Chỉ trong hai giờ, số lượt xem và trả lời lên tới 1,8 triệu. Nhiều người nói rằng, hôn nhân của họ đúng là đang ở thời điểm "10 câu cũng chẳng đến", trong khi người khác kể: "Có 24 giờ mỗi ngày. Chúng tôi ngủ quay lưng vào nhau. Khi tôi thức dậy anh ấy đã ra ngoài. Chúng tôi chỉ là những người xa lạ nhưng cùng nằm chung giường".
"Bữa tối hôm nay anh ăn gì? Thịt hay cá", người vợ hỏi. "Ừ", người chồng thản nhiên đáp. "Đồng nghiệp mới hôm nay lại mang bữa sáng cho em", vợ tiếp tục câu chuyện. "Ừ", người chồng vẫn đắm chìm trong thế giới của riêng mình.
Nhiều người nói rằng họ cũng giống người phụ nữ trên khi phát hiện chồng không còn hứng thú với câu chuyện của mình nữa. Những cuộc nói chuyện bất tận không có hồi kết thuở mới yêu giờ đã trở thành độc thoại. Vậy yếu tố "chết người" phá hủy một cuộc hôn nhân là gì?
Có nhiều người cho rằng do số họ lận đận, có người đổ cho sự mâu thuẫn, cãi vã. Thực chất có nhiều cuộc hôn nhân nhìn bên ngoài không chê vào đâu được, rất hoàn hảo và hạnh phúc, nhưng thực chất bên trong đã "mục ruỗng" từ lâu. Từ tình cảm sâu đậm đến thờ ơ, nhiều cuộc hôn nhân tưởng như ổn thỏa nhưng đã mắc phải căn bệnh "Chứng mất ngôn ngữ trong hôn nhân". Nói một cách đơn giản, cuộc hôn nhân này đang nằm trong giai đoạn "Không nói chuyện. Không cãi vã. Không gian dối. Không ly hôn nhưng cũng không hề có hạnh phúc".
Đó là thực tế mà nhiều gia đình đang trải qua. Trong phim "Người cha vĩ đại nhất thế giới" có câu nói của nhân vật chính: "Trước đây tôi nghĩ rằng điều tồi tệ nhất trên thế giới là chết một mình, nhưng không phải vậy. Điều tồi tệ nhất là phải chết với những người khiến bạn cảm thấy cô đơn".
Nhiều người có thể chịu đựng được sự nghiệt ngã của cuộc đời, sự lạnh lùng của thế gian, nhưng rất ít người có thể chịu được nỗi cô đơn, lẻ bóng trong hôn nhân. Một cuộc hôn nhân thiếu sự giao tiếp và tâm tình giống như một cái cây có vẻ ngoài vững chãi, tuy bề ngoài tươi tốt, phát triển nhưng bên trong nó đang chết dần.
Có một câu hỏi này trên Internet: "Bạn nghĩ khi nào hôn nhân sẽ kết thúc?". Hai câu trả lời được cư dân mạng bình luận nhiều nhất chính là. "Nửa năm rồi tôi đã không có bữa ngon nào. Cuối cùng chồng cũng đưa tôi đi ăn vào một ngày cuối tuần. Trong giờ ăn, anh trả lời 10 cuộc điện thoại nhưng không nói với vợ một câu nào". Một người khác lại viết: "Mỗi ngày chồng tôi đều về nhà, nếu anh không ở trong phòng làm việc thì sẽ ở phòng tắm. Đó rõ ràng là nhà của hai người, nhưng tôi luôn cảm thấy bản thân chỉ có một mình."
Các nghiên cứu chỉ ra rằng do cấu trúc não khác nhau khiến suy nghĩ của nam giới tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề, trong khi phụ nữ để ý nhiều hơn đến cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, các bà vợ mong chồng lắng nghe, thấu hiểu và an ủi mình, trong khi người chồng lại muốn vợ có gì nói đó và đừng để họ phải đoán già đoán non.
Vì vậy nhiều gia đình sẽ gặp phải rắc rối khi vợ cho rằng chồng sẽ hiểu những gì họ nghĩ, trong khi chồng nghĩ vợ hiểu anh ấy muốn và mong đợi điều gì. Kết quả là phụ nữ luôn cảm thấy thất vọng khi chồng không làm được những điều họ mong muốn.
Một cuộc hôn nhân không có gì để nói cũng đủ để giết một người. Một cuộc hôn nhân có thể giao tiếp thoải mái với nhau có thể nhân đôi hạnh phúc.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi: "Là một người nổi tiếng, làm thế nào để cho vợ có được cảm giác an toàn?", diễn viên Ngô Tôn (Trung Quốc) nói: "Những gì xảy ra ở trường quay tôi đều về chia sẻ với vợ mình. Cô ấy biết những gì tôi làm hàng ngày, vì vậy sẽ không có chỗ cho những suy diễn lung tung".
"Tướng mạo dễ già, tình duyên dễ qua, chỉ có trao đổi tình cảm trong những chuyện vụn vặt tầm thường mới có thể làm nên hạnh phúc hôn nhân", nam diễn viên khẳng định.
Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche từng nói: "Cuộc sống vợ chồng giống như một cuộc trò chuyện dài hơi. Khi quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân, bạn phải cân nhắc xem mình có thể nói chuyện và cười đùa đến cùng hay không".
Một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là niềm vui ngay từ cái nhìn đầu tiên, mà là cuộc sống lâu dài, nó nằm ở củi, gạo, dầu, muối bình thường và tầm thường nhất. Trong cuộc hôn nhân đó, có người vẫn lắng nghe những lời vô nghĩa của bạn và có thể cười đùa, nói chuyện phiếm với bạn.
Trên trang hỏi đáp Zhihu có một câu hỏi: "Mối quan hệ vợ chồng tuyệt vời nhất bạn từng thấy là gì?". Câu trả lời được ca ngợi nhiều nhất là: "Yêu nhau 3 năm và cưới nhau 7 năm, tôi vẫn duy trì thói quen nói chuyện với vợ khoảng 60 phút sau bữa tối. Chúng tôi nằm trên giường, cùng nhìn lên trần nhà và trò chuyện".
Lắng nghe có thể là chất keo bảo vệ tốt nhất cho cuộc hôn nhân của mỗi người. Có thể đó không phải là câu chuyện gì to tát, chỉ là thời gian để hai người thể hiện sự gắn kết và yêu thương nhau. Trên đời này, không ai có nghĩa vụ phải phục vụ người khác. Duy trì một mối quan hệ luôn là vấn đề của cả hai người. "Cuộc đua" đường dài hôn nhân có thể đi đến cuối cùng hay không phụ thuộc vào việc hai người có sẵn sàng quản lý nó một cách cẩn thận hay không.
"Bản chất của hôn nhân là trong con đường dài cuộc đời, khi cảm thấy khó chịu, có người vẫn kiên nhẫn lắng nghe những lời phàn nàn của bạn. Khi buồn, có người an ủi sưởi ấm cho bạn. Khi hạnh phúc có người chia sẻ niềm vui với bạn", Ngô Tôn nói.
Sẽ chẳng có con đường tắt nào đến với hạnh phúc một cách dễ dàng. Khi bước chân vào con đường mà ta lầm tưởng đó là đường tắt, thì thực ra đó chính là một ngõ cụt. Thay vì mê muội tìm đường vào ngõ cụt, hãy tìm hạnh phúc của mình từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất.
Để lại bình luận
5