Tôi năm nay 29 tuổi. Một độ tuổi không còn quá trẻ, nhưng vẫn chưa hề già. Dù vậy, tôi đã kịp kết hôn, và chia tay. Một lần.

Tôi chưa bao giờ hối tiếc về cuộc hôn nhân kéo dài hơn 3 năm của mình, với tôi đó là một quãng thời gian đẹp đẽ và hạnh phúc. Thông thường, khi nhắc đến đổ vỡ, chúng ta thường kể về những lỗi lầm. Nhưng chúng tôi chia tay trong bình yên như một điều vốn dĩ phải thế, không hề có một chút drama nào diễn ra giữa cả hai, dù tôi đã có rất nhiều giọt nước mắt, nhưng cuộc chia ly nào chẳng vậy.

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Như mọi cuộc chia tay của những cặp đôi khác, tôi tự vấn bản thân mình rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Tại sao lại kết thúc? Vì cách sống và cách suy nghĩ đã quá khác biệt. Vì điểm nhìn về tương lai không còn chung một hướng. Vì thiếu đi sự gắn kết của một đời sống hôn nhân đúng nghĩa. Vì hoá ra cả hai đều chưa sẵn sàng cho một cam kết dài lâu và trách nhiệm hơn.

Vậy vì từng ấy lý do, tại sao lại bắt đầu?

tình yêu, đúng. Vì mong muốn được ở bên cạnh người mình yêu thương trong một cuộc sống mới, cũng đúng. Nhưng lần giở lại ký ức, tôi khi đó là một cô gái mới ra trường, vẫn còn sống với bố mẹ và là một đứa trẻ được bao bọc đúng nghĩa. Tôi thậm chí còn chưa biết chăm sóc cho bản thân mình một cách chu đáo. Tôi chưa trưởng thành, con người của tôi khi đó vẫn là một cô gái trẻ chưa hiểu về cuộc đời và chưa hiểu mình muốn gì. Tôi chưa trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống. Chuyện kết hôn khi đó là chuyện tôi cảm thấy mình dĩ nhiên sẽ phải làm theo đúng một “lộ trình" hoàn hảo: Ra trường, có một công việc, lập gia đình. Hôn nhân đã không hề là việc tôi sẵn sàng để làm. Và nhìn xem, tôi đã làm rất tệ.

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Đây thật ra là một câu chuyện hôn nhân phổ biến thời hiện đại. Kết hôn khi chưa trưởng thành và hiểu rõ về bản thân mình. Dĩ nhiên là, nhiều người trong số đó may mắn phù hợp với cuộc sống hôn nhân, ngay cả khi họ lớn lên và có thêm nhiều trải nghiệm thì hôn nhân vẫn là một bến đỗ hạnh phúc. Nhiều người - như tôi, thì lại không. Chúng ta cảm thấy mình chưa phù hợp với đời sống hôn nhân (“chưa” nhé, chứ không phải là “không"), hoặc chúng ta đã chọn lựa nhầm một người bạn đời không dành cho mình.

Có một vài con số mà tôi tìm hiểu được khi tìm những số liệu về tình trạng hôn nhân/ ly hôn ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nước ta có 77,5% tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn. Trong đó, 69,2% dân số trong tình trạng đang kết hôn, tỉ lệ nữ từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 81,5%, con số này ở nam giới là 73,4%. Dân số có tình trạng "ly hôn" hoặc "ly thân" chiếm 2,1%.

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Có ti tỉ thứ lý do cho một cuộc chia ly của người trẻ: Bạn đã tìm đúng người và bạn hạnh phúc chết đi được, nhưng rồi bỗng một ngày anh ta lại trở thành một kẻ tồi. Hoặc bạn không thể chịu nổi những áp lực của gia đình nhà chồng.

Theo những quan sát của tôi, có một phần rất lớn những cuộc hôn nhân của người trẻ đổ vỡ là do chúng ta đã vội vàng khi đưa ra quyết định kết hôn. Chúng ta không chỉ chưa biết chúng ta là ai, mà còn không rõ cả về người ta chuẩn bị rước về nhà. Thế nhưng, mặc cho sự mong manh và đầy may rủi của những cuộc hôn nhân tuổi trẻ, những người trẻ vẫn được gia đình khích lệ tuyệt đối vào việc tìm một người vợ/ chồng sớm nhất có thể, và sẽ tuyệt vời hơn nếu có 1 em bé, bận quá thì để ông bà nuôi.

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Vậy là các cô gái, chàng trai đầy háo hức kiếm tìm một ý trung nhân ngay khi ở cái tuổi vẫn còn mê ăn mê chơi, để yên tâm đánh đổi cái nhìn tự hào của bố mẹ trước mặt họ hàng, và cảm giác “hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn". Có người kết hôn sau 2 tháng gặp gỡ, vào năm 20 tuổi, thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học. Họ chia tay sau đó 1 năm, vì cả hai đều… lớn lên theo một cách nào đó, và không thể chịu nổi sự thay đổi của người kia.

Tôi không có ý phán xét bất cứ một quyết định gắn bó của ai với tình yêu đích thực của đời họ, nhưng chẳng phải chúng ta nên đặt thêm câu hỏi cho chính mình về việc liệu đây có phải là người chồng/ người vợ hoàn hảo mà ta kiếm tìm bấy lâu và sẽ ở bên ta đến suốt cuộc đời. Ta có nên đặt thêm câu hỏi rằng: Chúng ta đều sẽ lớn lên và trưởng thành, sẽ trở thành một con người có lẽ là khác ta bây giờ - liệu rằng người ở bên ta lúc này có chấp nhận con người của ta lúc đó? Và liệu rằng ta có chấp nhận họ hay không?

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Cũng có những người dành ra 10 năm để yêu, đám cưới đến như một giấc mơ thành sự thật, rồi kết cục bằng một cách thần kỳ nào đó, cả 2 đều thấy cái người còn lại như một cơn ác mộng mà 10 năm trước chưa bao giờ mình mơ đến. Và họ kết thúc trong 6 tháng.

Hôn nhân là một phạm trù bất định, chúng ta không bao giờ biết điều gì đang đến với mình, hoặc mọi chuyện sẽ thay đổi ra sao vào ngày hôm sau. Vậy nên, một sự chuẩn bị kỹ càng bao giờ cũng sẽ là một nền móng vững chắc cho mọi sự lâu bền sau này, để ngay cả khi bạn thất bại, thì cũng là vì một lý do khác - nghe khủng khiếp hơn là “tôi đã nghĩ không kỹ”.

Như thế nào là một sự chuẩn bị kỹ càng?

Điều quan trọng nhất khi bạn bước vào hôn nhân đó là bạn phải thấu hiểu bản thân mình. Bạn hiểu mình là ai, mình muốn gì, mình cần gì, mình khiếm khuyết ở đâu, mình tốt chỗ nào, mình muốn một cuộc hôn nhân ra sao, liệu những mong muốn của mình có được người bạn đời đồng cảm hay không? Khi hiểu rõ bản thân mình rồi, bạn sẽ tự có câu trả lời rằng mình đã cần phải kết hôn hay chưa. Và biết rằng người bạn dự định kết hôn có thật sự dành cho bạn hay không.

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Điều thứ 2, dĩ nhiên, bạn cần có đủ trải nghiệm sống. Hôn nhân là một đời sống áp lực và đầy trách nhiệm, sự căng thẳng và rất nhiều hy sinh. Bạn cần đủ kinh nghiệm và sự trưởng thành để đương đầu với những gánh nặng đó một cách hài hoà. Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi.

Điều thứ 3, sự vững chắc về tài chính. Hãy đảm bảo bạn và người kia có đủ tiềm năng tài chính để duy trì một cuộc sống ổn định và sẵn sàng cho những kế hoạch tương lai. Không cuộc hôn nhân nào có thể hạnh phúc nếu đời sống gia đình chỉ xoay quanh việc chật vật kiếm tiền. Hôn nhân nên là nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải là một gánh nặng.

Chuyện kết hôn rồi chia tay trước tuổi 30: Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ và lệ thuộc hạnh phúc của mình vào sự may rủi
Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ 

Hôn nhân không bao giờ có một kết quả chung, mỗi người lại có một tiêu chuẩn và ước mơ của riêng mình khi nghĩ đến nó, mỗi người lại có một câu chuyện riêng khi bước vào hôn nhân. Nhưng hôn nhân không bao giờ nên là một cột mốc dựa trên độ tuổi. Hôn nhân không phải cuộc chạy đua cho đúng deadline.

Nếu mỗi người đều có câu trả lời cho điều trên, thì ngay cả bạn kết hôn ở độ tuổi trước 25 - đó vẫn sẽ là một cuộc hôn nhân bền vững. Hãy kết hôn khi đã sẵn sàng, khi bạn có đủ trách nhiệm, khi bạn đã tận hưởng hết những niềm vui thú, tình yêu, sự đau khổ của cuộc sống. Và lần tới, nếu có ai nói với bạn rằng: “Bao giờ thì lấy vợ/ chồng cho cô chú ăn cỗ?”, hãy cứ tự tin mà nói rằng: “Thà lấy muộn, còn hơn lấy sai người".