- Định Nghĩa Tệ Nạn Xã Hội là gì? Các loại tệ nạn xã hội hiện nay
- Định Nghĩa Trợ Giúp Xã Hội là gì? Cơ sở trợ giúp xã hội là gì?
- Khái Niệm Khoa Học Công Nghệ là gì? Top 3 ĐH đào tạo khoa học công nghệ hàng đầu
Định Nghĩa Xã Hội Chủ Nghĩa là một định nghĩa nhiều bạn đang cần tìm hiểu thông tin, trong bài viết này chúng ta sẽ làm rõ về khái niệm xã hội chủ nghĩa đúng nhất theo các tài liệu chính xác.
Định Nghĩa Xã Hội Chủ Nghĩa là gì?
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tổng hợp những luận điểm này mang tính dự báo của C.Mác, Ph.Ăngghen về xã hội xã hội chủ nghĩa và quan điểm của V.I.Lênin từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết có thể thấy được những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội bao gồm:
- Về mục tiêu, xã hội xã hội chủ nghĩa là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện.
Tính nhân đạo, nhân văn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thể hiện bản chất ưu việt, quan tâm hàng đầu đến con người. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: "Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đã phản ánh tính nhân văn cao cả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Đây cũng chính là giá trị khoa học - thực tiễn bền vững của học thuyết Mác.
- Về kinh tế, xã hội xã hội chủ nghĩa phải dựa trên lực lượng sản xuất phát triển cao; chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu từng bước được xác lập; tổ chức quản lý có hiệu quả, năng suất lao động cao; phân phối theo lao động là chủ yếu.
Theo Hồ Chí Minh, “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi những điều kiện ấy chưa có đủ”.
- Về chính trị - xã hội, xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội dân chủ, Nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa mang bản chất của giai cấp công nhân vừa mang tính nhân dân rộng rãi. Xã hội xã hội chủ nghĩa là một chế độ dân chủ, quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước thể hiện trước hết nó là một công cụ để bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân. Song lợi ích của giai cấp công nhân về cơ bản là thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động, do vậy, Nhà nước xã hội chủ nghĩa còn mang tính nhân dân rộng rãi.
- Về văn hóa – tư tưởng, trong xã hội xã hội chủ nghĩa phải có nền văn hoá phát triển cao; kế thừa và phát huy những giá trị của văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Trong các chế độ dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân sẽ dẫn đến tình trạng tha hóa con người, tha hoá của người lao động. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, con người có đầy đủ điều kiện tiến từ "vương quốc tất yếu" sang "vương quốc tự do". Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho người lao động trở thành một nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa đột phá để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Về quan hệ dân tộc, xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội bảo đảm công bằng, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu luận điểm giá trị: xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ. V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển những quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về quan hệ giữa các dân tộc trong điều kiện mới, đồng thời đi sâu giải quyết những vấn đề về “dân tộc thuộc địa”, các “dân tộc bị áp bức” trên thế giới, khuyến khích các phong trào giành độc lập, chủ quyền gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Về quan hệ quốc tế, quan hệ giữa dân tộc và quốc tế được giải quyết trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đều thống nhất trong luận điểm: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội là có tính chất quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước phải kết hợp với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong các phong trào cách mạng, hướng đến chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin khẳng định: "Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được".
Xem thêm bài viết về vai trò xã hội tại đây!
Các mô hình chủ nghĩa xã hội
Mô hình chủ nghĩa xã hội hay loại hình chủ nghĩa xã hội(Socialist model; Socialist mode; Socialist pattern) là khái niệm chỉ các mô hình chủ nghĩa xã hội khác nhau được tiến hành ở các nước khác nhau trên thế giới. Điều đó có nghĩa là, các nước khi tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội đều có hình thức, phương hướng và con đường của riêng mình. Do có sự khác biệt giữa các nước về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cho đến dân số, điều kiện tự nhiên,… nên mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước, thậm chí ngay trong một nước nhưng ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, cũng có những hình thức khác nhau với những nét đặc trưng riêng. Mỗi nước xã hội chủ nghĩa căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước mình mà đề ra mục tiêu và phương thức phát triển khác nhau trong từng giai đoạn cụ thể.
Mô hình chủ nghĩa xã hội có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, mô hình chủ nghĩa xã hội là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm về mục tiêu, phương tiện (cách thức) và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nói chung. Theo nghĩa hẹp, mô hình chủ nghĩa xã hội là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm về mục tiêu, phương tiện và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong một giai đoạn, một hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước.
Mô hình chủ nghĩa xã hội trong thời gian qua cũng có nhiều loại khác nhau và có thể được khái quát thành hai loại tiêu biểu sau:
- Một là, mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô(đại diện cho các nước Đông Âu). Trong loại mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu này, chúng ta thấy có hai giai đoạn tương đối nổi bật, đó là giai đoạn Lenin và giai đoạn Stalin, hay còn gọi là mô hình chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Lenin và mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung cao độ tư tưởng Stalin.
- Hai là, mô hình chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Mô hình này cũng có haigiai đoạn là giai đoạn Mao Trạch Đông và giai đoạn cải cách, mở cửa, hay còn gọi là mô hình chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Mao Trạch Đông và mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Mô hình chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Mao Trạch Đông là mô hình chủ nghĩa xã hội với thể chế kế hoạch hành chính trung ương tập trung cao độ. Loại mô hình này chịu một số ảnh hưởng của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô, tạo ra những nét đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, song nhìn chung, vẫn không vượt qua được khuôn khổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô, đặc biệt là trên phương diện thể chế kinh tế.
Ngoài hai hệ thống mô hình trên, hiện nay mô hình “con đường thứ ba”trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đang thu hút sự quan tâm, chú ý. Mô hình “con đường thứ ba” có các đặc trưng cơ bản sau:một là, lấy cân bằng giữa tác dụng của thị trường và sự điều tiết của nhà nước làm nguyên tắc để tạo ra nền kinh tế mới; hai là, lấy cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi làm nguyên tắc để xây dựng hệ thống phúc lợi mới; ba là, lấy cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội làm nguyên tắc để đề xuất chính sách mới; bốn là, lấy cân bằng giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế làm nguyên tắc trong thực thi chính sách đối ngoại.
Có thể bạn quan tâm: "Định Nghĩa Trợ Giúp Xã Hội là gì? Cơ sở trợ giúp xã hội là gì?"
Kết luận:
Trên đây là những tổng hợp của Reviews365 về Định Nghĩa Xã Hội Chủ Nghĩa là gì. Bạn cũng có thể để lại ý kiến của mình về vấn đề này tại phần bình luận dưới đây! Chúng ta hãy cùng đóng góp và chia sẻ kiến thức nhé! Chân thành cảm ơn bạn! Reviews365 là website chia sẻ kiến thức miễn phí bằng tiếng Việt, tiếng Anh, giúp bạn tìm hiểu thông tin và giải trí sau giờ học tập và làm việc căng thẳng. Chúng tôi mong muốn mang lại nhiều điều thú vị, giao lưu với BQT Reviews365 tại fanpage.
Để lại bình luận
5