- Top 9 Thương hiệu mỹ phẩm thuần chay uy tín, chất lượng được yêu thích nhất
- Thuật ngữ Clean Beauty và làm sáng tỏ 5 hiểu lầm phổ biến nhất về Mỹ phẩm sạch!
- Nghề spa là gì? Những mặt trái của nghề spa bạn nên biết trước khi bước vào nghề
Sử dụng mỹ phẩm thuần chay là một trong những cách giúp chị em vừa có được nhan sắc thu hút lại vừa bảo vệ môi trường.
1. Mỹ phẩm thuần chay là gì?
Vegan Cosmetics (mỹ phẩm thuần chay) là những sản phẩm làm đẹp hoàn toàn không có thành phần nguồn gốc từ động vật và không thử nghiệm trên động vật.
Trong mỹ phẩm thông thường, có rất nhiều sản phẩm có thành phần từ động vật như:
- Sáp ong, mật ong, sữa, dịch ốc sên, tơ tằm, mỡ lông cừu (chiết xuất từ da, lông cừu),
- Albumin (một loại protein trong huyết thanh động vật),
- Cholesterol (chất béo trong màng tế bào động vật),
- Gelatin (một loại collagen trong xương, da động vật)…
Rất nhiều loại mỹ phẩm được thử nghiệm trực tiếp trên động vật (chuột, thỏ,…) để quan sát hiệu quả.
Vì thế yếu tố nhân đạo cùng những tác động tích cực tới môi trường đã khiến mỹ phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật trở thành xu hướng làm đẹp mới.
Xem thêm: Top 9 Thương hiệu mỹ phẩm thuần chay uy tín, chất lượng được yêu thích nhất
Với xu hướng ăn chay và sống thân thiện với môi trường hiện nay, các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng đã nhanh chóng phát triển thêm các dòng sản phẩm thuần chay như Bobbi Brown, Charlotte Tilbury, Urban Decay, Sunday Riley…
Trong đó có nhiều thương hiệu đã đã cam kết trở thành 100% vegan như Hourglass, The Body Shop…
- Cuối năm 2017, Net-a-porter, trang thương mại điện tử cao cấp đã cho ra đời danh mục “Mỹ phẩm sạch” có thành phần thuần thực vật.
- Và doanh thu của những sản phẩm ấy vào năm 2018 đã tăng 50% doanh thu so với năm trước. Hạng mục chăm sóc da sạch có doanh thu tăng lên tới 70% còn 30% là ở mục mỹ phẩm trang điểm.
- Tại Anh, chuối mỹ phẩm bình dân Superdrug cũng cho ra mắt 1 cửa hàng pop-up về mỹ phẩm thuần chay ở London. Cửa hàng này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người yêu môi trường. Bằng chứng là doanh số của nó đã tăng 60% trong năm 2018.
2. Mỹ phẩm thuần chay có tốt không?
Nguyên liệu làm nên các sản phẩm chăm sóc da và tóc thuần chay đều từ thực vật thiên nhiên như:
- Chiết xuất từ các loại hoa (hoa hồng, hoa cúc, hoa trà, hoa sen…),
- Quả (trái bơ, quả gấc, trái quýt…),
- Các loại cây (trà xanh, cây phỉ, cây phong lữ, cây lavender…),
- Hặc từ lá, thân cây, rễ các loài thảo dược…
Nhiều chị em lo lắng, không biết với những nguyên liệu “chay” như vậy liệu loại mỹ phẩm này có đủ hiệu quả hay không?
Có thể nói việc dùng mỹ phẩm thuần chay cũng giống như việc ta ăn các loại trái cây, rau sống, chứa nhiều dưỡng chất tự nhiên như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa… nên rất an toàn.
Đồng thời giảm thiểu tối đa hiện tượng gây kích ứng cho làn da nhạy cảm, giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và mềm mại hơn.
Trong khi, các mỹ phẩm có nguồn gốc từ động vật thường phải thêm các thành phần tổng hợp như Alcohol (cồn), Paraben (chất bảo quản kháng khuẩn, kháng nấm), chất tẩy rửa, chất tạo màu, tạo mùi và nhiều chất khác… nên có thể gây kích ứng với làn da nhạy cảm.
Tuy nhiên, hiệu quả của Vegan Cosmetics sẽ chậm hơn mỹ phẩm thông thường:
- Bởi mỹ phẩm thông thường có chứa hóa chất có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng.
- Còn mỹ phẩm thuần chay sẽ cung cấp dưỡng chất từ sâu bên trong giúp phục hồi hư tổn, nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, sử dụng trong thời gian dài sẽ không làm da bị xuống cấp do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.
Hạn sử dụng của mỹ phẩm thuần chay cũng ngắn hơn nhiều so với mỹ phẩm thông thường vì không sử dụng chất bảo quản.
Nếu thành phần nguyên chất từ dầu thực vật, bột thực vật thì hạn sử dụng của sản phẩm sẽ lâu hơn. Còn với những sản phẩm chứa nước như toner, serum, kem dưỡng… thì hạn sử dụng ngắn hơn.
Giá thành cũng là yếu tố khiến nhiều người cân nhắc sử dụng Vegan Cosmetics vì chúng khá đắt hơn mỹ phẩm thông thường. Giá của các sản phẩm này sẽ phụ thuộc vào nguyên liệu, độ hiếm của nguyên liệu, thương hiệu, bao bì…
3. Cách nhận biết mỹ phẩm thuần chay
Nhiều người nghĩ rằng để nhận biết một sản phẩm có thuần chay hay không chỉ cần đọc thành phần là được. Tuy nhiên, việc này rất khó xác định chính xác bởi không phải thành phần nào cũng được ghi hết lên bao bì.
Hoặc một số thành phần có thể được chiết xuất từ cả động vật lẫn thực vật.
Ví dụ: như Squalene có thể lấy từ dầu Olive hoặc từ gan cá mập; Stearic Acid có thể lấy từ quả dừa hoặc các loài động vật thân mềm…
Các sản phẩm ghi hữu cơ (Organic) hoặc tự nhiên (Natural) cũng chưa chắc đã là thuần chay (Vegan). Vì thực chất chúng có rất nhiều điểm khác nhau về thành phần. Chẳng hạn một số mỹ phẩm hữu cơ vẫn sử dụng sáp ong.
Và việc xác định xem loại mỹ phẩm ấy có được thử nghiệm trên động vật hay không (nếu bao bì không ghi rõ) cũng mất khá nhiều thời gian.
Để được đánh giá là Mỹ phẩm thuần chay thì sản phẩm phải được xác nhận bởi tổ chức chứng nhận “vegan” như Vegan Action hoặc The Vegan Society. Trên bao bì những sản phẩm này sẽ thường có logo “vegan” để dễ dàng phân biệt.
4. Những ưu điểm và hạn chế của mỹ phẩm thuần chay
4.1 Những ưu điểm của mỹ phẩm thuần chay.
Những dòng mỹ phẩm khác khi sản xuất, nguyên liệu được sử dụng bằng các nguyên liệu có nguồn gốc động vật nên cần thêm chất bảo quản để sử dụng trong thời gian dài.
Chất bảo quản được nhiều hãng mỹ phẩm sử dụng ở đây là paraben một chất độc cho tế bào và cơ thể. Cùng với đó là các chất phụ gia khác nhằm loại bỏ mùi tự nhiên của các thành phần và tạo mùi thơm như cồn, chất tẩy rửa, hương liệu…những chất này là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng kích ứng da nhất là với da nhạy cảm.
Mỹ phẩm thuần chay không chứa các thành phần nguồn gốc từ động vật nên cũng không cần sử dụng các chất bảo quản hay khử mùi. Bên cạnh đó các nguyên liệu từ thực vật mang lại sự an toàn và lành tính tuyệt đối dù là với da nhạy cảm.
Ngoài tác dụng đối với người dùng, các sản phẩm này còn bảo vệ động vật và môi trường, góp phần cải thiện tình trạng thiên nhiên như hiện nay.
4.2 Những điểm hạn chế của mỹ phẩm thuần chay
Mỹ phẩm thuần chay tất nhiên cũng có những điểm hạn chế nhất định:
Hiệu quả làm đẹp chậm hơn, tuy vậy xét về mặt lâu dài thì vẫn không thua kém những loại mỹ phẩm khác.
- Mỹ phẩm thường tác dụng nhanh nhưng những tác dụng ấy không bền vững mà mất đi rất nhanh, không những thế còn gây hại cho da nếu chứa quá nhiều hóa chất.
- Mỹ phẩm thuần chay cung cấp dưỡng chất dưỡng da từ những nguyên liệu lành tính và an toàn, giúp da được cải thiện dần dần mà không bị tổn thương bởi hóa chất.
5. Phân biệt mỹ phẩm chay với các loại mỹ phẩm khác
Hiện nay có rất nhiều dòng mỹ phẩm chú ý đến sự an toàn và lành tính vậy nên khi nói đến mỹ phẩm thuần chay, nhiều người vẫn có những nhầm tưởng giữa nó với những loại mỹ phẩm này. Sau đây, hãy cùng chúng tôi phân biệt những loại này nhé.
5.1 Mỹ phẩm thuần chay
Những loại mỹ phẩm không sử dụng động vật hay các sản phẩm của động vật để làm nguyên liệu cho sản phẩm
5.2 Mỹ phẩm không tàn nhẫn
Mỹ phẩm không chứa các thành phần có nguồn gốc từ động vật cũng như không tiến hành thử nghiệm trên động vật
5.3 Mỹ phẩm tự nhiên
- Nhiều sản phẩm đặt từ “natural” trên bao bì, chủ yếu đánh vào tâm lý thiên về các sản phẩm tự nhiên của người dùng nhưng thực chất trong sản phẩm dù chỉ có 1% thành phần tự nhiên thì bao bì cũng có cụm từ đó.
- Để biết chính xác sản phẩm ấy có bao nhiêu lượng thành phần là tự nhiên, bạn nên tra tên thành phần ấy trên từ điển mỹ phẩm.
5.4 Mỹ phẩm hữu cơ
Cũng giống như nhãn “natural” thì nhãn “thành phần hữu cơ” cũng bị các nhà sản xuất dán vào bao bì với mục đích thu hút người tiêu dùng. Thực chất trong sản phẩm chỉ chứa một lượng rất ít thành phần hữu cơ cũng được dán nhãn này.
Những sản phẩm hữu cơ thật sự phải được làm từ những nguyên liệu được công nhận là hữu cơ với các tiêu chuẩn như: được trồng hữu cơ, không chứa paraben, không chứa các hạt vi nhựa, hạt nhân tạo…Một mẹo để mọi người tiêu dùng nhận biết sản phẩm thực sự là sản phẩm hữu cơ đó là trên bao bì có các logo của các tổ chức kiểm định uy tín như COSMOS, BDIH, ICEA…
5.5 Mỹ phẩm sạch
Là những sản phẩm không chứa chất bảo quản độc hại như paraben, hay các phụ gia không an toàn như hương liệu tổng hợp, silicones, dẫn xuất dầu mỏ…
6. Xu hướng nhất thời hay xu hướng bền vững?
Hiện nay, không chỉ những thương hiệu nhỏ, đang đặt nền móng từ đầu với những sản phẩm mỹ phẩm thuần chay mà ngay cả các thương hiệu lớn, cũng đang dần nhìn ra tiềm năng của thị trường này cùng với những lợi ích bền vững mà nó mang lại.
Điển hình đầu tiên chính là thương hiệu Liquidflora của Ý một trong những thương hiệu đặc biệt đề cao sự bảo vệ môi trường cũng như động vật trong tất cả các sản phẩm của hãng.
- Luôn gắn nhãn Cruelty Free và bio, hãng thậm chí còn sáng chế riêng một dòng mỹ phẩm không sử dụng gluten (gluten free).
- Các thành phần trong các sản phẩm của hãng đều thuần chay, lấy ví dụ về Bioactif một trong những loại phấn phủ bán chạy nhất của hãng, với thành phần chính là dầu ép từ trái quýt vàng, mơ cùng với dầu olive, dầu dừa và hoa cúc hoạ mi.
- Ngay cả hoạt chất glycerin được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng có nguồn gốc từ thực vật.
Too Faced, hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Mỹ cũng không hề đuối sức trong cuộc đua này.
- Hãng vừa cho ra mắt một bộ sưu tập mỹ phẩm thuần chay, không có bất cứ thành phần nào liên quan đến động vật hay các hoạt động sử dụng động vật trong quá trình sản xuất.
- Phủ bóng, cọ, kem, phấn phủ, mascaras, phấn nền...được tung ra thị trường với tên gọi “Bạn hữu của những người thuần chay”.
Gần đây, hãng mỹ phẩm Kat Von D đã chính thức đổi tên thành KVD Vegan Beauty. Họ đã chuyển dịch hoàn toàn các gam sản phẩm của mình từ mỹ phẩm thông thường sang mỹ phẩm 100% thuần chay.
Du nhập từ văn hoá phương Tây, hiện nay, ở Việt Nam, xu hướng thuần chay đang dần dần được biết đến nhiều hơn.
Mỹ phẩm thuần chay cũng vậy, nổi lên giữa xu hướng này có thể kể đến nhãn hiệu Cocoon Việt Nam:
- Hãng chuyên cung cấp các sản phẩm thuần chay, từ những nguyên liệu thuần Việt như bí đao, bạc hà, tràm trà, cà phê Đắk Lắk…
- Và cũng không hề kém cạnh các thương hiệu quốc tế trong việc nhận được các chứng chỉ chứng nhận về chất lượng sản phẩm, thương hiệu Cocoon đang là thương hiệu Việt đầu tiên nhận được chứng nhận không thử nghiệm trên động vật và thuần chay của tổ chức bảo vệ động vật toàn cầu PETA.
Điều này chứng tỏ rất nhiều thương hiệu đã thực sự nghiêm túc đến mảng thị trường tiềm năng này và đây chắc chắn sẽ là một xu thế phát triển lâu dài và bền vững trên toàn thế giới.
Kết luận về Mỹ phẩm thuần chay
Bài viết trên Review365 đã giới thiệu đến bạn một loại mỹ phẩm mới an toàn đang được rất nhiều người ưa chuộng đó là Mỹ Phẩm Thuần Chay. Review365 hy vọng loại mỹ phẩm này sẽ đem lại sự an toàn và công dụng như bạn mong muốn!
Để lại bình luận
5