- Bông cải xanh và những công dụng bất ngờ
- Cách dùng Vitamin C đúng liều lượng và đạt hiệu quả
- Có bao nhiêu loại hành lá? tác dụng của hành lá như thế nào?
- Quả dừa nước là gì? Tác dụng và các món ngon từ dừa nước
1. Nguồn gốc và đặc điểm của chanh dây
Nguồn gốc
- Chanh dây, còn gọi chanh leo, dây mát hoặc chùm bao trứng, và tên khoa học là Passiflora edulis, thuộc họ Lạc tiên.
- Chanh dây có nguồn gốc từ một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ (như Brasil, Paraguay và Argentina). Hiện nay, chanh dây được trồng nhiều nơi ở các khu vực vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới, trải dài từ Ấn Độ, Sri Lanka, New Zealand, Colombia, Ecuador, Brasil, Peru, Indonesia, Florida, California, Hawaii, Mexico, Đông Phi và Nam Phi.
Đặc điểm
- Cây chanh dây thuộc thực vật dây leo, sống lâu năm. Thân cây trơn, bò leo, dài đến 6m, có ít lông tơ và nhiều tua cuốn. Lá có hình dạng chân vịt 3 thùy, dài 6 - 15cm và mọc so le. Hoa có 5 cánh hoa tạo thành một vành hoa màu trắng ánh tím.
- Quả chanh dây có hình cầu hoặc bầu dục, mọng nước, kích thước bằng quả trứng gà. Ban đầu, quả có màu xanh lục và chuyển sang màu vàng hoặc đỏ tía thẫm khi chín. Hạt màu đen, số lượng nhiều trong mỗi quả và lớp chất nhầy màu vàng bao xung quanh các hạt là phần mà chúng ta ăn được, có vị chua ngọt và thơm.
Chanh dây có 2 loại giống mà bạn có thể phân biệt theo hình dáng bên ngoài:
- Quả chanh dây màu vàng (Golden Passion Fruit): Lớp vỏ nhẵn bóng, có màu vàng nhạt, vị chua. Kích thước có thể phát triển to bằng quả bưởi.
- Quả chanh dây màu đỏ tía thẫm (Red Passion Fruit): Lớp vỏ có màu đỏ tía, ít chua và có vị thơm hơn so với quả chanh dây màu vàng. Kích thước tương tự như quả chanh tây.
2. Giá trị dinh dưỡng của chanh dây
Cứ mỗi 100g chanh dây (loại màu đỏ tía) gồm có các chất dinh dưỡng như:
- Năng lượng: 97kcal
- Nước: 72.9g
- Carbohydrate: 22.4g (trong đó có 11.2g đường và 10.4g chất xơ)
- Chất đạm: 2.2g
- Vitamin C: 30mg
- Vitamin A: 8% DV (giá trị dinh dưỡng khuyến dùng mỗi ngày)
- Vitamin B2: 11% DV
- Vitamin B3: 10% DV
- Vitamin B6: 8% DV
- Vitamin B9: 4% DV
- Vitamin K: 1%DV
- Nhiều khoáng chất: 12mg canxi, 348mg kali, 68mg phốt pho, 29mg magie, 28mg natri,…
3. Tác dụng của chanh dây đối với sức khỏe
Chanh dây là loại quả có vị chua ngọt và hương thơm đặc biệt, hãy cùng mình điểm nhanh 10 tác dụng nổi bật mà chanh dây mang lại cho sức khỏe như:
Ổn định đường huyết
Chanh dây có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp cùng với hàm lượng chất xơ cao, là thực phẩm giúp bạn ổn định đường huyết tốt, nhất là đối với những người bị bệnh tiểu đường.
Pectin có trong chanh dây cũng được xem là một loại chất xơ tạo cảm giác no lâu mà không làm tăng lượng calo. Đồng thời, chất xơ cũng làm cho quá trình hấp thụ đường vào máu diễn ra từ từ, góp phần tránh cảm giác thèm ăn.
Theo các nghiên cứu cho thấy: khi bổ sung chanh dây vào chế độ ăn uống còn có khả năng làm hạ đường huyết, nhằm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thực phẩm này có tác dụng làm giảm cholesterol xấu và cải thiện hoạt động của insulin.
Giảm nguy cơ ung thư
Chanh dây chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid, phenolic, vitamin A và C đều có thể chống lại sự hoạt động của gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Ngoài ra, một hợp chất quan trọng khác như piceatannol cũng góp phần tiêu diệt các tế bào ung thư đại trực tràng. Người ta còn phát hiện hợp chất chrysin trong hoa chanh dây, có hoạt tính chống ung thư.
Điều hòa huyết áp và bảo vệ tim mạch
Nhờ hàm lượng kali dồi dào mà chanh dây có tác dụng điều hòa huyết áp và bảo vệ tim mạch. Kali là khoáng chất có khả năng làm thư giãn các mạch máu, giúp tăng cường lưu lượng máu, từ đó giảm sức ép hoạt động của tim cũng như điều hòa huyết áp được tốt hơn.
Hơn nữa, chanh dây còn chứa hợp chất flavonoid và axit phenolic - cũng hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol trong máu, tránh làm suy yếu hoạt động của tim. Chất piceatannol có trong hạt chanh dây có thể làm giảm huyết áp.
Tăng cường hệ miễn dịch
Chanh dây chứa lượng lớn vitamin C, có chức năng kích thích sự hoạt động của bạch cầu, làm cho hệ thống miễn dịch được khỏe mạnh và bảo vệ cơ thể tránh khỏi nhiều bệnh tật.
Bên cạnh đó, chanh dây còn chứa nhiều loại axit amin (như valin, arginine, prolin,…), carotene và cryptoxanthin đều có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Với hàm lượng chất xơ tuyệt vời, chanh dây trở thành thực phẩm lý tưởng trong chế độ ăn uống có lợi cho hệ tiêu hóa. Hầu như chất xơ này đều thuộc loại chất xơ hòa tan, hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng và cải thiện được sự chuyển động của ruột. Do đó, chất xơ còn ngăn ngừa được tình trạng táo bón và giảm được hàm lượng cholesterol toàn phần nhờ đào thải qua phân.
Giúp làm đẹp da
Vitamin A có trong chanh dây là dưỡng chất có lợi cho da, cùng với các chất chống oxy hóa như vitamin C, riboflavin và carotene có trong loại quả này, tất cả đều mang lại sức khỏe cho làn da và đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa trên da.
Đặc biệt là hợp chất piceatannol có tác dụng chống lão hóa và chống viêm cho da, thích hợp nuôi dưỡng làn da, nhất là da mụn.
Giảm stress
Do chứa hàm lượng kali và folate đáng kể, chanh dây có thể cải thiện sức khỏe của não bộ cũng như giảm tình trạng stress và lo âu. Cụ thể, kali có tác dụng tăng lưu lượng máu và tăng cường nhận thức, trong khi đó folate cải thiện chức năng nhận thức và phòng bệnh Alzheimer.
Ngăn ngừa loãng xương
Với hàm lượng khoáng chất đa dạng như canxi, sắt, magie và phốt pho, chanh dây hỗ trợ cho sức khỏe xương và ngăn ngừa bệnh loãng xương. Các khoáng chất này sẽ kết hợp với những khoáng chất khác có trong thực phẩm mà bạn tiêu thụ, giúp tăng và duy trì mật độ xương, từ đó phòng ngừa được bệnh loãng xương.
Hơn nữa, nhờ đặc tính chống viêm được chiết xuất từ vỏ chanh dây, đã được một số nghiên cứu chứng minh, cho thấy chanh dây có hiệu quả trong việc giảm bớt các triệu chứng viêm khớp.
Điều hòa lưu thông máu
Người ta phát hiện trong hạt chanh dây có chứa scirpusin B, là một hợp chất có cách thức hoạt động như chất làm co mạch. Nhờ đó, nó làm giãn các mạch máu và làm cho máu lưu thông tốt hơn.
Hơn nữa, hàm lượng kali có trong chanh dây cũng có đặc tính thư giãn mạch máu, cùng với hàm lượng đồng và sắt tham gia vào việc sản xuất tế bào hồng cầu, góp phần thúc đẩy hệ tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn.
Hỗ trợ giảm cân
Chanh dây chứa hàm lượng chất xơ cao, ít calo và ít chất béo, nên đã trở thành thực phẩm hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không nên uống quá 2 cốc nước chanh dây mỗi ngày, tránh gây ra tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
4. Lưu ý khi sử dụng chanh dây
Phần lớn chanh dây đều thân thiện đối với sức khỏe người dùng, nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ, nhất là những người nhạy cảm hay cơ thể đang bị dị ứng. Vì thế, khi sử dụng chanh dây cần lưu ý như sau:
- Với người dị ứng mủ: Có thể nhạy cảm với chanh dây, gặp một số triệu chứng dị ứng trên cơ thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe, như nổi mẩn, buồn nôn và chóng mặt. Đặc biệt, vỏ chứa một lượng nhỏ glycoside cyanogenic có thể gây hại. Do đó, những người bị dị ứng mủ nên tránh sử dụng chanh dây.
- Với phụ nữ mang thai: Việc dùng chanh dây không đúng cách hay quá liều lượng có thể làm co thắt tử cung, gây hại cho thai nhi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng.
- Với người chuẩn bị phẫu thuật: Khi uống chanh dây cũng làm cho hệ thần kinh trung ương bị kích thích, gây cản trở quá trình gây mê và liều lượng chất gây mê được sử dụng. Vì thế, hãy tránh sử dụng chanh dây ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật và nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Với người đang dùng thuốc điều trị: Những ai đang dùng thuốc điều trị bệnh như thuốc an thần, thuốc kháng histamine thì nên cân nhắc khi uống và sử dụng chanh dây dưới mọi hình thức. Vì chanh dây dễ gây ra tác dụng phụ như khó thở, buồn ngủ và thậm chí làm giảm tác dụng của thuốc.
- Với người bị sỏi thận, viêm loét dạ dày: Nên tránh dùng chanh dây vì sẽ kích thích lượng axit trong dạ dày tiết ra nhiều hơn, gây hại cho sức khỏe dạ dày, khiến bệnh trở nên nặng hơn. Đồng thời cũng làm cho hoạt động của thận bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc đến việc ăn hạt chanh dây. Vì hạt chanh dây sẽ không được tiêu hóa, chúng sẽ được đào thải ra ngoài theo con đường phân. Thậm chí, hạt chanh dây có thể rơi vào ruột thừa trong quá trình di chuyển gây viêm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tiêu thụ ít hạt chanh dây bằng cách nhai kỹ chúng trước khi nuốt và chỉ nên tiêu thụ ít thôi nhé!
5. Những món ăn ngon từ chanh dây
Dưới đây là một số món ăn ngon từ quả chanh dây mà bạn có thể tham khảo cho thực đơn hằng ngày của bạn nhé!
Bánh quy chanh dây
Bánh quy chanh dây có màu vàng ươm, giòn rụm, thơm mùi chanh dây và vị béo ngọt của bơ sữa sẽ là một món ăn vặt thơm ngon cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức.
Lẩu chanh dây
Lẩu cá hồi chanh dây là món lẩu khiến bạn phải ấn tượng bởi hương vị thơm ngon của chanh dây được sử dụng trong nước lẩu, vị béo của cá hồi thì không chê vào đâu được!
Kem chanh dây
Món kem mát lạnh để thưởng thức vào ngày trời nắng nóng thì không thể nào bỏ qua kem chanh dây sữa chua và kem chanh dây khoai môn. Hương thơm và vị chua ngọt đặc trưng của chanh dây được kết hợp với vị béo của sữa, hoặc vị bùi bùi của khoai môn sẽ khiến bạn không thể ngừng ăn được đấy!
Sườn sốt chanh dây
Sườn sốt chanh dây được làm từ sườn non chay, có vị dai dai đặc trưng cùng với vị chua ngọt nhẹ của chanh dây. Đây là món chay mà bạn nên thử đấy!
Sinh tố chanh dây
Sinh tố chanh dây là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiều nguyên liệu như vị béo của dừa, vị ngọt thơm của xoài và vị chua ngọt của chanh dây. Ắt hẳn món sinh tố này không làm bạn thất vọng!
Mình hy vọng đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về 10 tác dụng của chanh dây đối với sức khỏe và các món ăn ngon từ chanh dây nhé!
Để lại bình luận
5