Sau 3 năm tiết kiệm theo cách này, vợ chồng trẻ mua nhà Hà Nội mà không phải vay tiền
Dù hai vợ chồng tôi có mức thu nhập chỉ ở mức trung bình nhưng sau 2 năm sống chung với bố mẹ chồng, chúng tôi cũng quyết định xin ra ở riêng. Với hai vợ chồng, quyết định này không xuất phát từ bất cứ mâu thuẫn hay khó chịu nào trong mối quan hệ mà đơn giản cả hai đều muốn mình trưởng thành hơn thay vì chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ.
Đương nhiên, với số thu nhập ít ỏi này 2 vợ chồng tôi chưa mua được nhà ngay lập tức. Thay vào đó, bố mẹ chồng cho chúng tôi ở nhờ trong căn nhà cấp 4 của gia đình đang chờ sửa sang lại. Nhờ có sự ủng hộ này của ông bà mà chúng tôi đã đỡ được một khoản tiền kha khá mỗi tháng cho chuyện thuê nhà.
Chồng tôi làm ở một cơ quan nhà nước, còn tôi làm nhân viên cho một công ty Hàn Quốc. Hai vợ chồng có mức lương chỉ gọi là ổn định, tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng là 15 triệu đồng.
Với mức lương như vậy, lại sống ở thủ đô nên chúng tôi đều dặn nhau phải sống tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để hướng đến mục tiêu mua được căn hộ 2 phòng ngủ trong khoảng giá 1,2 tỷ đồng.
Vậy là ngay sau khi dọn ra ở riêng, vợ chồng tôi đã ấp ủ dự định tiết kiệm và tính toán cách thực hiện sao cho hợp lý nhất. Cũng phải cảm ơn mẹ chồng vì khi chung sống tôi đã học được rất nhiều điều từ cách chi tiêu hợp lý của bà.
Học lỏm thói quen ghi chép chi tiêu từ mẹ chồng
Mẹ chồng tôi luôn có một cuốn sổ ghi chép chi tiêu cho gia đình. Ban đầu khi mới về làm dâu tôi khá thắc mắc mẹ tuổi cao sao còn cặm cụi ghi chép tới từng khoản dù là nhỏ nhất. Thế nhưng, chứng kiến sự khéo léo trong việc chi tiêu của mẹ chồng tôi cũng đã quyết định học theo cách này của mẹ.
Hàng này cuốn sổ theo tôi từ khi đi làm cho tới đi chợ rồi về nhà. Tôi sẽ ghi chép từng khoản, dù là nhỏ nhất trong ngày. Kết quả của việc này tôi nhận ra ngay lần đầu tổng kết sau 1 tuần ghi chép.
Lúc này tôi mới phát hiện ra mình chi nhiều tiền cho các khoản "không đâu ra đâu" như vậy. Từ hộp bánh trông hay ho trên mạng, bộ quần áo giảm giá, chè cháo, ăn vặt với các chị em đồng nghiệp,... Số tiền chi cho những khoản như vậy thực sự nhiều hơn những gì tôi vẫn nghĩ.
Tôi cũng có thể ghi chép bằng ứng dụng điện thoại, nhưng việc cầm tay viết ra giúp tôi cảm nhận chân thực nhất rằng mình đang tiêu bao nhiêu tiền. Mỗi tuần tôi chỉ mất khoảng 10 phút để tổng kết chi tiêu là sẽ nắm được số tiền mình đã chi vào đâu và cần thay đổi gì trong tuần tới.
Tất nhiên, việc tiết kiệm không có nghĩa tôi phải sống tằn tiện, cắt giảm chi tiêu tối đa mà vẫn có quyền thưởng cho bản thân một cuộc vui cafe với bạn bè, mua một bó hoa tặng bản thân để giảm stress, yêu đời hơn,... Chỉ cần ghi nhớ, chuyện ghi chép chi tiêu để giúp tôi cắt giảm các chi phí thừa thãi. Đó là những khoản chi chỉ mang lại cho tôi cảm giác thoải mái tức thời.
Tiết kiệm từng thứ nhỏ nhất và tăng dần theo thời gian
Đầu tiên, để ước mơ thành hiện thực tôi đã in hình căn hộ và dán chúng vào phòng ngủ. Mục đích của việc này là nhắc nhở bản thân chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hơn. Bởi lẽ việc thực hiện đúng theo kế hoạch chi tiêu đã đề ra là rất khó. Nhưng khi ngày nào cũng nhìn thấy mục tiêu, tôi sẽ dặn dò bản thân chỉ có cách chi tiêu hợp lý mới giúp mình hiện thực được điều này.
"Tích tiểu thành đại" là bài học tiếp theo mà mẹ chồng đã dạy tôi. Lúc trước, 200 nghìn đối với hai vợ chỉ có thể là bữa ăn ngoài không đáng để bận tâm nhưng sau lời khuyên của mẹ tôi đã biết bản thân phải tiết kiệm từ con số nhỏ nhất.
"Tiết kiệm 200 nghìn/tháng, hết một năm là con đã có hơn 2 triệu đồng rồi. Cắt mỗi khoản chi chỉ 10 nghìn đồng mỗi ngày, sau 1 tháng con sẽ có 300 nghìn đồng. Tiết kiệm thực không quá khó như các con vẫn tưởng đâu", mẹ chồng tôi căn dặn.
Theo lời mẹ, mỗi tuần tôi để dành khi thì 100 nghìn, tuần sau tăng lên 120 nghìn, tuần sau nữa là 150 nghìn. Cứ như vậy số tiền tăng lên theo tuần với cấp số cộng. Ngoài ra cũng có trường hợp phải chi tiêu quá nhiều tôi có thể chuyển chi tiêu theo giai đoạn, từ tuần chuyển sang theo từng tháng.
Kiếm thêm thu nhập mỗi khi cần mua sắm lớn
Đây là một cách không chỉ tiết kiệm thêm được tiền mà còn là động lực trong việc gia tăng các khoản thu. Khi hai vợ chồng tôi muốn mua một khoản lớn cả hai đều cố gắng tìm cách gia tăng thu nhập.
Lần đó, hai vợ chồng tôi quyết định sắm một chiếc điều hòa mới để chuẩn bị đến mùa hè oi bức. Vì còn tính đến chuyện có con nhỏ nên cả hai vợ chồng quyết định mua điều hòa hai chiều với giá khoảng 10 triệu đồng. Với số tiền cần chi khá lớn nên chúng tôi quyết định phải gia tăng thu nhập thay vì chỉ chăm chăm vào chuyện tiết kiệm.
Hai vợ chồng nghiên cứu các công việc có thể nhận về làm tại nhà. Chồng tôi có khả năng ngoại ngữ nên qua lời giới thiệu của bạn bè, anh nhận thêm dịch tài liệu chuyên ngành với giá 120 nghìn/lần dịch nếu nội dung khó và 70 - 100 nghìn cho tài liệu dễ hơn.
Tôi thì lại phát hiện các chị em rất chuộng các đặc sản của địa phương. Sẵn có bố mẹ ở quê nên tôi bắt đầu nhận order rồi cuối tuần nhờ ông bà gửi xe khách lên bán. Công việc bán hàng online này cũng túc tắc. Ban đầu là bán cho người quen. Sau dần là người quen, rồi ngày này mách cho người kia nên dần mối mua bán cũng tăng lên.
Và bất ngờ là hai vợ chồng đã mua được chiếc điều hòa mong muốn chỉ sau 1 tháng 20 ngày từ tiền làm thêm và tiết kiệm. Sau khi đạt được mục tiêu, hai vợ chồng tôi vẫn tiếp tục làm thêm và tiết kiệm theo những phương pháp trên nhưng với tâm lý thoải mái và không áp lực.
Với kinh nghiệm học từ mẹ chồng và những lời khuyên hữu ích từ chị em vợ chồng tôi đã tiết kiệm được 210 triệu đồng sau 3 năm ra ở riêng. Chăm chỉ và kiên định với mục tiêu đề ra là cách mà hai vợ chồng dù thu nhập ít ỏi vẫn có tiền tiết kiệm.
(Review365 tổng hợp)
Để lại bình luận
5