- Review phim Ghost Doctor - Bác sĩ đẹp trai chữa bệnh nhưng không quên tấu hài
- Review Phim Điều Ước Cuối Cùng Của Tù Nhân 2037 - Hành trình tìm lại ánh sáng
- Review phim Thương Lan Quyết - Kỹ xảo đỉnh cao, tạo hình hấp dẫn
Nhà tù Shawshank được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng năm 1982 Rita Hayworth and Shawshank Redemption của nhà văn Stephen King – Ông hoàng của những tiểu thuyết kinh dị. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành những bộ phim siêu ăn khách trên toàn thế giới như The Shinging, IT, Pet Sematary, Doctor Sleep,... Tuy nhiên tác phẩm chuyển thể được yêu thích nhất của Stephen King chính là Nhà tù Shawshank.
Thông tin phim Nhà tù Shawshank (1994)
Nhà tù Shawshank (1994) được nhiều người xem là bộ phim vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh. Dù bị tuột khỏi tay nhiều giải Oscar nhưng tác phẩm này có điểm đánh giá IMDb 9.3 cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả Bố già và Chúa tể những chiếc nhẫn.
Từng suýt bị chối bỏ khi mới ra mắt nhưng sau gần 20 năm, bộ phim đầu tay của đạo diễn Frank Darabont đã trở thành một tác phẩm điện ảnh yêu thích nhất của hàng triệu người.
- Thời lượng: 142 phút
- Đạo diễn: Frank Darabont
- Diễn viên: Tim Robbins, Morgan Freeman, Bob Gunton
- Quốc gia: Mỹ
- Thể loại: Tội phạm, tâm lý
- Khởi chiếu: 1994
Review phim Nhà tù Shawshank (1994)
Nếu ở rạp không có phim gì hay, thì chúng ta hay thử tìm đến những bộ phim cũ kinh điển để có những trải nghiệm mới mẻ và bắt kịp với nền văn hóa đương đại. Trong một thoáng vô tình, mình đã bắt gặp bộ phim The Shawshank Redemption – Nhà tù Shawshank. Nào, hãy cùng mình xem phim này và tìm hiểu tại sao phim lại được đánh giá cao như vậy các bạn nhé.
1. Cốt truyện phim Nhà tù Shawshank (1994)
Nhà tù Shawshank là câu chuyện xoay quanh Andy – một giám đốc ngân hàng bị tố cáo đã giết vợ mình cùng với tình địch. Hậu quả là anh phải chịu đến hai án tù chung thân cho hai người mà anh đã sát hại. Cảnh sát sau đó đã đưa Andy đến một nhà tù khổ sai thuộc tiểu bang Maine là Shawshank. Tại nơi này, những góc khuất nghiệt ngã của nhà tù bắt đầu được phơi bày trước mắt anh. Liệu Andy có thật sự phạm tội và đáng bị trừng phạt? Phim sẽ có một cái kết như thế nào cho những người lãnh bản án chung giống như Andy? Hãy xem phim để tìm ra câu trả lời các bạn nhé.
Mạch phim được triển khai một cách chậm rãi nhưng lại có một sức hút khó cưỡng đối với người xem. Các tình tiết trong Nhà tù Shawshank được sắp xếp một cách logic và luôn tạo ra sự mới mẻ cũng như cuốn hút khán giả. Xen kẽ các phân cảnh cảnh hành hạ tù nhân, đánh nhau trong nhà tù hay những trường đoạn kịch tính, căng thẳng thì phim vẫn lồng ghép, bổ sung thêm những câu thoại hài hước một cách khéo léo và vô cùng tinh tế. Chính vì vậy, mặc dù thời lượng khá dài nhưng phim không hề mang đến cảm giác nhàm chán đâu các bạn ơi.
Điểm cộng lớn nhất của Nhà tù Shawshank đó chính là việc truyền tải những bài học hết sức đắt giá cho người xem. Có lẽ mỗi lần xem lại phim với những mốc thời gian khác nhau trong cuộc đời, bạn sẽ lại luận ra thêm một vài ý nghĩa và thông điệp mới được cài cắm trong từng tình tiết dù là nhỏ nhất của phim. Các vấn đề liên quan đến kinh tế, pháp luật, tự do – nô lệ, hay đạo đức đều được phanh phui một cách trần trụi qua từng mẩu câu chuyện và giúp khán giả nhìn thấu được bản chất lừa lọc đầy toan tính ở bên trong mỗi con người mà lâu nay được che đậy bởi chính những bộ mặt thiện lành ở bên ngoài.
Bên cạnh yếu tố nhân văn, ý niệm “luôn giữ vững hy vọng” là thứ mà Nhà tù Shawshank tập trung khắc họa mạnh mẽ nhất xuyên suốt cả bộ phim. Ngay cả tại một nơi tăm tối nhất của xã hội – nơi quy tụ những con người tội lỗi và xấu xa nhất như Nhà tù Shawshank, chúng ta vẫn cảm thấy được những điều tích cực đang diễn ra. Ở đó, tình bạn và tình đồng đội được khắc họa một cách tự nhiên, rõ nét và đẹp đẽ, mang đến cho người xem cảm giác hạnh phúc và có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Mặc dù không khiến bạn phải cảm động rơi lệ hay cười không thấy mặt trời nhưng Nhà tù Shawshank lại khiến bạn phải mãi nhớ tới bởi có quá nhiều thứ bạn nhận được từ bộ phim này. Cảm giác xem đến cảnh cuối cùng của phim khó tả lắm các bạn ạ và mình tin rằng tác phẩm này vẫn sẽ chiếm trọn trái tim của nhiều người với tư cách là bộ phim xuất sắc nhất trong nhiều năm về sau.
Tuy vậy, phim vẫn có một vài điểm trừ đáng tiếc khiến phim chưa thể đạt mức hoàn hảo như mạch phim của phần đầu khá chậm, dễ làm nhiều khán giả cảm thấy chán nản. Bên cạnh đó, phim hơi bị phiến diện một tẹo khi không đề cao tình yêu, khiến cho một người FA như mình có suy nghĩ lười yêu bởi vì tình bạn có vẻ chân thành và bền vững hơn tình yêu. Mình thật sự bị thuyết phục bởi nội dung và ý nghĩa thâm sâu của phim nên mình chấm phần này 9/10 các bạn nhé.
2. về phần hình ảnh trong phim Nhà tù Shawshank (1994)
Bởi vì không gian phim bị giới hạn trong một nhà tù chật hẹp nên Nhà tù Shawshank thực sự mang đến cho người xem cảm giác hơi tù túng một chút. Màu sắc phim nghiêng về về tông nâu và tần suất các phân cảnh liên quan đến bóng tối xuất hiện khá nhiều. Chính nhờ điều này đã giúp phim làm nổi bật được vẻ đẹp của cảnh quan bên ngoài nhà tù, từ đó khiến người xem cảm nhận được giá trị thực sự của 2 chữ tự do.
Bên cạnh đó, phim rất chú trọng sử dụng các góc quay cận mặt nhằm diễn tả trọn vẹn cảm xúc, biểu cảm và nội tâm của các nhân vật. Mặc dù sau 26 năm thì một số yếu tố thuộc phần nhìn của phim có vẻ hơi cũ nhưng các yếu tố nghệ thuật của phim thì vẫn mãi trường tồn và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Vì vậy, mình chấm phần này 8/10 điểm nha.
3. Âm thanh trong phim Nhà tù Shawshank (1994)
Vì phim được sản xuất và khởi chiếu vào những năm 90 nên âm nhạc trong Nhà tù Shawshank mang đậm chất cổ điển và cực kỳ phù hợp với tông màu chủ đạo của phim. Không hiểu sao dù không được xem ở ngoài rạp nhưng có những phân ảnh mà mình phải nổi da gà khi âm nhạc vang lên, cảm giác nghe đã tai lắm luôn í. Đặc biệt, mình cực kỳ thích đoạn nhạc ở khúc giữa phim khi mà cả người xem lẫn tất cả các tù nhân trong phim đều phải thinh lặng phăng phắc để lắng nghe những nốt trầm bổng vang lên.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến lời dẫn truyện với chất giọng trầm ấm và vô cùng truyền cảm của Morgan Freeman vì nó hòa quyện vào nhạc phim, mang đến cảm giác thoải mái và cực kỳ cuốn hút khán giả. Với những điểm cộng to bự nêu trên thì mình không có lý do gì phải ngần ngại mà không cho phần âm thanh 9/10 cả các bạn ạ.
4. Diễn xuất vô cùng tự nhiên
Dàn diễn viên trong phim đều thuộc hàng gạo cội nên có lẽ không cần đánh giá gì nhiều về phần này của phim nữa rồi. Diễn xuất của các nhân vật vô cùng tự nhiên cùng với biểu cảm gương mặt hết sức chân thật, đủ sức để thuyết phục toàn bộ khán giả dù đó là người xem khó tính nhất.
Mình phải thừa nhận rằng sức hút lớn nhất của phim đến từ vẻ điển trai của nam diễn viên Tim Robbins với đôi mắt xanh quyến rũ lắm luôn.
Tim Robbins vào vai Andy một cách xuất sắc. Tim Robbins truyền tải được “thần thái” của một người tù oan với những tâm sự nhưng ẩn chứa bên trong là một người mạnh mẽ, nghị lực và vô cùng thông minh. Từ ánh mắt cho đến cách nói chuyện cũng đủ làm người xem phải cuốn hút và tò mò cùng Andy.
Bên cạnh đó, nam diễn viên gạo cội Morgan Freeman trong vai Red thực sự đã làm mình yêu mến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đối với ông thì vai diễn này không còn là diễn xuất nữa mà ông chính là Red bằng cả ngoại hình lẫn tâm hồn luôn rồi, đóng vai trò quan trọng khi đứng ở ngôi thứ ba để kể lại câu chuyện cho người xem. Với biệt danh “Người đàn ông với giọng nói của Chúa”, Morgan Freeman dẫn dắt câu chuyện một cách liền mạch với một giọng đọc trầm ấm giúp liên kết cảm xúc người xem.
Những vai phụ còn lại trong phim đều hoàn thành rất tốt vai diễn ủa mình. Đặc biệt là nhóm bạn tù của Andy, dù là những vai diễn phụ nhưng những nhân vật này thể hiện rất tự nhiên và chân thực từ lời thoại cho đến hành động. Vì vậy, Mình chấm phần này 8.5/10 nha.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 9.3/10 (2.257.209 đánh giá)
- Metascore: 96/100
- Rotten Tomatoes: 82/100 (cà chua tươi)
5. Những thành công tới muộn cho phim Nhà tù Shawshank
Là một bộ phim hay và thú vị như vậy nhưng The Shawshank Redemption lại gặp nhiều trắc trở trên con đường được khán giả đại chúng đón nhận. Khi vừa ra mắt, vì bị cạnh tranh quá lớn của Forrest Gump và Pulp Fiction nên năm đó, bộ phim không mang lại thành công về cả doanh thu và các giải thưởng dù nhận được rất nhiều đề cử.
Vào năm 1998, The Shawshank Redemption không hề có trong danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ. Đến năm 2007, Nhà Tù Shawshank được xếp vị trí thứ 72 trong danh sách chỉnh sửa, vượt lên trên cả chính đối thủ Forrest Gump và Pulp Fiction hai bộ phim được tán dương nhất ra rạp cùng năm 1994 với The Shawshank Redemption.
Không dừng lại ở đó, năm 2004, The Shawshank Redemption lọt vào top 5 phim hay nhất mọi thời đại của tạp chí điện ảnh Empire và đến năm 2006, phim vương lên vị trí số một.
Đặc biệt trên trang IMDb, The Shawshank Redemption được đánh giá là phim hay nhất mọi thời đại với điểm số 9,3/10 từ hơn 1tr lượt đánh giá. Và cho đến tận hôm nay, trong rất nhiều bảng xếp hạng phim, The Shawshank Redemption vẫn luôn là cái tên được đề xuất hàng đầu cho vị trí bộ phim hay nhất mọi thời đại.
Xem thêm: Top 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại, có điểm xếp hạng IMDb cao ngất ngưởng
Kết luận - Review phim Nhà tù Shawshank (1994)
Tóm lại, The Shawshank Redemption – Nhà tù Shawshank của đạo diễn Frank Darabont thật sự là một bộ phim rất đáng để trải nghiệm đó các bạn ơi. Đây chắc hẳn sẽ là một màu sắc mới trong bộ sưu tập phim hay của các bạn.
Mặc dù mang danh là phim kinh điển nhưng Nhà tù Shawshank lại không khô khan, hàn lâm và khó xem đâu, thay vào đó phim cực kỳ cuốn hút với nhiều tầng ý nghĩa ẩn giấu trong các tình tiết mà cứ mỗi lần xem lại phim, bạn sẽ phát hiện ra một điều gì đó thú vị và mới mẻ hơn.
Nếu bạn chưa từng xem The Shawshank Redemption, hãy xem và cảm nhận, sẽ không phải hối tiếc vì khoản thời gian đã bỏ ra đâu.
Để lại bình luận
5