Theo Vietnamnet đưa tin, bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân M.T.T. (63 tuổi, ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bị vỡ bàng quang.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bà T. đi xe khách từ TP. HCM ra Quảng Bình. Trên đường đi, xe khách đã dừng nghỉ nhiều lần để hành khách có thể ăn uống và vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, bà T. đã cố nhịn tiểu trong suốt hành trình cho đến lúc về tới nhà.
Về đến nhà, bà T. thấy đau bụng dưới, khó tiểu, nước tiểu ít, mức độ đau ngày càng tăng và dần bí tiểu. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, khó tiểu.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Thận tiết niệu đã thăm khám và phát hiện bệnh nhân bị vỡ bàng quang. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật để khâu bàng quang vỡ và hút ra hơn 2,5 lít nước tiểu.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ cảnh báo về thói quen nhịn tiểu
Theo Vnexpress, bác sĩ Hoàng Văn Công, Trưởng khoa Ngoại Thận tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, khi lượng nước tiểu đạt khoảng 500ml sẽ kích thích bàng quang và tạo cảm giác muốn đi vệ sinh. Đi tiểu khi có nhu cầu giúp giải tỏa kịp thời lượng nước tiểu trong bàng quang.
Nhịn tiểu là thói quen không tốt cho sức khỏe. Về lâu dài, nó có thể gây ra rối loạn tiểu tiện, viêm nhiễm hệ thống thận tiết niệu, sỏi thận, suy thận...
Nhịn tiểu thời gian dài sẽ khiến bàng quang bị giãn cang, mất trương lực cơ bàng quang. Một vài trường hợp chỉ cần tác động nhẹ cũng có thể làm vỡ bàng quang và gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Người bệnh bị chấn thương bàng quang thường xảy ra triệu chứng sốc đa chấn thương đi kèm nhiều thương tổn. Theo đó, chấn thương bàng quang có thể bị nhầm với các tổn thương khác của đường niệu. Do vậy, cần chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời các tổn thương bàng quang và những thương tổn đi kèm mới có thể hạ thấp tỷ lệ tử vong và các biến chứng do chấn thương gây ra.
Dấu hiệu nhận biết chấn thương bàng quang gồm
- Buồn đi tiểu nhưng không tiểu được hoặc chỉ ra một ít;
- Đi tiểu ra máu;
- Đau vùng hạ vị;
- Đặt sonde tiểu không ra nước tiểu hoặc chỉ có ít máu
- Điểm đau nhói vùng xương mu do gãy cành xương mu
- Chụp X-Quang, cắt lớp, siêu âm có thể sẽ thấy các tổn thương vỡ bàng quang.
(Theo Vnexpress)
Để lại bình luận
5