- Những thứ đã mất đi rồi dù bạn có núi tiền cũng không lấy lại được
- Mách bạn cách lên thời gian biểu theo đồng hồ sinh học chuẩn nhất
- Cách tiết kiệm thời gian giúp bạn tăng chất lượng sống
Thời gian trôi nhanh quá ! Dĩ nhiên bạn chẳng thể thay đổi định luật thời gian của tạo hóa hay tạo ra một chiếc đồng hồ thời gian riêng cho mình. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu tại sao thời gian lại trôi nhanh đến vậy thì ít nhất bạn cũng có thể trấn an bản thân và tìm cách sống chậm lại.
Tại sao bạn thấy thời gian trôi nhanh?
Thời gian là một khái niệm bất biến nhưng mỗi người lại có cảm nhận về khái niệm này không giống nhau. Dưới đây là một số giả thuyết đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu nhằm giải đáp cho câu hỏi tại sao thời gian trôi nhanh.
Thời gian trôi nhanh bằng tiếng Anh nói như nào?
1. Tỷ lệ thời gian so với vòng đời thay đổi
Mỗi người có cách cảm nhận thời gian khác nhau vào những giai đoạn khác nhau. Điều này nghĩa là 1 giờ khi bạn 5 tuổi sẽ trôi đi khác với 1 giờ khi bạn đã bước sang tuổi 55.
Theo giả thuyết của triết gia Paul Janet, bạn thường có nhận thức thời gian tương đối so với tổng thời gian khi còn sống. Khi là một đứa trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, một năm thôi đã chiếm tỷ lệ lớn trong khoảng thời gian sống của bạn. Tuy nhiên, khi bạn lớn hơn nghĩa là bạn đã sống được nhiều năm hơn thì một năm khi ấy cũng trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều.
Dưới đây là tỷ lệ của một năm so với tổng thời gian bạn còn đang sống để thấy thời gian dường như ngắn lại khi bạn lớn tuổi hơn:
- Khi 2 tuổi, một năm dài bằng 1/2 cuộc đời
- Khi 10 tuổi, một năm còn bằng 1/10 cuộc đời
- Khi 20 tuổi, một năm chỉ còn bằng 1/20 cuộc đời
2. Trải nghiệm mới ngày càng ít đi khiến bạn cảm thấy thời gian trôi nhanh
Bạn tích lũy dần những trải nghiệm trong cuộc sống theo mỗi ngày. Thế giới trong mắt bạn cũng dần mở ra nhiều màu sắc hơn. Nhưng đến một lúc nào đó, khi những điều mình làm đã thành một thói quen lặp đi lặp lại, bạn sẽ thấy thời gian như cũng trôi qua nhanh hơn.
Chúng ta thường đánh giá thời gian dựa trên những cột mốc “đầu tiên” như ngày đầu tiên đến trường, nụ hôn đầu tiên, ngôi nhà đầu tiên, đứa con đầu tiên… Khi những cái đầu tiên dần trôi đi, bạn sẽ thấy những ngày tháng bắt đầu như đang lặp lại và chẳng có gì đáng ghi nhớ cả.
Những ký ức trở nên đậm nét, khoảnh khắc bạn trải qua dường như cũng kéo dài ra hơn. Bạn càng quen thuộc với nhiều trải nghiệm, thế giới dường như sẽ càng trở nên quen thuộc hơn. Não bộ sẽ giải phóng ra loại “hormone hạnh phúc” có tên gọi dopamine để cảm nhận về những điều mới mẻ. Khi bước qua tuổi 20, lượng dopamine bắt đầu giảm đi, bạn sẽ thấy thời gian trôi nhanh hơn và luôn thấy không đủ thời gian để tận hưởng mọi thứ.
3. Ký ức gắn với mốc thời gian
Nếu gắn ký ức với những sự kiện hay con người nào đó, bạn sẽ chợt thốt ra rằng: “Cô bé ngày xưa chơi cùng mình giờ đã hai con rồi sao” hay “Bộ phim ấy mình đã xem cách đây 15 năm rồi à”. Những ký ức như vậy thường khiến bạn hốt hoảng vì nhận ra thời gian trôi nhanh hơn so với những gì mình tưởng.
Thật ra thì những ký ức này không quá rõ nét trong tâm trí bạn nên khi có ai đó gợi nhớ đến, bạn sẽ thấy nó đã xảy ra rất lâu. Còn những ký ức rõ ràng sẽ khiến bạn cảm thấy sự kiện đó diễn ra gần hơn với thực tại. Bạn đang dùng sự rõ ràng của một sự kiện để gắn nó với nhịp độ thời gian trôi. Thế nên, khi ký ức ấy nhạt nhòa, bạn cũng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.
4. Áp lực làm tăng tốc thời gian
Những lúc có quá nhiều công việc phải làm, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh vì mình chẳng thể giải quyết công việc theo như kế hoạch đã vạch ra. Càng gặp nhiều áp lực, bạn lại càng bị phân tâm và khó tập trung vào công việc hiện tại. Những công việc cứ đến dồn dập và nếu không có một kế hoạch ổn thỏa, bạn sẽ thấy mình chẳng có đủ thời gian để hoàn thành bất cứ việc gì.
Thời gian lúc này không trôi nữa, mà bạn sẽ có cảm giác là nó đang “bay”. Bạn có thể dùng cả thời gian nghỉ ngơi để làm việc với mong muốn hoàn thành việc nhanh chóng. Nhưng quỹ thời gian một ngày của bạn cũng chỉ có 24 giờ thôi. Khi cơ thể quá tải, bạn chẳng thể giải quyết được việc gì. Đến cuối ngày, bạn sẽ hốt hoảng vì thời gian trôi nhanh quá, còn mình thì mãi giậm chân tại chỗ với vô số công việc chất chồng.
Bí quyết giúp bạn sống chậm lại
Hãy thử áp dụng một vài bí quyết nhỏ dưới đây để không bị cuốn theo dòng chảy của thời gian hoặc hoang mang hay làm mọi việc không theo như ý muốn.
1. Tập trung suy nghĩ vào hiện tại, không quá để ý tới thời gian trôi nhanh
Điều quan trọng nhất để bạn tận hưởng thời gian chính là sống cho hiện tại. Đừng so sánh thời gian hiện tại với quá khứ bởi trải nghiệm thời gian ở mỗi giai đoạn là không hề giống nhau.
Nếu thấy mình bị xáo trộn bởi những suy nghĩ thực tế và quá khứ, hãy tìm một không gian yên tĩnh và tập ngồi thiền. Lúc này, bạn hãy xóa bỏ những suy nghĩ phức tạp ra khỏi tâm trí bạn và hít thở sâu để lấy lại sự cân bằng.
2. Thử những trải nghiệm mới
Hãy ra khỏi vùng an toàn của bạn và thử nghiệm những trải nghiệm khác biệt với ngày hôm qua. Bạn nên cho bản thân cơ hội để có thêm nhiều cái “đầu tiên” hơn: tạo thêm nhiều mối quan hệ mới, đi đến những địa điểm mới, thử những món ăn mới…
Bạn sẽ chưa biết được điều gì thật sự phù hợp và thú vị nếu không cho mình cơ hội thử qua. Tuy nhiên, hãy tận dụng mọi cơ hội để viết tiếp những câu chuyện thú vị trong mỗi trang hành trình cuộc đời mình để thấy thời gian không trôi đi hoang phí.
3. Tận hưởng mỗi ngày như một kỳ nghỉ
Hãy nghĩ đến khoảng thời gian khi bạn được đến nơi mình yêu thích, quên hết mọi lo âu và tận hưởng thời gian chầm chậm trôi qua. Thực tế thì cuộc sống bận rộn có thể khiến bạn quên dành thời gian cho mình và một chuyến đi du lịch có thể là một sự xa xỉ. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách khác để tận hưởng cảm giác thư giãn của những ngày nghỉ theo các gợi ý sau đây:
Xem lại thời khóa biểu: Hãy thử nhìn lại xem các công việc của bạn có đang chồng chéo và bạn có mất thời gian làm một việc gì đó quá lâu không. Bạn nên sắp xếp lại lịch làm việc và sinh hoạt để tìm lại sự cân bằng cho bản thân.
Tận hưởng buổi sáng: Thay vì nhảy ngay ra khỏi giường rồi luống cuống bắt tay vào công việc, bạn hãy thử dành một ít thời gian để kéo dài buổi sáng ra đôi chút. Một tách cà phê, một bản nhạc hay một vài trang sách sẽ là lựa chọn lý tưởng để bạn bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi.
Lên lịch hoạt động cuối ngày: Đến cuối ngày làm việc, bạn sẽ dễ nán lại ít lâu và nghĩ “5 – 10 phút cũng chẳng là bao”. Thật ra, khoảng thời gian đó trên thực tế lại thành nửa tiếng hay cả giờ đồng hồ lúc nào mà bạn chẳng hay. Nếu lên kế hoạch cho một sự kiện vào cuối ngày, bạn sẽ có động lực để rời khỏi chiếc máy vi tính và dùng thời gian đó làm thêm nhiều việc khác.
Cách làm thời gian trôi nhanh?
Khi nào bạn muốn thời gian trôi nhanh? đó là khi bạn đang mong mỏi gặp một người nào đó, hay tới một sự kiện nào đó; hoặc đạt được một kết quả nào đó.
Khi chờ đợi bạn sẽ thấy thời gian sao mà chậm chạp. 5 phút mà như nửa tiếng, nửa tiếng mà như cả buổi. Đó là khi bạn muốn làm thời gian trôi qua nhanh.
Như đã nói bên trên, việc thời gian trôi nhanh hay chậm là cảm giác của bạn, chứ thời gian là bất biến về mặt giá trị. Vậy cách làm thời gian trôi nhanh, chính là cách bạn kiểm soát cảm xúc và nhận thức của bạn về mặt thời gian, chứ không phải là làm thế nào để thời gian trôi qua nhanh hơn.
Sau đây là một số cách giúp bạn kiểm soát cảm xúc và đỡ sốt ruột về thời gian đang trôi qua:
- Kiếm một việc gì đó để làm, giúp khỏa lấp thời gian
- Vận động nhiều hơn, việc chú tâm và hoạt động, vận động cơ thể sẽ giúp bạn hạn chế cảm xúc về thời gian
Thời gian trôi nhanh hay chậm chủ yếu là từ suy nghĩ của mỗi cá nhân. Bạn sẽ chẳng thể kéo dài thêm thời gian thực tế nhưng vẫn có thể tìm cách để tận hưởng thời gian mỗi ngày sao cho ý nghĩa nhất. Bạn chỉ có 24 giờ mỗi ngày, hãy biến thời gian thành kho vàng quý giá của bạn nhé!
Để lại bình luận
5