- Top 10 nước hoa đắt nhất thế giới, có loại lên đến gần 24 tỷ đồng mỗi chai
- Vintage là gì? Top 9 cửa hàng thời trang vintage được ưa thích tại Hà Nội
- Cách dùng kẹp càng cua đơn giản mà đẹp dành cho chị em chúng mình.
Kinh tế với những cặp vợ chồng trẻ chắc chắn là nỗi lo nhất của cả 2 vợ chồng khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Nhiều khi những sai lầm trong chi tiêu và quản lý tiền bạc cũng là 1 trong nhưng lý do khiến cho kinh tế gia đình có biến động. Vậy hãy cùng xem những sai lầm quản lý tiền bạc nào khiến gia đình nhỏ của bạn chưa giàu lên được bạn nhé!
1. Mua nhà quá khả năng chi trả
Một trong những quyết định sai lầm về tiền bạc của giới trẻ đó là ra sức để có được căn nhà đầu tiên mà không biết lường sức mình. Nhất là những cặp đôi lương không cao, không ổn định nhưng vừa cưới đã muốn có nhà ngay cả khi không có khoản tiết kiệm nào trong tay để đảm bảo cuộc sống.
Không dễ dàng gì trả lời câu hỏi nên mua hay nên thuê nhà ở vì nó tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mỗi người. Thế nhưng hiện nay, khái niệm an cư lạc nghiệp càng được khuyến khích khi các ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các vợ chồng trẻ mua nhà trả góp. Các cặp đôi thường mắc cái bẫy này vì họ cũng mong muốn có cuộc sống an ổn để sinh con, hai người cũng đỡ vất vả với cảnh thuê nhà nay đây mai đó.
Mong muốn mua nhà là chính đáng, thế nhưng nếu tài chính chưa thực sự vững vàng việc này sẽ tạo thêm gánh nặng và sự mệt mỏi, gây ra thêm những căng thẳng cho các cặp đôi. Thế nên, nếu mua nhà cũng chỉ nên mua vừa sức mình, bạn không nhất thiết phải vay mượn, xoay sở để sở hữu ngôi nhà vượt khả năng.
Tránh tâm lý muốn có nhà to để khoe khoang với người ngoài nhưng lại khiến tài chính của gia đình vào ngưỡng “đáng báo động”. Cho dù sau đó có tích góp trả hết được món nợ thì sức khỏe tài chính cũng ngày một yếu dần.
Hãy cân nhắc thêm với quyết định mua nhà vì khi mua nó bạn sẽ mất chi phí cơ hội như:
- Không còn tiền để dành, tiết kiệm nhằm đầu tư, sinh lãi ở những năm dồi dào cả về sức khỏe và cơ hội. Chi phí cơ hội là không thể phục hồi. Bỏ lỡ cơ hội đồng nghĩa với khoản tiền tiết kiệm hưu trí của bạn sẽ nhỏ đi.
- Hạn hẹp tiền bạc để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, thành viên trong gia đình, thậm chí còn khiến bạn phải thắt lưng buộc bụng hoặc còng lưng trả nợ 15-30 năm. Suốt thời gian đó sống khổ sở vì nợ nần, không dám ăn, tiêu. Như vậy, ngôi nhà không còn là tổ ấm mà có thể trở thành gánh nặng.
Hãy sống theo cách riêng, chuẩn mực của mình, đừng hùa theo đám đông, phải đủ tỉnh táo để không phạm phải những điều tiêu cực mới là người có đủ kỷ luật để sống an yên, hạnh phúc.
2. Mù quáng trong việc đầu tư cho con cái
Rất nhiều gia đình có tư tưởng rằng bố mẹ có thiếu thốn một chút cũng không sao, miễn là cho con có đầy đủ nhất có thể. Vậy nên họ có xu hướng đầu tư cho con học trường tốt, mua nhiều đồ chơi, quần áo đẹp... quá khả năng chi trả của bản thân.
Sự thật là nhiều người có thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung nhưng vì gánh nặng mua nhà trả góp và cho con học trường đắt tiền nên họ chẳng tích lũy được gì. Mỗi khi gia đình gặp chuyện là không có tiền để xử lý, phải đi vay mượn.
Công bằng mà nói thì việc đầu tư cho con là việc không sai, tuy nhiên, mức chi phí cho chúng là vô cùng, quan trọng là bố mẹ phải biết lường sức mình. Hơn nữa, tâm lý luôn dành cho con những điều tốt nhất cũng có mặt trái của nó.
Nhiều người từng trải qua tuổi thơ khó khăn nên đến lượt con mình họ mua cho con mọi thứ đồ chơi, đồ ăn, thậm chí cả đồ hiệu... để cho con có cảm giác cuộc sống đủ đầy. Thế nhưng vì bạn qua bao bọc khiến con đánh mất tư duy tự lập và trưởng thành, càng lớn càng phụ thuộc vào bố mẹ, tương lai trở thành gánh nặng cho gia đình hơn mà thôi.
Thương con thực ra là phải hiểu con chứ không phải cứ dùng tiền mà phục vụ sở thích của chúng. Điều này có nghĩa là càng thương con thì cha mẹ nên để con được vấp ngã, được chông chênh trên đường đời. Có như vậy, con cái mới có cơ hội được trưởng thành, từ đó chúng mới biết cách yêu thương, tôn trọng và biết ơn cha mẹ.
Hiển nhiên việc học của con bạn là điều quan trọng nhưng tài sản quý giá nhất cha mẹ có thể cho con là nhân cách sống, là kỹ năng sống chứ không nên là tiền bạc và những điều xa hoa, phù phiếm. Vì thế, bố mẹ nên tập trung dạy con cách tự lập chứ không phải dùng tiền để chăm sóc con một cách mù quáng, thiếu hiểu biết.
3. Không để dành tiền cho tuổi già ốm yếu
Một trong những sai lầm thường thấy của các gia đình trẻ đó là họ dốc sức đầu tư cho con nên không để dành được chút tiền nào chuẩn bị cho cho thời gian họ nghỉ hưu, không có "đồng ra đồng vào" khi tuổi già ập tới. Hơn nữa, đó là thời gian, chúng ta thường bắt đầu "đổ bệnh" nếu không có tiền phòng thân, bạn sẽ trở thành gánh nặng của các con, khiến chúng chẳng thể tập trung làm ăn, kinh doanh.
Chính vì hầu hết chúng ta không có cái nhìn dài hạn về tương lai nên quên luôn việc đặt mục tiêu ngay khi còn trẻ. Do đó, các cặp đôi ngay lúc này nên lên kế hoạch giúp bạn có hướng đi rõ ràng và đặt ra mốc thời gian để đạt được những mục tiêu to lớn như độc lập tài chính, mua nhà, sinh con, hoặc kinh doanh...
Chỉ khi có mục tiêu cho một tuổi già an nhàn thì ta mới có thể kỷ luật đối với bản thân, kiểm soát tài chính của bạn ngay bây giờ và có thói quen cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định tài chính sáng suốt.
Theo chuyên gia tư vấn tài chính Michael Egan: "Ưu tiên số một của bạn ở tuổi 30, kể cả khi đã có gia đình, vẫn phải là tiền về hưu".
Tuổi già thường đi kèm với các căn bệnh, nếu bệnh nhẹ thì đỡ tốn kém nhưng nếu tình huống xấu xảy ra, bạn mắc bệnh nặng và phải thường xuyên lui tới bệnh viện thì số tiền viện phí rất lớn.
Trong khoản tiết kiệm cho hưu trí hãy dành một phần cho chăm sóc sức khỏe. Nếu chẳng may bạn mắc căn bệnh nào đó khi còn trẻ hãy lưu ý và tích góp nhiều hơn cho khoản tích lũy.
4. Chi quá nhiều cho những món đồ nhanh mất giá
Đồ công nghệ mới, quần áo hợp mốt,… luôn hấp dẫn với tất cả mọi người nhưng để kiểm soát bản thân, tránh việc mua sắm theo cảm xúc lại cần sự khôn ngoan và lý trí.
Sự thật là người càng nghèo lại càng "sĩ" và chính điều đó càng làm họ trở nên nghèo hơn. Một chuyên gia tài chính từng chia sẻ rằng khi ông đi thăm một xưởng sản xuất thì thấy công nhân ở đây dùng điện thoại còn xịn hơn cả của mình. Điều này cho thấy họ không dùng tiền để đầu tư hay tiết kiệm mà để mua sắm đồ công nghệ.
Thực tế là xu hướng hay trend chỉ đem lại cho ta cảm xúc vui sướng nhất thời và không đem lại giá trị lâu dài. Chạy theo mốt không phải xấu, nhưng chỉ phù hợp với những ai có thu nhập cao, đều đặn, còn nếu không thì đang tự đẩy mình vào khó khăn.
Những món đồ càng theo xu hướng thì càng nhanh lỗi mốt, chúng khiến bạn mãi chạy theo một cách mù quáng, tiêu tốn tiền bạc một cách vô nghĩa. Thế nên các chuyên gia tài chính mới khuyên chúng ta đừng chỉ mải mê chạy theo xu hướng mới, mua chỉ vì bạn thích mà nó không đem lại giá trị thực sự.
Một nghiên cứu về sự giàu có cho thấy việc tiêu tiền vào vật chất không chỉ thất bại trong việc làm chúng ta hạnh phúc, mà còn khiến ta cảm thấy càng khốn khổ.
Không chỉ chi nhiều tiền cho đồ công nghệ mà nhiều người còn dùng nhiều tiền để mua ô tô - món đồ mất giá ngay khi lái ra khỏi cửa hàng bán xe.
Đừng quên nó là tài sản khấu hao rất nhanh. Vậy nên khi chưa thực sự dư dả thì tránh việc chi trả cho một thứ mà chẳng đáng giá là bao sau vài năm. Đó là chưa kể việc ta thường chán xe rất nhanh, luôn có một cái mới sau đó và lại gặp khó khăn với việc trả nợ.
5. Thu nhập tăng - chi tiêu tăng theo
Một bộ phận những người trẻ nghĩ rằng chỉ cần có cuộc sống ổn định như hiện tại là được nên họ không tìm cách để gia tăng thu nhập. Thực tế là có một khoản phụ thêm có thể giúp trả hết nợ nhanh hơn, có thêm khoản tiền dư để đầu tư, kinh doanh, để dành đề phòng khi có sự cố xảy ra...
Hãy nghĩ tới số tiền tiết kiệm đủ trang trải cho gia đình ổn định khi mình lớn tuổi hơn. Thế nên, đừng vội chọn cuộc sống nhàn rỗi khi bản thân còn trẻ, mà hãy tiếp tục làm việc thật chăm chỉ để đặt nền tảng vững chắc cho phần còn lại của cuộc đời.
Tuy nhiên, nhiều người mắc cái bẫy tâm lý đó là thu nhập tăng lên thì họ có xu hướng chi tiêu nhiều lên. Lúc này các cặp vợ chồng muốn được tận hưởng lối sống thoải mái, xa xỉ hơn vì đã làm việc chăm chỉ và xứng đáng được như vậy.
Chính vì muốn được sớm hưởng thụ thành quả của mình nên bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được tới mục tiêu dài hạn về tài chính. Hãy ghi nhớ về quy tắc tiền bạc trong việc tiêu dùng đó là: Tiêu ít hơn thu nhập, tối thiểu hóa các chi phí giúp bạn tiết kiệm và đầu tư được nhiều hơn, đi cùng với việc tương lai sẽ thoải mái, hạnh phúc hơn.
Ví dụ như từ việc nghĩ tới quá trình tối thiểu hóa chi phí (bất chấp thu nhập đang tăng lên) bạn có thể tiếp tục dùng đồ cũ còn tốt, tránh việc mua thêm đồ mới thay thế. Đó là một trong những cách tiết kiệm tốt nhất vì những khoản mua sắm đồ mới thường tốn khá nhiều và thực sự không cần thiết như bạn nghĩ.
Nhiều người giàu vẫn giữ thói quen tiết kiệm như: Mark Zuckerberg sống dưới mức thu nhập, Warren Buffett ở nhà bình dân, Azim Premji chỉ chọn những nơi có chi phí phải chăng, Ingvar Kamprab ăn uống đạm bạc,…
6. Không chịu khó đầu tư kiến thức
Số đông ngoài kia tin rằng chỉ học xong đại học là họ đã hoàn thành việc học, đó là lý do họ rất lười khi động đến sách vở hay phải thu nạp một kiến thức mới.
Hầu hết chúng ta mải mê đi kiếm tiền nhưng quên mất rằng cần thêm cả việc tự trang bị thêm kiến thức về tiền bạc, đầu tư. Đó mới là việc đầu tư đúng hướng, làm gia tăng tài sản của bạn trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu bạn đang đọc bài viết này tới đây nghĩa là bạn là một số ít người quan tâm tới kiến thức về tiền bạc. Đó là những bước khởi động để giúp bạn tránh những quyết định sai lầm về tiền bạc sau này.
Warren Buffett có câu: "Đầu tư càng nhiều vào bản thân càng tốt, bạn là tài sản lớn nhất của bản thân cho đến thời điểm này”. Khi bạn đầu tư vào chính mình thì có nghĩa là bạn biết kiếm nhiều tiền hơn, biết ra quyết định đầu tư khôn ngoan... nhờ thế mà bạn giàu có, thành công và khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Để lại bình luận
5