- 8 tác dụng hàng đầu của Đông Trùng Hạ Thảo
- Đứng bằng một chân - bài tập giúp bạn tự kiểm tra nguy cơ đột quỵ
- Linh chi và Táo Đỏ Hàn quốc - Sự kết hợp tuyệt vời cho sức khỏe của bạn
- Tai biến là gì? tổng quan về bệnh tai biến mạch máu não và các di chứng
Nam bệnh nhân đột quỵ sau một cơn đau đầu
Theo báo điện tử vnexpress, một người đàn ông 37 tuổi tại Quảng Ninh, đã bị đau đầu tăng dần kèm chóng mặt, buồn nôn trong ba ngày, vào viện bác sĩ chẩn đoán đột quỵ não.
Ngày 4/8, bác sĩ Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, cho biết bệnh nhân vào viện tỉnh táo, không yếu liệt tay chân nhưng cơn đau đầu ngày càng dữ dội. Chụp cắt lớp vi tính thấy hình ảnh xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình ở động mạch cảnh trong trái.
Ê kíp luồn ống thông từ động mạch đùi lên đoạn mạch não bị tổn thương, nút bít túi phình bằng vòng xoắn kim loại. Sau can thiệp, người bệnh nói chuyện và vận động nhẹ nhàng, song vẫn còn đau đầu.
"Bệnh nhân nhập viện sau khởi phát ba ngày, lỡ thời gian vàng điều trị đột quỵ nên sau can thiệp nút mạch vẫn còn đau đầu do di chứng xuất huyết não", bác sĩ phân tích. Bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi, điều trị giúp vùng não tổn thương ổn định trở lại.
Căn bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa
Theo bác sĩ Chức, đây là ca đột quỵ ở độ tuổi trẻ, tiền sử khỏe mạnh, không bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, gia đình cũng không ai đột quỵ. Trước đây, đột quỵ thường gặp ở người từ 50 tuổi, nay bệnh nhân trẻ ngày càng tăng, trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam cao gấp 4 lần nữ.
Bệnh viện mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 ca đột quỵ não và số mắc có xu hướng tăng qua các năm. Trong đó, bệnh nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên và trung niên chiếm khoảng 1/3.
Ngoài nguyên nhân bệnh lý như dị dạng mạch máu não bẩm sinh hay các bệnh tim mạch, thói quen không lành mạnh bao gồm hút thuốc lá, lười vận động, lạm dụng rượu bia, thức khuya... làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ cho rằng phần lớn bệnh nhân trẻ chủ quan, không nhận diện rõ dấu hiệu điển hình của đột quỵ cũng như không nghĩ rằng đột quỵ có thể xảy ra với mình, khi nhập viện thì đã muộn và mất cơ hội hồi phục trong giờ vàng. "Việc xác định thời gian bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ rất quan trọng, ảnh hưởng đến phác đồ của bác sĩ, bởi ở mỗi khung giờ sẽ được xử lý bằng phương pháp khác nhau để đảm bảo hiệu quả cao nhất", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo khi đột ngột có dấu hiệu méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.
Để lại bình luận
5