- Chú ý 10 căn bệnh có khả năng cao di truyền từ bố mẹ sang con cái
- Có 5 loại ung thư có tính di truyền cao bạn nhất định phải biết
- Chất xơ là gì? Vai trò của chất xơ đối với cơ thể con người
- Chất béo là gì? Bạn biết gì về các loại chất béo trong cơ thể?
Ung thư là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở Việt Nam với khoảng 95.000 ca tử vong mỗi năm
Mặc dù rất nhiều nỗ lực về chủ trương chính sách và nghiên cứu phòng chống ung thư đã được thực thi, các kết quả về dự phòng, phát hiện sớm, điều trị không ngừng được cải thiện, nhưng ung thư vẫn là một căn bệnh nguy hiểm chưa thể bị đánh bại, đang thách thức toàn bộ nhân loại.
Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư vòm họng. Ung thư phổ biến nhất ở nữ giới là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày. Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp ung thư (khoảng 71,4%) tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.
Các chuyên gia ung thư cho biết, một số yếu tố nguy cơ gây ung thư liên quan đến hành vi và chế độ ăn bao gồm thói quen hút thuốc lá ở nam giới (45,3%), uống rượu bia ở nam giới (77.3%), chế độ ăn ít rau và trái cây (57.2%), và thiếu hoạt động thể lực (28.1%).
Dù nguy hiểm nhưng thực tế, có rất nhiều cách để phòng ngừa ung thư, dưới đây là một số khuyến cáo của WHO để phòng ngừa ung thư đơn giản mà hiệu quả.
1. Không hút thuốc lá
Thuốc lá gây ra xấp xỉ 90 % tổng số người chết vì ung thư phổi và hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng.
Ngay cả khi bạn không trực tiếp sử dụng thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc cũng được xem là hút thuốc lá gián tiếp có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Để phòng ngừa ung thư, cách tốt nhất là bạn nên tránh xa thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Khoa học đã chứng minh có rất nhiều thực phẩm có thể ngăn ngừa kẻ giết người thầm lặng này. Hãy chọn mua thực phẩm tươi sống và tự chế biến là cách tốt nhất để đảm bảo bữa ăn của bạn luôn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Bạn nên cân bằng các thực phẩm trong bữa ăn để chống lại căn bệnh nguy hiểm này với 2/3 số thực phẩm phải có nguồn gốc từ thực vật, đạm từ động vật không được nhiều hơn 1/3 trong một khẩu phần ăn.
3. Cho con bú giúp giảm nguy cơ ung thư ở mẹ
Từ ngàn đời nay, sữa mẹ luôn luôn đứng đầu trong tất cả các loại sữa cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ những ngày tháng đầu đời. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp thêm kháng thể mà trẻ cần vì ở giai đoạn này cơ thể trẻ không có khả năng tạo kháng thể để chống lại những bệnh viêm nhiễm. Hơn thế nữa, thêm một khả năng diệu kỳ của sữa mẹ và việc cho con bú chính là giảm nguy cơ ung thư ở cả bé và mẹ.
4. Tránh tiếp xúc quá nhiều với nắng
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa ung thư da, một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Vì vậy khi ra đường bạn cần có những cách bảo vệ thích hợp và tập thói quen sử dụng kem chống nắng hàng ngày với chỉ số SPF ít nhất là 30+, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Bên cạnh đó, tránh giường tắm nắng và đèn cực tím. Hai thiết bị này đều có khả năng khiến những tế bào đột biến phát sinh tương tự ánh nắng sáng mặt trời tự nhiên.
5. Hạn chế rượu, bia
Sử dụng rượu bia quá mức làm tăng nguy cơ ung thư. Rượu được biết là nguyên nhân gây ra ung thư khoang miệng, hầu họng, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở nữ giới. Các chuyên gia đã khuyến cáo mỗi người không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày đối với nam giới và không quá 1 ly đối với nữ giới.
6. Cho trẻ tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan B và virus HPV
Phòng ngừa ung thư bao gồm việc bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh lý do nhiễm virus. Vì vậy, bạn nên trò chuyện với bác sĩ về việc tiêm vắc xin viêm gan B và ung thư cổ tử cung. Viêm gan B là một trong nhiều vấn đề sức khỏe có nguy cơ dẫn đến biến chứng ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời. Trong khi đó, HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục, có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung và các cơ quan sinh dục khác cũng như ung thư tế bào vảy ở đầu và cổ. Trẻ nhỏ từ 11 – 12 tuổi sẽ cần được tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa.
7. Tích cực hoạt động thể lực
Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư, ngay cả khi bệnh xảy ra cũng sẽ làm giảm nguy cơ tử vong. Nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng bảo vệ của hoạt động thể chất chống lại một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng và ung thư vú, đây là hai bệnh ung thư thường gặp nhất. Ung thư nội mạc tử cung, phổi, trực tràng, tuyến tiền liệt, buồng trứng, tuyến giáp và tuyến tụy cũng có liên quan với hoạt động động thể chất với các mức độ bằng chứng khác nhau.
8. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ đầy đủ là một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Vì lúc này, biết được mình đang mắc bệnh gì hoặc đang có nguy cơ mắc bệnh gì, bạn có thể thực hiện tầm soát các loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như ung thư da, đại tràng, cổ tử cung… Tầm soát ung thư có thể làm tăng khả năng phát hiện những tế bào đột biến từ sớm, nhờ đó tăng tỷ lệ thành công của liệu trình điều trị.
Bệnh ung thư không chỉ là gánh nặng của bệnh nhân và gia đình mà còn là gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta cần tuân thủ chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình đối với các loại bệnh tật trong đó có bệnh ung thư.
Để lại bình luận
5