- “Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi
- Những lợi ích của thói quen viết mỗi ngày
- Thói quen giúp rèn luyện trí não thông minh hơn mỗi ngày
6 cách giải quyết mọi mâu thuẫn trong các mối quan hệ
Tất cả những mối quan hệ xung quanh chúng ta, cho dù mức độ thân thiết có cao như thế nào, cũng sẽ có lúc gặp trục trặc. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giải quyết các mâu thuẫn bằng cách thực hiện những điều sau đây.
1. Ngừng những lời nói mang tính chất “TẤN CÔNG”
Điều này rất quan trọng nhưng đa số chúng ta vẫn chưa thể làm được. Thay vì vội vã đưa ra một kết luận tiêu cực ngay trước mặt đối phương, bạn nên nhẹ nhàng chia sẻ cảm nhận của mình về thứ đang khiến bạn khó chịu. Ví dụ như việc chồng bạn luôn đi làm về muộn, thay vì giận dữ và nói rằng: “Anh thật ích kỷ khi chỉ biết quan tâm công việc”, hãy thử nói: “Em rất buồn vì anh luôn về trễ như thế này. Mỗi ngày, em đều chuẩn bị một bữa tối thật ngon và em mong anh sẽ về sớm hơn một chút”.
Bạn có thấy sự khác biệt ở đây không? Nếu bạn sử dụng câu đầu tiên, xung đột sẽ ngay lập tức xảy ra hoặc cuộc trò chuyện sẽ chẳng đi đến đâu. Còn ở câu thứ hai, bạn đang chia sẻ cách cảm nhận của riêng mình và không ai có thể tranh luận với bạn khi nghe những lời chân thành, ngọt ngào từ tận đáy lòng như thế.
2. Cố gắng nhớ rằng: AI CŨNG SẼ PHẠM LỖI
Tất cả chúng ta đều là con người, vì thế không thể nào né tránh chuyện phạm lỗi. Có những sai sót do cố ý, nhưng cũng có những lỗi nằm ngoài tầm kiểm soát. Một vài hành động không đúng của đối phương chưa chắc đã phản ánh cảm xúc của họ, mà chúng là kết quả của sự kết hợp đồng thời các yếu tố: thời gian, động lực, mức năng lượng, sự phân tâm. Do đó, bạn không nên tự ý suy diễn mọi chuyện theo cái nhìn chủ quan của bản thân.
Ví dụ, trong ngày sinh nhật bạn, người ấy đã hứa chắc chắn sẽ về lúc 6 giờ chiều, nhưng cuối cùng, anh ấy vẫn về trễ. Bạn cực kỳ khó chịu và nghĩ rằng anh ấy đã không còn yêu mình nữa. Vừa nhìn thấy chàng ngoài cửa, bạn định sẽ trút hết cơn giận nhưng ngay lúc đó mẹ chồng gọi điện thoại và bảo rằng: “Mẹ vừa bảo chồng con qua đây để phụ giúp vài việc”. Nếu bà ấy chẳng gọi, có lẽ bạn đã vội vàng thốt ra những lời không hay khiến đối phương tổn thương. Vì thế, lần tới, nếu muốn phản ứng với điều gì đó mà mình không hài lòng, hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu tại sao nó lại xảy ra.
3. Sẵn sàng nói lời xin lỗi
Hầu hết chúng ta đều gặp khó khăn khi nói ra hai từ “xin lỗi” mặc dù việc này vô cùng đơn giản. Có lẽ cái “tôi” quá lớn của mỗi cá nhân không cho phép sự nhún nhường xuất hiện, thậm chí nó còn mách bảo rằng việc nhận lỗi khiến chúng ta trông có vẻ rất ngốc nghếch và đáng thương. Tuy nhiên, dù lý do là gì, bạn cũng cần học cách thừa nhận lỗi của mình nếu đã lỡ có thái độ không mấy tích cực.
4. Lắng nghe và tha thứ
Thực sự lắng nghe là một phần quan trọng của việc giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Trong ví dụ ở trên, nếu người phạm lỗi trả lời rằng: “Anh xin lỗi vì việc về muộn đã khiến em buồn”, thì điều này báo hiệu việc họ đang tích cực lắng nghe và cố gắng hiểu vấn đề. Việc bạn cần làm ngay lúc này là tập trung hoàn toàn vào đối phương để nắm bắt tình hình hiện tại của họ.
Ngoài ra, chúng ta còn phải học cách tha thứ và không được giữ sự tức giận trong lòng. Cảm giác khó chịu là một trong những yếu tố có sức phá hoại vô cùng lớn trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu đối phương đã chịu xin lỗi về hành động của họ, bạn hãy mở lòng, bao dung và tha thứ, như tục ngữ có câu: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.
5. Cẩn thận chọn thời gian để nói chuyện
Trong lúc cơn tức giận đang dâng trào và lấn át lý trí, chúng ta thường sẽ nói ra những điều tồi tệ khiến đối phương bị tổn thương nặng nề. Cho dù đây là điều mà bạn không hề cố ý nhưng cuối cùng nó vẫn góp phần tạo nên mâu thuẫn.
Biện pháp tốt nhất trong trường hợp này chính là cố gắng đợi ít nhất 2 giờ để cơn giận được nguôi ngoai, sau đó thực hiện một cuộc trò chuyện thẳng thắn với người ấy. Thời gian sẽ giúp bạn có đủ bình tĩnh, sáng suốt để cân nhắc xem mình nên nói những gì. Ngoài ra, bạn không nên chọn thời gian căng thẳng để nói chuyện, ví dụ như khi họ đang trong giờ làm việc. Hãy cố gắng chọn thời điểm mà cả hai đều có thể tiếp cận cuộc hội thoại với tâm trạng thoải mái và tích cực nhất.
6. Tìm thỏa thuận
Thông thường, cuộc trò chuyện của bạn sẽ chủ yếu tập trung vào những bất đồng, nhưng trên thực tế, mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết khi có sự xuất hiện của một tiếng nói chung. Bạn chỉ cần mời đối phương ngồi xuống, sau đó đôi bên lần lượt nói ra suy nghĩ, cảm nhận cùng những khó khăn mà mình đang mắc phải, cuối cùng, hãy tìm ra một hướng giải quyết khả thi nhất mà cả hai đều cảm thấy hài lòng.
Mâu thuẫn thường dẫn đến sự tức giận không thể kiểm soát và điều này sẽ tối đa hóa những rắc rối trong mối quan hệ. Bạn hãy lưu ý thật kỹ những điều trên đây để mọi vấn đề luôn luôn được giải quyết một cách tốt nhất nhé!
Để lại bình luận
5