- Cúng gà trống – lễ vật Tam hợp – đêm Giao thừa 2021
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 ra sao? Có ấm không? Có mưa không?
- Hoài niệm Tết xưa: Hít hà mùi khói pháo, xếp hàng nhận lì xì
- Chọn ngay hoa trưng Tết Tân Sửu để cả năm 2021 được may mắn, thành công
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, luôn tôn trọng chữ nghĩa thánh hiền. Bởi lẽ đó, mỗi dịp Tết đến xuân về là người người lại đi xin chữ đầu năm để mong cầu may mắn, phúc lộc cho bản thân và cả gia đình.
Thời xưa để xin chữ, người ta sẽ chuẩn bị một lễ nhỏ bao gồm trầu cau, chè thuốc mang đến nhà thầy đồ để xin chữ.
Vào ngày nay chúng ta không cần phải cầu kỳ đến tận nhà các thầy đồ nữa mà chỉ cần đến các khu phố ông đồ, chọn một trong những ông đồ trong đó để xin chữ. Không chỉ có những ông đồ dày dặn kinh nghiệm mà bây giờ còn có những ông đồ trẻ với những nét chữ hiện đại.
Tùy từng tâm tư nguyện vọng, tính cách, nghề nghiệp, tuổi tác… của người xin mà thầy đồ sẽ cho những câu chữ thích hợp.
Ngoài cầu mong những điều mình mong muốn, người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ.
Thông thường, những chữ hay được xin nhất là Lộc, Phát, Tài, Vượng, Cát Tường, Tín (cho người làm kinh doanh)… hay Thành, Đạt (cho người cầu thành công)… Trí, Tài, Đăng Khoa (cho người cầu học hành thành đạt)…
Vậy cụ thể Tết Tân Sửu 2021 nên xin chữ gì để cả năm may mắn đong đầy, cát tường thịnh vượng?
1. Tết Tân Sửu 2021 nên xin chữ gì?
- Xin chữ An - Mong ước bình an, vượt dịch bệnh
Chữ “An” là một trong những chữ phổ biến được xin nhiều nhất mỗi dịp đầu năm, để gửi gắm nguyện ước có về cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Đó còn là mong cầu có một chỗ an cư trong cuộc sống, một chữ an toàn trong mọi việc…
Nhất là khi chúng ta mới trải qua một năm 2020 đầy biến động lịch sử mà thế giới và Việt Nam chưa từng gặp phải, cuộc sống bị ảnh hưởng mọi mặt vì dịch bệnh thì chữ “An” lại càng trở nên có ý nghĩa cao đẹp hơn bao giờ hết.
Vì thế, chữ “An” là một lựa chọn không thể bỏ qua khi xin chữ Tết Tân Sửu 2021 này khi mà hiện tại dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp. Ai cũng gửi gắm ước vọng là mong muốn đại dịch nhanh chóng qua đi, thế giới trở lại bình an, an toàn để phát triển.
- Xin chữ "Lộc" – Biểu trưng cho tài lộc, thịnh vượng
Chữ “Lộc” biểu trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc lớn nhất của đời người là tài lộc dồi dào, may mắn, tốt lành.
Chính vì thế, vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, người Việt thường treo tranh chữ Lộc trong nhà để mong tài lộc đến với cuộc sống.
Đặc biệt là những người theo nghiệp kinh doanh, buôn bán thường rất thích xin chữ “Lộc” để mong muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc. Mọi người cũng hay tặng nhau chữ “Lộc” như là lời chúc may mắn, thành đạt tới người nhận.
Tuy nhiên, với văn hóa từ xa xưa, chữ “Lộc” lại là chữ đại diện cho bổng lộc mà các Quan khi xưa nhận được. Lộc này có thể là lộc Vua ban, cũng có thể là lộc dân biếu.
- Xin chữ "Phúc" – Tượng trưng cho hạnh phúc, sung túc
Chữ “Phúc” tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, sung túc, thể hiện mong muốn có một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho cả gia đình.
Vì vậy, chữ “Phúc” từ xa xưa đã được sử dụng trong rất nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, trên quần áo, hay dán chữ Phúc lên cổng, lên tường hoặc cửa nhà, cửa phòng…
- Xin chữ "Thọ" – Chúc thọ người lớn tuổi
Chữ “Thọ” biểu tượng cho sự mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Mọi người xin chữ này thường mong muốn có một cuộc sống ấm no, mạnh khỏe, tránh được tai ương.
Và đặc biệt, chữ Thọ mang ý nghĩa chúc thọ ông bà, cha mẹ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, sung túc, và thể hiện lòng thành kính với bậc bề trên.
Vậy nên tranh thư pháp chữ Thọ rất hay được dùng làm quà tặng trong nhiều dịp đặc biệt là sinh nhật và chúc thọ cha mẹ, những người cao tuổi. Tranh chữ Thọ còn được kết hợp với nhiều câu đối, câu chúc hay và ý nghĩa.
- Xin chữ “Phú” – Tượng trưng cho no đủ, giàu sang
Với mong muốn có một cuộc sống đủ đầy, ấm no và giàu sang, nhiều người thường xin chữ “Phú” dịp đầu năm để treo trong nhà.
- Xin chữ “Hằng” – Tượng trưng cho sự vững bền
Chữ “Hằng” rất thích hợp cho các bạn trẻ có ý định lập gia đình hay mới bước vào cánh cửa hôn nhân trong năm nay để gửi gắm mong cầu về cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc mãi mãi.
- Xin chữ “Thành” – Chỉ thành công, trọn vẹn
Chữ “Thành” tượng trưng cho sự hoàn thành, làm chuyện gì cũng trọn vẹn nên được nhiều người lựa chọn khi xin chữ đầu năm để gửi gắm về sợ thành công.
- Xin chữ “Điền” – Mong cầu sự ấm no
Chữ này thể hiện mong muốn ấm no, sung túc nên cũng được nhiều người lựa chọn xin chữ.
- Xin chữ “Đức” – Tượng trưng cho đức độ, đạo đức
Chữ Đức biểu trưng cho đạo đức, nét đẹp đức độ của con người. Người xin chữ Đức vốn để răn dạy chính bản thân mình cần phải sống thực với chính bản thân mình, làm đúng theo lương tâm mình để tâm hồn được thanh thản.
Người xưa có câu “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là phải có đức trước, phải răn dạy bản thân tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến chuyện giàu sang phú quý (tầm long nghĩa là tìm long mạch tốt để tạo sự phát đạt, giàu sang).
Còn trong Tử vi lý số, đặc biệt coi trọng “số phận” con người, nhưng vẫn có câu “Đức năng thắng số’’, cũng là nhằm nhắc nhở người đời hãy biết lấy Đức làm trọng, vừa giúp ích cho xã hội, vừa tạo nên “số phận” tốt hơn cho chính mình.
- Xin chữ “Cát” – Mong muốn vạn sự cát lành
Chữ Cát mang ý nghĩa những điều tốt đẹp, cát tường. Xin chữ này để thể hiện mong muốn mọi sự tốt đẹp, may mắn, hanh thông sẽ đến với cả gia đình.
- Xin chữ “Đạo” – Tự răn dạy bản thân làm theo lẽ phải
Chữ Đạo này mang trong mình ý nghĩa vô cùng lớn lao - đó là lẽ phải, luân thường, đạo lý.
- Xin chữ “Tâm” – Mong sự thanh tịnh, yên bình
Chữ Tâm thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến những điều thiện lành, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành.
Người xin chữ Tâm gửi gắm mong ước có tu dưỡng đạo đức để cho tâm được thanh tịnh, xóa hết dục vọng, ích kỷ, hận thù, để có một cuộc sống thanh thản, yên bình.
Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm, tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng đạo lí, lẽ phải, tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu xa, tội lỗi.
Ngoài ra, làm việc gì mà cũng có "tâm" - đặt hết cả con tim và khối óc mình vào đó thì kiểu gì cũng sẽ thành công.
- Xin chữ “Hiếu” – Tỏ lòng biết an công sinh thành, dưỡng dục
Trong quan niệm của dân tộc ta, chữ “hiếu” (hiếu thuận) là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”, trong trăm hạnh của con người, hạnh hiếu đứng đầu.
Do đó, chữ “Hiếu” là loại chữ phổ biến được xin đầu năm, người xin chữ thường dùng để tặng ông bà, cha mẹ, để thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của ông bà, cha mẹ đồng thời cũng thể hiện tấm lòng quan tâm, chăm sóc của con cháu.
- Xin chữ “Tài” – Tượng trưng cho tài năng, thành đạt
Chữ “Tài” là biểu trưng cho tài năng, thể hiện mong muốn thành đạt trong công việc, cuộc sống của người xin chữ.
Cái Tâm - tức cái Đức là gốc của con người chân chính, lương thiện, nhưng cái Tài cũng là một phẩm chất quan trọng để tạo nên nhân phẩm. Người vừa có Đức, vừa có Tài, mới là con người hoàn thiện.
Cho nên đây cũng là một chữ rất thích hợp để xin hoặc đem đi tặng nếu bạn đang phân vân không biết Tết Tân Sửu 2021 nên xin chữ gì.
- Xin chữ “Nhẫn” – Tượng trưng cho bản lĩnh
Trong tiếng Hán, chữ Nhẫn (忍) bao gồm chữ Đao (刀 - con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 - trái tim, tâm trí).
Trong đó, chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do.
Trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp vì sẽ làm cho mũi dao lún sâu hơn, phải bình tĩnh xử lý.
Nhưng “Nhẫn” không phải là chấp nhận thực tại. Đó là sẵn sàng đương đầu, và âm thầm chuẩn bị để vượt qua khó khăn, thách thức, để rồi lại tiếp tục “Nhẫn”, lại tiếp tục vượt qua thử thách lớn hơn
Nhiều người xin chữ “Nhẫn” về treo trong nhà với ngụ ý tự răn chính bản thân mình phải biết nhẫn nhịn để giữ hòa khí trong mọi hoàn cảnh. Chữ Nhẫn còn tượng trưng cho bản lĩnh của con người.
- Xin chữ “Duyên” – Cầu duyên, hỷ sự
Chữ Duyên biểu tượng cho tình yêu, duyên phận, thể hiện cho sự may mắn trong tình yêu, dấu hiệu của hỷ sự. Các bạn trẻ nam, nữ thường xin chữ này với mong muốn tìm được nửa kia của mình.
Đời người, chẳng qua chỉ vỏn vẹn bởi một chữ Duyên. Những điều cầu được ước thấy trong đời, có thể nói là có duyên, còn cầu mà chẳng được thì coi như là duyên không đến.
- Xin chữ “Tín” – Danh dự, sự đảm bảo
Tín là sự tin cậy lẫn nhau là không thất hứa, là phải thực hiện đúng cam kết.
Thời xưa, Tín thuộc Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) để làm nên một người quân tử.
Người giữ được chữ “tín” là người có bản lĩnh, dễ làm nên nghiệp lớn. Còn nếu không giữ được chữ “tín” tức là không dám chịu trách nhiệm với mình thì làm sao dám chịu trách nhiệm với người khác.
Cho nên chữ “Tín” thường được những người làm kinh doanh lựa chọn để răn dạy bản thân luôn phải giữ vững danh dự, thực hiện đúng lời cam kết đã nói ra.
- Xin chữ “Cát tường” – Tốt lành, viên mãn
Chữ “Cát Tường” tượng trưng cho những điều may mắn, phước lành, hạnh phúc.
Khi nói đến cát tường là nói đến sự may mắn, mạnh khỏe nó thường được dùng khi ai đó chuẩn bị làm một việc gì đó quan trọng, bạn bè người quen thường chúc người kia Cát tường, hoặc khi gặp gỡ người lớn, cũng có thể chúc họ sức khỏe bằng cách sử dụng từ Cát tường.
Do đó, chữ “Cát Tường” thường là một trong những chữ được xin nhiều nhất trong dịp đầu năm.
2. Xin chữ Tết Tân Sửu 2021 ngày nào tốt?
Tục xin chữ đầu năm là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Vậy xin chữ Tết Tân Sửu 2021 này vào ngày nào là tốt nhất?
Thông thường, các địa điểm tổ chức lễ hội xin chữ (điển hình như tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã được mở cửa từ ngày mồng 1 Tết để phục vụ nhu cầu của người dân.
Hơn nữa, cha ông ta quan niệm, mùng 1 Tết là ngày Đại cát, vì đó chính là thời điểm đất trời giao thoa, âm dương cân bằng, mọi việc đại cát đại lợi. Bạn có thể chọn ngay ngày mồng 1 Tết năm Tân Sửu này để đi xin chữ sẽ rất may mắn.
Tuy nhiên, hầu hết từ sáng mùng 2 Tết trở đi, mọi người mới nô nức kháo nhau đi xin chữ. Từ người lớn tuổi cho đến thanh niên, học sinh, không giới hạn bất cứ độ tuổi nào.
Còn có quan niệm rằng ai không chủ đích đi xin chữ nhưng lại được các thầy gọi vào cho chữ, người ấy mới thật là có phúc có đức và có cả duyên với các thầy mới được vậy, đó gọi là “lộc chữ”.
Ai mà được các thầy cho chữ như vậy thì cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, nhiều sự như ý.
3. Xin chữ đầu năm như thế nào cho đúng?
Xin chữ tưởng chừng là việc đơn giản nhưng để xin cho đúng lại là điều không phải ai cũng hiểu rõ.
Có rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi rằng mình tuổi này thì nên xin chữ nào cho phù hợp. Tuy nhiên, cách nghĩ đượm màu sắc mê tín này không phù hợp với việc xin chữ.
Thực tế việc xin chữ vốn không cần đắn đo xem có có hợp năm, hợp tuổi, hợp mệnh, giới tính... hay không, bởi bản thân những con chữ không kiêng kị gì cả.
Đã gọi là đi xin chữ thì ta phải gặp người “hay chữ” để xin, sau khi trình bày nguyện vọng, mong ước trong năm nay như thi cử, công danh, kết hôn, sức khỏe, tặng cho ai… người cho chữ sẽ viết tặng bạn những chữ phù hợp.
Vốn dĩ chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Do đó, thời nay người đi xin chữ không nên có tâm niệm tìm một giá trị cụ thể. Hay nói cách khác, không nên tìm đến chữ như một giải pháp tâm linh cho những bế tắc mình gặp phải trong cuộc sống.
Chính bởi sự hiểu biết sai lệch này mà tục xin chữ đầu năm thời nay đang bị biến tướng đi khá nhiều. Có những "ông đồ" còn đem cả yếu tố phong thủy vào màu giấy viết để thu hút khách, làm mất đi giá trị cao đẹp của tục xin chữ.
Tất nhiên, xin chữ gì là phản ánh mong muốn, tâm tư nguyện vọng của người xin, nhưng không nên gắn nó với yếu tố kinh tế kẻo sẽ biến nét đẹp xin chữ thành một hoạt động “mê tín dị đoan”.
Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu sắc rực rỡ tượng trưng cho những điều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc theo quan niệm của người phương Đông.
Hơn nữa, màu đỏ còn là màu của sự sống và sự tái sinh, cho nên trong ngày Tết, mọi người đều thích trang hoàng nhà cửa bằng những thứ có màu đỏ như: hoa đào, câu đối, phong bao lì xì…
Mỗi chữ thư pháp ngoài chứa đựng ước mong của người xin, thể hiện tài đức của người cho thì cần chính sự thành tâm, hướng thiện của con người để phong tục ngày Tết đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.
Để lại bình luận
5