Câu hỏi "Có nên nói với con rằng Nhà mình không có tiền! để ngăn cản con tiêu tiền hay không?" xuất hiện trong show truyền hình của đài iQiyi (Trung Quốc) mới đây đã dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi.

Có nhiều ý kiến khác nhau, xoay quanh hai lựa chọn chủ yếu: Một là nói với con một cách trung thực, để con hiểu và đồng hành với bố mẹ và hai là, không nên nói để con có một tuổi thơ hồn nhiên, đơn giản, không vướng bận những lo âu vì tiền.

Có nên nói với con là 'nhà mình nghèo'?

Nhà văn, người dẫn chương trình Phó Thủ Nhĩ bảo vệ quan điểm rằng cô sẽ luôn cho trẻ biết tình hình kinh tế của gia đình: "Con tôi 14 tuổi nhưng 'như ông cụ non'. Nhà có tiền hay không, nó còn biết rõ hơn cả bố nó. Khi tôi nói với con: Con ơi, nhà ta không giàu đâu, con đã trả lời rất chững chạc: Mẹ đừng lo, con sẽ tiết kiệm tiền cùng với mẹ". Cô cho rằng đứa trẻ thực ra không mong manh như bố mẹ vẫn tưởng, thậm chí còn hiểu chuyện, biết thích nghi hơn cả người lớn.

Phản bác lại ý kiến này, một số người tham gia show cho rằng, nói cho trẻ biết về thực tế kinh tế gia đình sẽ vô tình gây ra những nỗi lo âu cho trẻ, khiến chúng trở nên "già trước tuổi", mất đi sự hồn nhiên vốn có.

Người dẫn chương trình Tịch Thụy còn khẳng định, nói cho trẻ về chuyện tiền nong có thể khiến đứa trẻ nảy sinh cảm giác tự ti vì gia đình mình nghèo khó so với nhà khác. Anh nói: "Không có gì là sai khi giáo dục trẻ em tiết kiệm tiền. Nhưng điều tôi không đồng ý là, người lớn cứ nhất định phải nói câu: Nhà ta nghèo/Nhà ta không có tiền. Tất cả các bậc cha mẹ làm việc chăm chỉ để con cái có cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc, bình an mà lớn lên. Tại sao phải nói những câu như thế, khiến đứa trẻ mất đi niềm vui?".

Anh cho rằng không nên lấy từ "nghèo" làm xiềng xích, gông cùm vào cuộc đời đứa trẻ, khi nó còn quá nhỏ. Tịch Thụy kết luận: "Đối với đứa trẻ, điều quan trọng nhất không phải là bố mẹ mua gì cho mình, mà là tình yêu thương vô bờ và sự đồng hành của bố mẹ. Điều này tốt hơn nhiều so với việc cha mẹ cứ mở miệng là nói với con rằng nhà mình nghèo. Cần để trẻ chủ động nhìn nhận và thấu hiểu các thành viên trong gia đình, đó mới là cách giáo dục tốt nhất".

Có nên nói với con là 'nhà mình nghèo'?

Sau khi chương trình phát sóng, khán giả cũng gửi đến rất nhiều ý kiến. Một khán giả tên Zhihu viết, từ nhỏ cô đã đẻ ra trong gia đình nghèo, bố mẹ lúc nào cũng nói vào tai cô: "Không có tiền đâu". Điều này khiến cô bị ám ảnh, thậm chí muốn mua gì cũng chẳng dám mở mồm ra xin bố mẹ, vì biết rằng bố mẹ không bao giờ cho tiền. Sau này, khi đã trưởng thành, tư tưởng "không có tiền đâu" ngày đó vẫn đeo bám cô, trở thành thói quen khó bỏ trong tác phong chi tiêu, sinh hoạt của cô.

Zhihu cho rằng tốt nhất cha mẹ không nên nói với con rằng nhà mình nghèo, mà chỉ cần cho trẻ thấy rằng việc kiếm tiền không dễ dàng, để trẻ cảm nhận được sự vất vả của việc kiếm tiền, như thế trẻ sẽ biết cách sử dụng đồng tiền cho hợp lý, thay vì vòi vĩnh, đòi hỏi.

Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Ở Mỹ, trẻ 3 tuổi đã bắt đầu được dạy về đồng tiền. Cha mẹ sẽ khuyến khích trẻ tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí khuyến khích trẻ bán đồ chơi không còn dùng nữa tại các chợ đồ cũ. Ở Anh, một phần ba số trẻ em có tài khoản ngân hàng, và các bậc cha mẹ thường dạy con về đồng tiền khi chúng 5 tuổi. Trong khi đó, cha mẹ người Đức yêu cầu con tham gia vào công việc gia đình, chia sẻ công việc ở nhà với phụ huynh từ khi còn nhỏ. Họ tin rằng chỉ có cách này, con cái mới hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, từ đó biết chi tiêu phù hợp hơn.

Có nên nói với con là 'nhà mình nghèo'?

Theo các chuyên gia, thay vì dễ dãi thỏa mãn các yêu cầu của trẻ khi trẻ đòi mua sắm những thứ chúng thích, nên tập trung bồi dưỡng ý thức về giá trị đồng tiền, để trẻ hiểu cách tiêu tiền. Cần dạy trẻ hình thành dần tư duy tài chính, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên lấy câu cửa miệng "Nhà mình nghèo lắm/Nhà chúng ta không có tiền" để cấm cản con mua những đồ chúng thích hoặc muốn xin tiền từ cha mẹ, bởi điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.

7, Theo Reviview 365 tổng hợp