- Cách nuôi dạy một người con trai có trách nhiệm hơn với xã hội
- 5 kỹ năng sống bạn phải dạy con để trẻ thành người có trách nhiệm
- Những kỹ năng chăm sóc bản thân ba mẹ cần trang bị cho bé
Vai trò của người cha trong việc xây dựng nhân cách của con. Cha là tấm gương phản chiếu, giúp đưa ra những mô tả chân thực đầu tiên về người đàn ông trong nhận thức của con gái.
Cách sống và cư xử của người cha trong gia đình lẫn ngoài xã hội còn cho con gái thấy được tình yêu, sự tôn trọng của đàn ông dành cho phụ nữ, góp phần giúp con có những lựa chọn thích hợp trong tương lai.
1. Người cha "vô hình"
Đây là những người cha vì bận rộn công việc, vì bản tính vô tâm... mà không bao giờ ngó ngàng tới con. Thậm chí họ không biết con học lớp mấy, được bao nhiêu điểm, buồn vui như thế nào khi đến trường.
Người cha này cũng không nắm bắt được sự thay đổi cảm xúc của con trong các giai đoạn phát triển, gần như xa rời sự biến chuyển tâm sinh lý của trẻ. Vì thế, kiểu người cha này luôn coi con là "đứa trẻ ranh", dẫn đến tâm lý không coi trọng con.
Tuýp người cha như vậy sẽ khiến con cái mình có tâm lý tự ti, thậm chí không biết được lợi thế, năng lực của bản thân, dẫn đến thu mình lại. Đứa trẻ, đặc biệt là các bé gái, có xu hướng yêu sớm và lấy những cảm xúc ấm áp, yêu thương mà bạn trai mang lại để bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm bố dành cho mình.
2. Kiểu người cha bạo ngược
Người cha bạo ngược tự bản thân đã không ổn định về mặt cảm xúc, thường có hành vi tự hủy hoại không thể lường trước. Những người này thường khó kiểm soát sự cáu kỉnh của mình, thậm chí dồn cảm xúc tiêu cực lên con cái, biểu hiện bằng lời nói, hành động lỗ mãng.
Người cha bạo ngược chỉ quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của chính họ và không bao giờ lắng nghe cảm xúc của người khác, kể cả con cái.
Với trẻ là con trai, phản ứng của người cha bạo ngược khiến con dần trở nên nóng nảy, bạo ngược giống bố. Trong khi đó, ngược lại, bé gái nảy sinh tâm lý sợ hãi, luôn muốn trốn chạy để né tránh mọi sự chú ý dành cho mình. Khi bước vào tuổi yêu đương, cô gái sẽ có thể bị bạn trai của mình ngược đãi và rơi vào trạng thái đấu tranh giữa sự tổn thương của bản thân và tình yêu mà cô nhận được.
3. Kiểu người cha quá yêu chiều con
Người cha yêu con mù quáng thường có xu hướng coi con như công chúa dẫn đến cưng chiều và bảo bọc con quá mức.
Vì thế, khi trưởng thành, cô gái trở nên ích kỷ, lúc nào cũng muốn người khác phải nuông chiều mình. Ở tuổi trưởng thành, khi bước vào quan hệ yêu đương, cô gái này coi mình là trung tâm vũ trụ, luôn đặt nhu cầu của bản thân lên trên bạn đời, khiến cho mối quan hệ bị ảnh hưởng.
Người cha yêu con đúng mực là người biết nói "không" với con cái đúng thời điểm. Cần phải dạy con biết tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng chính mình.
4. Kiểu người cha độc tài
Người cha độc tài luôn đưa ra mọi quyết định trong cuộc đời con cái. Mối quan hệ cha - con do đó có một sự phụ thuộc vô cùng chặt chẽ, khiến cho đứa trẻ bị bó buộc vào cha, thậm chí không thể trưởng thành độc lập. Ngay cả khi đứa trẻ tự có khả năng chăm sóc chính mình, người cha vẫn yêu cầu con phải phụ thuộc, phải thông qua họ trong mọi quyết định lớn, nhỏ của đời sống. Mặc dù trong suy nghĩ của người cha, việc "sống thay con" là tốt cho chúng, nhưng kỳ thực, trẻ dần dần trở thành một cây leo, không có chính kiến, bản lĩnh trong cuộc sống.
5. Kiểu người cha sống tiêu cực
Đây là dạng người cha yếu đuối về mặt tinh thần, có những thói quen xấu nghiêm trọng như nghiện ngập rượu chè, cờ bạc... hoặc từng trải qua những thất bại nặng nề trong cuộc sống, dẫn đến tâm lý tiêu cực, nhìn nhận mọi việc thiếu tốt đẹp. Họ cũng có thể là người xấu, là thành phần "bên lề" xã hội, gây sự thất vọng, xấu hổ cho con cái.
Với kiểu người cha này, con cái có thể bị tác động theo hai dạng. Chiều hướng thứ nhất, đứa con thường phải cứng cỏi, thậm chí là nguồn lực động viên, là chỗ dựa tinh thần cho người bố, đảm nhận vai trò người lãnh trách nhiệm, người chăm sóc.
Đứa trẻ khi trưởng thành - đặc biệt là nữ giới sẽ gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới lành mạnh với người khác phái, vì họ đã quen với vai trò của người chịu đựng, nhẫn nhịn. Khi bước vào hôn nhân, họ thường có xu hướng bảo bọc, quỵ lụy bạn đời, trong khi không nhận lại được tình yêu, sự quan tâm tương tự.
Chiều hướng thứ hai, đứa trẻ trở nên nổi loạn, sống bất chấp, quăng mình vào những thói hư tật xấu. Trẻ thậm chí tự hủy hoại hình ảnh, tương lai của mình, dù mong muốn sâu xa có thể khiến cha chú ý tới mình nhiều hơn, bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình cảm và quan tâm từ người bố.
Vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái từ thời thơ ấu vô cùng quan trọng, mà trách nhiệm được đặt lên cả cha, lẫn mẹ là đồng đều.
Để lại bình luận
5