- Vì sao nói vợ chồng là tiền duyên con cái là nợ cũ?
- Nguyên tắc vàng để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc
- 9 dấu hiệu cho thấy bạn đang bao bọc con quá mức
Vợ giận thì chồng bớt lời
Các cụ ngày xưa vẫn dạy, “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Nhưng nhìn lại cả quá trình phát triển của gia đình, xã hội lâu nay thì thấy, ở trong gia đình nào mà chồng lên nước vợ cứ nhẫn nhịn bớt lời thì chỉ góp phần đào tạo ra một ông chồng chuyên nạt nộ vợ, nặng tính gia trưởng, coi thường phụ nữ, điềm nhiên trước cảnh chồng chúa vợ tôi, coi vợ đương nhiên là phải phục dịch, nín nhịn chồng.
Các nghiên cứu về giới lại cho thấy, phụ nữ khi được người đàn ông của mình yêu chiều thường có xu hướng muốn đền đáp nhiều hơn. Chỉ cần có một ông chồng biết nhường nhịn yêu thương vợ, họ sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho anh ấy, và luôn luôn cư xử rất biết điều.
Cho nên, một trong những bí quyết của việc vợ chồng chung sống hoà thuận đến hết đời chính là chồng ga lăng và chiều chuộng vợ. Các anh hãy ý thức rõ vị trí “làm anh” của mình để xuống nước nhường nhịn khi cô ấy giận dỗi, sẽ tha hồ nhận sự báo đáp khi cô ấy bình tĩnh hơn.
Ngoại tình không phải tận cùng thế giới
Nhiều người nghe đến việc chồng/ vợ ngoại tình thì ngay lập tức giãy nảy, nói cả đời mình không bao giờ tha thứ nếu người kia phản bội. Thực tế thì sự việc nghiêm trọng hay nhẹ nhàng còn do cách nhìn nhận của mỗi người, xem nó nghiêm trọng thì nó là nghiêm trọng, coi nó nhẹ nhàng sẽ dễ dàng vượt qua hơn.
Ngoại tình xét cho cùng cũng chỉ là một lỗi lầm rất… con người, vì lý do nào đó người ta đưa ra một lựa chọn sai trong một thời điểm.
Cách ứng xử của người bạn đời bị cắm sừng sau đó ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người ngoại tình. Không ít trường hợp tâm phục khẩu phục quay về yêu thương vợ/chồng của mình nhiều hơn, nhận ra vợ/ chồng mới là chân ái của đời mình và tuyệt đối chung thuỷ sau một lần lầm đường lạc bước mà nhận được sự bao dung, tha thứ, mở mang tầm mắt từ cách ứng xử của bạn đời.
Sống với nhau chân thật nhưng hãy hiểu một điều: Ai cũng cần giữ cho mình chút bí mật riêng
Vợ chồng sống với nhau chân thật là tốt, là đúng, tuyệt đối đúng, nhưng điều đó không có nghĩa là tất tần tật mọi việc bạn đều phải nói, phải kể cho người kia.
Ai cũng có những bí mật riêng. Nếu việc giữ bí mật đó không ảnh hưởng gì tới gia đình, nếu bí mật đó thuộc về riêng bạn, thì giữ lại cho mình chút bí ẩn trong mắt bạn đời thậm chí còn khiến bạn trở nên quyến rũ hơn.
Nuôi dạy con cái là công trình vĩ đại chung của cả hai người
Nhiều người mặc định nuôi dạy con cái là trách nhiệm riêng của người phụ nữ. Đứa trẻ lười ăn, còi cọc - tại mẹ nó. Đứa trẻ quấy khóc, hay ăn vạ - tại mẹ, đứa trẻ có điểm số, thể hiện không tốt ở trường - tại mẹ. Song thực ra đó là cách nhìn nhận của một tư tưởng lỗi thời.
Thực tế chứng minh những đứa trẻ phát triển tốt cả về thể lực lẫn trí lực thường là đứa trẻ nhận được sự quan tâm chăm sóc cân bằng từ cả bố lẫn mẹ. Hiểu đơn giản thì có những điều chỉ người cha mới truyền đạt được cho con, có những điều chỉ mẹ mới mang lại được cho con, nên cha mẹ cần song song vun đắp.
Con cái là công trình vĩ đại chung của cả hai người, hãy vun đắp cho những đứa con của bạn tình yêu thương, như vậy chúng sẽ phát triển tốt nhất.
Đối đãi với đôi bên nội ngoại là tự tâm, không phải là trách nhiệm
Nhiều cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa không phải vì họ đối với nhau không tốt, không phải vì họ hết yêu nhau, mà vì những áp lực không thể vượt qua đến từ gia đình nội, ngoại.
Ở phương Tây, khi một cặp đôi kết hôn, họ chỉ biết có nhau, nguyện gắn kết bên nhau khi sướng vui cũng như khi hoạn nạn. Gia đình người chồng/vợ chỉ là “hàng đính kèm”, yêu người này thì yêu cả người thân của họ, tuyệt đối không phải trách nhiệm.
Xã hội phương Đông không như vậy, gia đình họ hàng thường có những đòi hỏi phi lý về việc phụ nữ lấy chồng phải quán xuyến nhà chồng, coi đó là “trách nhiệm” của nàng dâu, gánh trên vai “trọng trách” nặng nề mà đa phần đã không còn phù hợp với đặc điểm xã hội hiện tại.
Cái gì là đòi hỏi, ép buộc thường dẫn đến bất mãn. Nếu các cặp đôi có thể tìm được tiếng nói chung trong việc yêu thương, gánh vác gia đình nội ngoại là tự tâm tự nguyện, xuất phát từ yêu thương, “khả năng làm được đến đâu ta sẽ làm đến đấy” chứ không phải trách nhiệm, ép buộc, thì sẽ có hạnh phúc, sự hài lòng vĩnh cửu với cuộc hôn nhân họ đã chọn.
Để lại bình luận
5