- Bí quyết làm thế nào để làm việc ít hơn, nhưng lại hiệu quả hơn?
- Làm việc để sống hay sống để làm việc?
- Tiết lộ cách cân bằng cuộc sống và công việc
- Hãy luôn giữ cho mình thái độ sống tích cực
Bài viết này là thu thập 21 thói quen tốt mà mình muốn duy trì và thử cho năm 2021. Mình viết chúng ở đây để luôn nhắc nhở bản thân cố gắng, và cũng là để chia sẻ đến bạn đọc và mong muốn các bạn cùng thực hiện với mình.
Chúng ta không cần phải đặt nặng việc phải mang hết những thói quen này vào cuộc sống và làm một người có lối sống hoàn hảo. Hãy chọn lựa cho mình những gì phù hợp và khiến bạn tốt hơn, thay vì áp lực phải chạy theo một hình mẫu nào đó.
1. Không đặt mục tiêu thiếu thực tế
Mục tiêu thiếu thực tế là khi bạn đặt mục tiêu một tháng giảm 10 kí trong khi họa hoằn lắm mới đi tập thể dục, hay một năm đọc 100 quyển sách trong khi mỗi đêm đọc 1 trang là ngủ mất.
Đặt mục tiêu cao xa vời vợi sẽ mang lại cho bạn cảm giác muốn xỉu up xỉu down khi cố biến chúng thành hiện thực.
Những thứ không thực tế chỉ khiến bạn thấy sao cuộc đời mình không có cái gì ra hồn, cái gì cũng không làm được.
Hãy đặt mục tiêu sao cho cụ thể và vạch ra các bước để đạt được. Ví dụ giảm cân thì đặt mỗi ngày tập bao nhiêu phút, hay đọc sách thì mỗi ngày đọc bao nhiêu trang/phút. Và thực hiện chúng một cách đều đặn
2. Đi và gặp nhiều hơn
Hồi năm ngoái, tôi rất chây lười. Một phần là vì thất nghiệp, chẳng có tiền đi đâu. Một phần là vì tính cách hướng nội nên tôi thấy rất thoải mái với việc ở lì trong nhà. Riết, việc lười trở thành một thói quen đầy trì trệ.
Vào cuối năm 2020, công việc mới đòi hỏi tôi ra ngoài nhiều hơn. Tôi cũng bắt liên lạc lại với những người bạn quý. Ra ngoài nhiều khiến tôi siêng hơn, vui hơn, và cũng bớt ngại làm cái này cái kia cần di chuyển.
Vui nhất là tôi gặp và tám chuyện với bạn bè nhiều hơn thay vì liên lạc rất thưa thớt và xa cách như trước đây. Tôi cũng dần yêu thích việc gặp mặt trực tiếp hơn là ngồi đoán già đoán non và đợi chờ người bên kia qua màn hình.
3. Học cách một mình
Trải qua thời Covid, dường như mọi người gặp nhiều khó khăn với việc ở một mình. Việc không thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè, vui chơi, tiệc tùng khiến nhiều người khó chịu và “vật vã”. Bản thân tôi cũng là người thích một mình mà nhiều lúc cũng bức bối.
Cho dù Việt Nam không phải chịu cảnh lockdown như nhiều nước khác trên thế giới, chúng ta cũng nên học cách một mình. Có thể là dành thời gian cho những hoạt động cá nhân nào đó, xem gì đó mới mẻ, hoặc đầu tư cho một sở thích mới.
4. Biết ơn nhiều hơn
Bày tỏ sự biết ơn đối với những điều tốt đẹp trong đời mình khiến tôi thấy vui vui, và dừng lại lâu hơn trước những điều thú vị và tử tế thay vì xoáy sâu mãi vào những nỗi buồn và điều kém may mắn.
Sống vui vẻ hơn, tích cực hơn và tin vào những điều tốt đẹp không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng cười nhăn nhở và nhảy múa. Chỉ là có thêm niềm tin để vực lại bản thân khi trải qua những lúc khó khăn.
5. Không quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử
Điều này nghe có vẻ lí thuyết vì chúng ta đang sống trong một thời đại ngập các thiết bị điện tử. Từ ghi chép, đọc sách, liên lạc cho đến giải trí, mọi thứ đều dễ dàng hơn với cơ man ứng dụng, smartphone, laptop, tablet, e-Reader…
Nhiều lúc tôi thấy mình loay hoay giữa rừng thiết bị đó. Cầm một quyển sách trên tay mà không ngừng nghĩ về những tin tức nóng hổi mình có thể cập nhật trên mạng xã hội. Đọc chưa được một đoạn văn mà tay đã lo chuyển tab để xem một bài báo khác. Nghe một bài nhạc chưa hết đã lo với lấy điện thoại để ấn xem một cái video thú vị hơn trên YouTube.
Cứ thế, sự tập trung để làm bất cứ một điều gì cần sự kiên nhẫn cũng bị thui chột dần. Đấy là chưa kể việc ảnh hưởng đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vậy nên việc tập luyện để mình không bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử với tôi là cần thiết. Không phụ thuộc là sao? Là có thể ngồi đọc một quyển sách mà không táy máy cầm điện thoại lướt lướt, hay đi ra ngoài mà lỡ quên tablet thì không đến mức phải đứng ngồi không yên.
6. Ăn uống lành mạnh hơn
Tôi chúa ghét ăn rau củ và trái cây. Mà ai cũng biết ăn mấy cái này mới tốt cho sức khỏe và cân nặng. Nếu bạn cũng là anti-rau quả như tôi, hi vọng trong năm nay chúng ta có thể ăn mỗi bữa thêm một ít rau quả.
7. Tập thể dục
Ai cũng muốn cơ thể xinh đẹp, gọn gàng và khỏe mạnh, nhưng mấy ai có thể kiên trì đi gym hay thể thao đều đều. Tôi chính là người nằm trong nhóm lười tập thể dục. Có những ngày đến xỏ đôi giày lên chân cũng không buồn mang.
Dạo này tôi phải ngồi nhiều nên có khi cả người rã rời chỉ muốn lăn ra giường nằm cả ngày. Việc tập thể dục giúp tôi giảm đau hẳn, cơ thể cũng linh hoạt và nhẹ nhõm hơn. Vậy nên tôi cố gắng tập đều nhất có thể, và hôm nào lười thì tôi kiếm những bài tập 10-15 phút để “nỗi đau” được rút ngắn lại.
Nếu hôm nào bạn cũng uể oải chẳng muốn tập gì, đổi sang một bộ môn khác khiến bạn thấy thú vị hơn cũng là một giải pháp.
8. Cải thiện giấc ngủ (ngủ đủ giấc)
Nhiều lúc tôi cứ hay tham công tiếc việc, hoặc mải mê lướt điện thoại mà thức khuya lắc. Sáng lại phải lồm cồm dậy sớm chuẩn bị đi làm.
Khi còn đi học thì ngủ bao nhiêu cũng chẳng là vấn đề, nhưng cứ thêm tuổi thì việc ngủ không đủ lại khiến đầu óc mụ mị, người mệt mỏi, chẳng làm gì nên hồn.
Các tác hại của việc thiếu ngủ được đề cập trong quyển Why We Sleep cũng khiến tôi e ngại với giờ giấc sinh hoạt của mình. Giờ tôi cố ngủ sớm hơn và đủ hơn, ít nhất là 6 tiếng một ngày.
9. Tạo dựng một lịch hoạt động cho ngày
Việc có một lịch hoạt động ổn định giúp cho bạn biết ngày của mình sẽ như thế nào, cần phải làm gì, và có mục đích cụ thể.
Việc sắp xếp các thói quen đi liền với nhau cũng dễ giúp bạn duy trì chúng hơn.
Bạn nên dành những hoạt động thư giãn cho routine buổi tối của mình. Cùng gia đình xem một bộ phim. Viết journal, về những điều đáng nhớ, về những thứ khiến bạn thấy biết ơn. Đọc sách để thôi miên mình vào giấc ngủ. Uống một li chocolate nóng…
10. Viết nhiều hơn
Bạn có thể viết tạp chí hoặc đơn giản viết xuống những gì cần ghi nhớ. Có thể là vài mục tiêu, những việc phải làm, những thứ muốn làm, vài dòng dễ thương động viên bản thân, hoặc những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời. Mục đích chính là để không quên những ý tưởng mới và những kỉ niệm cũ.
11. Lưu trữ những chiến thắng nhỏ của bản thân
Điều này không phải để khiến bạn kiêu căng, mà là một góc nhỏ để bạn quay lại mỗi khi bị thất bại, hoặc bị sếp hành up hành down chẳng hạn.
Một lời khen nho nhỏ, một dự án thành công, một kết quả tốt, chúng có thể vực dậy tinh thần nhanh hơn bạn tưởng.
12. Quản lí tài chính
Có một sự thật khá hiển nhiên mà giờ tôi mới nhận ra là làm bao nhiêu tiền cũng không đủ. Khi làm ra ít thì tôi ăn xài ít, khi làm ra nhiều hơn thì tôi cũng ăn xài nhiều hơn. Kết quả là dù làm bao nhiêu thì cũng vẫn là con khỉ họ Đỗ.
Thế nên việc quản lí tài chính, chi tiêu hợp lí sẽ được đặt lên hàng đầu danh sách ưu tiên của mình.
Không chạy theo những thứ không cần thiết, nhưng cũng không quá chi li tằn tiện đến mức cực đoan.
13. Đọc và xem nhiều hơn
Hãy đọc và xem nhiều hơn về những gì mà bạn quan tâm. Đừng nghe bất kì ai nói về những gì bạn nên và không nên đọc.
Sách giúp ta suy nghĩ khác đi và mới mẻ hơn. Hãy ghi chép về những gì mình đã đọc và xem, về cảm nhận và đánh giá của bạn. Đừng chỉ tiêu thụ rồi quên bẵng mất những gì đã xem.
Nếu một quyển sách hay một bộ phim dở tệ, hãy mạnh dạn đặt nó xuống và dẹp nó đi.
14. Đầu tư cho sở thích của bản thân bạn
Hãy tìm kiếm cho mình một sở thích và đầu tư thời gian, công sức, cũng như tiền bạc cho nó. Sở thích khiến chúng ta yêu đời hơn, có gì đó để làm lúc rảnh rỗi, và học thêm những điều mới mẻ.
15. Bớt nhận xét, phê phán người khác
“A mặt như vậy thì chắc là dữ lắm…”
“B tiêu xài nhiều vậy chắc rich kid…”
Chúng ta ai mà chẳng từng một lần đưa ra những nhận xét về người khác.
Sau khi gặp những người có tính cách khác hoàn toàn với ngoại hình và hành động, tôi cũng dần nhìn người đối diện với nhiều góc khác nhau. Có những người nhìn hổ báo nhưng rất tử tế. Cũng có những người nhìn hiền nhưng lại có nhiều hành động không tốt. Có những người thay đổi.
Luôn rất khó để đưa ra một nhận định nào đó về một con người, sự việc, hay sự vật.
16. Không quá phụ thuộc vào kế hoạch hay mục tiêu
Chắc vài người trong số chúng ta luôn có những mục tiêu và kế hoạch ghi ra rồi vứt xó. Khi thấy mọi thứ không đi đúng hướng hoặc hành động của chúng ta chẳng phục vụ gì cho việc đạt được những thứ ấy, ta thất vọng và nghĩ mình chẳng bao giờ đạt được.
Hãy luôn linh hoạt với những kế hoạch hay mục tiêu của mình. Thay đổi chúng cho phù hợp với lối sống nếu cần. Dù cho bạn có không đạt được thì cũng chẳng phải tận cùng thế giới.
17. Đặt ra những giới hạn cho bản thân, công việc, và cuộc sống
Hãy đặt ra những giới hạn về những gì không làm và những gì phải làm.
Không tiêu xài quá một con số cụ thể, không nhận tin nhắn và email trong một khoảng thời gian nhất định, dành một số giờ rõ ràng cho gia đình, dừng làm việc sau 6 giờ tối…
18. Bớt đeo đuổi quá khứ
Tôi hay đeo bám những gì tốt đẹp trong quá khứ. Tiếc nuối những người bạn đã từng có thời gian thật đẹp đẽ.
Đôi khi tôi chỉ cần chấp nhận rằng cuộc sống và con người sẽ có những thay đổi. Có người sẽ không còn phù hợp và chịu đứng trong vòng tròn của mình. Nhưng những người mới sẽ xuất hiện và cho ta những cảm giác thú vị hơn.
Hãy học cách chấp nhận và không quá tiếc nuối quá khứ nữa.
19. Có trách nhiệm với những thứ mình làm
Nếu đã quyết định làm điều gì, hãy hoàn thành nó với trách nhiệm và cam kết. Đừng nhận lời viết một bài rồi viết qua loa cho đủ số chữ kèm đầy lỗi chính tả và dấu câu.
Còn nếu việc đó bạn không muốn làm nên ẩu tả thì đừng nhận làm, vừa tốn công sức và tiền của, vừa mất uy tín.
Hãy luôn đánh giá xem việc gì khiến bạn thấy ổn và không ổn khi thực hiện. Tập trung hơn vào những thứ ổn, và học cách bỏ qua hoặc vượt lên những thứ không ổn.
20. Nghỉ ngơi hợp lí
Chúng ta dễ bị cuốn vào công việc, chơi bời mà đôi khi quên mất bản thân cần những khoảng nghỉ ngơi đúng nghĩa. Nếu bạn là một con nghiện công việc (hay nghiện chơi), hãy thử những hoạt động sau: đi bộ, vặn mình, thiền 5 phút, nằm nghỉ, ngủ giấc ngắn (nap), hay uống một cốc nước giữa giờ làm.
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý sẽ cho bạn năng suất tốt nhất để phát triển bản thân, hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn và thậm chí thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn.
21. Học điều mới
Cập nhật kiến thức và mở mang đầu óc không bao giờ là thừa.
Người ta có câu: “Tri thức là sức mạnh”. Chúng ta không chỉ cần trau dồi kiến thức để trở nên mạnh mẽ và quyền lực hơn, mà còn nên cải thiện cuộc sống ở mức độ sâu sắc hơn. Những người thông minh nhất thường sẽ không khoe khoang về trí thông minh của họ, không coi thường người khác chỉ vì thiếu hiểu biết và họ sẽ tiếp tục tự giáo dục chính bản thân mình.
Trong một thế giới ngày càng mở rộng, một người không thể biết tất cả mọi thứ, nhưng hiểu được sự thay đổi liên tục và luôn duy trì nhu cầu tiếp tục tìm hiểu về thế giới xung quanh chúng ta sẽ giúp bạn đi đúng hướng.
Bạn không cần phải là người hoàn hảo
Tạo dựng những thói quen tốt không phải để khiến bạn là một con người hoàn hảo với một cuộc sống chẳng sai trật chỗ nào.
Hãy để những thói quen tốt khiến bạn vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc, khỏe mạnh hơn thay vì áp lực rằng mình phải có những thói quen tích cực thì mới đáng sống.
Hi vọng năm mới này chúng ta có thể cùng nhau duy trì phần nào những thói quen đã kể trên!
Để lại bình luận
5