và bất bình bởi sự chống đối thì người kiên cường lại không hề bị lung lay bởi những ý kiến trái chiều. Họ tự quyết định và chịu trách nhiệm cho những sự lựa chọn của mình dù lựa chọn đó có khiến họ thất bại.
2. Linh hoạt
Những người kiên cường rất bản lĩnh và độc lập, tuy nhiên, không vì vậy mà họ khước từ cơ hội được trau dồi, học hỏi. Họ luôn mở lòng để lắng nghe những lời góp ý và học hỏi trên nhiều phương diện. Họ tập trung tối đa để hoàn thành mục tiêu nhưng không mù quáng, lãng phí thời gian vào những việc vô ích. Sự uyển chuyển và linh hoạt chính là “chìa khóa” để họ mở ra “cánh cửa” thành công. Ngoài ra, những người kiên cường cũng rất can đảm để đối diện với những “góc tối” của mình, đồng thời cố gắng thay đổi để hoàn thiện hơn.
Bởi vì có tầm nhìn bao quát, người kiên cường không bất chấp tất cả để chạy theo mục tiêu, thay vào đó, họ vạch ra những hướng đi thông minh để tối ưu hóa khả năng của bản thân. Họ coi trọng thời gian, công sức của người khác và chính mình. Vì thế, người kiên cường là những người biết nói “Không” đúng thời điểm. Đó cũng là cách để họ thiết lập ranh giới và tự bảo vệ mình.
3. Tự tin
Sự tự tin của những người kiên cường đến từ sự thấu hiểu bản thân. Hơn ai hết, họ là người rõ nhất về mong muốn và định hướng của chính mình. Điều này giúp những người kiên cường biết sắp xếp thời gian và lối sống phù hợp. Họ chấp nhận rủi ro và thất bại như một phần của cuộc hành trình. Đối với họ, khó khăn chính là những bài học giúp họ trưởng thành và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Vì vậy, họ không ngại mắc sai lầm, đồng thời sẵn sàng trải nghiệm nhiều điều mới.
4. Muốn mang lại giá trị cho bản thân và những người xung quanh
Với những người kiên cường, một trong những mục đích quan trọng của họ đó là “nâng cấp” chính mình và tạo ra những điều ý nghĩa cho cộng đồng. Họ mạnh mẽ, quyết tâm để hoàn thành điều mình mong ước nhưng không đánh mất những giá trị đạo đức hay gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội.
(Reviews365 tổng hợp)
Để lại bình luận
5