- Cung đường Hoàng Su Phì - Tây Côn Lĩnh: Hiểm trở mà đẹp hút hồn
- Vì sao đỉnh núi cao nhất thế giới có tên là Everest?
- 7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, dẫu đẹp cũng không thể du lịch
Giới thiệu hệ thống núi Việt Nam
Việt Nam có diện tích đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1.000 m chiếm tới 85% lãnh thổ. Núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1%. Đồi núi Việt Nam tạo thành một cánh cung lớn hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Những dãy núi đồ sộ nhất đều nằm ở phía Tây và Tây Bắc với đỉnh Phan-xi-phăng cao nhất bán đảo Đông Dương (3.143m).
Càng ra phía đông, các dãy núi thấp dần và thường kết thúc bằng một dải đất thấp ven biển. Từ đèo Hải Vân vào Nam, địa hình đơn giản hơn. Ở đây không có những dãy núi đá vôi dài mà có những khối đá hoa cương rộng lớn, thỉnh thoảng nhô lên thành đỉnh cao; còn lại là những cao nguyên liên tiếp hợp thành Tây Nguyên, rìa phía đông được nâng lên thành dãy Trường Sơn.
Với lợi thế khí hậu, địa hình và thực vật phong phú, tiềm năng phát triển loại hình du lịch dã ngoại leo núi, trekking, chạy trail tại Việt Nam là rất lớn và thu hút số lượng người tham gia ngày càng đông, đặc biệt là giới trẻ, những người đam mê trải nghiệm, thích khám phá, chinh phục những vùng đất mới, con người mới, văn hoá mới.
Top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam
Bài viết này sẽ tóm gọn nhất về đặc điểm của 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam tính đến tháng 11.2021, theo độ khó. Nếu bạn đang quan tâm đến trekking Việt Nam thì đây là những gì đáng để đọc.
1. Fansipan (cao 3143m)
- Địa điểm: Thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 9 km về phía Tây Nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam
- Độ cao núi: 3143m
- Xếp hạng: Đứng vị trí thứ 7 trong top 28 địa điểm hấp dẫn nhất thế giới năm 2019 do Tạp chí National Geographic của Mỹ công bố.
- Lịch sử: Được hình thành vào thời khoảng giáp ranh của hai kỷ Permi - Trias của Đại Cổ sinh (Paleozoi) và Đại Trung sinh (Mesozoi) cách nay 260-250 triệu năm.
- Tên gọi khác: Nóc nhà Đông Dương hoặc Phiến đá khổng lồ chênh vênh.
- Thời gian hoạt động: 8h30 - 16h00.
- Phí tham quan: Khoảng 750.000 vnđ (Người lớn); 550.000 vnđ (Trẻ em cao 1m-1,4m);Trẻ em dưới 1m miễn phí.
Fansipan nổi tiếng là ngọn núi cao hùng vĩ nhất tại Việt Nam và được gọi với cái tên là "Nóc nhà Đông Dương". Sở hữu chiều cao 3143m, Fansipan là một địa điểm vô cùng hấp dẫn dành cho những ai thích phiêu lưu khám phá và chinh phục độ cao cực khủng.
Để lên được đỉnh của ngọn núi Fansipan nhanh nhất bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng cách đi cáp treo và tận hưởng không gian núi rừng hùng vĩ phía dưới. Nhưng nếu bạn là người thích phiêu lưu, chinh phục thì bạn có thể chọn cách leo núi, băng rừng và tự mình vượt qua những con dốc để đến đỉnh núi.
Cảm giác đặt chân lên đỉnh núi Fansipan và ngắm nhìn những cảnh vật xung quanh giữa những đám mây bay lơ lửng là điều tuyệt vời mà ai cũng nên thử một lần trong đời.
2. Đỉnh núi Pu Si Lung (Phu Si Lung - cao 3080m)
- Địa điểm: Nằm gần cột mốc 42 trên đường biên giới Việt Trung, thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
- Độ cao núi: 3080m.
- Xếp hạng: Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Phu Si Lùng.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Đỉnh núi Pu Si Lung nằm ở một vị trí vô cùng đặc biệt, là nóc nhà biên giới của hai nước Việt và Trung. Có độ cao trên 3000m so với mực nước biển, Pu Si Lung được xem là ngọn núi cao thứ 2, chỉ sau Fansipan trong bảng xếp hạng những ngọn núi cao nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh những thành tích nổi bật về xếp hạng độ cao, Pu Si Lung còn được biết đến là ngọn núi sở hữu phong cảnh hữu tình, vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ vẫn còn được lưu giữ cho đến tận bây giờ. Đây đích thị là một địa điểm thú vị cho những người có sở thích khám phá và chinh phục thiên nhiên. Bạn sẽ được tận hưởng cảm giác hoang dã và hòa mình cùng với khí trời khi đến với Pu Si Lung.
3. Putaleng (cao 3049m)
- Địa điểm: Thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
- Độ cao núi: 3049m.
- Xếp hạng: Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Pú Tả Lèng.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Đứng vị trí thứ 3 trong danh sách là đỉnh núi Putaleng hay còn được gọi là Pú Tả Lèng theo cách gọi theo đồng bào người H’mông. Nơi đây thuộc địa phận phận xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Putaleng sở hữu độ cao 3049m, đây là một trong số những ngọn núi được nhiều phượt thủ mơ ước được đặt chân đến trên hành trình chinh phục thiên nhiên của mình.
Cũng giống với với Pu Si Lung, nét đẹp hoang sơ và độc đáo của Putaleng đã khiến cho những ai may mắn được chinh phục ngọn núi này cũng sẽ không khỏi vấn vương, nhung nhớ khung cảnh hùng vĩ của nó khi rời đi.
Bạn sẽ phải trải qua nhiều cung đường hiểm trở và khó khăn để đến được đỉnh của Putaleng, nhưng với những ai thật sự đam mê thì khi chứng kiến được vẻ đẹp nguyên sinh ở đây, mọi mệt mỏi sẽ được chuyển thành năng lượng để bạn tiến bước.
4. Đỉnh Ky Quan San (cao 3046m)
- Địa điểm: Thuộc xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
- Độ cao núi: 3046m.
- Xếp hạng: Đúng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những ngọn núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Bạch Mộc Lương Tử.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Đỉnh Ky Quan San được mệnh danh là thiên đường trên mây của Việt Nam. Ngọn núi sở hữu chiều cao 3046m (so với mực nước biển), là địa điểm thích hợp và đẹp nhất để bạn có thể ngắm nhìn cảnh núi biển mênh mông, hùng vĩ.
Theo chia sẻ của những người đi trước, mùa thu đông và mùa xuân là hai mùa đẹp nhất để các bạn thực hiện những chuyến phiêu lưu chinh phục của mình vì thời gian này thời tiết vô cùng thuận lợi để bạn di chuyển. Khi đến Ky Quan San vào mùa lúa chín, bạn sẽ được chứng kiến những bức tranh thiên nhiên thơ mộng vô cùng đặc sắc được tạo bởi đồng bào dân tộc người Mông.
5. Khang Su Văn (cao 3012m)
- Địa điểm: Thuộc xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
- Độ cao núi: 3012m.
- Xếp hạng: Đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Phàn Liên San hay U Thái San.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Đỉnh núi Khang Su Văn là ngọn núi thuộc địa phận tỉnh Lai Châu với độ cao 3012m. Đỉnh núi còn có những cái tên khác là Phàn Liên San hay U Thái San.
Khang Su Văn sở hữu hệ sinh thái vô cùng đặc sắc của núi rừng Tây Bắc, nơi đây mang đến khung cảnh thiên nhiên hoang sơ nhưng vô cùng hùng vĩ, khiến ai có cơ hội đến đây cũng sẽ đắm chìm vào nó. Đặc biệt, vào mùa hoa ban nở, cả một vùng núi rộng lớn sẽ được phủ kín bằng sắc trắng thơ mộng, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến bức tranh thiên nhiên đẹp nhất của vùng núi Tây Bắc.
6. Tả Liên (cao 2996m)
- Địa điểm: Thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu.
- Độ cao núi: 2996m.
- Xếp hạng: Thuộc top những đỉnh cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Núi Cổ Trâu.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Núi Tả Liên hay còn gọi là Núi Cổ Trâu, là một trong những ngọn núi đẹp nhất khu vực Tây Bắc thuộc sở hữu của tỉnh Lai Châu. Sở dĩ nó còn có tên gọi là Cổ Trâu vì hình dáng của ngọn núi giống như loài Trâu được nuôi dưới chân núi. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh có hệ sinh thái vô cùng đặc sắc, phong phú.
Địa hình chinh phục núi Tả Liên không quá khó khăn và hiểm trở, bạn có thể di chuyển bằng xe máy đến chân núi và bắt đầu hành trình chinh phục của mình. Đến với Tả Liên bạn sẽ được hòa mình vào khung cảnh núi non hùng vĩ với những cây cổ thụ to lớn lên đến hàng trăm năm tuổi.
7. Tà Chì Nhù (cao 2979m)
- Địa điểm: Thuộc khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
- Độ cao núi: 2979m.
- Xếp hạng: Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Phu Song Sung hay Chung Chua Nhà.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Tà Chì Nhù là ngọn núi cao 2979m nằm ở huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái. Người dân nơi đây còn gọi ngọn núi này với tên gọi khác là Phu Song Sung (cách gọi theo người Thái) hay Chung Chua Nhà (cách gọi theo người Mông).
Đoạn đường chinh phục Tà Chì Nhù cũng có nhiều địa hình dốc, hiểm trở, tuy nhiên với những người đam mê leo núi thì nó lại là một trải nghiệm khá thú vị. Điều quan trọng hơn hết là khi đã đến được đỉnh của ngọn núi Tà Chì Nhù bạn sẽ cảm thấy những công sức mình bỏ ra là vô cùng xứng đáng khi được chứng kiến khung cảnh núi rừng tuyệt đẹp.
Cắm trại và săn mây trên đỉnh núi Tà Chì Nhù chắc chắn sẽ là một cảm giác tuyệt vời khi cùng người thân hay bạn bè đến nơi đây.
8. Pờ Ma Lung (Bạch Mộc Lương – cao 2.967m)
- Địa điểm: Bản Lang, xã Bản Lang huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
- Độ cao núi: 2967m.
- Xếp hạng: Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Bạch Mộc Lương.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Pờ Ma Lung hay còn được gọi là Bạch Mộc Lương, là ngọn núi nằm trong danh sách top 10 ngọn núi cao nhất tại Việt Nam. Pờ Ma Lung sở hữu độ cao 2976m, không cao như các đỉnh núi Fansipan hay Pu Si Lung nhưng quãng đường mà bạn cần phải di chuyển để lên được đỉnh núi lại dài hơn.
Điểm nổi bật thu hút các phượt thủ đến với đỉnh Pờ Ma Lung đó chính là nơi đây ngoài hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng và phong phú thì còn sở hữu vô số các con suối, thác lớn nhỏ vô cùng đẹp mắt. Đến với Pờ Ma Lung bạn sẽ được lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên đất trời, hòa mình vào những dòng nước trong mát.
9. Nhìu Cồ San (Nhiều Sừng Trâu- cao 2.965m)
- Địa điểm: Thuộc xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
- Độ cao núi: 2965m.
- Xếp hạng: Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Nhiều Sừng Trâu.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Nhìu Cồ San cũng là một ngọn núi nằm trong danh sách các ngọn núi cao nhất Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Người dân địa phương nơi đây còn gọi ngọn núi này với cái tên khác là Nhiều Sừng Trâu, tên được đặt theo tên của một ngôi làng nằm ngay dưới chân núi.
Nhìu Cồ San là một ngọn núi còn khá mới mẻ, chưa được khai phá nhiều, chính vì thế mà vẫn còn được lưu giữ nét hoang sơ và mộc mạc của thiên nhiên núi rừng. Đường lên núi Nhìu Cồ San không quá dễ dàng nhưng đây lại là điều thú vị với những người đam mê khám phá và phiêu lưu.
10. Chung Nhía Vũ (cao 2.918m)
- Địa điểm: Thuộc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
- Độ cao núi: 2918m.
- Xếp hạng: Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
- Tên gọi khác: Da Hai San.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Chung Nhía Vũ là ngọn núi cuối cùng nằm trong số 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Nếu bạn yêu thích phiêu lưu và chinh phục thì núi Chung Nhía Vũ sẽ là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn. Sở hữu địa hình không quá khó di chuyển, bạn có thể leo và chinh phục ngọn núi này trong ngày.
Trên đường đến đỉnh núi Chung Nhía Vũ, bạn sẽ được đi qua các khu rừng tre, trúc vô cùng xanh tươi và mát mẻ. Vì còn khá hoang sơ chưa có sự khai thác nhiều từ con người nên Chung Nhía Vũ vẫn giữ được nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Nếu đến núi Chung Nhía Vũ bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều loại quả rừng thơm ngon mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng núi cao này.
11. Đỉnh Lùng Cúng (cao 2913m)
- Địa điểm: Thuộc bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
- Độ cao núi: 2913m.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Đỉnh Lùng Cúng Yên Bái có độ cao là 2913m và được xem là một trong những đỉnh núi cao nhất tại dãy núi Hoàng Liên Sơn. Đỉnh núi này được đặt dựa theo tên một bản làng tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên thì hãy vác ba lô và chinh phục đỉnh Lùng Cúng.
Lùng Cúng sở hữu khí hậu trong lành và mát mẻ, bạn sẽ được đắm chìm vào những tầng mây lơ lửng bao quanh khắp núi. Đây là một trong những địa điểm săn mây đẹp nhất nhì tại Việt Nam. Thiên nhiên phong cảnh hữu tình của vùng núi Lùng Cúng sẽ khiến ai nấy đều muốn một lần chinh phục được nó.
12. Đỉnh Nam Kang Ho Tao (cao 2881m)
- Địa điểm: Thuộc xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
- Độ cao núi: 2881.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Nam Kang Ho Tao là đỉnh núi nằm ở xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ngọn núi được đánh giá là một trong những ngọn núi hoang sơ và có địa hình hiểm trở nhất Tây Bắc. Nếu bạn muốn chinh phục vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và vượt qua sức giới hạn của bản thân thì bạn hãy nên thử một lần đến và khám phá đỉnh núi Nam Kang Ho Tao.
Trên cung đường chinh phục Nam Kang Ho Tao, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và đắm chìm vào không gian núi rừng đầy thơ mộng, những thác nước cao kỳ vĩ và vượt qua những vách đá cao lớn. Đây sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị với những ai có niềm đam mê chinh phục.
13. Đỉnh Tà Xùa (cao 2865m)
- Địa điểm: thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
- Độ cao núi: 2865m.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Tà Xùa là một trong những ngọn núi thuộc hệ thống các ngọn núi cao tại Việt Nam. Với độ cao 2865m so với mực nước biển, Tà Xùa sẽ khiến bạn choáng ngợp với phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Đây cũng là một trong số những ngọn núi mà các phượt thủ đều mơ ước được đặt chân đến một lần.
Đứng trên đỉnh của ngọn núi Tà Xùa bạn sẽ được đắm chìm vào biển mây mênh mông, huyền ảo. Tà Xùa được ví như sống lưng khủng long của Tây Bắc. Bạn hãy thử một lần tìm Tà Xùa để cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này.
14. Ngũ Chỉ Sơn (Cao 2858m)
- Địa điểm: Thuộc xã Tả Giàng Phình, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai.
- Độ cao núi: 2858m.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Ngũ Chỉ Sơn được mệnh danh là đỉnh núi đẹp nhất khu vực Tây Bắc. Đây là một địa điểm vô cùng hấp dẫn và được rất nhiều người đam mê leo núi yêu thích. Mặc dù độ cao của ngọn núi không quá cao như các đỉnh núi Fansipan hay Pu Si Lung nhưng địa hình hiểm trở của ngọn núi cũng là một trong những thử thách thú vị với những người phượt thủ.
Sở dĩ nơi đây có tên là Ngũ Chỉ Sơn là bởi vì nó sở hữu 5 đỉnh núi chĩa lên trời như 5 ngón tay đang chỉ. Chính sự độc đáo này đã khiến Ngũ Chỉ Sơn luôn có được sự cuốn hút riêng khi đứng giữa rất nhiều ngọn núi cao đẹp khác.
15. Đỉnh Lảo Thẩn (Cao 2680m)
- Địa điểm: Thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
- Độ cao núi: 2680m.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Phí tham quan: Không tốn phí.
Đỉnh Lảo Thẩn là một trong những địa điểm mà bạn không nên bỏ lỡ nếu muốn chinh phục những kiệt tác của thiên nhiên. Với độ cao 2680m, đỉnh Lảo Thẩn luôn thu hút được khách đến tham quan và khám phá bởi vẻ đẹp hoang sơ và mộc mạc mà không đâu sánh được.
Cung đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn không quá khó khăn, địa hình chủ yếu đồi cỏ thấp không gây quá nhiều cản trở cho những phượt thủ. Cảnh sắc thơ mộng, cùng độ cao lý tưởng Lảo Thẩn là một trong những địa điểm săn mây đẹp nhất tại Việt Nam.
Một số lưu ý cần nắm khi leo núi
- Trang bị kỹ năng sinh tồn: Leo núi là một bộ môn không hề đơn giản, bạn cần trang bị các kỹ năng sinh tồn để thích nghi và xử lý tốt những tình huống xảy đến bất ngờ.
- Chuẩn bị đồ dùng đầy đủ: Trong rừng núi sẽ không thể nào có chỗ cho bạn mua đồ dùng nếu quên chính vì thế bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ các đồ dùng quan trọng để chuyến đi diễn ra thuận lợi nhất.
- Trang bị thể lực tốt: Điều quan trọng mà bạn cần lưu ý chính là bạn cần trang bị cho mình một thể lực thật tốt để có thể đủ sức khám phá và chinh phục những địa hình hiểm trở.
- Không nên được tự ý tách đoàn: Bạn hãy luôn đi theo đoàn nếu tham gia đông người, không nên tự ý tách đoàn khi chưa được sự đồng ý của các thành viên để tránh gặp phải nguy hiểm.
- Thông báo cho người thân về hành trình của bạn: Khi tham gia leo núi đôi khi sẽ có những sự cố bất ngờ không báo trước được. Ngoài ra, chắc chắn rằng điện thoại hoặc các thiết bị thu sóng sẽ khó có thể hoạt động tại các địa điểm núi cao và hoang vu. Do vậy, hãy thông báo cho người thân của bạn về hành trình sắp tới để người nhà có thể yên tâm hơn.
- Tìm hiểu về địa điểm trước khi đi: Tìm hiểu kỹ về địa điểm sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bắt đầu cuộc hành trình phiêu lưu của mình. Có một số đỉnh núi sẽ được yêu cầu có giấy phép leo núi trước khi leo bởi cơ quan chức năng địa phương. Do vậy, không chỉ tìm hiểu rõ về hành trình đi mà bạn còn cần phải tìm hiểu thêm về các yêu cầu tại nơi chuẩn bị đến để có một chuyến leo núi thật trọn vẹn nha.
- Bảo vệ môi trường xung quanh: Khi tham gia leo núi, bạn nên lưu ý giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi để giúp thiên nhiên luôn tươi khỏe nhé!
Để lại bình luận
5