- Review truyện ai sẽ theo em đến cuối cuộc đời - tác giả Lục Xu
- Top 10 truyện đam mỹ sủng ngọt cực hay không thể bỏ qua
- Review tiểu thuyết Không gia đình - Tóm tắt nội dung truyện Không gia đình 1984
Đôi nét về nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn và truyện Không kịp nói yêu em
Phỉ Ngã Tư Tồn là một nhà văn nữ thuộc dòng văn học hiện đại Trung Quốc, cô tên thật là Ngải Tinh Tinh, sinh năm 1978 tại tỉnh Hồ Bắc.
Cô đã chứng minh được tài hoa của mình khi cho ra đời nhiều tiểu thuyết nổi tiếng và ăn khách, đồng thời nữ nhà văn còn được đánh giá là bảo chứng ngôn tình xứ Trung bên cạnh những cái tên như Tân Di Ổ, Cố Mạn hay Diệp Lạc Vô Tâm.
Các tác phẩm của cô hầu hết đều ngược tâm và có cái kết bi thảm khiến độc giả không khỏi day dứt khôn nguôi. Tính đến thời điểm hiện tại, Phỉ Ngã Tư Tồn đã cho ra đời hơn hai mươi tác phẩm và hầu hết đều đã được chuyển thể thành phim truyền hình vô cùng ăn khách.
Một số tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi của nữ nhà văn có thể kể đến như Đông Cung, Gấm rách, Thiên sơn mộ tuyết, Sương mù vây thành hay Không kịp nói yêu em.
Trong đó tác phẩm Không kịp nói yêu em đã được chuyển thể thành phim truyền hình năm 2010 với sự góp mặt của Chung Hán Lương và Lý Tiểu Nhiễm, đồng thời gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước.
Cuốn sách là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn, được sáng tác năm 2008 với cốt truyện lấy cảm hứng từ cuộc chiến tranh thời dân quốc.
Câu chuyện xoay quanh mối tình đầy trắc trở giữa Bái Lâm và Doãn Tĩnh Uyển, cả hai đã vô tình chạm mặt nhau trên chuyến tàu từ Nga về Trung Quốc, cũng từ đó mối lương duyên của họ dần chớm nở.
Bằng sự xuất sắc trong ngòi bút, Phỉ Ngã Tư Tồn đã một lần nữa khiến độc giả khóc nghẹn trước số phận đầy nghiệt ngã của các nhân vật trong tác phẩm.
Tóm tắt nội dung truyện Không kịp nói yêu em
Nội dung truyện Không Kịp Nói Yêu Em là câu chuyện cảm động về mối tình đầy ngang trái giữa Tĩnh Uyển và Mộ Dung Phong. Giữa giang sơn và người đẹp, người anh hùng luôn phải chọn một. Lựa chọn đó sẽ đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho Tĩnh Uyển và Mộ Dung Phong?
Trên chuyến tàu trở về nhà, Doãn Tĩnh Uyển đã gặp gỡ và giúp đỡ Mộ Dung Phong. Phút tạm biệt, anh để lại cho cô chiếc đồng hồ vàng khắc hai chữ “Bái Lâm”, và duyên phận của hai người cũng bắt đầu từ đó.
Hứa Kiến Chương – người bạn thanh mai trúc mã và cũng là chồng chưa cưới của Doãn Tĩnh Uyển bị Thừa quân bắt xử, khép vào tội chết do buôn hàng cấm, mà Mộ Dung Phong chính là Cậu Sáu Mộ Dung – đại soái của Thừa quân, Tĩnh Uyển đã một mình vượt đường xa xôi, nắm giữ hy vọng mong manh tìm đến nhờ Mộ Dung Phong giữ lại mạng sống cho Hứa Kiến Chương… Hai người trùng phùng ở đây, rồi lại ly biệt.
Hôn lễ của Tĩnh Uyển và Kiến Chương sắp diễn ra, Mộ Dung Phong vượt địch tuyến, bất chấp nguy hiểm để đến gặp Tĩnh Uyển, để nói cho cô biết rằng anh thực sự yêu cô: “Anh điên rồi mới thích em đến thế”. Họ gặp gỡ tạm thời, sau đó lại chia xa.
Trái tim đã chiến thắng lý trí, trước hôn lễ, Tĩnh Uyển đã trốn nhà ra đi, cùng với chiếc đồng hồ vàng khắc tên Bái Lâm, vượt đường sá xa xôi, bom đạn thời chiến, trèo đèo lội suối, chỉ để được gặp Mộ Dung Phong, chỉ muốn ở bên Mộ Dung Phong. Và họ đã được bên nhau như thế.
Nhưng rồi, “quốc gia vạn dặm, quan sơn như tuyết, loạn thế kinh mộng, nửa đời phồn hoa”, giữa giang sơn và người đẹp, người anh hùng luôn phải chọn một.
Là Tĩnh Uyển hay là thiên hạ đại cục?
Là tình yêu hay là lý tưởng?
Lựa chọn đó sẽ đem lại hạnh phúc hay đau khổ cho Tĩnh Uyển và Mộ Dung Phong? Còn Kiến Chương liệu anh có đạt được mục đích trả thù của mình? Phức tạp và đầy lôi cuốn, hãy theo dõi Không kịp nói yêu em để tìm được câu trả lời cho mình.
Những câu nói hay trong tiểu thuyết ngôn tình Không kịp nói yêu em
"Tĩnh Uyển, anh muốn cho em hạnh phúc mà phụ nữ trên thế gian này đều phải ngưỡng mộ, anh muốn tặng cả thiên hạ cho em."
"Tĩnh Uyển, vạn vật trên thế giới đối với anh mà nói, quan trọng nhất chính là em."
"Anh điên thật rồi mới thích em đến phát điên như vậy."
"Chỉ cần em sống em sẽ phải là của anh, cho dù em giận anh, hận anh, anh cũng không hề hối tiếc."
"Vì em mà anh bỗng nhiên sợ cái chết."
"Bây giờ nói gì đều vô ích... nhưng việc ngốc nghếch như thế, cả đời này anh cũng chỉ làm vì em."
"Nửa cuộc đời dài dằng dặc còn lại của anh, nếu không có em anh biết sống như thế nào đây?"
"Em không yêu anh ư? Em vẫn còn nói với anh một câu như thế sao? Nghe nói em kết hôn, anh liền đến đây như phát điên. Không quan tâm đến tính mạng, không quan tâm đến chính sự nước sôi lửa bỏng ở tiền tuyến, không quan tâm đến một nửa giang sơn, vậy mà em nói với anh một câu như thế sao?"
Reviews truyện Không kịp nói yêu em
Khi bắt đầu những chương đầu của truyện, mình cho rằng phim và truyện sẽ đi theo hai chiều hướng khác nhau. Mình chẳng thể nào tìm được cảnh Bái Lâm cùng Tịnh Uyển chạy trốn Dĩnh Quân như tập 1 của phim, cũng khó có thể tìm được những cảnh chiến tranh như trong phim. Sau ba ngày vừa học vừa chiến đấu với “Không kịp nói yêu em” thì cuối cùng cũng đã rút ra được nhiều điều.
Bái Lâm - chàng trai đơn độc và quyết đoán
Phải nói rằng Chung Hán Lương vào vai Bái Lâm rất đạt. Khi đọc những dòng chữ về con người Bái Lâm, về hình dáng Bái Lâm hay những hành động cử chỉ được miêu tả trong truyện mình đều nghĩ đến Chung Hán Lương trong phim. Nhưng có một điều phải nói, đó là Bái Lâm trong truyện quyết đoán hơn, độc đoán và tàn nhẫn hơn. Có lẽ chính vì điều đó mà nhiều người không thích Bái Lâm trong truyện, cho rằng truyện chỉ là những trang giấy thuật lại một bộ phim và được cắt xén, chỉnh sửa đôi chút. Nhiều người bảo Bái Lâm trong truyện quá tham lam, ích kỷ, giữa Tịnh Uyển và thiên hạ, anh lại lựa chọn thiên hạ và từ bỏ tình yêu lý tưởng của mình. Nhưng chính điều đó lại làm mình thích một Lục Thiếu Mộ Dung hơn là một Tứ Thiếu Mộ Dung.
Bái Lâm là một người đàn ông, là một người đứng đầu và giữ nhiều trọng trách, anh không phải của riêng Tịnh Uyển cho nên việc anh lựa chọn đại cục âu cũng là điều dễ hiểu. Cũng giống như việc Tứ Ca trong Bộ Bộ Kinh Tâm không thể từ bỏ vương vị để đến cuối đời vẫn chỉ là một người đơn độc. Việc giết Tín Chi của Bái Lâm ít nhiều làm độc giả phẫn uất. Nhưng không yêu Tịnh Uyển điên cuồng thì làm sao dẫn đến hành động như vậy? Nếu bạn đã đọc qua nhiều tác phẩm của Phỉ Ngã Tư Tồn thì chắc hẳn sẽ chẳng xa lạ gì với những hành động nhẫn tâm của các nam chính.
Tiểu Nhiễm lại tiếp tục một vai diễn vượt ra ngoài khuân khổ
Người đẹp Lý Tiểu Nhiễm lại tiếp tục vào vai một cô gái vượt ra ngoài khuân khổ. Vai diễn Tịnh Uyển không phải không đạt nhưng so với truyện thì khác xa tưởng tượng của mình. Tịnh Uyển trong truyện khi gặp Mộ Dung Phong chỉ là một cô gái mới 18 tuổi, là một cô gái thông minh nhanh nhẹn nhưng vẫn mang nét trẻ con. Lý Tiểu Nhiễm trong phim mang lại cho mình một hình tượng Tịnh Uyển chín chắn, một hình tượng chỉ có thể có sau khi yêu Bái Lâm. Tịnh Uyển tuy sống ở một đất nước với bề dày lịch sử văn hoá nhưng lại tiếp nhận những tư tưởng của phương Tây.
Có thể nói rằng Tịnh Uyển là một cô gái quá lý trí, kiên cường, cho nên ít nhiều gì đã gián tiếp dẫn đến bi kịch như trong truyện. Nếu như cô chịu đợi anh thì sẽ có một kết thúc bi kịch như thế không? Nếu như cô cũng như anh, nghĩ đến đại cục thì liệu có dẫn đến một cái kết bi thương như thế? Tất cả cũng chỉ là “nếu”. Những cái “nếu” đó mà có thật thì khi ấy cô có còn phải là một Tịnh Uyển mà Bái Lâm yêu hay không?
Hai nhân vật Kiến Chương và Cẩn Chi dường như chỉ là tô thêm cho cuộc gặp gỡ và rồi dẫn đến bi kịch giữa Tịnh Uyển và Bái Lâm trong truyện. Mình chẳng cần biết Kiến Chương sau này thế nào, mình cũng không thích việc Cẩn Chi xuất hiện quá sớm và dành nhiều sàn diễn như vậy trong phim.
Kết luận - Review truyện không kịp nói yêu em
Một lần nữa, câu chuyện của Phỉ Ngã Tư Tồn lại kết thúc với nhiều trăn trở, câu hỏi cho độc giả.
Liệu Đô Đô có phải là con của Bái Lâm? Mình tin rằng trong thâm tâm mỗi người đọc đều có một câu trả lời. Nhưng riêng mình thì tin Đô Đô là con của Bái Lâm qua nhiều chi tiết trong truyện.
Liệu cho đến trước lúc chết, Tịnh Uyển có còn tình cảm với Bái Lâm hay không? Hay Tịnh Uyển đã yêu Tín Chi? Đây là hai câu hỏi đeo theo mình suốt từ khi gấp lại cuốn sách. Cô từng nói rằng, cô mơ ước có một cuộc sống bình yên cùng chồng con cho đến lúc chết. Chỉ khi ở bên Tín Chi cô mới có được những cảm giác ấy. Mình tin rằng Tịnh Uyển có tình cảm với Tín Chi, nhưng có lẽ thứ tình cảm ấy không phải là tình yêu giống như cô dành cho Bái Lâm.
Kết của tác giả luôn để lại nhiều trăn trở cho người đọc, cô luôn để ngỏ như thế để độc giả tự tìm thấy một câu trả lời thoả mãn cho chính bản thân mình.
Về bản thân mình thì lại không thích cái kết như trong phim. Tại sao Tịnh Uyển không ở lại chăm sóc Bái Lâm? Nếu Bái Lâm không nhìn thấy chiếc đồng hồ cổ ấy, nếu không nhớ lại thì như thế nào? Chẳng lẽ điều gì cũng là trời định?
Nói nhiều như thế thì cũng muốn kết luận rằng, cả phim cả truyện đều đáng xem và đọc. Giống như ai đó đã nhận xét, đây đúng là một “Dân Quốc kinh điển“.
Để lại bình luận
5