- Bạn có sẵn sàng lấy một chàng trai 30 tuổi nhưng vẫn chưa có gì trong tay không?
- Hôn nhân - Độc lập tài chính hay cùng tạo túi tiền chung?
- Vì sao nói vợ chồng là tiền duyên con cái là nợ cũ?
- Gửi những người đàn ông đang sống vô tâm với vợ
Anh kể tội người vợ, chẳng hạn khi mẹ chồng nấu súp gà, vợ đang mang bầu 8 tháng chỉ uống hai ngụm rồi đi ngủ. Người đàn ông cho rằng, mẹ đã vất vả làm món canh gà, nhưng vợ anh ta không hiểu và trân trọng.
Ví dụ khác, anh ta về nhà lúc 22h sau khi chơi bóng và thấy mẹ đã đi ngủ, nhưng vợ thì đang giặt quần áo trong máy giặt. Anh buộc tội vợ đã quấy rầy khi mẹ đang ngủ.
Dưới câu chuyện của người đàn ông này, nhiều bình luận mắng anh là "Đàn ông tồi", nhưng tôi thấy thương người vợ này hơn.
Mang bầu 8 tháng mệt mỏi, ban ngày đi làm, tối lo việc nhà, người chồng chỉ luôn nghĩ tới hai chữ "trách nhiệm làm dâu". Anh ta tin rằng bản thân và mẹ đẻ làm việc chăm chỉ còn bỏ qua sự đóng góp của người vợ.
Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, đóng góp của người vợ thường bị coi là "vô hình"
Cách đây vài ngày, một người bạn cũ đã gọi điện khóc với tôi: "Tôi sắp gục ngã rồi".
Cô vừa sinh con thứ hai. Đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ tròn 3 tháng. Lương của chồng không thấp. Để lo cho các con, chồng đã thuyết phục vợ nghỉ việc ở nhà, làm mẹ toàn thời gian.
Cuộc trò chuyện hàng ngày của họ thế này:
"Chồng à, hôm nay em mệt quá.."
"Em ở nhà, có gì mà mệt?"
Bạn tôi thỉnh thoảng lên tiếng phàn nàn, nhưng lại bị chồng giận dữ: "Giờ em không hài lòng cái gì?".
So với những phụ nữ đi làm, sự đóng góp của các bà mẹ toàn thời gian dễ bị bỏ qua hơn.
Cho dù ngày nào họ cũng phải quét dọn, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, đón con, nấu ăn, giặt giũ quần áo, cơm nước hay đưa người già trẻ nhỏ đi viện... Nhưng người chồng chỉ coi đó là việc "vô hình" và cho rằng: "Không phải đi làm, không có áp lực, chỉ cần tận hưởng hạnh phúc".
Tại sao đóng góp của người vợ luôn là "vô hình"?
Điều này không phải tuyệt đối nhưng nhiều ông chồng vẫn đang đối xử với vợ mình như vậy.
Nhiều đàn ông đã quen với những bữa cơm bốc khói luôn chờ đợi mình, những tách trà nóng được bày sẵn trên bàn hay những chiếc áo đã được là thẳng thướm mỗi khi bước ra khỏi nhà.
Cô hàng xóm cạnh nhà tôi vừa suýt ly hôn chồng.
Trong mắt chồng cô không chỉ là bảo mẫu miễn phí mà còn là "bảo mẫu không đủ tư cách": "Nhà bừa bộn, đồ ăn không ngon là lỗi tại vợ. Con ốm là tại vợ. Con bị điểm kém cũng do vợ nốt", cô cười chua chát.
Chán nản, cô bỏ về nhà mẹ đẻ.
Sau một tháng, chồng không chịu nổi cảnh thiếu vắng bàn tay chăm sóc của vợ đành bỏ hết sĩ diện rước vợ lại nhà.
Sau lần thử thách này, người hàng xóm nói với tôi rằng:
"Đàn ông phải trải qua mới biết: Hóa ra nấu nướng, giặt giũ, làm việc nhà thật mệt mỏi. Hóa ra trẻ con sẽ không tự trưởng thành, còn nhiều thứ phải lo. Hóa ra vợ có vẻ "nhàn" nhưng thực chất lại làm nhiều việc như vậy".
Không có cảm xúc tiêu cực, chỉ có cảm xúc không được nhìn thấy
Trong nhiều năm chữa bệnh tâm lý cho phụ nữ trầm cảm sau sinh, tôi biết nhiều câu chuyện đau lòng của họ.
Có lần tôi đến thăm nhà một người bạn và chứng kiến cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng họ. Con gái 4 tuổi đang học mẫu giáo, người vợ đã mặc váy ngắn và tất trắng cho đứa trẻ. Người chồng nhìn thấy, bĩu môi: "Em mặc kiểu này cho con có xứng làm mẹ không. Mặc thế kia bẩn hết à".
Khi đang sắp xếp cơm hộp cho chồng mang đi làm, đứa con không may đánh đổ đồ ăn xuống đất, người chồng lại trách cứ: "Không cẩn thận gì cả, ai lại để đồ ăn ở góc bàn". Một lúc sau, dù trước mặt khách, người vợ bỗng ngồi thụp xuống khóc và nói rằng cô muốn về nhà bố mẹ đẻ.
Với sự xuất hiện của tôi, người chồng có vẻ ngượng ngùng: "Vợ tôi đấy, nhiều khi bị cuồng loạn".
Tiếp lời, anh còn kể tội cô hồi mang thai luôn tức giận và nóng nảy với chồng. "Cô ấy nói rằng bản thân bị trầm cảm", giọng người chồng đầy mỉa mai. Chứng kiến sự việc này, tôi chỉ cảm thấy buồn.
Có vẻ với nhiều người, người bạn của tôi là tuýp phụ nữ dễ nóng giận. Thực chất cô ấy lại là người ít bộc lộ cảm xúc của mình.
Trong tâm lý học, những người bị trầm cảm được gọi là những "người tốt". Họ hiếm khi đòi hỏi gì cho mình, luôn làm mọi việc một cách âm thầm. Họ không biết tấn công người khác và không có chỗ để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Họ quen thuộc với sự oan ức, tự nhận những điều tồi tệ do mình gây ra. Và khi họ bộc lộ sự mệt mỏi, người chồng lại biến họ thành người "cuồng loạn", liệu có tàn nhẫn quá không?
Tôi cũng từng điều trị cho một phụ nữ tên Tạ Na bị trầm cảm sau sinh.
"Chồng chị có hiểu điều gì khiến vợ khóc không? Anh ta phản ứng thế nào", tôi đặt câu hỏi. Tạ Na trả lời: "Tôi tự khóc rồi tự nín thôi. Một lúc là đỡ".
Rất nhiều ông chồng đang không hiểu chính người vợ của họ.
Là một người con trai, anh ta quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ và sự thiếu thốn tiền bạc.
Là một người cha, anh ta quan tâm đến tính cách của đứa trẻ và lo lắng con có thành công trong tương lai hay không.
Nhưng khi là một người chồng, anh ta chỉ quan tâm tới việc vợ chăm sóc gia đình ra sao mà thôi.
Với những người đàn ông này, không phải không nghĩ đến gia đình mà họ bỏ qua những cảm xúc của người vợ trong vô thức.
"Em rất mệt mỏi, anh có thể quan tâm và ân cần với em được không?", nhiều người vợ đang phải thốt lên như vậy với chính người hàng ngày đang đầu ấp tay gối với mình.
Được thấu hiểu là cảm giác an toàn nhất trong hôn nhân
Đó là khi người vợ nhìn thấy sự tận tụy của chồng và người đàn ông nhận ra sự chăm chỉ của vợ.
Trong giới thể thao Trung Quốc, chuyện tình của "Nữ hoàng nhảy cầu" Quách Tinh Tinh và chồng luôn được ca ngợi bởi dù đã lấy nhau 8 năm và có 2 mặt con, tình cảm họ dành cho nhau vẫn như thuở ban đầu.
Trong một lần phỏng vấn đài truyền hình quốc gia, họ nói về nhau như sau.
"Vợ tôi rất cực khổ, hồi mới sinh con, cô ấy thường dậy từ 2h sáng, rất mệt mỏi", chồng của Quách Tinh Tinh chia sẻ.
Nghe chồng nói, cô lại nhìn anh âu yếm: "Chồng tôi cũng vất vả không kém. Vừa đi làm vừa phải nấu ăn cho vợ con".
"Điều này không liên quan đến tiền bạc, mà là sự thấu hiểu", MC của chương trình đúc kết câu chuyện tình yêu của họ.
Gần đây, trên Weibo, câu chuyện của một người đàn ông ở Thượng Hải đã làm cảm động nhiều người.
"Một ngày khi đang trong nhà vệ sinh, tôi phát hiện bông rửa mặt của vợ bị rách, tôi đã ra chợ mua một cái mới. Về nhà tôi vứt cái cũ đi, thay thế cái mới vào, nhưng không nói cho cô ấy biết. Chỉ một chuyện nhỏ như vậy cũng khiến vợ tôi cảm động mấy hôm liền. Tôi nói rằng việc đó quá nhỏ, tôi có thể cho cô ấy những thứ đắt gấp trăm gấp ngàn lần cái bông rửa mặt đó. Nhưng cô ấy chỉ nói: Có những thứ mà đàn ông các anh không thể hiểu được. Cô ấy có kỳ lạ không?".
Bên dưới phần bình luận, không có ai bình phẩm người vợ kỳ lạ hay không, họ chỉ tỏ ra ghen tị với cô vì được chồng mua cho chiếc bông rửa mặt.
Đọc câu chuyện của cặp vợ chồng này, tôi lại nhớ đến câu nói: "Cuộc sống hôn nhân của những cặp trung niên từ lâu đã êm xuôi, chẳng em vì anh, anh vì em như thời mới yêu. Nhưng thấu hiểu nhau mới là giá trị cuối cùng"
Vậy điều gì quan trọng nhất trong hôn nhân: "Có thể nhìn thấy và thấu hiểu". Tôi vẫn luôn mong là vậy.
Bài viết của chuyên gia tâm lý Tang Du Vãn, đăng trên một tạp chí dành cho phụ nữ tại Trung Quốc.
Để lại bình luận
5