Áp lực vô tình từ những lời an ủi “Cố lên đi!”

Hôm qua, tôi nhận được email từ một độc giả đã từng theo dõi chặng đường viết lách của tôi trong suốt nhiều năm. Chị ấy là một người phụ nữ đã ngấp nghé ngưỡng cửa 40, chị có ba đứa con đáng yêu, và chị vừa bước khỏi ra cuộc hôn nhân của mình vài tuần trước. Chị kể với tôi rằng sự đổ vỡ này có lẽ là vết thương đau đớn nhất trong suốt quãng đời gần bốn thập kỉ mà chị đã trải qua.

Chị từng có một cuộc sống đẹp đẽ khiến nhiều người mơ ước: một người chồng chăm chỉ, thành đạt; những đứa con xinh đẹp, thông minh; một công việc cho thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung của xã hội, gia đình nội ngoại thuận hoà, bạn bè, đồng nghiệp yêu quý. Mọi thứ lý tưởng đến mức chị chưa từng dám tưởng tượng dù chỉ một lần rằng sẽ có một ngày, anh và chị phải dắt nhau ra toà chia nhau từng món tài sản, từ cái xe, cái nhà, cho đến những đứa con.

Khi tôi buồn xin đừng nói

Trong bức thư chị không kể cho tôi biết nguyên nhân cụ thể của cuộc chia ly này là gì. Chị chỉ nói chung chung rằng lỗi thuộc về cả hai người, chị không oán trách anh, nhưng chị quá đau đớn và không thể vượt qua biến cố này. Tất cả mọi người xung quanh đều động viên chị phải lạc quan lên, phải cố gắng lên, không được uỷ mị, không được yếu đuối, hãy nín khóc đi và đứng lên tiếp tục sống để lo cho lũ nhỏ. Chị nói rằng chị mệt quá, chưa bao giờ chị thấy mệt mỏi như lúc này. Chị cảm thấy bất lực với chính bản thân mình, chị muốn mạnh mẽ, muốn quên đi, muốn gạt đi nỗi đau để kiên cường đứng dậy nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, chị rất đau, chị không làm được. Mỗi ngày chị đều phải cố gượng cười, cố tỏ ra ổn, cố tỏ ra không sao cả để làm an lòng những người xung quanh, để không làm phiền tới họ. 

Chị còn nói rất nhiều, rất nhiều thứ nữa, bức thư dài phải tới hơn 5000 từ, toàn là những giãi bày, toàn là những tâm sự ngổn ngang như chính nỗi lòng chị lúc này.

Câu chuyện của chị cứ đeo bám tâm trí tôi suốt một ngày dài. Thứ đeo bám tôi không phải là việc hôn nhân đổ vỡ của chị bởi lẽ trên cuộc đời này, hợp tan vốn cũng là lẽ thường tình. Hơn nữa, chính chị cũng không một lời oán thán, trách móc; cũng không có nhu cầu tường thuật về câu chuyện hôn nhân của mình; chính chị cũng đã kết luận sự đổ vỡ đó là lỗi lầm của cả hai bên, chẳng phải chị đã chấp nhận sự thật ấy rồi hay sao? Thứ đeo bám tôi thật ra là nỗi lòng của chị, hay nói đúng hơn là “vì đâu mà chị lại phải chịu đựng sự mệt mỏi về tinh thần đến như vậy?”. Tôi cứ suy nghĩ mãi, suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi cũng tìm ra đáp án. À, chị mệt mỏi là bởi chị cảm thấy quá nhiều áp lực. Áp lực vô tình từ những lời an ủi “Cố lên đi!”.

Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng đây là một điều tôi đã từng mơ hồ nhận ra từ cách đây khá lâu. Khi một ai đó buồn, thứ họ cần nhất là gì? Đúng, là một sự an ủi. Nhưng an ủi như thế nào mới là điều đáng nói. Điều họ cần ngay lúc này, ngay cái khoảnh khắc vụn vỡ, đau khổ, tuyệt vọng kia có thực sự là một lời khuyên, một lời thúc giục hãy làm thế này, phải làm thế kia không, hay chỉ là một cảm giác bình yên, là sự hiện diện với ý nghĩa rằng “bạn không cô đơn đâu, bạn có tôi ở đây mà"? À, hoá ra nhu cầu lớn nhất của một người đang buồn không hẳn là phải cảm thấy vui ngay lập tức, không phải là một giải pháp để thoát ra khỏi nỗi buồn đó, mà đơn giản là được phép...buồn cho thoả thích, là có thể được chia sẻ nỗi buồn đó, là được ai đó thấu hiểu và đồng cảm với nỗi buồn của mình, vậy đấy!

Nếu họ muốn khóc, hãy để họ khóc, đừng kêu họ phải nín

Tôi vẫn nhớ cách đây nhiều năm, tôi tới tang lễ của mẹ cô bạn thân của tôi, bác mất do một căn bệnh nan y không thể chữa khỏi. Tôi không bao giờ quên hình ảnh con bé đứng đờ đẫn, vô hồn như một khúc gỗ, không khóc, cũng không nói năng gì. Tất cả những người đến viếng đều vỗ vai, bắt tay nó và nói một lời giống nhau “cố lên cháu nhé!”. Mặt nó vẫn không hề biến sắc. 

Buổi tang lễ kết thúc một lúc lâu, tôi đưa nó trở về nhà, lên phòng, đóng cửa. Tôi bảo nó rằng: “chắc mày đau lòng lắm phải không? nếu muốn khóc thì cứ khóc đi, có tao ở đây rồi”. Nói rồi nó oà lên như một đứa con nít đang ăn vạ, nó khóc không ngừng nghỉ, khóc đến lạc cả giọng, nước mắt, nước mũi đầm đìa. Tôi chẳng nói gì nhiều hơn, chỉ ôm nó vào lòng và lặp đi lặp lại mấy chữ “có tao ở đây rồi, có tao ở đây rồi". Sau “cơn" khóc thoả thích, con bé thiếp đi, bình an hơn rất nhiều.

Từ lần đó, tôi đã học được một điều rằng: khi ai đó đang tổn thương, đừng “bắt” họ cố gắng, ngay cả khi đó là điều tốt nhất cho họ. Khi ai đó tổn thương, điều đầu tiên chúng ta nên làm là cho phép họ tổn thương, cho phép họ được đau khổ, cho phép họ được đi tới tận cùng những cảm xúc mà họ đang có. Nếu họ muốn khóc, hãy để họ khóc, đừng kêu họ phải nín. Bởi vì, được đau, được bày tỏ những cảm xúc và nhu cầu trung thực của bản thân cũng là một cái quyền mà. Tại sao phải kìm nén, tại sao lại không thể yếu đuối, tại sao lại không thể khóc, tại sao lại phải vượt qua ngay lập tức khi mà cả tâm trí lẫn thể xác chưa sẵn sàng? Nếu bạn thực sự yêu ai đó, hãy cho phép họ được tự do, mà thứ tự do cơ bản nhất chính là tự do cảm xúc.

Quay về với câu chuyện của chị độc giả lạ mặt, đêm nay tôi sẽ tranh thủ ngồi viết một bức thư trả lời đến chị: có lẽ tôi sẽ không nói với chị rằng chị phải làm gì, chị phải mạnh mẽ ra sao, chị phải vượt qua thế nào. 

Điều duy nhất tôi muốn nói, đó chính là cho chị biết chị đã thật kiên cường và dũng cảm. Và giờ là lúc chị được phép nuông chiều cảm xúc của chính mình, nếu chị cần phải buồn, cần phải khóc, cần phải yếu đuối thì hãy cứ thoải mái làm như thế đi, bởi vì tôi sẽ luôn ở đây, sẵn sàng lắng nghe chị và cho chị biết rằng chị không hề cô đơn. Thế thôi!

(Theo Kim Oanh)