- Vợ chưa bỏ tôi vì cô ấy còn phụ thuộc kinh tế
- Chiêu lạ của cô vợ cao tay dằn mặt chồng nát rượu trước Tết để răn đe
- Yêu thì đơn giản nhưng hôn nhân cơ bản được bao lâu?
- Thôi, Tết về nhà với mẹ
Có một câu hỏi mà có lẽ không nhiều người có thể trả lời được, rằng nếu một ngày tỉnh dậy, chúng ta cảm thấy không còn tiếng nói chung với người mà mình đang gắn bó, cảm thấy ngột ngạt và muốn buông tay. Thì nguyên do là từ đâu?
Gần đây, tôi thấy bạn bè chia sẻ quá nhiều một bức ảnh về cuộc sống vợ chồng, trong đó, người đàn ông bị tảng đá lớn đè nặng, còn người vợ lại bị con rắn làm bị thương. Một người ở miệng vực, một người đang chênh vênh, chỉ cần người chồng thả tay là người vợ sẽ rơi xuống.
Kết cục của câu chuyện này, nếu như hai người buông tay nhau ra, thì họ sẽ chia ly.
Đúng, hình dung nhiều nhất của người đọc là về kết cục chia ly, đổ vỡ. Và sự bế tắc, cảm giác ngột ngạt được lan tỏa cho người xem chính là tình trạng chung của rất rất nhiều những cặp đôi, những cặp vợ chồng trên thế giới này.
Một bức ảnh có giá trị hơn ngàn vạn lời nói, người ta chia sẻ vì cảm thấy mình trong đó, vì cảm thấy đồng cảm với hoàn cảnh của chính mình trong bức ảnh. Mỗi người có một quan điểm riêng, mẫu số chung đều cảm thán rằng, bức ảnh nói lên một nguyên nhân quan trọng nhất bắt nguồn sự đổ vỡ của một mối quan hệ đó là sự KHÔNG - THẤU - HIỂU - LẪN - NHAU giữa hai người, giữa đàn ông và phụ nữ, khi họ phải đối diện với vô vàn những áp lực vô hình mà đối phương không biết, cũng không thể nhìn thấy.
Tôi không cho rằng bức ảnh chỉ đơn thuần như vậy. Nó còn nói lên một tiếng nói khác, một tiếng nói của định kiến xã hội sai lầm, một tiếng nói ẩn chứa một sự "thiên vị" lớn dành cho cánh đàn ông. Khi biểu tượng của mỗi áp lực dành cho mỗi người khác nhau, và tâm thế của mỗi người cũng khác nhau. Tại sao đàn ông lại được thể hiện bằng một biểu tượng của những điều to lớn, còn phụ nữ lại luôn được gán cho những điều nhỏ nhoi?
Tảng đá tượng trưng cho trách nhiệm, cho sự vất vả, cho gánh nặng của người đàn ông. Nghĩa là người ta mặc định, đàn ông phải mang những thứ to tát trên người. Họ sống với hàng vạn thứ cần gồng gánh, trong những chuyện nặng nề phải xoay xở trong cuộc đời, và áp lực sắp nghiền nát họ như viên đá khổng lồ kia. Và kể cả như thế họ vẫn phải dùng sức kéo lại người phụ nữ của mình đang rơi xuống miệng vực.
1. Vậy phụ nữ thì sao?
Con rắn tượng trưng cho áp lực của người phụ nữ. Nhưng tại sao lại là con rắn? Nếu nói như định kiến của xã hội vẫn còn tồn tại những tư tưởng cũ xưa này, có phải hiện thân con rắn chính là chính những suy nghĩ của người phụ nữ, nó sản sinh từ những tâm tư và áp lực tự tạo của những bộ não đa mang, những tâm hồn yếu đuối, đa cảm, từ chính bản thân người phụ nữ. Nghĩa là chính người phụ nữ, bằng sự nhạy cảm, bằng sự phức tạp và bằng những cách nghĩ tiêu cực, đã để mối quan hệ trở nên khó khăn.
Đương nhiên, nguồn gốc nguyên thủy của sự tan vỡ, đó là xuất phát từ sự thiếu cảm thông. Khi mà hai người tưởng như luôn phải chia sẻ nỗi đau của mình với nhau, để đỡ đần nhau vượt qua những mỏi mệt của cuộc đời, thì lại nhắm mắt bịt tai hoặc ích kỷ không hiểu những thương tổn mà đối phương phải gánh.
Tạm gác lại ý nghĩa đó, chúng ta nói một chút về định kiến xã hội đi!
Đã là thời đại nào rồi mà còn mặc định đàn ông gánh vác hết thảy mọi thứ trách nhiệm, còn phụ nữ, chỉ vì những chuyện thường tình mà khi đối diện với đổ vỡ, vẫn là gánh nặng của đàn ông?
Phụ nữ cũng đi làm, cũng cùng đàn ông chia sẻ gánh nặng cơm áo, cũng kề vai sát cánh lo việc lớn nhỏ, còn cáng đáng thêm hàng trăm thứ việc không tên trong gia đình. Họ phải sinh nở, phải chịu những áp lực tâm lý và miệng đời tàn nhẫn. Hà cớ gì đàn ông được tô vẽ thành hình ảnh lớn lao, còn họ thì an phận với góc bếp, xó nhà, với bỉm sữa ngập đầu, với chuyện củi gạo mắm muối mà vẫn bị coi như gánh nặng?
Trong một mối quan hệ, dù có đang bình yên hay ở bờ vực tan vỡ, phụ nữ cũng là người khổ hơn. Họ luôn phải gánh chịu những tổn thương của đối phương, và cả sự tổn thương xuất phát từ chính họ, khi họ luôn phải đối mặt với những trói buộc của lễ giáo, của lề lối, của những thứ mỹ miều như "thiên chức", "nhịn nhục" và "sự hy sinh".
Ồ, vì sao đã phải chịu đựng ngần ấy thứ, đối diện với ngần ấy tâm sự, họ vẫn bị cho là ít áp lực hơn đàn ông? Tại sao phải đối diện với ngần ấy thứ, đàn ông thì được thể hiện một cách vĩ đại, còn phụ nữ nhẹ nhàng trong tâm thế đang rơi?
2. Và chính đàn ông, có hay chăng cũng nhìn phụ nữ bằng con mắt ấy?
Đồng ý là trong một mối quan hệ, dù là đàn ông hay phụ nữ, đều phải có sự thấu hiểu lẫn nhau. Đó là người này chịu nhìn thấy những nỗi khổ của người kia, cùng san sẻ để không vì thế mà đến kết cục chia ly, đổ vỡ; không vì thế mà buông tay nhau khi rõ ràng xuất phát điểm là tình yêu chân thành.
Có hàng trăm, hàng nghìn cách để gìn giữ một mối quan hệ không đứng trên miệng vực của sự đổ vỡ. Người ta thường nói đến chữ "giá mà". Giá mà hiểu nhau hơn, giá mà người này biết lắng nghe người kia để thấy những áp lực mà đối phương phải gánh, biết san sẻ để bớt đớn đau, và biết yêu thương để cho nhau ấm áp.
Nhưng, giá mà người ta biết nhìn nhận phụ nữ theo một cách công bằng hơn? Một con mắt công nhận những gì người phụ nữ đã nỗ lực để duy trì một mối quan hệ. Và rằng họ không phải là gánh nặng của đàn ông, cũng không phải là một người chẳng phải mang những thứ áp lực nặng nề gì từ xã hội, họ cũng trải qua nhiều đớn đau, thậm chí gấp nhiều lần đàn ông, nhưng chẳng bao giờ được trả lại xứng đáng!
Và đến tận cùng bài viết này, nếu đọc xong rồi, bạn vẫn cho rằng phụ nữ vẫn là người cả nghĩ và đa mang, và chính điều này gây ra đổ vỡ chứ?
Để lại bình luận
5