- Quan sát 10 hành động nhỏ để nhìn thấu tính cách của một người
- Kỹ năng giao tiếp là gì? Các hình thức giao tiếp phổ biến hiện nay cần có
- Mỹ phẩm thuần chay: Xu hướng làm đẹp thân thiện với môi trường
6 kỹ năng giao tiếp của người thông minh dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những bí quyết cốt lõi để chinh phục mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh.
Ăn nói khéo léo được cho là kỹ năng vô cùng quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện đại. Kỹ năng này chính là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp giữa người với người, giúp bạn có thể đến gần với thế giới của người khác.
Những người có tài ăn nói, nói ra lời nào cũng đều có thể chiếm được thiện cảm và khiến người khác phải chú ý đến, từ đó sẽ dễ dàng tạo được các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Thế nhưng tài ăn nói không tự nhiên mà có, chẳng ai bẩm sinh đã giỏi giao tiếp.
Kể cả đối với các chuyên gia hùng biện, không phải trong trường hợp nào những lời họ nói ra cũng đều được tán dương, tài ăn nói của họ cũng chỉ có được sau quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.
Cũng giống như tổng thống Lincoln vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ, trước khi bước vào con đường chính trị, ông từng có thời gian dài bị mọi người chê cười vì tật nói lắp của mình.
Thế nhưng kể từ khi cố gắng để trở thành một luật sư, ông đã hiểu ra tầm quan trọng của tài ăn nói. Từ đó, mỗi ngày ông đều kiên trì luyện nói trước gương hoặc bên bờ biển. Cuối cùng ông cũng đạt được những thành tựu nhất định nhờ sự khổ luyện của mình.
Nhờ vậy, không chỉ trở thành một nhà hùng biện, một luật sư tài ba, Lincoln còn tham gia chính trường và trở thành vị tổng thống đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chẳng phải tự dưng người ta cho rằng, khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ.
Quả thật, càng là người thông minh, họ càng lĩnh hội được những kỹ năng xã giao quan trọng, biết cách đối nhân xử thế khôn ngoan, giao tiếp thông minh và hiệu quả.
Và 6 kỹ năng giao tiếp của người thông minh dưới đây được đúc kết ngắn gọn giúp bạn có thể chinh phục mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh.
1. Những chuyện đã qua - Nói nhẹ nhàng, không xoáy sâu
Một người thông minh trong cách đối nhân xử thế là người không nhắc tới quá khứ của người khác hay dùng những điều đã qua làm “tư liệu” để làm thú vui tám chuyện của chính mình.
Một huấn luyện viên trong đội bóng chuyền nữ bị phóng viên ép hỏi rằng:
“Tại sao cô lại ly hôn với chồng cũ? Anh ta đã làm điều gì xấu sao?”
Thấy không thể né tránh câu hỏi của phóng viên, nữ huấn luyện viên đã suy nghĩ một chút rồi trả lời rằng:
“Anh ấy là cha của con tôi, vì vậy tôi không muốn làm việc gì tổn thương đến anh ấy. Anh ấy là một người cha tốt, nên con gái tôi cũng rất thích quấn quýt bên anh ấy.”
Dù đã ly hôn, cô ấy vẫn lựa chọn dùng cách cư xử nhẹ nhàng và thiện lương để nói về chồng cũ của mình. Còn người phóng viên, chắc hẳn khi đặt câu hỏi riêng tư như vậy, người đó hy vọng có thể đào bới ra vài thông tin giúp tin tức của mình thêm hấp dẫn. Chỉ tiếc rằng, cách trả lời của nữ huấn luyện viên quá khéo.
Tương tự trong cuộc sống, đừng bao giờ tùy tiện nghị luận về cuộc đời người khác. Bản thân bạn có đủ tốt đẹp và hoàn mỹ chưa?
Nếu câu trả lời là chưa, thay vì dùng lời lẽ công kích người khác, kể quá khứ và nỗi đau của họ làm trò đùa, hãy cố gắng học hỏi làm đẹp trí tuệ và nâng tầm giá trị của bản thân.
Nói xấu người khác không giúp bạn đẹp lên, trái lại nó còn làm nhân cách của bạn thụt lùi. Nếu không hiểu hãy im lặng, vì bạn không bao giờ biết người khác đã trải qua những gì. Nếu hiểu được càng phải im lặng.
Bởi cuộc sống của ai cũng có những nỗi khổ riêng, là người ngoài cuộc thì không nên tùy tiện phán xét, càng không nên xoáy sâu vào quá khứ của người khác để thỏa mãn sự tò mò của bản thân.
Đặc biệt khi bạn thiện ý khuyên nhủ người khác, đừng luôn miệng nhắc về những sai lầm trong quá khứ của họ nếu không muốn kích thích tâm lý phản kháng, nhấn mạnh nỗi đau của họ thêm một lần nữa. Cho dù bạn có ý tốt chỉ muốn họ nhanh chóng chấp nhận sự thật.
Vốn là thiện ý, nhưng do diễn đạt sai cách, cũng có thể trở thành ác ý. Dù là khen hay chê cũng cần có kỹ xảo, có thứ tự trước sau, khiến đối phương sẵn lòng lắng nghe và tiếp nhận một cách thoải mái.
Những người thông minh sẽ không dùng cái nhìn thiển cận của mình để soi mói cuộc đời hay chuyện quá khứ của người khác. Mỗi người đều có khuyết điểm riêng, tu dưỡng bản thân từng ngày mới là cách sống khôn ngoan.
2. Những chuyện thường ngày - Nói hài hước
Đã bao giờ bạn bị cuốn hút bởi lối nói chuyện hài hước chưa? Tuy cùng một câu chuyện nhưng mỗi người sẽ có những cách diễn đạt khác nhau để chúng trở nên thú vị và tinh tế hơn rất nhiều.
Trong đó, sự hài hước là cách giao tiếp hiệu quả và dễ dàng thu hút người đối diện. Đôi khi trong giao tiếp chúng ta không nên sử dụng mãi những cách nói chuyện thông dụng, có phần thô cứng, tại sao không thử cách nói chuyện hài hước, dẫn dắt người nghe theo một hướng khác để tạo sự mới mẻ.
Đặc biệt là trong những câu chuyện thường ngày, tưởng như chỉ là những mẩu chuyện vụn vặt, đời thường, nhưng nếu được pha thêm một chút hài hước, vừa giúp kéo gần mối quan hệ của đôi bên vừa giúp bạn trở thành người có sức hút.
Những người có khiếu hài hước họ là những người thân thiện, luôn mang lại niềm vui cũng như nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người. Vì vậy, họ thường chiếm được nhiều thiện cảm và sự yêu mến của những người xung quanh.
Mặc dù, khả năng hài hước là một năng khiếu mà không phải ai cũng có. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng tính hài hước không phải là bẩm sinh nên bạn có thể cố gắng cải thiện được.
Song, sự hài hước cũng nên được tiết chế một cách tinh tế, nhẹ nhàng chứ không phải quá “lố lăng”, kẻo phản tác dụng.
Tục ngữ nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hài hước cũng tương tự, muốn nói thì phải nói sao cho hợp lí, giữ nguyên tắc: Nắm được “mức độ” cần nói, phân biệt rõ từng trường hợp. Đùa giỡn quá trớn sẽ dễ gây chuyện thị phi. Bởi vậy, muốn thể hiện sự hài hước thì cũng phải chú ý tới mức độ.
Nếu không nắm được “liều lượng” của hài hước thì sẽ làm tổn hại tới hình tượng thành thực, trang trọng và đáng tin cậy của bạn trong lòng người khác, đồng thời giảm bớt uy tín của bản thân trong mắt họ, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ đôi bên.
Đừng bới móc hay cười nhạo người khác, cũng đừng nhại lại hành động hay câu nói của họ để chế giễu; đừng lải nhải nói không biết chán, bởi vì ngôn ngữ hài hước cần phải khổ luyện. Đừng chỉ biết trêu đùa, giỡn chơi, như thế bạn chỉ được cái tiếng là “thằng hề” chứ không phải là hài hước.
Trong công việc cũng vậy, đặc biệt là ở những nơi thường xảy ra sóng gió như văn phòng làm việc thì càng cần phải chú ý tới nghệ thuật nói đùa, cho dù là một câu nói đùa nhẹ nhàng nhất cũng phải cẩn trọng. Đương nhiên là chẳng ai bắt bạn phải miệng câm như hến cả.
Có thể nói, hài hước là khả năng mà mỗi người nên có và nên rèn luyện. Bởi hài hước sẽ giúp bạn đến gần nhiều đối tượng hơn, tạo thiện cảm ngay cả với những ai thù địch với chính bạn. Bạn cũng cần hài hước có chừng mực và chú ý hoàn cảnh giao tiếp đang diễn ra để chọn kỹ năng hài hước phù hợp, không gây khó chịu hay cảm giác nhạt nhẽo với người nghe.
3. Những chuyện chưa biết rõ - Nói thận trọng
Đối với những việc là mình không biết rõ, nếu bạn có thể cân nhắc nói ra một cách thận trọng và nghiêm túc thì mọi người sẽ cảm thấy bạn là người đáng tin. Còn như không biết rõ mà nói một cách tùy tiện thì bạn sẽ sớm đánh mất lòng tin của nhiều người, thậm chí còn trở thành người thiển cận.
Trên một chiếc xe lửa nọ, có một cậu bé nhìn ra bên ngoài cửa sổ và hét lên:
"Bố ơi, mau nhìn kìa, cái cây kia nó đang tự mình đi lùi lại!"
Người bố nghe vậy liền mỉm cười với con. Một cặp vợ chồng trẻ ngồi cùng khoang với họ tỏ vẻ thương hại với người bố trước hành vi "chậm phát triển trí tuệ" của cậu bé kia.
Một lát sau, cậu bé lại tiếp tục phấn khởi gọi bố: "Bố ơi, nhìn lên trời xem, mây đang chạy theo chúng ta này!"
Cặp vợ chồng trẻ lúc này nhịn không được nữa, nên nói với bố cậu bé:
"Sao anh không dẫn con anh đến một bác sĩ giỏi nhờ người ta trị chứng chậm phát triển trí tuệ cho cậu bé?"
Người bố chỉ mỉm cười đáp: "Chúng tôi mới từ bệnh viện về."
Cặp vợ chồng lập tức phán định trình độ bác sĩ ở đó thật sự quá kém.
Lúc này, ông bố như hiểu được suy nghĩ của họ và nói thêm:
"Không đâu, vị bác sĩ đó rất tài năng. Con trai tôi kể từ khi sinh ra đến nay đều chưa từng nhìn thấy được vật gì. Vậy mà nay nó có thể nhìn thấy cả thế giới."
Câu nói của người bố khiến đôi vợ chồng cảm thấy xấu hổ vô cùng.
Câu chuyện trên là ví dụ cho việc nói năng tùy tiện về những việc mình chưa hiểu rõ. Không phải chuyện gì chỉ cần qua vài đánh giá bằng mắt thường bạn cũng có thể biết rõ nội tình bên trong.
Khi chúng ta sống trong thế giới này, mỗi người đều có những việc bất đắc dĩ riêng. Khi chúng ta chưa hiểu về con người hoặc hoàn cảnh của họ, đừng nên dễ dàng đánh giá một người nào đó chỉ vì chúng ta "nhìn thấy" bề ngoài của họ là như thế.
Nếu bạn không hiểu, hãy im lặng. Vì bạn không bao giờ biết được người khác đã từng phải trải qua điều gì.
4. Những chuyện tranh luận - Nói bình tĩnh
Xưa kia có một người dọn phân, một người bổ củi và một người ăn xin gặp nhau, 3 người không có việc gì nên ngồi tán gẫu.
Người ăn xin nói: “Nếu là hoàng đế thì các anh sẽ làm gì?”
Người dọn phân nói: “Nếu tôi làm hoàng đế, tôi sẽ lệnh tất cả phân ở phố này đều quy về tôi, ai mà đến hót thì tôi sẽ sai quan quân đến bắt ngay”.
Người bổ củi nói: “Nếu tôi làm hoàng đế, tôi sẽ đi đánh một cái búa bằng vàng, hàng ngày dùng búa vàng này bổ củi”.
Cuối cùng người ăn xin nói: “Nếu tôi làm hoàng đế, tôi sẽ không làm gì cả, ngày ngày ngồi bên bếp lửa ăn khoai lang nướng”.
Trong cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn mỗi người có không giống nhau. Tương tự, quan điểm và cách lý giải của mỗi người về cùng một sự việc cũng không giống. Thế nên, không nên vì muốn cả thế giới hiểu mình mà cố chấp tranh luận vô ích với những người không xứng đáng.
Con người phân chia theo quần thể, con vật tụ tập theo loài. Giữa người với người có thể cùng với nhau là vì thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan giống nhau, có tiếng nói chung.
Giao tiếp với người không cùng tầng thứ thì mất công sức vô ích trong thời gian dài. Bạn nói, không phải là họ không nghe rõ mà là nghe không hiểu. Bởi vì mỗi người có quan niệm nhân sinh, quan niệm giá trị khác nhau, đối với cùng một việc thì tiêu chuẩn đánh giá lại khác nhau.
Nếu bạn thực sự đã làm đúng, vậy không cần giải thích với tất cả mọi người, cũng không cần tranh luận với bất kỳ ai.
Dù bạn có tranh cãi bao nhiêu lần, cả thế giới cũng không vì thế mà đối xử tử tế với bạn. Có người đồng tình, ắt có người phản đối. Như Lỗ Tấn từng nói:
"Niềm vui và nỗi buồn mỗi người có không giống nhau. Tương tự, quan điểm và cách lý giải của mỗi người về cùng một sự việc cũng không giống."
Lỗ Tấn
Có một số người, vì thấy có người đi ngược lại với ý kiến của mình nên vội vàng tranh luận gay gắt, khăng khăng bảo vệ quan điểm, đây là cách xử sự không lý trí. Chúng ta nên học cách "giữ một cái đầu lạnh" để đối mặt với những vấn đề nan giải.
Có đôi lúc, không tranh cãi đúng sai không phải vì bạn hèn nhát, yếu đuối, vô năng, mà vì bạn hiểu rõ người nào xứng đáng để giải thích, người nào không cần thiết để bạn lãng phí cảm xúc.
Người trưởng thành nên biết có một loại khôn ngoan gọi là không tức giận. Cuộc sống này thiên biến vạn hóa, hoàn cảnh luôn thay đổi, một người khôn ngoan chân chính có thể giữ bình tĩnh khi xảy ra sự việc, không tức giận, không suy nghĩ, buông bỏ, không hỗn loạn, không vướng mắc, duy trì tâm thái bình yên có thể thoát ra khỏi mây mù và bước tiếp.
5. Những chuyện sau lưng người khác - Nói càng ít càng tốt
Khi trò chuyện, chắc chắn chúng ta sẽ không thể tránh được việc nói đến “người thứ ba”, và đối tượng được nhắc đến không có mặt trực tiếp trong buổi nói chuyện.
Mọi người đều có một cái miệng để có thể giao tiếp. Vì vậy, những điều sau lưng người khác, sau khi thêm mắm dặm muối, sẽ trở thành nhiều dị bản, và thậm chí trở thành tin đồn thị phi.
Nói điều thị phi đã là không nên, nói điều thị phi sau lưng người khác lại càng là điều khó chấp nhận hơn. Đó là lý do người xưa luôn coi những kẻ thích nói lời thị phi nói xấu sau lưng người khác là hạng tiểu nhân nhỏ mọn.
Đa phần những người hay ngồi lê đôi mách vài câu chuyện thị phi mua vui cho bản thân mình thì thường là những người vô công rỗi nghề, khó thành công trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Thay vì bắt đầu một câu chuyện không đầu không cuối, mục tiêu nhắm đến bàn tán người khác để mua vui chính mình thì người khôn ngoan sẽ chọn cách trau dồi tri thức, thư giãn bản thân, chăm sóc gia đình,… tức là tập trung vào việc hoàn thiện bản thân hơn.
Nói chuyện chính là một nghệ thuật hay nói cách khác nó phản ánh cách sống của chính bạn. Nếu là người khôn ngoan, hiểu chuyện hãy hết sức thận trọng với câu chuyện mình nói thứ mình làm để giữ đẹp lòng người, tránh gây tổn thương cho người khác.
Nói sau lưng người khác là điều không thể tránh khỏi, nhưng bạn có thể bớt nói vài lời, càng ít nói càng tốt. Hoặc bạn có thể chuyển chủ đề kịp thời và không đi sâu vào vấn đề đó. Đặc biệt nếu là những lời bạn hạ bệ người khác thì đừng bao giờ nói.
6. Những chuyện về bản thân - Nói khiêm tốn
Có câu: “Khiêm tốn làm cho con người tiến bộ, kiêu ngạo làm cho người ta thụt lùi”. Khiêm tốn ở đời có nghĩa là biển học vô bờ, bạn có thể giỏi giang ở hiện tại nhưng đó là chưa đủ để khoe khoang, cần biết ẩn mình để có thể nâng cao năng lực bản thân hơn nữa.
Đặc biệt, càng là những chuyện về bản thân, càng cần phải nói với một thái độ khiêm nhường, khoe khoang chỉ khiến bạn càng dễ gặp rắc rối hơn mà thôi.
Người thực sự có năng lực không cần chứng minh bản thân. Chính kết quả công việc sẽ tạo nên chỗ đứng vững chắc cho bạn. Khi đó không cần phô trương, tài năng cũng sẽ tự bộc lộ, phát huy để phát triển sự nghiệp. Đó mới là lựa chọn đúng đắn để con đường thành công dài hơn.
Nhà bác học vĩ đại Einstein có 1 câu nói rất hay:
"Tôi chỉ là một người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng?"
Albert Einstein
Xung quanh cuộc sống thực tại, bạn dễ dàng nhận ra những người càng có tiền càng là những người khiêm tốn. Họ nói chuyện luôn rất ôn hòa, trên khuôn mặt luôn niềm nở. Khi có mâu thuẫn xảy ra với mọi người, họ sẽ cố gắng lựa chọn nhượng bộ.
Có thể bây giờ bạn nghĩ mãi không hiểu vì sao? Nhưng hi vọng rồi một ngày bạn sẽ hiểu rằng, đây mới là trí tuệ của cuộc sống.
Đức tính khiêm tốn từ những công việc, hành động nhỏ nhất. Học đức tính hòa nhã, đừng vội vàng cho thành công của mình là lớn vĩ đại, lớn lao. Có như vậy thì cuộc sống con người sẽ chan hòa hơn!
Hãy ra sức tu dưỡng, rèn luyện bản thân có lòng khiêm tốn. Đó là một cách để chúng ta tiến gần đến thành công hơn.
Khiêm tốn giúp bản thân chúng ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang. Người dày đức khiêm tốn sẽ lấy thành công đó làm động lực để tiếp tục tiến về phía trước.
Nếu là người thông minh bạn hãy rèn luyện những kỹ năng giao tiếp của mình để có thể giúp cho các mối quan hệ xã giao của bạn trở nên tốt đẹp hơn nhé. Chúc các bạn thành công.
Để lại bình luận
5