- Bố ơi, nhà mình có giàu không?
- 8 bài học về mối quan hệ bố mẹ nên dạy con cái
- Bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc là nghệ thuật nói chuyện giữa các thành viên
Trẻ sợ nhất điều gì? Câu trả lời khiến cha mẹ suy ngẫm
Hầu hết những đứa trẻ trở nên khó dạy bảo đều là vì chúng đã từng bị cha mẹ chửi mắng quá lời, bị mất đi lòng tự trọng. Do vậy, muốn dạy con tốt hơn nữa, hãy giúp trẻ giữ lại được phẩm chất quý giá này.
1. Khi bị tổn thương lòng tự trọng, trẻ phản ứng thế nào?
Mấy ngày trước, tôi trở về nhà sau giờ tan tầm thì bị buộc phải dừng bước vì nghe thấy tiếng mắng mỏ oang oang của mẹ Hạo Hạo. Tôi đã dừng lại trước cửa để xem xét tình hình. Lúc đó, các bạn cùng xóm cũng đang đứng ngoài nhìn vào nhà. Còn Hạo Hạo đang bị mẹ bắt phải quỳ trước cửa.
Mẹ của Hạo Hạo hét to để mọi người nghe thấy lỗi sai của con trai, rằng bài kiểm tra toán cậu được 68 điểm nhưng đã sửa thành 88 điểm. Chính điều này khiến bà bực bội khó chịu.
Các bạn đứng ngoài xem không những cười nhạo Hạo Hạo mà còn nói lời đổ thêm dầu vào lửa. Lúc này, Hạo Hạo chỉ biết cúi gằm mặt xuống và không dám nhìn ai.
Vì cùng tuổi với Hiên Hiên, con trai tôi nên Hạo Hạo thường sang nhà chơi từ khi cậu học lớp 1. Mọi ngày, cậu rất lịch sự, gặp người lớn liền chào hỏi, nhìn thấy tôi đã chào từ xa. Thế nhưng, từ sau ngày hôm đó, vừa nhìn thấy tôi cậu đã nhanh chóng cúi đầu bước đi thật nhanh và không còn chơi cùng các bạn trong xóm nữa.
Nhìn thấy cảnh tượng này, tôi chợt thấy đau lòng và tự hỏi, liệu có phải Hạo Hạo đang hiểu lầm về tôi chăng?
Nhưng sau đó, con trai đã nói rõ nguyên do mà Hạo Hạo trở thành như vậy. Đó là vì: Cậu ấy không còn mặt mũi nhìn ai từ sau ngày bị mẹ đánh. Hiện cậu cũng không muốn chơi với bạn cùng xóm nữa. Cậu thường lẩm bẩm câu: Người lớn chỉ thích như thế.
Lúc này tôi thấy tim mình nhói đau, có một cảm giác khó chịu không thể mô tả bằng lời.
Con trai tôi cũng là một đứa trẻ tốt bụng nhưng rất nghịch ngợm, ham chơi và lười làm bài tập về nhà. Vừa từ trường về đến nhà, Hiên Hiên đã lập tức chạy đi chơi cùng các bạn trong xóm. Mỗi lần nhìn thấy tôi tới tìm là vội vàng chạy trốn. Những lúc như thế, tôi thường đứng một chỗ gọi lớn: “Hiên Hiên, con không ra nhanh thì đừng trách cha mắng con trước mặt các bạn”. Nghe thấy vậy, con trai tôi mới lầm lũi bước ra theo tôi về nhà.
Tôi đã dùng chiêu này nhiều lần và thấy rằng nó rất hiệu quả. Lúc đó, tôi thường mừng thầm rằng “Dạy trẻ cũng phải có phương pháp”. Bây giờ nghĩ lại, trên mặt không khỏi có chút e sợ. Cha mẹ dọa con sợ sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Đây không phải là cách giáo dục tốt nhất.
Chúng ta cứ nghĩ rằng đánh mắng con trẻ là vì muốn tốt cho chúng. Tuy nhiên, đôi lúc hành động này lại vô tình làm tổn thương tâm hồn và lòng tự trọng của trẻ.
2. Khi bị chửi là đồ ngu dốt, cảm nhận của trẻ sẽ như thế nào?
Khi được hỏi: “Các con sợ nhất điều gì?”. Hầu hết các bé đều trả lời rằng đó là sợ mất mặt. Thêm nữa, chúng cũng rất sợ cha mẹ đem điểm yếu của chúng so sánh với những đứa trẻ khác.
Nhiều bậc cha mẹ thường so sánh điểm yếu của con nhà mình với điểm mạnh của con nhà người khác. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ thường có sở trường và sở đoản khác nhau, cho nên hành động này đã vô tình làm tổn thương nội tâm của đứa trẻ.
Có một cuộc khảo sát trên mạng Internet dành cho tất cả mọi người: “Cha mẹ mắng bạn như thế nào khi bạn còn nhỏ?”.
Rất nhiều cư dân mạng đã nói ra những lời bị mắng chửi thật khủng khiếp. Câu mắng nhẹ nhàng nhất cũng là “Sao con ngu vậy?”, “Đồ ngu, phế vật, bất quá chỉ là thùng đựng cơm”.
Một cư dân mạng tâm sự rằng, anh rất hay bị bố mẹ mắng và đánh khi còn nhỏ. Điều này khiến nội tâm anh như bị xiềng xích và anh thường tìm cách ẩn mình khi ở cùng mọi người. Điều này khiến tính cách hiện tại của anh gặp nhiều vấn đề: không tự tin nói chuyện với người khác, không dám nhìn thẳng, sợ đám đông và thiếu lòng tin vào bản thân.
Có câu rằng: “Thương cho roi cho vọt”. Tuy nhiên, không nên lạm dụng cách giáo dục này bởi vì nó rất dễ làm tổn thương tâm hồn con trẻ. Những trận đòn roi nhớ đời, những lời mắng mỏ cay độc giống như lưỡi kiếm sắc nhọn đâm xuyên trái tim con trẻ. Nó tạo thành vết thương đi theo đứa trẻ cho đến hết cuộc đời.
Một nhà giáo dục đã từng nói: “Tất cả những đứa trẻ khó bảo chính là những bé đã bị mất đi lòng tự trọng. Do vậy, các nhà giáo dục đang cố gắng bảo vệ điều quý giá nhất của đứa trẻ, đó chính là lòng tự trọng”.
Những đứa trẻ bị tổn thương lòng tự trọng thường dễ gặp phải hai tình huống. Một là chúng sẽ rất khó khăn khi thực hiện các kỷ luật. Hai là chúng sẽ thường lẩn trốn khi đối diện với đám đông và dành phần còn lại của cuộc đời để chữa lành các vết thương thời thơ ấu.
3. Quá kỳ vọng, mắng quá lời, tổn thương quá sâu
Câu chuyện về cô gái nhảy từ lầu 21 tự tử với hy vọng thoát khỏi áp lực kỳ vọng của cha mẹ khiến tôi nhớ mãi. Cha mẹ cô là những người trí thức, tài giỏi và quan hệ rộng. Họ hy vọng cô con gái duy nhất cũng được thừa hưởng gen của cha mẹ và trở thành người ưu tú. Tuy nhiên, cô lại không được thông minh như cha mẹ mong muốn. Sau nhiều năm vật lộn với áp lực học hành, cô không được sống đúng với con người thật của mình. Cuối cùng thì, vì không thể chịu đựng được nên cô đi đến quyết định tự tử.
Trước khi lìa xa cõi đời, cô để lại cho mẹ lá thư như sau: “Cha! Mẹ! Con vẫn luôn nỗ lực để trở thành người như cha mẹ mong muốn, nhưng con không làm được. Con quá mệt, mệt vì luôn phải gồng mình sống một cuộc sống không thuộc về mình. Con biết con không được thông minh, sự ưu tú giỏi giang của người khác như đang cười nhạo vào sự kém cỏi của con. Thật sự kiệt sức rồi, đến lúc nghỉ ngơi thôi. Có lẽ ở bên kia con sẽ tìm được những người giống như con, kém cỏi ngốc nghếch nhưng sống thật sự vui vẻ”.
Phải đến khi mất con gái rồi người mẹ mới bừng tỉnh. Bà nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi công khai chuyện đau lòng này chỉ vì muốn dùng sinh mạng của con gái để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khác. Có một câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ thế này: ‘Thượng đế đều sẽ vì mỗi một con chim ngốc mà chuẩn bị một cành cây thấp’. Câu này tôi đọc được trong nhật ký của con bé. Nhưng người làm mẹ như tôi lại luôn ép buộc con bé phải đứng trên cành cây cao nhất. Kết quả, con bé không chịu được mà ngã xuống…
Giờ nghĩ lại, chẳng phải tôi luôn mong con bé hạnh phúc sao? Nào là thành tích, nào là trường chuyên, thật sự quan trọng sao? Chỉ cần con bé muốn, sống cuộc sống đơn giản, ăn no mặc ấm thì có gì không tốt?”.
Một câu chuyện buồn khác cũng có kết cục tương tự khiến bậc cha mẹ suy ngẫm. Đôi vợ chồng cùng tốt nghiệp loại ưu tại Đại học Thanh Hoa vào năm 1985. Họ tin rằng cách giáo dục của bản thân là đúng đắn, nhưng kết cục lại đem đến thất bại.
Hai năm trước, cậu con trai của họ cũng đăng ký thi vào Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, với áp lực tâm lý trước sự kỳ vọng của cha mẹ, cậu đã thi trượt. Cha mẹ nhìn vào bảng kết quả thi cử của con trai mà không tin vào mắt mình. Họ đã kể những sai sót của con cho tất cả mọi người, thậm chí còn so sánh cậu với những người bạn học khác.
Cuối cùng, người cha bực tức quá không nhịn được đã thốt lên một câu: “Cùng là đọc sách, một việc đơn giản như vậy mà kết quả lại quá kém so với các bạn. Đúng là đồ phế vật. Sống chỉ lãng phí lương thực thôi”.
Lúc đầu, cậu con trai nghe cha mẹ nói còn lên tiếng nói lại, tuy nhiên khi người cha thốt ra lời như vậy thì cậu đột nhiên dừng lại không nói, lặng lẽ trở về phòng của mình.
Khi đến nửa đêm, người cha đột nhiên nghe thấy tiếng động lớn. Anh vội chạy tới phòng con trai và không thấy con đâu nữa. Chàng trai đã nhảy từ ban công xuống tự tử. Trước khi lìa đời, cậu cũng để lại lá thư trên bàn: “Bố mẹ ơi, con xin lỗi, con không xứng đáng là con trai của bố mẹ …”
Kỳ thực, bậc cha mẹ nghĩ rằng vì yêu thương con nên mới mắng. Vì thất vọng con không thành rồng thành phượng nên mới thốt lên những lời khó nghe. Tuy nhiên, cha mẹ lại không ở vào hoàn cảnh của con để suy nghĩ, cho nên chính điều này đã gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2009, kết quả cho thấy có tới 83,4% số người được hỏi đã trả lời họ thường so sánh con cái của họ với con của người khác. Trong những người tham gia phỏng vấn, một bộ phận nói rằng việc so sánh này xuất phát từ kỳ vọng của cha mẹ, một bộ phận khác cho rằng đây là vì muốn tốt cho con trẻ, còn một bộ phận thì cho hay là bởi sức ép của xã hội nên mới gây áp lực lên con như vậy.
Nhìn vào những câu chuyện buồn này, hy vọng bậc cha mẹ không đặt kỳ vọng quá nhiều vào con trẻ để rồi làm tổn thương lòng tự trọng của chúng.
Giáo dục thành công của cha mẹ chính là bảo vệ lòng tự trọng của con
Tiến sĩ James Dobson, một nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ cho biết: “Có hàng ngàn cách dễ dàng làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Thế nhưng việc lấy lại lòng tự trọng cho những đứa trẻ này lại vô cùng chậm chạp và khó khăn”.
Giáo dục thành công nhất của cha mẹ là bảo vệ lòng tự trọng cho con.
Đừng trách mắng con ở nơi công cộng
Việc trừng phạt trẻ khi chúng gây rắc rối bằng cách mắng mỏ công khai giữa đám đông sẽ càng khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, thất vọng với cha mẹ và mất đi sự tin tưởng vào họ.
Theo nhà giáo dục người Anh John Locke, cách giải quyết vấn đề tốt nhất chính là: “Khi cha mẹ không thuyết giảng về lỗi lầm của đứa trẻ mà chọn cách tôn trọng danh dự của chúng, tự chúng sẽ cảm thấy mình là người đáng được tôn trọng, do đó sẽ càng cẩn thận hơn để duy trì lời khen ngợi từ những người xung quanh dành cho mình. Ngược lại, việc cha mẹ công khai những lỗi lầm, trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái, danh dự, lòng tự trọng bị tổn hại, khả năng duy trì lòng tự trọng sẽ yếu hơn”.
Theo đó, cách tiếp cận đúng chính là bình tĩnh trò chuyện, phân tích đúng sai với trẻ, để trẻ hiểu và không phạm lỗi.
Không nói lời cay nghiệt
Dạy mãi con không sửa, vì muốn trẻ khắc sâu lời dạy trong trí nhớ, nhiều bậc cha mẹ thường nói nặng lời với con giống như phép kích tướng.
Lâu dần, bề ngoài trẻ tỏ ra rất bình tĩnh nghe lời nhưng kỳ thực nội tâm đang tổn thương ghê gớm. Trẻ không thể tin được rằng cha mẹ, người yêu thương chúng nhất lại có thể thốt ra được những lời như: ngu ngốc, dạy cũng vô ích, chỉ là cái thùng đựng cơm… Do vậy, cha mẹ đừng trút những cảm xúc nhất thời của mình lên con cái, bởi vì đối với trẻ, đó là sự trừng phạt ác nghiệt nhất.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của con
Nhà tâm lý học nổi tiếng Hạ Lĩnh Phong tin rằng, điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ giữa bố mẹ và con trẻ chính là khuyến khích con trở nên tốt hơn. Trình độ của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng chúng đều có những thế mạnh riêng. Điều cha mẹ cần làm không phải là so sánh thiếu sót của con với điểm mạnh của đứa trẻ khác, mà trái lại, chính là khám phá những điểm mạnh của con rồi khuyến khích trẻ phát triển con đường riêng của chúng.
Giống như câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ: “Thượng đế đều sẽ vì mỗi một con chim ngốc mà chuẩn bị một cành cây thấp”, cha mẹ không cần quá lo lắng con cái mình sẽ thua kém so với bạn bè. Chỉ cần để con được là chính con, bảo vệ và nuôi dưỡng lòng tự trọng của con, cha mẹ đã vì con mà đặt định một tương lai tốt đẹp.
Để lại bình luận
5