Ngày Lễ Thất Tịch đi chùa nào cầu duyên?

Trong ngày Lễ Thất Tịch, ngoài ăn chè đậu đỏ thì các bạn trẻ cũng hay tìm đến những ngôi chùa danh tiếng với mong ước sớm nên đôi lứa trong chuyện tình yêu. Dạo quanh Hà Nội và Sài Gòn, cùng khám phá những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng linh thiêng ngay nhé!

Những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng tại Hà Nội

Chùa Hà - Ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng Miền Bắc

Cùng với chùa Duyên Ninh, Ninh Bình, chùa Hà được mệnh danh là một trong 2 ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng khắp miền Bắc.

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình - chùa Hà nằm trên mảnh đất thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm trước kia.

Từ xưa đến nay, chùa Hà được rỉ tai nhau như là nơi cầu duyên linh thiêng, nổi tiếng bậc nhất của miền Bắc. Cứ đến những ngày sóc vọng (mùng 1 và 15 âm lịch) là ngôi chùa lại chật kín du khách, người dân ở khắp nơi đổ về thăm quan, cầu khấn.

Những ai đã có cặp có đôi thường cầu nguyện cho chuyện tình đơm hoa kết trái, sớm thành vợ thành chồng. Nam thanh nữ tú còn lẻ bóng đi về thì mong cho chóng có người đón đưa. Bởi vậy nên muốn “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” sau ngày Thất Tịch, chắc chắn bạn ghé thăm ngôi chùa lừng danh đất Bắc này.

Địa chỉ: số 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Am Mị Châu

Am Mị Châu hay còn được biết đến với cái tên am Bà Chúa, đền thờ Mị Châu là một địa danh nổi tiếng thuộc chùa Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Truyền thuyết kể lại rằng, trong thời vua An Dương Vương nước Cổ Loa, có nàng công chúa Mị Châu xinh đẹp tuyệt trần. Vì trót yêu Trọng Thuỷ mà nàng bị nhà vua hiểu lầm là kẻ phản quốc. Trước bị vua cha chém đầu, Mị Châu quỳ gối kêu oan: “Oan cho con lắm. Nếu là kẻ bất trung có lòng hại cha khi chết thân xác con sẽ hóa thành tro bụi, bằng không hoá thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”.

Về sau, dân chài trong vùng kéo lưới được một bức tượng có hình người ngồi bằng phẳng, hai tay đặt lên đầu gối nhưng không có phần đầu. Các bô lão trong làng biết chuyện liền lập đền thờ cho bức tượng mà sau này chính là am Mị Châu.

Vào ngày Thất Tịch, rất nhiều người tìm đến ngôi am nổi tiếng ở huyện Đông Anh để cầu khấn tình duyên, mong cho đôi lứa sớm thành đôi, thành cặp. Cứ thế, một đồn mười, am Mị Châu ngày càng nổi tiếng và trở thành địa điểm cầu duyên vô cùng linh thiêng đối với những bạn trẻ.

Địa chỉ: chùa Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội

Chùa Quán Sứ

Thuộc địa phận phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, chùa Quán Sứ cũng là một trong những địa chỉ cầu duyên nổi tiếng của các tỉnh miền Bắc. Chùa được xây vào thế kỉ thứ XV, trong đời vua Lê Thế Tông.

Nơi đây từng chứng kiến rất nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam như sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong nước hay sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Chùa Quán Sứ còn là nơi Thượng tọa Thích Tố Liên lần đầu tiên mang lá cờ Phật giáo thế giới về từ Colombo.

Chùa cũng nổi tiếng bởi sự linh thiêng, “cầu được ước thấy”. Rất nhiều du khách cũng như phật tử bốn phương ghé thăm nơi đây với mong muốn cầu bình an, giải hạn hay ước nguyện cho duyên phận sớm đến. Trong ngày Thất Tịch, nam thanh nữ tú Hà Nội thường chọn ngôi chùa này để ghé lui, cầu khẩn mong ước của mình.

Địa chỉ: số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lễ thất tịch là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa lễ thất tịch? Đi chùa nào cầu duyên?
Lễ thất tịch nên đi chùa nào cầu duyên?

3 ngôi chùa cầu duyên không nên bỏ qua khi đến Sài Gòn

Chùa Bà Ấn Độ

Chùa Bà Ấn Độ có tên gốc là đền Bà Mariamman, tọa lạc tại quận 1, phường Bến Thành, TP HCM. Chùa được xây dựng từ đầu thế kỉ XX, khi mà số đông người Ấn di cư qua Việt Nam và sống tập trung quanh khu vực này.

Chùa thờ nữ thần Mariamman, vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui… theo tín ngưỡng của người dân Ấn Độ.

Ngôi chùa hiện tại do những người Việt gốc Ấn cai quản. Du khách và người dân địa phương thường ghé thăm nơi đây với mong muốn nữ thần Mariamman sẽ mang đến may mắn, bình an đến cho gia đình họ. Trai gái, lứa đôi trong ngày Thất Tịch cũng lui tới ngôi chùa để cầu duyên cho bản thân, bạn bè.

Địa chỉ: số 45 đường Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM

Chùa Ngọc Hoàng

Thêm một ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở Sài Gòn được nhiều bạn trẻ biết đến là chùa Ngọc Hoàng trên đường Mai Thị Lựu, quận 1.

Đây vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế do một người gốc Quảng Đông, Trung Quốc xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XX. Đến năm 1982, Hoà thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Tới năm 1984 thì Điện Ngọc Hoàng đổi tên thành “Phước Hải Tự”.

Chùa thờ ông Tơ, bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh mẫu nên được nhiều người tìm đến để cầu tự, cầu nhân duyên, đặc biệt là vào những dịp Thất Tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm.

Địa chỉ: số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP HCM

Chùa Ông

Chùa Ông hay còn được biết đến với cái tên miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán thuộc phường 11, quận 5, TP HCM. Nơi đây là kiến trúc tôn giáo văn hoá nổi tiếng của người Hoa gốc Triều Châu.

Chùa thờ Quan Công, một nhân vật vô cùng tiếng tăm trong thời Tam Quốc. Trong mỗi dịp đầu năm mới, ngôi chùa lại tấp nập những người qua lại để cúng bái, cầu khẩn.

Các bạn trẻ cũng thường tìm đến đây để cầu nhân duyên, phước lành cho bản thân và bạn bè. Tương truyền sau khi tới chùa, những người cô đơn lẻ bóng sẽ sớm tìm được nửa kia. Hội có đôi có cặp cũng nên vợ nên chồng, tình nghĩa keo sơn, gắn bó bền lâu.

Địa chỉ: số 676 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, quận 5, TP HCM

Hy vọng qua bài viết Lễ Thất Tịch nên đi chùa nào cầu duyên đã giúp bạn một số địa chỉ hữu ích để tới trong Lễ Thất Tịch năm nay. Cầu duyên thành công nhớ giúp Reviews365.net share bài viết này nhé!

24, Theo Reviview 365 tổng hợp