Giữa thế kỷ 19, bác sĩ người Đức Carl Reinhold August Wunderlich đã có một ý tưởng mang tính bước ngoặt, về việc tính ra thân nhiệt trung bình của con người. Ông cho rằng những cơn sốt thực chất là triệu chứng của bệnh chứ bản thân nó không phải bệnh. Một quan điểm qua thời gian đã được chứng minh là đúng.

Dựa trên một nghiên cứu trước đó từ Pháp, cho rằng những bộ phận bị viêm sẽ có nhiệt độ cao hơn và thân nhiệt trung bình của con người là 36,9°C, bác sĩ Wunderlich quyết định đào sâu hơn và cải tiến ý tưởng này. Ông sử dụng nhiệt kế kẹp nách, đo thân nhiệt của hơn 25.000 bệnh nhân, đọc gần 1 triệu con số. Đến năm 1868, nghiên cứu cuối cùng đã được công bố, trong đó xác nhận thân nhiệt trung bình của con người là 37°C.

Sự thật bất ngờ: Hóa ra từ rất lâu rồi thân nhiệt trung bình của con người đã không còn là 37 độ C, lý do tại sao nhỉ?

Con số 37 độ sau đó đã trở thành một kiến thức chung cho cả thế giới, dù đã được chỉnh sửa lại sau đó. Bởi lẽ, về sau khoa học phát hiện ra rằng thân nhiệt của con người thường thay đổi trong ngày, thấp hơn vào buổi sáng và cao nhất vào lúc 6h chiều. Ngoài ra, thân nhiệt phụ nữ và đàn ông cũng không giống nhau.

Hiện tượng kỳ lạ

Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi, khoa học bỗng nhận ra hiện tượng khá kỳ lạ. Đó là thân nhiệt trung bình của con người dường như đang giảm dần so với thế kỷ 19.

Cụ thể, nghiên cứu năm 2017 đã xem xét hơn 250.000 kết quả đo thân nhiệt trên 35.000 bệnh nhân tại Anh. Kết quả cho thấy, nhiệt độ trung bình khi đo ở miệng chỉ là 36,6°C. Một nghiên cứu khác công bố hồi đầu năm 2020 cũng cho thấy thân nhiệt trung bình của người Mỹ đang giảm khoảng 0,02°C mỗi thập kỷ, kể từ thập niên 1860.

Sự thật bất ngờ: Hóa ra từ rất lâu rồi thân nhiệt trung bình của con người đã không còn là 37 độ C, lý do tại sao nhỉ?

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances còn cho thấy hiện tượng lạ hơn nữa. Họ quan sát người Tsimane - dân tộc bản địa của Bolivia khu vực Amazon, những người nổi tiếng có thể chất rất hoàn hảo - và phát hiện ra rằng thân nhiệt trung bình của tộc người này đang giảm đi rất nhanh, lên tới 0,05 độ C mỗi năm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu vào năm 2001.

Cụ thể khi quan sát hồ sơ y tế của 5.500 người từ năm 2002 - 2018, các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích trên 18.000 quan sát, có tính đến các yếu tố gây ảnh hưởng như nhiễm trùng, cân nặng và nhiệt độ môi trường. Kết quả chỉ trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ, thân nhiệt của người Tsimane đã giảm với tốc độ ngang với những gì đang xảy ra ở Mỹ trong hơn 200 năm qua.

"Dù có làm gì, phân tích thế nào, xu hướng giảm vẫn cứ ở đó," - Thomas Kraft từ ĐH California, Santa Barbara nhận định. "Dù chỉ giới hạn lượng phân tích ở mức dưới 10% đối với những người được đánh giá có sức khỏe hoàn hảo, xu hướng này vẫn xảy ra."

Và tóm lại thì thân nhiệt trung bình của người Tsimane lúc này đang rơi vào khoảng 36,5°C.

Vấn đề là tại sao?

"Nguyên nhân có thể đến từ sự phát triển của y học hiện đại, và tỉ lệ nhiễm trùng nhẹ cũng thấp hơn trước," - Michael Gurven, giáo sư nhân chủng học tại ĐH California, Santa Barbara cho biết. "Nhưng dù y học phát triển mạnh trong 2 thập kỷ qua, ở Bolivia vẫn có nhiều trường hợp nhiễm trùng. Nghĩa là việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng không phải lý do."

Nhóm nghiên cứu nhận định, có thể con người ngày nay đang được sống trong điều kiện tốt hơn, nghĩa là cơ thể họ phải làm việc ít hơn để chống lại sự nhiễm trùng. Hoặc, khả năng tiếp cận với thuốc kháng sinh và kháng viêm hiện tại đang dễ dàng hơn, tức là các đợt nhiễm trùng sẽ không còn nghiêm trọng như quá khứ nữa.

Tuy nhiên, tất cả chỉ nằm ở mức giả thuyết, vì chưa thấy có bất kỳ mối liên hệ nào thực sự chặt chẽ cả.

"Một lý do khác là vì cơ thể người dần thoát khỏi nghĩa vụ điều hòa thân nhiệt do có sự xuất hiện của điều hòa và máy sưởi," - Kraft cho biết. "Tuy rằng người Tsimane không sử dụng nhiều công nghệ, nhưng ngày nay họ có nhiều quần áo ấm hơn xưa rồi."

Dẫu vậy, lý do cụ thể tại sao thân nhiệt con người ngày càng giảm xuống vẫn chưa được làm rõ. Nhóm nghiên cứu tin rằng chỉ cần làm rõ được việc này, chúng ta có thể sử dụng nó như một chỉ số dự báo sức khỏe chung của cộng đồng, thậm chí là dự báo tuổi thọ.

Nguồn: IFL Science

Theo Pháp luật & Bạn đọc