Đâu đó những câu chửi thề, những lời nói cắt nghĩa hay hành động thiếu trách nhiệm đã quá quen thuộc với mọi người. Tất cả phải chăng vì sự thiếu hiểu biết về văn hóa ứng xử mà ra? Vậy, văn hóa ứng xử là gì? Thực trạng văn hóa ứng xử hiện nay ra sao mà lại khiến nhiều người quan tâm đến vậy. Hãy cùng theo dõi bài viết ngay dưới đây nhé!

1. Văn hóa ứng xử và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử?

1.1 Văn hóa ứng xử là gì?

Văn hóa ứng xử của người Việt là một nét đẹp truyền thống lâu đời cần được lưu giữ, là giá trị cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề. Khi đã hiểu sâu sắc ý nghĩa thực sự của nó ta mới thấy rằng: có những điều tưởng chừng rất phức tạp nhưng lại được hóa giải một cách giản đơn nhờ biết ứng xử đúng cách.

Khái niệm văn hóa ứng xử được hiểu là cách ứng xử của con người đối với những sự việc diễn ra trong cuộc sống, được đánh giá thông qua thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi, tốc độ xử trí,.. Văn hóa ứng xử là liều thuốc chữa lành mọi mối quan hệ, là cách gắn kết tình thương giữa người với người, là tiền đề cho mọi sự trân trọng, yêu thương tồn tại trong xã hội.

Đồng thời, nó phản ánh tính cách, trình độ hay sự giáo dục của một người. Người ứng xử có văn hóa là người biết lễ độ, biết đối nhân xử thế, hiểu mình hiểu người để hành xử đúng đắn, văn minh.

Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt
Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt

1.2 Tầm quan trọng của văn hóa ứng xử

Văn hóa ứng xử thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng ứng biến, tư duy của con người trong thực tiễn cuộc sống. Từ xa xưa, năng lực giao tiếp có văn hóa đã được ông cha ta xem là thước đo để đánh giá nhân cách, đạo đức con người: “Vàng thì thử lửa, thử than/chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”.

  • Văn hóa ứng xử là chiếc chìa khóa để chúng ta tiếp xúc với xã hội, tiếp xúc với sự  hiểu biết, văn minh, lịch sự, là kim chỉ nam dẫn dắt giúp cuộc sống được tốt đẹp hơn.
  • Văn hóa ứng xử ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp của mỗi cá nhân. Chẳng hạn, một người tuy chưa giỏi chuyên môn, nhưng biết ứng xử giao tiếp hợp tác, hòa đồng với mọi người thì ắt hẳn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn người có chuyên môn giỏi nhưng kiêu ngạo, chủ quan, ứng xử thiếu văn hóa.
  • Ý nghĩa của văn hóa ứng xử cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Văn hóa ứng xử lành mạnh sẽ là động lực để xã hội phát triển toàn diện cả về an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao,…

Thực hiện tốt văn hóa ứng xử giúp cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Ta cư xử với nhau chan hòa, dùng tình thương để xoa dịu vấn đề, đứng trên vị trí của người khác để cảm thông và thấu hiểu sẽ là cách mở nút nhanh nhất cho mọi hiềm khích.Từ đó, dễ dàng giao lưu, trao đổi và kết nối với nhau, giúp gắn chặt tình đoàn kết, tạo tiền đề cho việc hợp tác bền vững về sau.

2. Thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay

Xã hội ngày càng phát triển, hành vi ứng xử của con người có sự giao thoa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ khiến giới trẻ có cơ hội tiếp thu nguồn văn hóa đa chiều để biết cách ứng xử tiến bộ, hợp tình, hợp lý hơn.

Mặt khác, ứng xử văn hóa cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nếp sống gấp, sống nhanh của một số bộ phận thanh niên. Những thanh thiếu niên ở độ tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới rất dễ bị cám dỗ, thao túng vì hành động thiếu văn hóa. Ứng xử thiếu văn hóa là gì? Hành vi ứng xử cục cằn, thô lỗ, mất lịch sự, thiếu tôn trọng, văng tục chửi thề, dùng những câu từ khó nghe để chì chiết nhau hay hành động vứt rác bừa bãi, làm ồn nơi công cộng,… của giới trẻ vẫn diễn ra thường nhật.

Đặc biệt thực trạng suy đồi trong lối sống buông thả, hưởng thụ, coi nhẹ các chuẩn mực đạo đức của giới trẻ rất phổ biến. Một số còn hào hứng đón nhận những thói hư tật xấu, không ngần ngại thử qua các tệ nạn xã hội hoặc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt
Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt

Ví dụ, với những cư xử đời thường như: một lời chào hỏi, dạ thưa, một lời xin lỗi khi lỡ lời nói sai cũng gây ra bất đồng, hiềm khích.

Trên các trang mạng xã hội cũng rất dễ dàng bắt gặp nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Do xích mích với bạn bè cũng đăng lên mạng xã hội nói xấu, chửi bậy, do buồn chuyện gia đình không kiềm chế được cảm xúc cũng đăng lên nói nhau, hay đòi nợ, chuyện tình yêu đôi lứa, bóc phốt nhau,…

Có sự biến tướng trong văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay một phần phát sinh từ chính nhận thức của bản thân các em. Hơn nữa, những cám dỗ trước nay luôn dễ thu hút sự tò mò của độ tuổi mới lớn.

Ví như câu nói:Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.”

Nhất là tuổi trẻ với tâm lý luôn muốn thể hiện mình, thực hiện những hành động đi ngược đạo lý nhằm thu hút sự chú ý. Một số còn do nền tảng giáo dục của gia đình và nhà trường chưa thực sự sát sao.

Điều đáng lo ngại là phần lớn chúng ta chẳng ai đứng ra lên án, cũng chẳng phê bình những hành động đó. Và dần dần như thế những văn hóa xấu cứ vẫn len lỏi trong từng ngóc ngách cuộc sống, ta ngấm ngầm đón nhận chúng như một điều hiển nhiên.

Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt
Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt

Ái ngại văn hóa ứng xử của người Việt

Anh chàng người Pháp chia sẻ, những từ "Cảm ơn"; "Xin lỗi" dường như trở nên vô giá trị ở Việt Nam.

Anh bạn người Pháp của tôi mới qua Việt Nam làm thực tập sinh. Lần trò chuyện đầu tiên, cậu ta trầm ngâm rồi nói: “Vốn tiếng Việt của tôi chỉ vỏn vẹn ở mấy từ ‘Làm ơn’, ‘Cảm ơn’ và ‘Xin lỗi’. Nhưng hình như những từ ngữ đó vô giá trị ở Việt Nam”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại như vậy. Cậu ta cười trả lời: “Hình như người Việt không có thói quen nói những từ đấy. Khi tôi nói những từ đó với họ, họ ngơ ngác khó hiểu hoặc là tỏ thái độ chẳng quan tâm”. Ngẫm lại tôi cũng thấy cậu ta nói đúng.

Tôi nhớ mãi ánh mắt của những người phục vụ bàn ở Việt Nam khi tôi nói cảm ơn sau mỗi khi họ đem đồ ra cho tôi. Nửa ngạc nhiên, nửa sợ hãi, như thể tiếp theo tôi sẽ gây ra điều gì đó với họ vậy.

Đi sang Mỹ, tôi thấy mọi người ở đây sử dụng những từ cảm ơn, xin lỗi như một điều hiển nhiên trong cuộc sống của họ. Đi trên phố, khi lỡ va quệt vào nhau, hai bên cùng đồng thanh xin lỗi. Còn ở Việt Nam, không hiếm gặp cảnh xe máy va quệt vào nhau, ai cũng mặt nặng mày nhẹ lách xe đi tiếp, không quên quay lại nói như hét vào mặt nhau: “Đi đứng thế à?!”.

Khi ai đó giúp bạn, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ như giữ cửa thang may hộ thì phép lịch sự tối thiểu cũng phải nói cám ơn. Vậy mà tôi đã chứng kiến không biết bao lần người Việt ta thì cứ thế chen vào, không quên ném cho người lạ lịch thiệp một cái nhìn ngờ vực.

Còn ở bên Mỹ, khi người khác hắt xì thì người bên cạnh cũng tỏ thái độ quan tâm bằng câu chúc “Chúa phù hộ bạn!”. Những cử chỉ ấy của họ đã được lập trình sẵn trong tiềm thức như một phản xạ có điều kiện.

Có lẽ điều khác biệt lớn nhất trong văn hóa ứng xử của ta và các nước khác là văn hóa xếp hàng. Ở Mỹ, bạn phải xếp hàng mọi lúc, mọi nơi: siêu thị, nhà ga, thậm chí là mua cà phê sáng. Đây được xem là một điều rất đỗi bình thường trong văn hóa của họ. Những hành động như: chen hàng, xô đẩy sẽ được xem như trái với trật tự xã hội của họ, một quy luật đã được thiết lập sẵn trong văn hóa ứng xử.

Ở Việt Nam thì ngược lại. Kể cả bạn có cố gắng xếp hàng thì người khác cũng sẽ chen lên. Đối với ta, việc không xếp hàng trở thành điều bình thường trong ứng xử.

Tôi bắt gặp một ví dụ điển hình về văn hóa xếp hàng ở Việt Nam khi đi mua quà sáng. Giờ cao điểm, khách hàng tấp nập ghé thăm thúng xôi vỉa hè của cô nọ. Tiếng người nói như quát nhau, ai cũng phải cố gắng nói to át người kia để mình mua được xôi trước. Thi thoảng có những người qua đường dừng lại, chen ngang, viện cớ: “Tôi phải đi làm sớm!”. Ô hay! Nếu đây là Mỹ quốc, hẳn bạn sẽ nhận được một cái nhìn khó hiểu, vì người Mỹ tin rằng, nếu anh phải đi làm sớm thì trách nhiệm của anh là phải đến sớm mua xôi trước. Không trật tự, không hàng lối, tranh nhau đến từng gói xôi một, tất cả mọi người đã tự tốn thời gian của bản thân và “góp phần” tạo nên một hình ảnh vô cùng xấu xí.

Ngán ngẩm nhất là có bà cô quay sang dạy con rằng: “Luồn lách qua người ta kia kìa, chen lên, nói to vào không là mất phần đấy!”. Đứa bé mồ hôi vã ra như tắm, gắng sức chen qua người lớn trong khi mẹ nó đắc thắng nhìn với vẻ mặt: “Biết dạy con từ thuở còn thơ!”

Trở lại với cậu bạn người Pháp. Sau khi nghe cậu ta tâm sự như vậy, tôi thực sự cảm thấy rất ái ngại và xấu hổ. Chúng ta luôn muốn hình ảnh của mình trở nên tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, song lại từ chối những nghi thức đơn giản nhất trong quá trình trở nên lịch sự hơn.

Chính những hình ảnh chen lấn, xô đẩy nhau khiến chúng ta trở nên xấu xí. Những con người Việt Nam sẽ đẹp đẽ hơn biết bao nhiêu nếu chúng ta học tập người phương Tây việc ứng dụng những mẫu câu đơn giản nhất vào cuộc sống thường ngày: "Cảm ơn"; "Làm ơn’"và "Xin lỗi". 

Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt
Văn hóa ứng xử là gì? Ái ngại về văn hóa ứng xử của người Việt

3. Cần làm gì để khắc phục tình trạng ứng xử thiếu văn hóa?

Trước thực trạng văn hóa ứng xử đang bị xuống cấp nghiêm trọng, biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao văn hóa ứng xử đó là giáo dục phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó:

  • Trước tiên mỗi cá nhân cần tự giác ý thức, nâng cao hiểu biết về văn hóa ứng xử, từ đó áp dụng vào thực tế cuộc sống.
  • Cần uốn nắn văn hóa ứng xử cho con người từ khi còn non trẻ, bố mẹ phải là tấm gương về cách ứng xử văn hóa để con cái noi theo, học tập.
  • Hình thành lối ứng xử văn hóa văn minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền  giáo dục về đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên
  • Lồng ghép nội dung tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong chương trình phổ thông
  • Chú trọng tuyên truyền về nền văn hóa dân tộc cho tầng lớp thanh niên, tổ chức các buổi tập huấn về văn hóa ứng xử nơi công cộng cho mọi tầng lớp.
  • Mạnh mẽ lên tiếng, dám phản ánh, phê bình những hành vi ứng xử thiếu văn hóa một cách quyết liệt hơn nữa.

Quả thực, “Văn hóa ứng xử là gì?” không còn là một câu hỏi đơn thuần. Đây chính là kiến thức, là kỹ năng mà mỗi ai trong chúng ta cũng cần nhìn nhận, học hỏi để trau dồi thêm. Giao tiếp có văn hóa là cơ sở để giúp ta có những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, làng xóm, cộng đồng. Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy chọn cho mình cách cư xử đẹp nhất bạn nhé!

7, Theo Reviview 365 tổng hợp