- 3 con giáp từ Tết âm lịch 2021 bắt đầu ‘vượt nạn’, tin vui về tấp nập
- Top 4 con giáp nhận được nhiều tiền lì xì nhất Tết 2021
1. Ý nghĩa của mâm ngũ quả
Bày mâm ngũ trong ngày Tết cũng là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, các gia đình Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không quên phong tục này như một sự nhắc nhở cho chính bản thân và cho con cháu nhớ về nguồn cội.
Về mặt phong thủy, mâm ngũ quả còn tượng trưng cho mong muốn âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở và phát triển.
Khi bày mâm ngũ quả ngày Tết, hoa quả thường bày trên một cái mâm hoặc đĩa to, đẹp một cách trang trọng, có thể đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng uy nghiêm, thành kính hơn.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng hoa quả bày trên mâm ngày Tết không nhất thiết phải là số 5 cứng nhắc nữa, nguyên nhân nằm ở việc mỗi người có một quan điểm thẩm mỹ và một cách để bày tỏ sự hiếu thảo đến với tổ tiên riêng. Những gia đình có điều kiện thì bày đến 8, 9 hay thậm chí là 10 loại quả.
Số quả bày trên mâm dù là chẵn hay lẻ cũng không quá quan trọng, và dù có bao nhiêu loại quả thì người ta vẫn gọi tên là mâm ngũ quả.
2. Ý nghĩa của từng loại quả trên mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Ullambana Sutra với hình ảnh “trái cây năm màu”. Mâm ngũ quả thường có khoảng 5 loại trái cây với màu sắc khác nhau. Trong tâm thức người Việt, “ngũ” thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an).
Theo quan niệm của Phật giáo, 5 màu tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Khi bày mâm ngũ quả, người ta không chọn bất kỳ một loại quả nào mà thường căn cứ vào ý nghĩa của loại quả đó. Ví dụ như:
Quả lê: Có vị ngọt thanh, thịt giòn, màu trắng, ngụ ý cầu mong gia chủ làm việc gì cũng suôn sẻ, trơn tru.
Quả lựu: Có màu đỏ, nhiều hạt, mọng nước, tượng trưng cho gia đình sum họp viên mãn, con đàn cháu đống.
Quả đào: Tượng trưng cho sự thăng tiến, phát triển trong sự nghiệp và cả sự trường thọ.
Quả phật thủ: có hình dáng như bàn tay đức Phật luôn che chở cho chúng sinh, mang điều tốt đẹp đến cho gia đình. Đây là loại quả có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Quả táo: Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, đủ đầy.
Quả hồng, quả quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt, phát triển trong sự nghiệp của các thành viên trong gia đình.
Quả thanh long: Tựa như rồng mây hội tụ, thể hiện sự cát lành, phát tài phát lộc.
Quả bưởi, dưa hấu: Với hình dáng căng tròn, hương vị mát lành, hai loại quả này hứa hẹn sự ngọt ngào, mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Nải chuối: hình dáng như bàn tay ngửa, hứng đỡ may mắn, bao bọc chở che, tượng trưng cho con cháu sum vầy, đầm ấm. Số chuối trong nải nên là số lẻ, bởi số lẻ thường đại diện cho sự may mắn, sinh sôi. Sắp xếp bàn thờ người ta cũng thường chọn số lẻ.
Quả trứng gà (lê-ki-ma): Hình dáng giống như quả đào tiên, mang lại lộc trời ban cho gia đình.
Quả sung: Mang ý nghĩa sức khỏe sung mãn, tiền bạc sung túc. Loại quả này được chọn vì ý nghĩa tên gọi của nó
Quả đu đủ: Người ta cũng thường chọn đu đủ vì tên gọi của nó. Đu đủ tượng trưng cho sự thịnh vượng, đủ đầy.
Quả xoài: Phát âm gần giống như “xài”, tức trong năm tới, gia đình có tiền tiêu xài thoải mái, không thiếu thốn.
3. Bày mâm ngũ quả ngày Tết theo ngũ hành
Có lẽ nhiều người chỉ biết rằng mâm ngũ quả gồm có 5 loại quả mà không hay rằng đó là do ảnh hưởng của tư duy ngũ hành. Ngũ quả là 5 loại quả có màu sắc tương ứng với ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Điều này còn tượng trưng cho mong ước có được ngũ phúc là Giàu có, Sang trọng, Trường thọ, Khỏe mạnh, Bình an.
Trên mâm ngũ quả thường có đủ màu sắc, từ đỏ là màu của hành Hỏa đến trắng của hành Kim, xanh của hành Mộc, đen của hành Thủy và vàng của hành Thổ. Mỗi hành lại có những loại quả màu sắc tương ứng, tạo nên mâm ngũ quả có màu sắc hài hòa mà vẫn vô cùng nổi bật.
Ví dụ: Nải chuối vàng tượng trưng cho hành Thổ, quả táo, quả roi đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, quả mận, quả lê trắng tượng trưng cho hành Kim, quả bưởi, quả phật thủ xanh tượng trưng cho hành Mộc…
Ngoài ra, người ta còn cho rằng mâm ngũ quả theo truyền thống với 5 loại quả chính là tượng trưng cho sự về nguồn, bởi 5 loại quả ứng với 5 yếu tố ngũ hành cấu tạo nên vũ trụ từ xa xưa.
4. Những loại quả không nên bày trên mâm ngũ quả
Chúng ta biết rằng có rất nhiều lựa chọn bày hoa quả trên mâm, tuy nhiên như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể bày bất cứ loại quả nào mình thích. Khi bày mâm ngũ quả, ta cần lưu ý tránh những loại quả dưới đây:
Những loại quả đã chín đẹp hoặc chín nẫu
Gia chủ không nên lựa chọn những loại trái cây đã chín nẫu như đu đủ chín, xoài chín, chuối chín. Vì mâm ngũ quả bày trên bàn thờ thường phải bày lâu ngày, nếu lựa chọn quả chín mà bàn thờ thường có không khí ấm hơn dễ khiến các loại quả này bị nẫu, thu hút ruồi muỗi, các loại bọ tới làm ổ, khiến nơi thờ cúng bị ô uế.
Những loại quả có mùi quá nồng
Lựa chọn hoa quả cần phải có quy tắc riêng, không phải cứ gia chủ thích loại quả nào thì sẽ cúng loại quả đấy. Khi bày trên bàn thờ, cần tránh những loại quả có mùi quá nồng mà chỉ nên chọn những loại trái cây có hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng dễ chịu.
Những loại quả có gai nhọn
Theo quan niệm phong thủy, những đồ vật, loại quả có gai nhọn thường mang theo những nguồn năng lượng xấu, không nên bày lên bàn thờ để tránh việc chúng gây ảnh hưởng đến tài lộc, vận trình của gia đình. Vì vậy, ta cần tránh bày những loại quả như mít, sầu riêng.
Những loại quả mọc sát đất hoặc những loại quả có họ hàng với rau như cà chua, me...
Những loại quả có vị cay, đắng như ớt, khổ qua... để tránh đến những đắng cay, vất vả mà gia chủ có thể sẽ gặp phải trong năm mới.
Hoa quả giả
Các chuyên gia phong thủy cho rằng việc cúng bái hoa quả giả là hành động không tôn trọng ông bà, tổ tiên, vì vậy gia chủ không bày hoa quả giả lên trên bàn thờ.
5. Cách bày mâm ngũ quả theo 3 miền Bắc, Trung, Nam
Với mỗi một vùng miền, người ta lại có một quan niệm khác nhau về cách bày mâm ngũ quả truyền thống khác nhau.
Miền Bắc:
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường bao gồm chuối, bưởi, dưa hấu, hồng, quýt… Ta thấy mỗi loại quả lại mang một ý nghĩa riêng.
Ví dụ như hình ảnh nải chuối xòe ra giống như một bàn tay che chở, bưởi, dưa hấu tượng trưng cho sự căng tròn, viên mãn, còn các loại quả khác như hồng, quýt, đào, mận có màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho sự đâm chồi, nảy lộc và sang năm mới có nhiều may mắn.
Thông thường, các hộ gia đình thường xếp nải chuối ở dưới cùng, coi như đó là bệ đỡ cho các loại trái cây nhỏ hơn ở bên trên. Bưởi hay dưa hấu thường đặt ở giữa mâm, xung quanh là các loại hoa quả hồng, quýt, đào được xếp xen kẽ.
Ý nghĩa một số loại quả
Nải chuối xanh: Nải chuối xanh tượng trưng cho bàn tay ngửa lên thể hiện cho sự bao bọc, che chở cho tất cả mọi vật. Màu xanh của chuối là tượng trưng cho hành Mộc với ý nghĩa mùa xuân căng tràn sức sống, mang tới sự sung túc, bình an, đùm bọc và gắn kết cho gia đình.
Quả bưởi, cam: Loại quả này tượng trưng cho phúc lộc và sự viên mãn.
Quả phật thủ: Loại quả này có hình dáng giống với bàn tay Phật nên nó mang ý nghĩa cho sự che chở và bảo vệ. Bên cạnh đó, quả phật thủ còn mang biểu tượng của chữ Lộc, nghĩa là mong bề trên ban cho phước lộc, may mắn, đồng thời xua đi những xui xẻo.
Quả táo: Tượng trưng cho phú quý.
Quả lựu: Tượng trưng cho sự đông đúc, con đàn cháu đống.
Quả quất, quýt: Loại quả này tượng trưng cho sự trọn vẹn. Khi có mặt trong mâm ngũ quả Tết, loại quả này thể hiện cho sự tốt lành, sung túc.
Cách bày mâm ngũ quả
Trong mâm ngũ quả Tết miền Bắc, nải chuối xanh bao giờ cũng được đặt ở dưới cùng giống bàn tay nâng đỡ, thể hiện sự che chở, bao bọc. Quả bưởi hoặc phật thủ sẽ được đặt ở chính giữa nải chuối và những loại quả khác sẽ được bày biện xung quanh sao cho hài hòa, cân đối nhất.
Miền Nam
Người miền Nam gửi gắm mong ước của mình trong năm mới vào mâm ngũ quả: cầu sung (túc) vừa đủ xài, vì thế thường gồm 5 loại quả chính: mãng cầu, dừa, sung, đu đủ, xoài.
Khi sắp xếp, ban đầu ta có thể bày biện một ít tiền vàng mã quanh mép mâm, rồi chọn những loại quả có hình dáng to, tròn như đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để tạo dáng, thế. Sau đó mới bày mãng cầu và sung lên trên để tạo dáng cao hơn.
Người dân miền này còn kiêng bày các loại quả mang ý nghĩa xấu như chuối (chúi nhủi, thất bại), cam và quýt (quýt làm cam chịu)… và những loại trái cây có vị đắng lên ban thờ ngày Tết.
Ý nghĩa một số loại quả
Trái xoài: Thể hiện sự cầu mong cho một năm tiêu xài không thiếu thốn.
Đu đủ: Mang tới sự đầy đủ, thịnh vượng.
Trái sung: Thể hiện cho sự sung túc về của cải, sung mãn về sức khỏe.
Trái dưa hấu: Thể hiện cho sự ngọt ngào, may mắn. Tham khảo: Món ngon ngày Tết từ trái dưa hấu.
Trái dừa: Tượng trưng cho sự đầy đủ, không thiếu thốn.
Cách bày mâm ngũ quả
Cách bày trí mâm ngũ quả của người miền Nam cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự hài hòa, cân đối. Họ thường bày những loại quả to, nặng và xanh ở dưới, còn những loại quả nhỏ, chín thì bày lên trên. Đặc biệt, cần bày trí mâm ngũ quả sao cho giống với ngọn tháp là được. Với cặp dưa hấu, họ thường sẽ bày riêng và bày ở 2 bên của mâm ngũ quả.
Miền Trung:
Người miền Trung không có một quy tắc cụ thể nào về việc bày mâm ngũ quả trong ngày Tết, chỉ cần đó là những loại quả ngon ngon, có nhiều màu sắc rực rỡ, may mắn, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ là được.
Ý nghĩa một số loại quả trên mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Quả lê: Lê có vị ngọt thanh mang ngụ ý về một năm mới suôn sẻ, làm việc gì cũng được thuận lợi và dễ dàng.
Quả đu đủ: Loại quả này tượng trưng cho sự thịnh vượng cho gia chủ.
Quả dưa hấu: Ý nghĩa của quả dưa hấu ngày Tết đó chính là thể hiện cho sự tròn đầy, hứa hẹn một năm mới đầy may mắn, ngọt ngào.
Quả đào: Thể hiện cho sự bền vững và thăng tiến.
Quả thanh long: Biểu tượng cho sự phát lộc, phát tài.
Cách bài trí mâm ngũ quả
Vì không có sự quy định nào rõ ràng, vậy nên cách bày mâm ngũ quả của người miền Trung cũng rất đơn giản, không cầu kỳ. Mâm ngũ quả của người miền Trung thường bày những quả có hình dáng to, nặng ở dưới và những loại quả nhỏ thường bày ở trên sao cho cân đối, vừa mắt nhất là được.
6. Sai lầm khi bày mâm ngũ quả ngày Tết
Thứ nhất, không nên rửa quá sạch các loại hoa quả trước khi bày lên ban thờ.
Nhiều gia đình cho rằng các loại quả thắp hương đầu năm mới cần phải bóng, sạch mới thể hiện được sự trang trọng nên luôn rửa thật kĩ, nhưng thực ra việc làm này sẽ khiến hoa quả sớm bị héo hoặc hư thối nên có chỗ đọng nước, cách tốt nhất là ta chỉ cần dùng khăn ẩm lau sạch quả là được.
Thứ hai, khi bày mâm ngũ quả trong ngày Tết không nên chọn các loại quả đã chín đẹp, bởi thời gian hoa quả được bày trên bàn thờ lâu, thường kéo dài vài ngày nên hoa quả dễ bị héo hoặc chín quá độ.
Do đó, khi chọn mua hoa quả, ta nên chọn nhưng loại quả còn xanh (nhất là đối với chuối) hoặc chưa chín quá, như vậy sẽ đảm bảo được mâm ngũ quả sẽ luôn tươi, đẹp trong những ngày Tết.
Thứ 3, người dân miền Nam thường kiêng cúng những loại quả như chuối, lê, táo, cam, quýt... bởi theo họ, những loại quả này thường mang ý nghĩa không tốt cho việc làm ăn.
Thứ 4, ngày Tết thường kéo dài, vì thế bạn không nên lựa chọn những loại quả quá chín để trưng trong mâm ngũ quả. Nếu chọn quả chín sẽ rất dễ bị thối, hư hỏng, mang tới điềm không may mắn trong năm mới.
Thứ 5, mâm ngũ quả Tết cần chuẩn bị trước đêm 30 Tết (hoặc đêm 29 Tết nếu là tháng thiếu).
Thứ 6, trái cây bày trên mâm ngũ quả phải là trái cây thật, tuyệt đối không sử dụng trái cây giả bởi điều này là không thể hiện sự thành kính đối với các bậc bề trên.
Qua bài viết này, các bạn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam đã nắm được cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đặc trưng của vùng miền mình sinh sống. Chúc các bạn và gia đình năm mới An khang, Thịnh vượng.
Để lại bình luận
5