- 10 thói quen cha mẹ nên dậy con càng sớm càng tốt
- Cùng trả lời câu hỏi nên để tài sản gì cho con? Bài học đáng suy ngẫm
- 4 câu nói sẽ khiến EQ của con ngày càng cao: Cha mẹ nên nói nhiểu hơn nhé!
Trong buổi sinh nhật của em bé ở gần nhà, tôi vô tình chứng kiến cảnh tượng đáng buồn khi cô bé mở gói quà ra và cảm thán: "Ôi lại là quần áo à, sao chán thế!" khiến cho bố mẹ lẫn người đưa quà đến đều cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Lúc này nếu quát mắng trẻ sẽ chẳng mang lại ích lợi gì, thậm chí có thể khiến tình huống tồi tệ hơn.
Vì thế, để tránh rơi vào tình huống tương tự như trên, các bậc phụ huynh cần phải dạy trẻ nói lời cảm ơn, biết bày tỏ sự trân trọng bất cứ món quà nào mà con nhận được.
1. Hãy giải thích ý nghĩa của lời cảm ơn cho trẻ biết
Bất kể con tài năng thế nào nhưng nhân cách không tương xứng thì cuộc sống luôn có nhiều khổ đau. Vì thế, các bậc phụ huynh luôn phải ý thức rằng dạy con thể hiện lòng biết ơn là việc rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả việc trang bị tri thức cho con.
Có thể khi bạn nói rằng: "Khi con nhận một món quà nào đó dù con không thích cũng hãy nói lời cảm ơn" trẻ sẽ thắc mắc: "Vì sao, sao lại cảm ơn cả thứ mình không thích?".
Do đó, muốn dạy trẻ nói lời cảm ơn thì trước hết hãy giải thích cho trẻ biết “cảm ơn” thực sự nghĩa là gì. Ví dụ như bạn cho con hiểu rằng người khác trao cho ta một món quà thì đó là cách thể hiện lòng quan tâm của họ đến con, họ yêu thương, quý mến con chứ không đơn giản đó chỉ là một món đồ mà thôi.
Vì thế, món quà là gì không quá quan trọng, khi ta đón nhận quà nghĩa là ta đang nhận tấm lòng của người khác thì nên thể hiện sự trân trọng.
Hiểu đúng về lòng biết ơn để thấy từng điều nhỏ nhặt tồn tại trong thế giới của con đều thật đáng quý. Do đó, chính phụ huynh cũng không được cân đo đong đếm rằng món quà đó đắt hay rẻ khiến trẻ bắt chước. Thay vì nhận xét món nhiều tiền hay rẻ tiền, to hay nhỏ bố mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy ý nghĩa đằng sau của món quà.
Ví dụ như cho con biết để chuẩn bị món quà họ đã phải đặt tâm tư, công sức và thời gian để lựa chọn ra sao.
2. Luyện tập cho con nói cảm ơn càng sớm càng tốt
Đừng đợi đến khi bé nhận quà và "làm bẽ mặt" bạn mới dạy con về việc nói lời cảm hơn. Hãy tập luyện cho bé từ sớm để lòng biết ơn dần hình thành và biến thành thói quen tốt.
Không cần phải đợi khi trẻ biết nói bạn mới hướng dẫn con, thay vào đó khi nào có cơ hội bạn đều thì thầm vào tai con những lời như: Cảm ơn mặt trời đã soi sáng cho chúng ta, cảm ơn bạn tủ lạnh đã giúp cho đồ ăn được tươi lâu, cảm ơn bông hoa đã làm cho căn phòng thêm xinh đẹp,...
Lòng biết ơn có thể được trau dồi từ khi trẻ còn nhỏ và trở thành thói quen khi lớn lên. Chúng ta có thể dạy con từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà không đợi đến khi trẻ nhận được quà hay trong một tình huống cụ thể nào đó.
Sau này trẻ lớn hơn, trước khi ăn, bạn yêu cầu trẻ nói cảm ơn mẹ vì đã chuẩn bị bữa cơm, hoặc khi ai đó giúp một việc bất kỳ, trẻ cũng nên nói làm cảm ơn.
Đừng quên khen ngợi và động viên khi mỗi lần con biết nói lời cảm ơn với người khác. Bé rất thích được khen và làm bố mẹ vui lòng, khi bạn thấy con nghe lời và có tiến bộ hơn, hãy dành những lời khen ngợi cho con để con được vui và cố gắng cho các lần sau.
Sau đó là tới việc nhận quà, hướng dẫn con mỉm cười và nói lời cảm ơn. Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho con những món quà nhỏ đơn giản hàng ngày, mỗi khi đưa cho con thì hướng dẫn trẻ cảm ơn để tập trung vào việc dạy con về lòng biết ơn.
3. Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác
Lòng biết ơn thường xuất phát từ sự thấu hiểu, nếu chỉ hướng dẫn con nói "Cảm ơn" thôi là chưa đủ, hãy để con từ từ cảm nhận nó thông qua việc cho trẻ giúp đỡ bố mẹ và cả những người xung quanh mình.
Bạn có thể khuyến khích các con làm việc nhà, chẳng hạn như lau bàn, rửa bát hoặc tưới cây,... Điều này không chỉ dạy con biết cách tự lập mà còn thông qua đó giúp con hiểu ra nhiều điều mà chỉ lời nói không thể lột tả hết được. Khi bé làm những công việc chân tay trong gia đình, trẻ nhận ra rằng không có thứ gì là hiển nhiên, bố mẹ không phải là người có nghĩa vụ làm hết mọi thứ cho các con.
Trên thực tế, nếu bạn quá chiều chuộng con, làm mọi thứ cho chúng với suy nghĩ "trẻ con không biết gì" thì chúng sau này lớn lên thường có thái độ vô ơn. Con cần người hướng dẫn để được biết về những nỗ lực mà bố mẹ đã bỏ ra thì con càng có nhiều cơ hội trân trọng công sức của bố mẹ cũng như những người xung quanh.
Nếu cảm thấy khó khăn trong việc giải thích mỗi món quà đều có giá trị, bạn có thể cho trẻ trải nghiệm thực tế bằng việc trực tiếp mua sắm, gói quà tặng người lớn trong nhà, có như vậy con sẽ hiểu rằng khi ai đó tặng quà, họ phải tốn nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị đến thế nào.
Tốt nhất là hãy cho con tham gia các buổi từ thiện, qua đó, trẻ học được về hành động tử tế. Hãy cùng trẻ giúp đỡ những người khác khó khăn hơn mình, hoặc thường xuyên chọn những món đồ không dùng đến như sách, đồ chơi, quần áo... để quyên góp cho những người cần giúp đỡ.
Nếu có thể, đưa con bạn đến thăm những người có điều kiện khó khăn để trẻ có cơ hội nhìn thấy thực tế cuộc sống và từ đó trở nên tử tế, tốt bụng với mọi người.
4. Không nên chỉ trích khi con chưa đạt
Sẽ có lúc bạn cảm thấy thất vọng khi bạn cố gắng dạy trẻ nói lời cảm ơn rất nhiều nhưng đến khi trong một tình huống cụ thể với người ngoài thì con vẫn chưa biết làm theo đúng như những gì đã dạy. Trong tình huống đó, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh, đừng quát mắng khiến con sợ hãi hoặc cảm thấy xấu hổ.
Bạn cần hiểu rằng con cần thời gian dài để thực hành nhiều lần trước khi thực hiện một cách thành thục. Do đó, bố mẹ hãy kiên nhẫn đồng hành cùng con. Đừng ngại lặp đi lặp lại việc này khi bạn hiểu rằng đây là việc thực sự quan trọng.
Thực tế, khoa học đã chứng minh trẻ em không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của lòng biết ơn cho đến khi 8-10 tuổi. Vậy nên dưới độ tuổi này, con vẫn quen thể hiện thẳng thắn cảm xúc cá nhân, do đó bạn vẫn phải ân cần, từ tốn chỉ bảo cho con thay vì thái độ tức giận, chỉ trích con.
Mặc dù không hài lòng với cách thể hiện của con thì cũng hãy đợi đến khi có thể trao đổi riêng để giải thích cho trẻ hiểu về hành động bất lịch sự của mình và tìm cách thay đổi trong những lần tiếp theo.
5. Tạo nên thói quen cho con ở bất kể độ tuổi nào
Chúng ta không thể dạy trẻ lòng biết ơn khi ta không có nó. Các bậc phụ huynh cũng phải nuôi dưỡng lòng biết ơn, mỗi khi trở về nhà bạn có thể kể trẻ nghe chuyện vui trong ngày, những quyết định đúng đắn thay vì những lời phàn nàn về công việc của bạn.
Để trẻ hình thành thói quen về lòng biết ơn, chính bạn cũng phải là người biết trân trọng cuộc sống, những gì mình có. Trẻ học hỏi tốt nhất thông qua việc bắt chước người lớn, vì thế hãy làm gương cho con cái về lòng biết ơn. Cách đơn giản nhất đó là thường xuyên nói “cảm ơn” và “làm ơn” với những người xung quanh bạn.
Bên cạnh đó, hàng ngày hãy đề cập đến chủ đề lòng biết ơn, ví dụ như khi cùng con thưởng thức đồ ăn ngon trong một nhà hàng, hãy nói: “Thật may mắn khi chúng ta được ăn ngon lại được phục vụ nhiệt tình như thế này!”. Điều này cũng dạy trẻ biết ơn những điều đơn giản, đời thường nhất là những thứ thường bị bỏ quên.
Hãy dành thời gian mỗi ngày để nói về những gì bạn cảm thấy biết ơn, có thể tại bàn ăn tối, trước khi đi ngủ,… con có thể hỏi và lắng nghe chia sẻ của một vài người thân về người mà họ rất biết ơn. Đó là sẽ một cách cụ thể, thiết thực nhất giúp con hiểu về lòng biết ơn.
Khi trẻ lớn hơn, hướng dẫn con viết nhật kí về những điều con cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Viết nhật kí được chứng minh là một phương pháp hiệu quả để giúp trẻ hạnh phúc hơn: Trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ học tốt hơn và hài lòng với cuộc sống hơn khi viết ra 5 điều mà mình cảm thấy biết ơn so với trẻ em được giao liệt kê 5 điều khiến mình bực bội.
Duy trì thói quen này hàng ngày sẽ khuyến khích trẻ suy nghĩ về mọi khía cạnh của cuộc sống và đếm những niềm hạnh phúc, may mắn của mình nhờ thế mà bé tránh được thái độ tiêu cực, tránh suy nghĩ và hành động bồng bột khi còn quá trẻ và thiếu hiểu biết.
Để lại bình luận
5