Đôi khi những đứa trẻ không vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ thường xuyên có những hành vi xấu thì đó không phải là ngoại lệ nữa. Nếu cha mẹ không ngăn chặn sớm sẽ khiến hành vi của trẻ tồi tệ hơn.
Sau đây là những hành vi bố mẹ thường làm khiến con dễ hư hỏng và khó dạy:
Thích chỉ trích và phàn nàn
Nếu một đứa trẻ sống trong môi trường buồn chán, bi quan thì làm sao chúng có thể có niềm tin vào tương lai được. Mặc dù cuộc sống không hề dễ dàng, nhưng việc than thở, phàn nàn… sẽ không thể thay đổi được gì mà chỉ càng làm lây lan năng lượng tiêu cực.
Vì vậy, muốn con cái có niềm tin, sự say mê, lạc quan vào tương lai thì cha mẹ cần nuôi dạy chúng trong một môi trường sống tích cực.
Luôn tìm tới các cuộc tranh cãi
Sinh trưởng trong một gia đình đầy ắp tiếng cãi vã có thể khiến trẻ nhỏ nghĩ rằng chuyện xung đột, gây lộn là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, chẳng có cuộc cãi vã nào là bình thường và cha mẹ cần phải ý thức được việc bảo vệ sự bình yên trong tâm hồn của con trẻ bằng cách hạn chế gây sự, cãi lộn trước mặt con.
Nói dối
Các bậc phụ huynh luôn dạy con thật thà, chấp nhận những lỗi lầm mình gây ra và thẳng thắn thừa nhận chúng. Tuy nhiên, chính họ lại vô tình nói dối người khác trước mặt con.
Trẻ con chứng kiến hành động này của bố mẹ, chúng sẽ nghĩ rằng, việc nói dối là điều bình thường. Họ sẽ trở thành "tấm gương" nói dối cho trẻ học tập.
Trẻ không quan tâm mục đích nói dối là tốt hay xấu, chúng chỉ hiểu, nếu những người lớn thường dạy chúng về đạo đức mà có thể nói dối, thì chúng cũng có thể. Bên cạnh đó, bố mẹ sẽ đánh mất lòng tin nơi con cái.
Luôn cho rằng mình đúng
Cha mẹ luôn cho mình cái quyền tối cao, rằng mình không bao giờ sai và không nhận lỗi trước mặt con là suy nghĩ vô cùng tiêu cực đấy.
Nếu bạn muốn hình thành nên nhân cách trung thực, thẳng thắn ở trẻ thì trước hết bạn phải là tấm gương sáng sẵn sàng nhận lỗi khi làm sai. Chính như vậy con bạn mới cảm thấy được đối xử công bằng trong gia đình.
Không nhất quán
Bạn nói con không được ăn thêm bất kỳ chiếc kẹo nào nữa. Con phản ứng lại bằng một cơn giận dữ, ăn vạ nhiều hơn và bạn rút lại yêu cầu trước đó của mình. Với cách hành xử này, bạn đã vô tình gieo vào đầu trẻ suy nghĩ rằng mỗi khi chúng nổi giận là có thể nhận được mọi thứ chúng muốn.
Hút thuốc và uống rượu tại nhà
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cha mẹ hút thuốc và uống rượu, tỷ lệ con cái của họ cũng có thói quen này ở tuổi trưởng thành cao tới 65%. Thói quen xấu này sẽ chỉ lấy đi sức khỏe của cha mẹ, mà còn khiến con cái đua đòi, hư hỏng sau này.
Không bao giờ chịu trách nhiệm
Bạn đã bao giờ bắt gặp những đối tượng mà trong mọi hoàn cảnh, họ đều tự đóng vai nạn nhân, phải chịu đựng đau khổ, bất công và tất cả đều không phải lỗi của họ?
Xu hướng hành vi của cha mẹ là không bao giờ chịu thừa nhận trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho các yếu tố ngoại lai chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái. Dần dần, con trẻ cũng sẽ luôn kiếm cớ bào chữa và đi ngược lại những giá trị đúng đắn.
Bắt con tự ngủ
Cha mẹ tin rằng việc ngủ chung sẽ khiến con cái ỷ lại, mất đi tính tự lập. Nhưng con sẽ thắc mắc: "Tại sao người lớn lại ngủ chung phòng mà trẻ con lại phải ngủ một mình?".
Thực tế, việc ôm và ru con ngủ sẽ tạo ra mối liên kết tình cảm giữa mẹ và con, cải thiện sức khỏe tinh thần cho trẻ.
Những hình phạt "nói mà không làm"
Có thể tất cả các bậc cha mẹ đều ít nhất một lần mắc phải sai lầm này. Bạn thường nói với con kiểu như: "Nếu con tái phạm chuyện này một lần nữa, con sẽ không được xem ti vi" hay "Mẹ sẽ không bao giờ đưa bạn đến chơi với con một lần nữa nếu con cư xử như vậy"... Nhưng sau đó nếu trẻ có lặp lại hành vi, bạn cũng quên không thực hiện lời đe dọa này. Về lâu dài, đứa trẻ sẽ lặp lại hành vi đó nhiều hơn vì chúng biết sẽ không bị phạt.
Đe dọa
Theo các nhà tâm lý học, đe dọa là phong cách làm cha mẹ sai lầm nhất, thậm chí còn rất tai hại. Một nhóm các nhà khoa học đã làm thí nghiệm cho thấy những đứa trẻ bị cha mẹ đe dọa thường hay nói dối.
Hay chửi thề
Nếu cha mẹ thường xuyên chửi thề, nó sẽ không chỉ dễ làm tổn thương cơ thể và tâm trí của trẻ mà còn ảnh hưởng đến cách nói chuyện của chúng. Một khi chúng bắt chước ngôn ngữ chửi thề, chúng sẽ dần hình thành tính cách thô bạo. Thực tế là chẳng có ai thích nói chuyện với một người hay chửi thề.
Luôn bào chữa cho con
"Nó đang mệt", "Nó chỉ là một đứa trẻ thôi", "Nó đang đói"... Có phải bạn từng đưa ra những lý do này để giải thích cho hành vi chưa tốt của trẻ? Chúng có thể cảm thấy đói, mệt mỏi hoặc ở trong tâm trạng không tốt, đặc biệt là với những đứa trẻ còn nhỏ chưa biết thể hiện cảm xúc rõ ràng. Nhưng cứ thường xuyên châm chước cho trẻ như vậy là không đúng, bạn sẽ tạo ra tính đổ thừa, ỷ lại ở trẻ.
Để lại bình luận
5