Top 3 phương pháp ăn dặm tốt nhất
Ở Việt Nam hiện nay, có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến được đông đảo các bố mẹ quan tâm:
- Ăn dặm truyền thống
- Ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
- Ăn dặm kiểu Nhật
Bên cạnh đó các bà mẹ cũng lựa chọn việc kết hợp các phương pháp. Nhưng các mẹ cần lưu ý nếu sử dụng các phương pháp kết hợp:
- Chỉ áp dụng hai phương pháp kết hợp
- Mỗi phương pháp áp dụng cho một bữa ăn riêng
- Cố định mỗi phương pháp ở các bữa ăn
Ăn dặm truyền thống kiểu Việt Nam
Ăn dặm truyền thống là gì?
Đây có thể coi là lựa chọn của rất nhiều gia đình Việt hiện nay. Cách chế biến các món ăn dặm truyền thống, mẹ sẽ nấu cháo trắng kết hợp chung với các nhóm thực phẩm khác nhau như rau, củ, thịt, cá, tôm, trứng,... Sau đó được làm nhuyễn bằng cách say, tán hoặc rây.
Ăn dặm truyền thống, trẻ được đút ăn bằng muỗng và trẻ chỉ có nhiệm vụ nuốt thức ăn.
Các giai đoạn của ăn dặm truyền thống
Giai đoạn: Ăn bột
Giai đoạn này được kéo dài từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8. Ở thời điểm này các mẹ nên chọn các thức ăn có mùi vị nhẹ nhàng cần được xay thật nhuyễn mịn. Bắt đầu cho bé ăn từ bột loãng đến đặc, từ lượng ít tới nhiều tùy theo nhu cầu của trẻ.
Đầu tiên ăn dặm cần cho trẻ ăn bột ngọt (bột nấu với các loại rau củ quả), sau đó bột mặn (thịt, tôm, cá,...), rồi các mẹ có thể kết hợp cả hai loại với nhau
Giai đoạn: Ăn cháo
Giai đoạn này được các mẹ tập cho bé từ tháng thứ 8 trở đi. Lúc đầu mới làm quen mẹ chỉ cần đút 1-2 thìa mỗi bữa xen kẽ bột, sau đó tăng dần lượng cháo lên. Các mẹ cần lưu ý chút nhé không nên chuyển đột ngột từ bột sang cháo vì trẻ không kịp thích nghi dẫn đến kém ăn. Và giai đoạn ăn cháo cũng được chia làm 3 giai đoạn nhỏ cho các mẹ nhà mình lưu ý nhé:
- Giai đoạn ăn cháo nhuyễn (Từ tháng thứ 8 đến tháng thứ 9 của ăn dặm)
- Giai đoạn ăn cháo vỡ hạt (Từ tháng thứ 10 đến tháng 11 của ăn dặm)
- Giai đoạn ăn cháo nguyên hạt (Từ tháng thứ 12 của ăn dặm)
Giai đoạn: Ăn cơm
Khi các bé nhà mình đã mọc đủ 20 răng sữa thì các mẹ có thể cho bé chuyển sang ăn cơm. Không nên cho bé ăn cơm quá muộn, sẽ khiến trẻ bị thiếu về dinh dưỡng, cũng không nên cho bé ăn sớm vì hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện để tiêu thụ cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng.
Khi bắt đầu ăn cơm các mẹ cho trẻ ăn cơm nát (cơm nấu hơi nhão, mềm) cùng với thức ăn được băm nhỏ hoặc xé nhỏ. Các mẹ cũng cần bổ sung thêm các loại rau để sung chất xơ cho trẻ (nấu canh, luộc rau,...) không nên lạm dụng các loại thức ăn mặn.
Ưu điểm phương pháp ăn dặm truyền thống
- Trẻ tăng cân tốt, do trẻ được ăn với số lượng nhiều khi tập ăn
- Cách chế biến đơn giản và dễ chuẩn bị, không mất nhiều thời gian, phù hợp với các mẹ bận rộn
- Trẻ ăn các loại thức ăn xay nhuyễn tốt cho hệ tiêu hóa đang còn yếu.
Nhược điểm ăn dặm truyền thống
Phản ứng nhai và nuốt của trẻ ăn dặm truyền thống kém hơn do không được tập ăn thức ăn thô
Ăn dặm truyền thống là nấu chung các nguyên liệu với nhau gây cho trẻ khó cảm nhận được mùi vị của thức ăn, dễ khiến trẻ biếng ăn và kén chọn thức ăn khi lớn
Ăn dặm truyền thống do cách chế biến là nhiều loại nguyên liệu một lúc nên khó phát hiện trẻ thích món nào, không thích món nào và bé có bị dị ứng với loại thức ăn nào không.
Ăn dặm kiểu Nhật
Trong Tiếng Nhật, ăn dặm được gọi là rinyu-shoku có nghĩa là ăn để chuẩn bị cho việc cai sữa, cụ thể là dùng thức ăn để cung cấp chất dinh dưỡng cho bé thay sữa mẹ hay sữa công thức.
Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hiện nay cũng được ưa chuộng tại Việt Nam. Khi bắt đầu hành trình ăn dặm của mình thì món đầu tiên mà trẻ được ăn chính là cháo nhuyễn với tỷ lệ 1:10 (1 gạo : 10 nước) và tỷ lệ này được thay đổi cùng với quá trình lớn lên của trẻ. Ăn dặm kiểu Nhật khác với ăn dặm truyền thống là các loại thức ăn trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được chế biến riêng với độ thô phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ.
Các giai đoạn của ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật được chia thành bốn thời kỳ phù hợp với sự phát triển nói chung của bé:
Thời kỳ 1 (5-6 tháng tuổi)
Trong quá trình ăn dặm đầu tiên này thì cháo với súp là món chính trong mọi bữa ăn bé. Cháo ở giai đoạn này được nấu nhuyễn và mịn, tỉ lệ gạo và nước là 1:10. Cách sơ chế là rây mịn, cách ăn của bé là mím môi, dùng lưỡi đẩy ra đẩy vào để nuốt thức ăn. Trong tháng đầu 1 bữa/ngày, tháng thứ 2 2 bữa/ngày.
Thời kỳ 2 (7-8 tháng tuổi)
Đây được coi là thời gian lý tưởng để bé tiếp cận với các đồ ăn dặm, bé có thể dùng lưỡi để nghiền nát thức ăn, độ đặc, độ thô của thời kì này cũng được tăng lên. Cháo được nấu theo tỉ lệ 1:7. Độ thô của giai đoạn này mẹ có thể thái hoặc băm nhỏ từ 1- 3mm, số bữa trong ngày là 2 bữa.
Thời kỳ 3 (9-11 tháng tuổi)
Trải qua 4 tháng thì đến thời kỳ này các bé đã quen với các thực đơn ăn dặm kiểu Nhật của mẹ, khả năng nhai ở bé đã tốt hơn (bằng lợi), bé có thể ăn cơm nát hoặc cháo hạt vỡ với tỷ lệ 1:5. Ngoài ra mẹ có thể kết hợp với các thực phẩm mà bé có thể tự cầm ăn hoặc các đồ nghiền hoặc băm nhỏ. Số bữa trong ngày của bé tăng lên 3 bữa.
Thời kỳ 4 (12-18 tháng tuổi)
Đến với giai đoạn này mẹ có thể cho bé ngồi ăn cơm cùng cả nhà và ăn thêm hai bữa phụ trong ngày. Bé đã có thể nhai bằng lợi hoặc bằng răng, cơm nát hoặc cháo ở tỷ lệ 1:2.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Bé được học kỹ năng nhai, nuốt thức ăn và có khả năng ăn thô sớm hơn.
- Ăn riêng từng loại thức ăn nên giúp kích thích hệ tiêu hóa, vị giác, giúp trẻ làm quen với mùi vị của các loại thức ăn.
- Giúp bố mẹ dễ dàng nhận biết được bé thích món gì, không thích món gì và bé bị dị ứng với loại thực phẩm nào.
- Giúp bé tự lập, tự ngồi ăn.
Nhược điểm của ăn dặm kiểu Nhật
- Hành trình ăn dặm theo kiểu Nhật yêu cầu mẹ có thời gian trong việc chuẩn bị thức ăn giai đoạn đầu.
- Việc bảo quản chế biến thức ăn cho bé thường phải rất cẩn thận
- Chi phí đầu tư cho dụng cụ chế biến đồ ăn ăn dặm kiểu Nhật tương đối cao
Ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
Ăn dặm tự chỉ huy được dịch nguyên nghĩa từ tiếng anh “Baby led weaning” phương pháp này có từ cuối thế kỷ 19 xuất phát từ các nước ở Châu Âu và Châu Mỹ. Phương pháp này khác với ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật là thức ăn được cắt thành miếng có kích thước, hình dạng phù hợp và chế biến theo từng giai đoạn phát triển của bé. Bé sẽ được ngồi ăn chung với gia đình được quyết định mình ăn gì, ăn bao nhiêu và khi nào kết thúc. Ban đầu bé sẽ sử dụng tay bốc kết hợp với các giác quan như mắt, miệng, răng (lợi) để cắn nghiền và nuốt thức ăn. Khi lớn một chút bé sẽ được học cách dùng thìa dĩa, đũa, Sau 1 tuổi bé sẽ ăn được hầu hết các món ăn như người lớn.
Các giai đoạn của ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
Khác với ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật thì ăn dặm tự chỉ huy (BLW) không chia theo tháng tuổi mà chia dựa theo kỹ năng mà mỗi bé đạt được. Thông thường ăn dặm tự chỉ huy (BLW) sẽ trải qua 5 giai đoạn sau:
- Giai đoạn tập bốc: Trong giai đoạn này bé bắt đầu sử dụng bàn tay của mình để cầm nắm đưa thức ăn lên miệng. Kết thúc giai đoạn này bé hoàn toàn thành thạo với việc sử dụng tay trong việc ăn và xử lý thức ăn.
- Giai đoạn bốc nhón: Thay vì dùng cả bàn tay để cầm nắm, bé sẽ tập sử dụng ngón trỏ và ngón cái để nhặt các mẫu thức ăn nhỏ.
- Giai đoạn nhai nhả: Đối với giai đoạn này bé sẽ có những biểu hiện cũng như thái độ không tốt đối với việc ăn uống, và mẹ cần nắm vững kiến thức cũng như tâm lý trong giai đoạn này.
- Giai đoạn tập dùng thìa: Trong thời gian này bé sẽ được mẹ giới thiệu và tập sử dụng thìa cũng như dĩa, đũa.
- Giai đoạn hoàn thiện: Đây là giai đoạn kỹ năng nhai và nuốt của bé đã hoàn thiện, bé có thể ăn bữa ăn hoàn chỉnh.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
- Giúp bé được khám phá mùi vị, màu sắc của mỗi loại thức ăn riêng biệt
- Tạo môi trường giúp bé phối hợp tay và mắt, phát triển sự khéo léo cũng như kỹ năng nhai
- Bé được ăn theo nhu cầu của bản thân, tạo thói quen ăn uống tốt
- Không tốn nhiều thời gian chuẩn bị đồ ăn riêng
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
- Bố mẹ sẽ lo lắng trong giai đoạn đầu vì bé ăn ít và dễ sụt cân
- Bé có thể bị hóc, nghẹn nếu bố mẹ không để ý quan sát
- Thường xuyên vệ sinh chỗ ăn của bé
Để lại bình luận
5