1. Sữa dừa là gì?
Sữa dừa - coconut milk (hay còn gọi là nước cốt dừa) là phần nước cốt được tạo ra từ cơm dừa đã được nạo và cắt hoặc xay nhỏ, kèm với nước lọc hoặc nước dừa tươi thông qua vài công đoạn chế biến đơn giản.
Sữa dừa có màu trắng đục, có mùi thơm của dừa và vị béo ngậy. Trong ẩm thực, sữa dừa là một trong những nguyên liệu chính để chế biến những món ăn ngon như món kem, món chè, món bánh, món tráng miệng,...
2. Phân biệt coconut milk và coconut cream
Sữa dừa có tới 4 loại, được phân biệt bởi độ đậm đặc (độ béo):
- Light coconut milk (Sữa dừa loãng): Độ béo từ 5 - 9%
- Coconut milk (Sữa dừa): Độ béo từ 10 - 19%
- Coconut cream (Kem dừa): Độ béo 20 - 29%
- Coconut cream concentrate (Kem dừa cô đặc): Độ béo từ 29% trở lên
Coconut cream về bản chất nó cũng là sữa dừa, nhưng có độ đậm đặc hơn nên thơm ngon và béo ngậy hơn.
Đa phần những loại sữa dừa bán trên thị trường chỉ đơn giản là coconut milk - sữa dừa có độ loãng vừa phải, thường được dùng để kho, nấu hoặc sử dụng trực tiếp cùng với các món chè.
Nhưng khi làm kem, làm bánh hay những món ăn cần hương vị thơm, độ béo ngậy nhờ độ đậm đặc mà vẫn kiểm soát rất gắt gao tỉ lệ nước, bạn nên sử dụng coconut cream với độ béo cao hơn.
3. Cách bảo quản sữa dừa
Sữa dừa có chứa hàm lượng chất béo cao, vì vậy rất dễ bị vi khuẩn tấn công trực tiếp, dẫn đến nhanh hỏng nếu bạn bảo quản không đúng cách.
Để bảo quản sữa dừa một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo những cách dưới dây:
Cách 1: Bảo quản lạnh
Cách tốt nhất để bảo quản sữa dừa là giữ trong lọ kín khí và để ở ngăn mát tủ lạnh trong điều kiện diệt khuẩn. Để tiện hơn thì bạn nên chia nhỏ sữa dừa thành những phần nhỏ, khi dùng chỉ cần lấy đúng phần đó để những phần khác không bị ảnh hưởng.
Với cách bảo quản này, bạn có thể sử dụng sữa dừa trong thời gian lên đến 1 tuần.
Cách 2: Bảo quản đông
Một cách bảo sữa dừa khác cũng không kém phần hiệu quả đó là bảo quản theo phương pháp đông đá. Việc bạn cần làm đơn giản là cho sữa dừa vào các khay làm đá rồi đậy nắp lại, nếu khay không có nắp thì bạn sử dụng túi đựng thực phẩm bọc kín lại, sau đó để lên ngăn đông tủ lạnh.
Với cách bảo quản đông như trên bạn có thể lưu trữ và sử dụng sữa dừa trong khoảng từ 5 - 6 tuần. Khi sử dụng, chỉ cần lấy những viên sữa dừa đông đá ra trước 1 lúc để sữa dừa tan ra.
Cách 3: Sử dụng sữa dừa đóng lon hoặc bột sữa dừa
Trong trường hợp muốn việc bảo quản sữa dừa đơn giản, cũng như thời gian sử dụng sữa dừa được lâu hơn, bạn có thể sử dụng các loại sữa dừa đóng hộp hoặc bột sữa dừa.
Đa phần những loại sữa dừa đóng hộp hoặc bột sữa dừa có hạn sử dụng từ 2 - 3 năm và được ghi rõ trên bao bì sản phẩm.
Riêng với sữa dừa đóng hộp, nếu đã mở nắp thì bạn nên sử dụng trong thời gian 7 – 10 ngày.
Đối với bột sữa dừa, bạn có thể pha chế đúng với nhu cầu sử dụng theo công thức được hướng dẫn. Phần bột còn lại chưa sử dụng, bạn chỉ cần gói kín lại và bảo quản trong điều kiện thoáng mát.
Một số lưu ý khi bảo quản sữa dừa
Thời gian bảo quản sữa dừa chỉ mang tính tương đối, bạn nhớ phải quan sát sữa dừa trước khi sử dụng. Nếu thấy sữa dừa bị biến đổi về mùi hay màu sắc thì không nên sử dụng nữa nhé!
Khi bảo quản sữa dừa trong tủ lạnh mà xảy ra mất điện hoặc điện chập chờn, thì dễ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa dừa.
Luôn nhớ bảo quản sữa dừa theo từng lượng nhỏ để tiện lợi trong việc sử dụng, hạn chế sữa dừa bị hư hỏng.
4. Mua sữa dừa mua ở đâu?
Sữa dừa là nguyên liệu khá quen thuộc với người nội trợ, bởi vậy không quá khó để bạn có tìm mua loại nguyên liệu này.
- Bạn có thể tìm mua sữa dừa tại các chợ, các siêu thị và cửa hàng
- Giá bán của sữa dừa dao động trong khoảng 25.000 - 40.000 đồng/ lon 400ml và 17.000 - 20.000 đồng/gói dạng bột 150gr (giá bán cập nhật tháng 05/2021).
- Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm sữa dừa ngay tại nhà
Với những thông tin mà mình chia sẻ, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn sữa dừa - coconut milk là gì, cũng như cách bảo quản và nơi tìm mua sữa dừa. Chúc bạn sẽ có những món ngon với sữa dừa nhé!
Để lại bình luận
5