- Review Nhà Giả Kim của Paulo Coelho - Sách bán chạy nhất mọi thời đại
- Review Hai Số Phận của Jeffrey Archer - Đừng bao giờ đầu hàng số phận
- Review hồi ký Được Học của Tara Westover - Cuốn sách yêu thích của Bill Gates
Nếu bạn đang mơ hồ và loay hoay với những định hướng của cuộc đời mình thì đây sẽ là cuốn sách mà bạn không nên bỏ qua. Hãy cùng mình review cuốn sách Đi tìm lẽ sống này để cảm nhận rõ hơn về thông điệp của cuốn sách này là gì nhé.
Đi tìm lẽ sống là một cuốn sách mà tất cả chúng ta có lẽ đều nên đọc một lần trên con đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời của mình.
Trong một cuộc khảo sát của thư viện Quốc hội Mỹ năm 1991, các độc giả được hỏi về cuốn sách nào đã tạo nên thay đổi thực sự trong cuộc đời của họ. Cuốn "Đi tìm lẽ sống" của Viktor Frankl nằm ở trong top 10 của danh sách này.
Tác giả – Viktor E. Frankl
Viktor Emil Frankl sinh ngày 26 tháng 3 năm 1905, mất ngày 2 tháng 9 năm 1997. Ông là một nhà tâm thần học, một bác sĩ tâm thần người Áo và cũng là người sống sót sau nạn Holocaust – là một cuộc diệt chủng người Do Thái do Đức quốc xã cùng bè phái tiến hành.
Trải qua cuộc sống đầy nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt, Frankl đã sáng lập ra liệu pháp ý nghĩa. Ông là tác giả của 39 cuốn sách, trong đó cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” (tựa đề tiếng Anh: Man’s Search for Meaning) là tác phẩm tiêu biểu và bán chạy nhất của ông.
Review Đi tìm lẽ sống
Đi tìm lẽ sống của tác giả Viktor Frankl chia thành 2 phần chính, bao gồm phần đầu nói về những suy nghĩ và trải nghiệm của ông khi còn ở trong trại tập trung, còn phần cuối sẽ là phần ông đề cập đến những “liệu pháp ý nghĩa” mà tác giả đã nghiên cứu ra.
Trong đó, khi độc giả đọc phần đầu sẽ được tác giả giải đáp cho một thắc mắc chung gây tò mò của rất nhiều người, đó là khi sống trong trại giam thì tâm lý của một tù nhân sẽ như thế nào? Chính tác giả Frankl là người đã phải chịu đựng và trải qua những giây phút “địa ngục trần gian” của mình trong nạn diệt chủng đó nên ông đã miêu tả và chia sẻ rất chân thực về điều này.
Đi tìm lẽ sống trong nghịch cảnh
Hầu hết những tù nhân ở nơi đây dù phải bị bóc lột và tra tấn dã man về thể xác lẫn tinh thần, tuy nhiên họ đều nung nấu và giữ cho mình một sự kiên cường, nén chịu tất cả để được sống và hy vọng về điều kỳ tích sẽ xảy ra - giống như hành trình đi tìm lẽ sống của chính họ vậy. Có thể thấy một khi bạn đã có được một sức mạnh tinh thần phi thường thì sẽ không có điều gì làm mất đi được sự tự do trong tâm hồn của bạn được.
Tuy nhiên, nếu bạn lại dễ nản lòng, không có ý chí cao và mau chóng buông bỏ và chịu đầu hàng trước số phận, thì xem như bạn đã thua cuộc và chẳng còn gì trong tay nữa. Thế mới thấy, sức mạnh từ tinh thần có vai trò quan trọng và to lớn đến mức nào, dù trong hoàn cảnh tối tăm và cùng quẫn nhất như tác giả và hàng nghìn tù nhân đã phải chịu đựng, nhưng chỉ cần bạn vẫn còn có sự kiên trì và tinh thần mãnh liệt thì hy vọng vẫn còn hiện hữu để bạn bùng cháy lên.
Trong tác phẩm có một đoạn trích rất hay như sau:
“Điều kỳ lạ về con người là chúng ta chỉ có thể sống bằng cách hướng về tương lai. Và đây là sự cứu rỗi cho con người trong những khi khó khăn nhất, mặc dù đôi khi ta nên buộc tâm trí mình bám vào nhiệm vụ ấy. Thảm họa sẽ tới với những người không nhìn thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình, không mục tiêu, không mục đích…”
Còn trong nửa phần sau của cuốn sách Đi tìm lẽ sống, tác giả đã có cơ hội chia sẻ với độc giả về các liệu pháp ý nghĩa của mình khám phá được. Vốn là một nhà tâm lý học, nên từ lâu Frankl đã tiến hành nghiên cứu và khám phá về các liệu pháp tâm lý của con người có liên quan đến các yếu tố tâm linh và triết học. Mặc dù thực ra nghiên cứu của ông không đề cập quá nhiều đến chuyện tâm linh và các triết lý con người, nhưng tác giả xem đó là những nền tảng cần được tìm hiểu thêm để phục vụ cho quá trình nghiên cứu tâm lý của con người.
Đi tìm ý nghĩa của cuộc sống
Bên cạnh đó, trong cuốn sách này, tác giả cũng đã đưa ra những phương pháp để tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa đó là tìm kiếm hoặc trải nghiệm cho mình một công việc gì đó, quan tâm chăm sóc người yêu thương xung quanh mình và cuối cùng sẵn sàng đối mặt cũng như vượt qua mọi đau khổ và khó khăn trong cuộc sống.
Đó đều là những tình huống mà bạn sẽ phải đối mặt và có trong cuộc đời của mỗi người. Khi đã và đang trải qua những điều này, bạn sẽ nhận ra mình đang dần trưởng thành về cả thể chất lẫn tinh thần, để từ đó thêm trân quý và hiểu ra giá trị sống của mình là gì, tìm ra giá trị đích thực của bản thân, tất nhiên để vượt qua được hành trình căm go đó buộc bạn phải trang bị sẵn cho mình một ý chí kiên cường và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn có thể xảy ra.
Với những nội dung được chính tác giả chia sẻ với tư cách là người trong cuộc, điều cốt lõi mà ông muốn truyền tải không phải là con người khi sống trong tận cùng của sự đau khổ và đen tối thì sẽ sống chết ra sao, mà đơn giản là Frankl chỉ muốn đem đến cho người đọc thấy được ý chí và bản lĩnh của con người sẽ như thế nào khi phải đối mặt trong những hoàn cảnh khắc nghiệt đó.
Hoàn cảnh sống có thể sẽ ảnh hưởng đến tính cách của một con người, tuy nhiên dù đó là người xấu hay người tốt thì đều là do sự quyết định lẽ sống của chính bản thân bạn mà thôi.
Như chính tác giả đã chia sẻ trong cuốn sách rằng:
“Hoàn cảnh có thể lấy đi mọi thứ bạn có, chỉ trừ một thứ: sự tự do lựa chọn cách mà bạn phản ứng lại nó…Ở đâu con người cũng phải đương đầu với số phận và cũng có cơ hội đạt được điều gì đó từ chính nỗi đau của mình”.
Nội dung chính sách Đi tìm lẽ sống
Đi tìm lẽ sống được chia làm hai phần: Phần 1 kể về những trải nghiệm trong trại tập trung và Phần 2 nói sơ lược về liệu pháp ý nghĩa.
Phần 1. Những trải nghiệm trong trại tập trung
Bắt đầu từ quyết định ở lại Áo với cha mẹ, tác giả đã chính thức bước vào thế giới phải trải qua muôn vàn đau khổ và tra tấn khi bị chia tách và bị bắt vào trại tập trung. Nửa đầu của cuốn sách, tác giả tập trung chỉ ra cho ta thấy cảm nhận và suy nghĩ của tất cả tù nhân khi trải qua cuộc sống ở nơi đây, để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về sự tàn khốc, về địa ngục ngay tại chốn trần gian mà ít ai có thể hiểu được.
Số phận thật nghiệt ngã khi nhận ra sự sống của mình chỉ dựa trên ánh nhìn của những người khác, trong “Đi tìm lẽ sống” là thông qua lựa chọn của những tên lính SS (tên lính trong trại tập trung Auschwitz). Khi bước lên chuyến tàu đó, bạn sẽ có hai kết quả, một là cái chết đầy đau đớn khi bị đưa vào phòng hơi ngạt bên tay trái, hai là trở thành một người tù khổ sai trong trại tập trung với một cuộc sống mà bạn có thể cảm nhận như sống không bằng chết. Tất cả chỉ dựa vào bề ngoài bạn “trông yếu đuối” hay “trông có vẻ khỏe mạnh”
Frankl đã chua xót kể lại trong “Đi tìm lẽ sống” về cuộc sống tra tấn kể cả thể xác lẫn tinh thần trong trại. Bị tước bỏ hết mọi thứ, tất cả còn sót lại chỉ là cơ thể mà họ vốn có. Danh tính của họ giờ đây chỉ là những con số.
“Trong khi chúng tôi đợi tắm, sự trần truồng đã thức tỉnh chúng tôi: chúng tôi giờ thực sự chẳng còn gì ngoài cơ thể trời sinh này- ngay cả một sợi lông cũng không; tất cả những gì mà chúng tôi sở hữu, theo đúng nghĩa đen, chỉ là cơ thể trần trụi này”
Trải qua cuộc sống trong trại tập trung, chỉ sau một thời gian ngắn đã dần dần hao mòn ý chí còn sót lại của những con người mạnh mẽ nhất.
Một ngàn rưỡi người bị giam trong một khu được xây dựng có sức chứa tối đa khoảng hai trăm người. Chúng tôi lạnh và đói. Không đủ chỗ cho mỗi người ngồi trên nền đất trống, nói chi đến ngả lưng. Khẩu phần ăn của chúng tôi trong suốt bốn ngày chỉ là một mẩu bánh mì ít ỏi.
Giờ đây, họ không còn cảm giác thương xót cho những người bị đánh đập dã man, bởi họ biết rằng, vào một lúc nào đó, họ sẽ phải chịu cảnh tương tự như vậy, tất cả những cảm xúc đã trở nên chai sạn.
Cảnh những người đau đớn, hấp hối và chết đã trở nên quá quen thuộc với anh suốt nhiều tuần ở trại; chúng không còn có thể khiến anh xúc động được nữa.
Trong “Đi tìm lẽ sống”, Frankl kể lại rằng có những tù nhân đã lựa chọn từ bỏ, họ không chết vì đói hay vì bệnh tật, mà họ chết vì cảm thấy không còn hy vọng trong cuộc sống. Họ chọn cách đâm đầu mình vào hàng rào điện, để chấm dứt chuỗi đau khổ mà họ đang trải qua. Nhưng cũng có những tù nhân đã chọn cách đương đầu với thực tại.
Frankl đã phủ định những câu nói trong những cuốn sách y khoa và khẳng định rằng con người có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ có thể tỉnh táo trong nhiều giờ liền mà không ngủ, họ có thể ngủ trong trời đông lạnh giá trên những tấm ván, họ có thể không tắm nhiều ngày nhưng vết thương không bị nhiễm trùng. Hơn nữa, họ còn phải cho những tên lính SS thấy được họ vẫn khỏe mạnh để không bị đưa vào phòng hơi ngạt và kết thúc cuộc đời một cách đau đớn.
Đúng, con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng đừng hỏi chúng tôi bằng cách nào.
Trong những hoàn cảnh đau khổ nhất, họ vẫn tìm ra cho mình một lý do để sống tiếp, qua những giấc mơ, bằng khát khao được hạnh phúc với gia đình, bằng tình yêu mà họ luôn hướng về. Tình yêu đối với họ không phải là sự hiện thân về thể xác, mà bằng ý chí mạnh mẽ, những người tù đã tự tách biệt tâm hồn mình ra khỏi mọi nỗi đau và hoàn cảnh thực tế, để sống trong nội tâm phong phú và tinh thần họ được tự do.
Linh hồn của con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu.
Phần 2. Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa
Sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung, Frankl đã phải đối mặt với sự thật rằng ông là người sống sót duy nhất trong gia đình, ba mẹ và người vợ mà ông yêu thương nhất đã chết. Nhưng ông đã tìm cách vượt qua để tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần ở Áo. Thông qua liệu pháp ý nghĩa, ông đã giúp bệnh nhân có thể tìm ra ý nghĩa cho sự tồn tại của mình.
Tôi nghĩ chắc chắn việc có thể giúp đỡ những người tù khác với tư cách là bác sĩ sẽ có ý nghĩa hơn là sống mọt cuộc đời tẻ nhạt và cuối cùng phí hoài nó trong vai một tên lao động khổ sai vô nghĩa.
Con người thường mắc phải một hiện tượng tâm lý phố biến là “trạng thái tồn tại chân không” – sống mà không có mục đích, không biết bản thân thực sự đang sống vì điều gì. Liệu pháp ý nghĩa mong họ có thể tìm ra trách nhiệm trong cuộc sống của họ thông qua ba cách:
1. Tạo ra một công việc hoặc thực hiện điều gì đó.
- Khi bạn đã xác định mình muốn làm và cống hiến cho điều gì, thì bạn sẽ toàn tâm toàn ý cho điều đó, chính cách này sẽ kéo bạn ra khỏi vũng bùn của sự mất mát và đau thương, để sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn cho bản thân.
2. Trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó.
- Tình yêu giống như một phép nhiệm màu, nó có thể khiến trái tim đã chết bắt đầu đập lại. Khi yêu thương một ai đó, bạn toàn tâm toàn ý làm mọi việc để mong họ hạnh phúc, bất kể là người yêu, gia đình. Những khoảnh khắc vui vẻ mà bạn có với họ, sẽ là những phút giây ý nghĩa nhất trong cuộc đời bạn, từ đó tâm hồn bạn sẽ được bình yên.
Tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của con người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.
3. Thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ.
- Trong bi kịch, thái độ mà chúng ta đối mặt với chúng sẽ khiến cuộc sống của ta hoàn toàn khác so với việc than vãn về cuộc đời và số phận của mình. Chấp nhận và đương đầu với những nỗi đau là điều được ngưỡng mộ nhất, bạn không cần ai phải bước đến và an ủi bạn, mà bạn sẽ là anh hùng của chính mình.
Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống.
Lời kết - Review Đi tìm lẽ sống
Đi tìm lẽ sống khẳng định lại nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra được ý nghĩa của bản thân. Có những người đi cả đời cũng không tìm ra được mục đích mà họ được sinh ra, có những người đã tìm thấy ý nghĩa và tạo ra giá trị của bản thân họ mỗi ngày. Ý nghĩa của cuộc đời không phải dễ để tìm ra, mong rằng, qua những gợi ý của “Đi tìm lẽ sống”, bạn sẽ thay đổi cách suy nghĩ và cách sống, đừng trở thành kẻ vật vờ trên thế gian này.
Cuốn sách đã giúp cho độc giả nhận ra rằng, những khó khăn trở ngại trong cuộc sống chỉ là hạt cát nhỏ trên hành tinh này, dù cho bạn phải đối diện và nếm trải những đau đớn và khổ cực tột cùng, nhưng xin đừng tuyệt vọng mà hãy luôn tin tưởng và tạo cho mình một ý chí kiên cường.
Để nếu có vượt qua khó khăn, bạn mới nhận thấy và cảm nhận rõ nét ý nghĩa và giá trị sống của cuộc đời là gì, nhằm giúp bản thân trưởng thành và mạnh mẽ hơn khi chinh phục con đường thành công của cuộc đời mình.
Nói tóm lại, Đi tìm lẽ sống sẽ là một cuốn sách kinh điển mà mọi người không nên bỏ qua nếu bạn chưa thể cảm nhận rõ giá trị sống của bản thân mình.
Để lại bình luận
5