Trung tuần tháng Chạp rồi hén. Nhìn cái không khí tưng bừng náo nhiệt chuẩn bị đón Tết ở phố thị, tui nhớ lắm cái mùa tháng Chạp rộn rã ở xứ miệt vườn quê tui ngày xưa.

Dân miệt vườn quê tui nghèo lắm. Vùng sông nước quanh năm tối mặt, tối mũi với ruộng đồng, làm gì có cái không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt như ở Sài Gòn. Nhà tui vốn nổi tiếng nghèo nhất nhì trong xóm. Để có tiền sắm Tết, từ tháng 10, cha tui cùng anh Ba, chị Tư, chị Năm phải chèo ghe đi mần lúa mướn ở tận vùng Miệt Thứ, Gò Quao tới gần giữa tháng Chạp mới dìa. Tui cùng mấy đứa em còn nhỏ ở nhà với má.

Giã bánh phồng dưới trăng

Qua chạp là má lui cui chèo ghe chở theo anh em tui qua nhà cậu, xin mấy gốc cây khô, nhánh cây bự chặt bỏ, dìa làm củi tráng bánh, vì nhà tui mần ruộng nên đâu có cây bự mà bẻ nhánh làm củi. Cậu mợ còn cho thêm mấy trái dừa khô dìa làm nước cốt pha vào bột tráng bánh ăn cho béo…

Tết mới được ăn cái bánh tráng à nghen! Ngày tráng bánh, mấy đứa nhỏ tụi tui nằng nặc đòi theo, không phải để mần tiếp, mà chỉ để được ăn bánh ướt. Nói cho oai vậy thôi, chứ bánh ướt ở quê tui là loại bánh tráng mới ra lò, thêm chút dừa tươi nạo sợi vào, cuốn lại rồii ăn. Nó vừa ngọt vừa beo béo, chứ làm gì có nem hay chả lụa, chả Huế ăn với mắm ớt như bây giờ. Vậy mà ngon lắm! 

Đâu rồi Tết miệt vườn xưa, cả đêm giã bánh phồng, chia thịt heo trả lúa?

Khoảng mùng 10 tháng chạp thì cha với mấy anh chị về, mang theo ít khô, mắm, mấy chục trái dưa hấu và gạo nếp. Tụi tui tíu tít mừng rỡ xuống bến ôm dưa lên. Có chút tiền, cha má nhín ra một ít mua vải, nhờ cô Hai gần nhà may cho anh em tui mỗi đứa một bộ đồ ăn Tết. Năm đó tui được bộ pijama ăn Tết… Mà tui sướng lắm, mừng lắm, có ai đời mặc pijama ăn Tết giống tui đâu! Hổng có đụng hàng ai hết trơn hết trọi à...

Hai bữa sau, cha má ngâm gạo nếp chuẩn bị quết bánh phồng, cái này thì tuyệt vời! Mấy đứa nhỏ bây giờ đâu có biết. Má sai tui đi đào mấy rễ cây chang (loại cây dại có trái như trái đậu bắp) để má giã ra lấy nước ngâm nếp, làm cho bánh dẻo và phồng lên nhiều hơn. Nhà nào làm bánh phồng là cả xóm đều biết, để vần công nhau.

Đêm đó cha má dậy từ một, hai giờ sáng để chuẩn bị, ánh trăng chiếu rọi sáng rực ngoài sân. Bà con lối xóm bắt đầu kéo đến lấy đệm chiếu ra sân trải ngồi, uống trà, rôm rả chuyện trò vui lắm. Tiếng ồn ào làm tui nôn nao không sao ngủ được, cũng thức dậy ngồi chèo queo một góc.

Quết bánh phồng mệt nhứt là giã nếp, nếp nấu dẻo quẹo bỏ vào cái cối xi măng nặng trịch phải hai người to lớn mới khiêng nổi, còn cái chày giã thì bằng gỗ bự chảng, nặng gần chục ký. Cái chày nặng cộng thêm nếp dẻo dính vào, nên phải to khỏe mới cầm chày quết nổi. Cha tui và chú Hai Hổ trong xóm thay nhau quết (cầm chày giã). Chú Hai bự con nhứt, xung phong cầm chày giã trước, còn cha tui thì lùa nếp và vô dầu dừa vào (để không dính chày). Hai động tác này vào ra phải nhịp nhàng à nghen: Chày giơ lên, tay nhanh chóng xoa dầu vào nếp; chày hạ xuống phải nhanh chóng rút tay ra, chậm một chút là gãy tay như chơi chứ chả giỡn! Tiếng chày thình thình, thình thình nhịp nhàng vang khắp xóm như tiếng trống báo hiệu mùa xuân đang đến rộn rã khắp làng quê.

Giã xong một cối thì má, bà Út và mấy cô bác trong xóm tay thoăn thoắt dùng cái ống trúc cỡ ngón chân cái, dài chừng gang tay để cán bánh. Cái bánh cán xong tròn vo như cái dĩa nhỏ, từng cái, từng cái được xếp đều trên tấm chiếu bông mới tinh trông rất đẹp mắt. Tiếng chày giã của chú Hai Hổ cứ thình thình, thình thình vang lên như tiếng nhạc đệm cho cái không khí trò chuyện rôm rả của mấy bà, làm cho tình làng nghĩa xóm thêm ấp áp trong tiết xuân tràn ngập giữa miền quê, cứ thế đến gần sáng thì xong, ai về nhà nấy.

Nắng tháng chạp phơi một ngày là xong, má xếp từng bịch vài chục đem biếu bà Út, chú Hai Hổ và những người trong xóm đến phụ, như món quà Tết đầy tình nghĩa lối xóm với nhau.

Ở miền quê, mấy ngày giáp Tết lạnh lắm, sau nhà tui có bụi tre tàu rất bự, mùa đông lá khô rụng đầy. Sáng tầm 4h là cha má dậy. Cha uống trà, má quét lá khô gom lại đốt lên sưởi ấm, rồi má lấy vỏ dừa khô đốt than nướng bánh tráng, bánh phồng. Mùi thơm nức của bánh nướng bay vào tận trong mùng kéo mấy anh em tui dậy, chun ra khỏi cái mền, rửa mặt rồi xúm xít nhau ngồi quanh đống lửa ấm áp chờ má nướng bánh. Má khéo tay nướng bánh vàng hực mà không bị khét cái nào cả…

Nhặt lá mai, lội mương bắt cá

Giữa tiết trời se se lạnh, ngồi bên đống lửa mà cầm cái bánh nóng hổi, thơm phức, cắn vào giòn rụm và béo ngậy. Ôi nó mới đã làm sao! Cha ngồi cạnh bên bảo: “Chiều 14 lặt lá mai nghen bây”.

Đâu rồi Tết miệt vườn xưa, cả đêm giã bánh phồng, chia thịt heo trả lúa?

Trước sân nhà tui có cây mai già, bự chảng, cao 4 - 5 mét, tán nó rộng che cả khoảng sân, nếu bây giờ mà bán phải tiền tỷ chứ chẳng chơi. Chiều 14, trời mát, cha kêu tụi tui ra lặt lá mai. Cha má thì bắc ghế cao, còn mấy anh em tui nhỏ con háo hức leo tuốt lên ngồi vắt vẻo trên nhánh mà lặt. Cha tui quý cây mai lắm, ông canh ngày lặt lá mai cũng hay lắm. Có năm cha kêu ngày 13 lặt, có năm thì 14, cũng có năm đến 15 mới lặt lá, vậy mà cây mai năm nào cũng rộ nở y bon, đúng vào sáng mùng một Tết, từng chùm, từng chùm vàng rực chen đặc cả cây. Ai đi ngang cũng trầm trồ!

Bởi vậy mà chiều 29 -30 Tết năm nào, bà con trong xóm cũng hỏi mua vài nhánh về trưng. Cha tui vui vẻ chọn vài nhánh nhiều nụ và bông chặt biếu, chẳng lấy tiền – “có nhiêu đâu mà ngại”, tánh ông là vậy đó! Quý thì quý lắm, nhưng sẵn sàng biếu cho chứ chẳng bo bo riêng mình! Cha tui nói: “Coi như mình san sẻ niềm vui ngày tết với bà con lối xóm vậy”. Nông dân miền Tây là thế!

Mấy ngày giáp Tết bắt đầu tát mương bắt cá, gần Tết được nghỉ học, anh em tụi tui tha hồ mà lê lết bùn, lội mương bắt cá: Cá rô, cá trê, cá lóc… con nào con nấy bự chảng, nặng cả ký. Tôm càng xanh nữa, đầy một ruộng. Cha má lựa mấy con bự nhứt để dành mấy ngày Tết nướng trui đãi khách…

Ngày xưa còn đốt pháo, tới 23 tháng chạp, đưa ông Táo về trời xong là tiếng pháo cứ ì đùng, ì đùng… kéo dài tới Tết, làm cho lũ nhỏ tụi tui càng háo hức trông Tết đến. Mấy ngày cận Tết, các chị tui bắt đầu làm bánh mứt, nào là mứt dừa, mứt gừng, mứt hạnh…, rồi thì làm bánh kẹp, bánh bông lan, bánh in, chuối ngào đường đủ loại. Toàn là hàng handmade nguyên liệu tự nhiên bổ dưỡng không à nghen! Ậy! Không phải đi mần mướn có tiền chút đỉnh mà ăn sang đâu nghen, mà là để đãi khách! Nhà tui cũng như bao nhà khác ở quê, có cái quan điểm là  dù nghèo nhưng ngày Tết cũng phải có chút bánh mứt đãi khách cho tươm tất.

Còn cha tui thì lui cui quét dọn bàn thờ. Cha tui coi trọng cái bàn thờ lắm. Cha dạy tui rằng: “Chỗ nào bụi bặm có thể tạm được , chứ cái bàn thờ là chỗ ông bà tổ tiên ngồi, phải sạch sẽ gọn gàng, nhứt là mấy bộ lư đồng. Ngày giỗ tết phải lau chùi đánh bóng sáng rực mới được”. Cha tui luôn luôn tin rằng ông bà dẫu không còn sống nhưng họ vẫn còn ở đâu đó và ngày giỗ tết luôn về với con cháu! Bởi vậy, cha dạy tụi tui phải dùng cả tấm lòng cung kính mà chăm chút bàn thờ cho cẩn thận, đồ trưng cúng phải chọn những thứ ngon nhất, quý nhất của mình, phải coi như ông bà còn sống vậy. “Hiếu nghĩa vi tiên”, dọn đồ cúng phải như ông bà còn hiện tiền về ăn, chứ đừng làm qua loa cho có lệ, vậy là bất hiếu lắm!

Đâu rồi Tết miệt vườn xưa, cả đêm giã bánh phồng, chia thịt heo trả lúa?

Sắm Tết bằng số tiền đủ mua vài tô phở

Có lẽ ngày 30 Tết là ngày cực nhất của cha má tui. Ở quê nghèo, khó khăn quanh năm, đâu có tiền mà mua thịt heo ăn, thường thì gần Tết ở xóm ai có nuôi heo thì bà con xúm lại làm thịt rồi chia ra mỗi người một ít ăn Tết, qua Tết cắt lúa, đong lúa mà trả, nên gọi là “mần heo chia lúa”.

Cha tui cũng dậy từ sớm phụ người ta để lấy vài ký thịt về kho rịu (kho tàu) cho đám con ăn Tết. Ai kha khá thì lấy thịt đùi, thịt nạc ngon, còn nhà tui nghèo chỉ dám lấy vài ký thịt ba rọi loại mỡ nhiều cho nó rẻ! Tui còn nhớ cái nồi thịt kho rịu, mỡ trên mặt cả lóng tay, còn miếng thịt thì béo ngậy vì toàn mỡ không hà, chỉ có lớp nạc mỏng dính. Vậy mà đối với nhà tui là ngon lắm, quý lắm rồi đó. Mấy đứa nhỏ bây giờ mà kho thế chắc nó chẳng dám ăn. Cũng phải thôi, heo ngày xưa người ta nuôi bằng cám, bằng cây chuối tự nhiên nên mỡ cũng ngon, còn bây giờ nuôi toàn thức ăn công nghiệp hóa chất độc hại vô cùng!

Nhà nghèo trồng được bờ ớt, để dành Tết hái được đâu hơn chục ký, má tui lụi hụi chèo ghe hơn tiếng đồng hồ xuống tận chợ Bình Thủy bán. Phải dậy từ 1 - 2 giờ khuya mà đi, bán ra tính tiền bây giờ chắc chỉ đủ để ăn vài tô phở. Đó là tất cả tiền sắm tết của nhà tui đó. Má mua bông hoa cúng bàn thờ và phong pháo Đại Quang để đốt giao thừa, thêm ít gia vị nấu nướng là hết tiền, khát chẳng dám uống nước, bụng đói không dám mua ổ bánh mì ăn. Cứ vậy mà chèo ghe riết về, có khi gặp nước cạn phải lội xuống sình mà đẩy cái ghe đi. Về tới nhà trời đã đứng bóng, mệt lả cả người, chẳng kịp nghỉ ngơi lại lật đật nấu nướng để kịp dọn cơm đón ông bà ngày cuối năm.

Cúng kiếng xong rồi, cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà chuyện trò vui vẻ. Cha tui rất coi trọng bữa cơm này, ai bận gì, giận gì... cũng bỏ hết mà xúm xít cùng gia đình, bởi tình cảm gia đình là cái nôi của hạnh phúc. Cuối năm vui vẻ, đầu năm vui vẻ là khởi đầu của một năm viên mãn rồi, quan niệm của nhà tui là nghèo cũng được,  giàu có cũng được miễn sao cả nhà vui vẻ đầm ấm là cuộc sống viên mãn rồi.

Cái sắc xuân vùng miệt vườn thế đó! Nó không ồn ào náo nhiệt trước Tết và vắng lặng vào ngày mùng một như ở thành. Mà nó đến từ từ, từ từ làm cho người ta cảm nhận nó một cách rõ nét nhất, tăng nhiệt dần theo con số mùng 10-11-12… tháng Chạp và tăng nhiệt lên đến đỉnh điểm là tối 30. Đó là thời khắc cuối cùng của năm, bùng nổ bằng loạt pháo giao thừa rộn rã, thời khắc mà tất cả các cánh mai vàng đều xòe nở, mang lại sắc xuân vàng ruộm cùng xác pháo hồng rực rỡ để đón chào năm mới cùng những đứa con xa xứ trở về.

Niềm vui ấy rộn rã kéo dài cho đến hết ngày “mùng” của tháng Giêng! Cái sắc xuân miệt vườn đến một cách nhẹ nhàng êm ả, ấm áp. Nhưng nó đậm đà làm sao, lắng đọng vào tận xương tủy người ta để trở thành ký ức khó quên của những người con xa xứ.

Đâu rồi Tết miệt vườn xưa, cả đêm giã bánh phồng, chia thịt heo trả lúa?

Chỉ còn trong ký ức

Dòng đời lặng lẽ trôi đi đã âm thầm cuốn phăng những thứ quý báu ở quê tui! Bụi tre già không còn nữa. Cây mai vàng to lớn trước sân đã bị người ta kéo dây điện chặt bỏ. Những người lớn trong xóm quết bánh phồng ngày xưa cũng lần lượt ra đi. Làng quê bây giờ thay đổi nhiều lắm,  nhà tường, nhà ngói mọc lên san sát,  không còn khổ cực như xưa... và cái tình cũng không còn như xưa nữa. Vẻ hào nhoáng bên ngoài của vật chất hầu như đã che đi tất cả... Tiếng chày giã thình thình, thình thình, thình thình chỉ còn văng vẳng trong ký ức.

Cũng không còn hình ảnh cha tui cặm cụi lau dọn bàn thờ vào những ngày cuối năm. Ông cũng đã đi rồi! Chỉ còn lại trong tui những ký ức tuyệt vời mà tui mãi mãi không quên được!

Ngày nay đâu còn mấy người thèm ăn bánh tráng, bánh phồng. Cái bánh mộc mạc đơn sơ nhưng thắm đượm nghĩa tình. Người ta sắm Tết bằng đủ loại bánh mứt tân thời được làm sẵn. Chỉ mình má tui vẫn cặm cụi, lui cui sên chảo mứt dừa vào ngày cuối năm để dâng cúng tổ tiên và đãi khách. Những sợi mứt dừa giòn, ngọt béo ngậy với sắc màu tự nhiên của lá cẩm, lá dứa và màu trắng tinh khôi của cơm dừa. Nó giản đơn mà rực rỡ như tấm lòng chân chất của người dân quê đón khách ngày xuân.

Nếu có một điều ước, Tết về, tui chỉ ước sao cho dòng thời gian ngừng trôi, để nó đừng cuốn đi những thứ quý  báu còn sót lại ở quê tui nữa. Hãy để những nét đẹp thôn quê yên bình còn mãi với thời gian.

7, Theo Reviview 365 tổng hợp