- Bạn có sẵn sàng lấy một chàng trai 30 tuổi nhưng vẫn chưa có gì trong tay không?
- 3 bài học xương máu đàn bà ly hôn nhắn gửi đến phụ nữ
- Chuyện kết hôn rồi chia tay - Đừng bước vào hôn nhân như một đứa trẻ
Tất nhiên mọi thứ đều cần đánh đổi, kết hôn trước 30 đem lại cho bạn nhiều điều tốt nhưng cuộc hôn nhân ngoài 30 cũng có vô vàn mặt tích cực.
Khi chị tôi kết hôn vào năm 27 tuổi, người ta nói chị đã ở độ tuổi đẹp nhất cho một cuộc hôn nhân: Trẻ tuổi đủ để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, tình yêu vẫn còn đong đầy. Có điều gì để “nhưng” không?
Không, cuộc hôn nhân của chị vẫn tốt đẹp. Chỉ là đôi khi, chị ngần ngừ khi nghĩ tới việc bao giờ mới có tiền mua nhà riêng, thỉnh thoảng muốn mua gì cho bản thân cũng phải cân đối với tiền đóng học cho con. Hôn nhân trước 30 của chị, với nhiều người thực sự viên mãn. Vậy mà có lúc chị cũng ước “lấy muộn tí nữa thì mấy năm tập trung vào làm lụng, giờ mua được nhà riêng rồi không”.
Kết hôn... "hơi muộn" một chút, có những điều người ta “được” và đáng đánh đổi.
1. Bạn biết mình thực sự muốn gì khi kết hôn ở tuổi trưởng thành
Tuổi tác đôi khi là một chỉ số tốt để đánh giá sự trưởng thành của một người. Hôn nhân trong những năm đầu của tuổi 20s có thể đi kèm với sự thiếu chín chắn. Nhiều người trẻ coi tình yêu là điều kiện đủ cho hôn nhân nhưng khi đã đi qua năm tháng sôi nổi thì sự thấu hiểu, cả về cuộc sống và con người, mới là nền tảng để một số quyết định đi tới gắn kết với nhau trọn đời.
Theo các chuyên gia, ở độ tuổi 30, chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh về chính mình, nắm rõ nhu cầu tình dục và biết rõ điều gì họ thực sự mong đợi với mối quan hệ hôn nhân. Không chỉ cần một người yêu và ở bên, chúng ta cần một người sẵn sàng với trách nhiệm gia đình và xây dựng một cuộc hôn nhân dựa trên nhiều giá trị.
2. Tự hiểu rõ giá trị của bản thân
Hôn nhân ở tuổi trẻ đôi khi giống như việc lần mò trong bóng tối, không chỉ trong bóng tối của hai người mà cả với chính bản thân mình. Chúng ta còn quá mù mờ về giá trị của bản thân của trong mọi khía cạnh. Phải mất vài năm để bước qua những thay đổi lớn của cuộc sống, từ môi trường học tập tới môi trường công việc, xã hội, nhiều người mới biết mình là ai trong một bức tranh nhiều mảnh ghép.
Theo tiến sĩ Jacobson, giám đốc lâm sàng của Harley Therapy - nền tảng tư vấn tâm lý hàng đầu nước Anh, việc để bản thân có thời gian thực sự hiểu chính mình có thể hạn chế nguy cơ dẫn tới ly hôn.
“Các mối quan hệ diễn ra lâu dài không phải vì hai người cùng thích nghe một loại nhạc, đều thích đi du lịch. Điều quan trọng rằng sâu thẳm trong mỗi người, chúng ta nhận ra những giá trị tương đồng. Trưởng thành là giai đoạn để chúng ta phát hiện ra giá trị của bản thân, những điều không phải ai cũng nhìn thấy”.
3. Tỷ lệ ly hôn giảm với các cuộc hôn nhân từ 28 - 32 tuổi
Theo thống kế, tỷ lệ ly hôn thường giảm nếu bạn kết hôn muộn hơn, ngoài 30 chẳng hạn. Một nghiên cứu bởi chuyên gia xã hội học Nicholas Wolfinger được công bố bởi viện Nghiên cứu Gia đình chỉ ra rằng, tỷ lệ ly hôn thường cao hơn ở những người kết hôn trước 25 tuổi. Những người kết hôn ở độ tuổi 25 có tỷ lệ ly hôn ít hơn 50% so với lứa tuổi 20. Giai đoạn phù hợp cho việc kết hôn - tính trên khía cạnh giảm thiểu tỷ lệ khả năng ly hôn, là từ 28-32 tuổi.
Tuy nhiên cũng đừng vội mừng, những người kết hôn khi đã gần 40 cũng có tỷ lệ ly hôn cao hơn. Bạn có thể kết hôn ngoài 30, nhưng đừng quá muộn - từ 28 đến 30 vẫn là một độ tuổi lý tưởng nhìn trên mặt bằng chung.
4. Bạn có thể đảm bảo cuộc hôn nhân vận hành tốt hơn
Anh chị tôi không phải đối tượng hay cãi nhau nhưng tôi biết có nhiều cặp đôi trẻ trục trặc trong vấn đề giao tiếp. Họ coi nhau như những người bạn, hoặc tiếp cận với những vấn đề quan trọng như khi còn đang yêu nhau, và kết quả dẫn đến là cả hai đều vùng vằng, giận dỗi nhưng không biết giao tiếp hiệu quả, hiểu ý nhau hay định hướng các vấn đề chung trong gia đình.
Tuổi 20 và những năm tháng được coi là phát triển của sự nghiệp, chúng ta học được nhiều kỹ năng cần thiết cho hôn nhân: Giao tiếp tích cực, giải quyết xung đột, khả năng nhẫn nhịn, sự tôn trọng khác biệt. Vài năm đi làm khiến người ta dạn dĩ hơn, biết cách giải quyết các vấn đề con người. Môi trường làm việc dạy cho người ta biết chấp nhận, kiên trì, biết cái gì nên bỏ qua và điều gì cần nỗ lực.
Tình yêu cần cảm xúc, hôn nhân cần nhiều lý trí và kỹ năng. Chúng ta có thể “vừa làm vừa học”, nhưng điều đó không đảm bảo sự bền vững và hạnh phúc trong những giai đoạn khó khăn ban đầu.
Những buổi trị liệu tiền hôn nhân đang ngày càng trở nên phổ biến. Nó tạo ra một không gian an toàn để chúng ta có thể nhìn rõ các vấn đề của đối phương, trao đổi và trò chuyện một cách tích cực. Đó cũng là cách để mỗi người hiểu được điều mình cần nỗ lực hơn cho mối quan hệ hôn nhân diễn ra suôn sẻ.
5. Sự ổn định về tài chính
Không ai có thể phủ nhận, những cuộc hôn nhân ở độ tuổi ngoài 30 đem đến cho phần lớn chúng ta sự ổn định hơn về tài chính. Chị tôi hay càm ràm về việc mua nhà cũng đúng. Việc kết hôn ở tuổi 27, tuy không phải là quá sớm, đã khiến chị không thể tập trung và phát triển sự nghiệp một cách hết sức. Họ có nhiều vấn đề phải quan tâm và lo lắng, hơn là “cày cuốc” để giàu có.
Theo số liệu của cục thống kê quốc gia Anh, tỷ lệ ly hôn vào năm 2016 tăng 5% và ⅓ số người được hỏi nói rằng nguyên nhân chính do các vấn đề về tài chính. Tôi không ngạc nhiên khi đọc số liệu này - tôi đã chứng kiến nhiều người vợ bỏ chồng vì “không kiếm được tiền”, vì “tôi không thể sống cùng ông nghèo đói mãi được”. Không phải mọi cuộc hôn nhân sau 30 tuổi đều ổn định tài chính, nhưng khả năng cao hơn rằng họ đã sẵn sàng cho một chặng đường phía trước với kế hoạch tài chính rõ ràng, cụ thể.
Tôi nghĩ với nhiều người, đây là điều thiết thực và quan trọng nhất để kết hôn sau tuổi 30. Bạn bè tôi nhiều người luôn nghĩ rằng: “Giờ không có nhà, có xe thì làm sao cưới vợ được”. Xã hội hiện đại khiến nhiều người coi trọng sự ổn định vật chất trước rồi mới tiến tới ổn định hôn nhân.
6. Dễ dàng bắt nhịp với một cuộc sống mới
Tôi luôn nghĩ phải mất một thời gian dài thì bản thân mình mới thoát khỏi ra được thói quen của người trẻ: Ăn chơi tiệc tùng, quẩy tưng bừng tới sáng, tiêu tiền trong chớp nhoáng và không mặn mà lắm với chuyện tiết kiệm. Điều đấy liệu có ổn không? Nó ổn với giai đoạn còn trẻ và độc thân nhưng đã xác định kết hôn, bạn không thể cứ mãi như thế được.
Chị tôi thỉnh thoảng than thở vì từ khi có con, việc đi du lịch thoải mái gần như không có. Tất nhiên, chị vẫn nghĩ rằng sự đánh đổi của mình là xứng đáng - thậm chí kết hôn sớm cũng không phải đánh đổi. Nhưng với những người như tôi, khi tư tưởng bay nhảy vẫn còn trong đầu, ngoài 30 sẽ là thời điểm phù hợp để kết hôn. Tôi bây giờ, đã không còn la cà quán xá, nhưng nghĩ tới việc phải kết hôn và bó chân ở nhà không được đi du lịch, nghe đã thấy không tưởng.
Cuộc tranh luận kết hôn trước 30 hay sau 30 chắc chắn sẽ kéo dài không có hồi kết. Tôi tin là việc kết hôn sớm sẽ đem lại cho mọi người nhiều cơ hội để nghỉ ngơi khi về già, tỷ lệ gặp vấn đề sinh nở thấp, mối quan hệ mặn nồng đầy cảm xúc… nhưng tôi cũng tin vào tất cả những điều trên cho một cuộc hôn nhân sau 30 tuổi hạnh phúc, chín chắn.
Quyết định, chắc chắn là nằm ở mỗi người, miễn sao bạn thấy hạnh phúc và ổn với cuộc sống hôn nhân sau này.
Để lại bình luận
5