- Từ bàn cờ đến cuộc sống. Cách chơi cờ vua giúp trẻ em dám chấp nhận rủi ro
- 5 kỹ năng sống bạn phải dạy con để trẻ thành người có trách nhiệm
- Có nên nói với con là 'nhà mình nghèo'?
Ở độ tuổi mầm non, nhận thức của trẻ như trang giấy trắng nên ba mẹ rất dễ dạy bảo và hình thành thói quen tốt cho con. Quan trọng là các phụ huynh cần có cách dạy đúng và phù hợp. Dưới đây là những kỹ năng chăm sóc bản thân đơn giản dành cho trẻ ở tuổi từ mầm non mà ba mẹ nên quan tâm và chỉ bảo con.
Kỹ năng tự phục vụ bản thân
Có một số việc nhẹ nhàng mà bé có thể tự thực hiện như: Tự ăn, dọn dẹp sau khi ăn nhẹ, tự cất đồ chơi sau khi chơi xong, tự vệ sinh cá nhân...
Ba mẹ không nên vì sợ bé làm mất thời gian hay không gọn gàng mà không rèn luyện những kỹ năng này. Khi trẻ tự mình rèn luyện được các kỹ năng chăm sóc bản thân thì sẽ có ích cho trẻ và ba mẹ cũng sẽ bớt 'mệt mỏi' hơn rất nhiều.
Đặc biệt, trẻ nên học cách tự ăn ngay từ nhỏ. Điều này sẽ thúc đẩy tính tự lập và bản năng sinh tồn của trẻ.
Sau khi được 1 tuổi, bé có thể ngồi vững và biết cầm nắm, ba mẹ nên tạo cơ hội để trẻ tự xúc thức ăn, cầm thức ăn để ăn, phân biệt được cái gì có thể ăn, không ăn được cái gì.
Ban đầu thường khá khó khăn và vất vả khi muốn luyện khả năng tự ăn cho bé. Thông thường phải đến khi 3 - 4 tuổi, trẻ mới có thể ngồi ăn mà không cần người hỗ trợ.
Hầu hết các bé sẽ học được kỹ năng này khi đi nhà trẻ, nên ba mẹ cũng không cần quá lo lắng hoặc ép buộc bé.
Kỹ năng an toàn khi tự chơi
Đây là kỹ năng rất cần thiết bởi cuộc sống bận rộn khiến bạn không thể để mắt đến bé mọi lúc, mọi nơi. Việc rèn luyện để bé tự chơi là điều cần thiết.
Trong khi bé tự chơi có thể sẽ gặp phải một số nguy hiểm từ những đồ vật mà bé không nhận thức được như: Dao, kéo, phích nước, ổ điện, bếp ga, đồ dùng nhà bếp, cầu thang, đồ chơi mảnh ghép...
Ba mẹ bạn cần dạy cho bé phân biệt đồ vật an toàn và đồ vật nguy hiểm, những thứ được chơi và những thứ không được chơi. Đây cũng là một kỹ năng chăm sóc bản thân quan trọng.
Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể
Trong những năm gần đây, các vụ xâm hại trẻ em được nhắc đến nhiều, trở thành vấn đề lo lắng của nhiều ba mẹ. Cách tốt nhất để trẻ không bị xâm hại cơ thể đó là dạy cho bé kỹ năng phòng tránh.
Ba mẹ cần dạy cho con những kiến thức cơ bản về các bộ phận cơ thể, những khu vực nhạy cảm không được động chạm. Hãy dạy cho con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể và những hành động giúp ngăn chặn hành vi đó.
Kỹ năng ứng xử khi bị lạc
Ba mẹ hãy cho bé biết khi bị lạc thì bé cần gọi sự trợ giúp của ai? Nếu người lạ muốn đưa con về thì con nên làm gì? Tên tuổi, số điện thoại của ba mẹ, địa chỉ nhà là những thông tin bé cần ghi nhớ để sử dụng cho tình huống này và ba mẹ nên thường xuyên hỏi lại để chắc chắn rằng con không bị quên.
Để rèn luyện kỹ năng ghi nhớ thông tin, ba mẹ cũng nên thi thoảng để bé tự dẫn đường về nhà khi đi ra ngoài.
Cẩn thận hơn, ba mẹ nên ghi các thông tin cần thiết như địa chỉ và số điện thoại liên hệ để vào trong cặp hoặc túi của bé.
Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông
Hãy cho bé biết một số loại biển báo cơ bản, cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư. Điều này sẽ rất hữu ích khi chẳng may bé đi lạc.
Đặc biệt, ba mẹ cần làm gương cho bé trong việc chấp hành luật giao thông để hình thành thói quen cho trẻ cũng như rèn luyện kỹ năng chăm sóc bản thân này.
Kỹ năng giao tiếp với người lớn
Kỹ năng giao tiếp nên được dạy cho bé từ sớm để bé có những cách cư xử chuẩn mực. Hãy bắt đầu với cách chào lễ phép với ông bà, bố mẹ, thầy cô, những người lớn tuổi.
Sau đó, ba mẹ nên để ý những hành động, lời nói của bé để điều chỉnh ngay khi cần thiết.
Kỹ năng làm quen với bạn bè
Bạn bè cùng trang lứa sẽ đồng hành cùng bé trong nhiều trường hợp như khi đi chơi, đi học.
Cha mẹ cần dạy trẻ cách nói chuyện với bạn bè hay anh chị em gần tuổi một cách thân thiện để làm quen và kết bạn. Bé cũng cần được dạy cách nhường nhịn, hòa nhã với những người em ít tuổi hơn.
Kỹ năng nhận biết kẻ xấu
Để dạy trẻ kỹ năng này hãy nói và giải thích với bé những người nào được coi là người xấu và khi gặp những người này con nên làm gì.
Trẻ rất dễ tin người, vậy nên kỹ năng phòng vệ này sẽ giúp trẻ an toàn trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi trẻ đi lạc.
Kỹ năng thể hiện cảm xúc
Hãy khuyến khích trẻ cách đưa ra những suy nghĩ và cảm nhận của mình. Thông qua đó, ba mẹ có thể hiểu bé hơn và điều này cũng giúp giảm nguy cơ tự kỉ hoặc trầm cảm ở trẻ. Bạn cũng có thể điều chỉnh được cách nói của bé khi diễn đạt suy nghĩ để hình thành và bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Tuy nhiên, có những trường hợp bé cần đến kỹ năng kiểm soát cảm xúc để tránh những căng thẳng có thể xảy ra. Ba mẹ cũng cần dạy trẻ biết cách thể hiện hay kiểm soát cảm xúc đúng lúc..
Kỹ năng nấu ăn
Nấu ăn là một kỹ năng sống cho trẻ thiết thực nhất mà bạn nên dạy cho con. Ngay từ khi bé bước vào bậc tiểu học, bạn hãy bắt đầu dạy bé làm từng việc đơn giản trước.
Đầu tiên, bạn có thể chỉ bé cách dùng lò vi sóng để hâm thức ăn, cách luộc trứng, luộc rau tiếp đến là vo gạo nấu cơm, nhặt rau, rửa rau, chiên trứng, sơ chế thịt, cá…
Tại sao bạn để bé tập nấu ăn? Lý do đơn giản là tuy bạn luôn quan tâm đến từng bữa ăn của con nhưng vẫn sẽ có lúc bận rộn, mệt mỏi hoặc không thể luôn có mặt ở nhà nấu ăn cho bé.
Do đó, nếu được rèn luyện kỹ năng trên từ sớm, bé sẽ biết xoay xở khi không có mẹ ở nhà hoặc trẻ sẽ tự giác vào bếp phụ bạn nấu ăn.
Kỹ năng này rất hữu ích nếu sau này sống xa nhà, bé sẽ có khả năng làm chủ việc ăn uống.
Kỹ năng biết giặt quần áo
Giặt giũ là một kỹ năng mà mỗi trẻ nên học ngay từ khi còn nhỏ. Kỹ năng này sẽ hữu ích khi trẻ lớn hơn và đi học xa nhà.
Khi dạy con làm những việc giặt đồ cơ bản như giặt quần áo, giặt khăn, vớ, chà giày dép… bạn nên cẩn thận hướng dẫn và luôn động viên để trẻ không cảm thấy quá khó. Bạn hãy chỉ cho trẻ cách làm từng bước, cặn kẽ, hướng dẫn cho trẻ biết những đồ nào có thể giặt chung, đồ nào phải giặt riêng, đồ nào phải giặt bằng tay…
Bạn nên kèm cặp trẻ thực hiện nhiều lần để chắc chắn rằng con đã biết làm. Sau đó, hãy giao nhiệm vụ giặt giũ cho trẻ và để trẻ tự làm một mình.
Có thể trong quá trình giặt giũ sẽ có một vài “tai nạn nho nhỏ” xảy ra như quần áo bị lem màu, giặt chưa sạch, con quên đổ nước giặt/nước xả vào máy giặt… nhưng không sao, từ từ rồi bé sẽ thuần thục việc giặt giũ mà thôi.
Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn con cách phơi quần áo, gấp hay ủi quần áo, cách sắp xếp quần áo vào tủ… Những kỹ năng này sẽ rất hữu ích, chúng rèn cho trẻ thói quen sạch sẽ, ngăn nắp.
Kỹ năng tự sắp xếp cặp của mình nhằm dạy trẻ biết tự chịu trách nhiệm
Mỗi buổi tối, bạn luôn luôn soạn cặp cho con để đảm bảo trẻ sẽ không quên sách vở hay đồ dùng học tập ở nhà. Bạn biết đấy, đến một ngày nào đó con bạn sẽ phải lớn lên rồi đi làm, bạn không thể là người sửa soạn đồ đạc cho con mãi.
Do đó, ngay từ bây giờ, bạn hãy để con tự sắp xếp cặp của mình. Mục đích của việc làm này là rèn cho con kỹ năng tự chịu trách nhiệm cho hành trang của bản thân.
Kỹ năng sống tự sơ cứu vết thương
Khi trẻ bị thương, có thể vì quá lo lắng và hoảng sợ mà bạn xuýt xoa quá mức. Những hành động này là dễ hiểu, nhưng điều trẻ cần hơn chính là cách làm thế nào để xử lý tình huống này tốt nhất.
Nếu được rèn luyện, bé sẽ biết giữ thái độ bình tĩnh dù thấy máu, bị đau và biết cách tự sơ cứu vết thương một cách tốt nhất.
Do đó, bạn nên ưu tiên dạy cho trẻ những cách sơ cứu cần thiết. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân và tự tin hỗ trợ người khác khi họ gặp nạn.
Biết dọn sạch phòng tắm là một kỹ năng sống cho trẻ mà con nên rèn luyện
Việc dọn dẹp nhà vệ sinh cần nhiều kỹ năng. Con bạn cần học cách làm sạch gương, chậu rửa mặt, kệ để hóa mỹ phẩm, nắp đậy, chỗ ngồi của bồn cầu, sàn phòng tắm, miệng cống thoát nước…
Nếu trẻ đủ lớn, bạn có thể cho trẻ dùng một số dung dịch tẩy rửa chuyên dụng không độc hại và chỉ cho trẻ cách dọn sạch phòng tắm. Bạn hãy bày cho con một số mẹo nhỏ hữu ích như rắc baking soda lên bề mặt cần lau rửa, để trong một vài phút, phun lên một ít giấm, sau đó chà bằng bàn chải nhà vệ sinh… chẳng hạn.
6. Dạy con cách tiêu tiền và biết tự mua đồ ở hàng tạp hóa/siêu thị
Đây là một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất mà bạn nên dạy con. Bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu về giá trị của đồng tiền và cách tiết kiệm tiền để sử dụng trong tương lai. Bạn có thể dạy con về giá trị của đồng tiền bằng cách, trả công cho trẻ khi trẻ làm các việc như giặt giũ, rửa chén bát, dọn phòng tắm…
Từ khoản tiền công mà trẻ nhận được, bạn hướng dẫn trẻ cách tính số tiền mà trẻ có thể chi tiêu, số tiền mà trẻ cần phải tiết kiệm mỗi ngày, số tiền mà trẻ nên để riêng ra nhằm giúp đỡ các bạn khó khăn.
Ngoài ra, con bạn cần biết cách tự đi mua đồ ở của hàng tạp hóa gần nhà hay siêu thị. Đầu tiên, bạn hãy tập cho trẻ biết lên kế hoạch mua sắm bằng cách cùng trẻ lên danh sách những món đồ cần mua. Sau đó, bạn đưa con vào siêu thị và giao cho bé nhiệm vụ tự tìm mua những món đồ trong danh sách ấy.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa tiền, giỏ và danh sách gồm khoảng 5 – 6 món đồ cần mua để trẻ tự đi chọn lựa, thanh toán tiền mua hàng. Nếu bé còn khá nhỏ, bạn có thể đưa con mẩu giấy ghi vài món đồ và tiền để bé đi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà.
Những việc làm trên sẽ giúp bé làm quen dần với những kỹ năng hữu ích này.
Kỹ năng lập kế hoạch cho một chuyến đi chơi
Vì yêu thương con, chúng ta thường có những nỗi sợ khá vô lý, vô tình khiến trẻ cảm thấy sợ hãi thế giới này. Bạn không nên lúc nào cùng kè kè bên cạnh trẻ. Chẳng hạn như khi vào trung tâm thương mại, bạn hãy để trẻ một mình vào rạp xem phim, tự tìm mua đồ ở khu trẻ yêu thích, tự chọn món ăn mà trẻ thích…
Hãy để trẻ làm bất cứ điều gì chúng muốn miễn là điều ấy không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự an toàn của trẻ.
Nếu trẻ đã lớn và muốn đi dã ngoại cùng bạn bè, bạn có thể cho trẻ đi. Song trước đó, bạn hãy dạy trẻ cách lên kế hoạch cho một chuyến đi, tìm hiểu thông tin về nơi sẽ đến để biết phải chuẩn bị những gì, các vật dụng cần thiết nào phải mang theo.
Đi chơi cùng bạn bè sẽ cho trẻ những trải nghiệm hữu ích mà có thể bạn không thể dạy trẻ được.
Bơi lội là kỹ năng sống mà mọi trẻ nên được học
Bơi là một môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ học bơi sẽ nhanh nhẹn, linh hoạt, biết tự xử lý các tình huống nguy hiểm liên quan đến sông nước có thể xảy ra và tự biết các bảo vệ mình và đôi khi còn có thể cứu người.
Việc học bơi giúp trẻ sống lành mạnh, hòa đồng với bạn bè, tăng kỹ năng học hỏi và nắm bắt kinh nghiệm từ những người khác. Do đó, đây là một kỹ năng thiết yếu mà con bạn nên học dù nhà bạn không ở vùng sông nước.
Dạy trẻ biết sửa chữa vật dụng đơn giản
Bạn nhận thấy rằng bé luôn tò mò muốn biết bên trong tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động… là cái gì. Hãy khuyến khích trẻ tìm hiểu về điều đó. Bạn có thể dạy bé cách ráp xích xe đạp khi xe của con bị tuột xích, cách sửa vòi nước, thay bóng đèn, tắt bếp gas, bếp điện…
Tuy nhiên, trước đó, bạn phải dạy bé những quy tắc an toàn khi sửa chữa các thiết bị điện nhé.
Nếu cặp của con bị đứt quai, bạn hãy hướng dẫn cho trẻ cách may lại quai cặp để dùng thay vì mua cái mới. Ngoài ra, bạn có thể dạy trẻ cách đơm nút áo, nút quần nếu chẳng may quần áo của con bị đứt nút, sút chỉ.
Dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian
Ngay từ khi bé còn nhỏ, bạn hãy dạy bé kỹ năng quản lý thời gian. Dạy cho trẻ biết tự mặc đồ, tự sắp xếp thời gian chơi và học, biết đặt đồng hồ báo thức để tự dậy sớm đi học và tự giác làm bài tập trong một khoảng thời gian xác định mỗi ngày. Khi lớn lên, trẻ sẽ biết cách để tự sắp xếp thời gian cho bản thân.
Những kỹ năng chăm sóc bản thân được liệt kê trên đây, bé đều có thể tự mình thực hiện với sự hướng dẫn của ba mẹ. Khi được rèn luyện thường xuyên, bé sẽ có tính tự lập và tinh thần trách nhiệm cao hơn
Để lại bình luận
5