- Review sách Payback Time - Ngày Đòi Nợ, bí quyết để trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp
- Những quyển sách kinh điển hay nhất thế giới - Bạn nên đọc một lần trong đời
- Top 7 cuốn sách về thời trang hay nhất - Đọc để mặc ĐẸP
Giới thiệu sách: Hoàng tử bé của tác giả Saint-Exupéry
Tác giả cuốn sách Hoàng Tử Bé tên đầy đủ là Antoine Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupéry, thường được biết tới với tên Antoine de Saint-Exupéry hay gọi tắt là Saint-Ex (sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 - mất tích ngày 31 tháng 7 năm 1944) là một nhà văn và phi công nổi tiếng của Pháp.
Saint-Exupéry được biết tới nhiều nhất với kiệt tác văn học Hoàng Tử Bé một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới, được đông đảo độc giả đón nhận. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm này có độ phổ biến lớn đến như vậy, có thể nói, đây là một tác phẩm phải khiến chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều.
“Gửi Léon Werth khi ông ấy còn là một cậu bé”.
Review Hoàng tử bé - Một tác phẩm xuất sắc dành cho thiếu nhi
Hoàng tử bé là một cuốn sách kì lạ được viết bởi một tác giả kì lạ. Saint Exupéry đâu phải là một nhà văn thường, mà là một nhà văn phi công! Ông sáng tác Hoàng tử bé trong thời kì lưu vong khi nước Pháp bị chiếm đóng, ông không được bay theo đúng nghĩa.
Cuốn sách là một cuộc hành trình đi tìm lại trí tưởng tượng của bản thân mình, mà chính tác giả đã bỏ quên trong quá khứ. Ông khẳng định, thế giới của trẻ con khác với thế giới của người lớn. Khi người lớn có quá nhiều thứ phải suy nghĩ, nhưng lại nhàm chán bởi các vấn đề họ quan tâm chỉ là tiền bạc, quyền lực, đôi khi không biết mình đang làm gì. Thì thế giới trẻ con đơn giản hơn nhiều, song cũng màu sắc hơn nhiều. Trong đôi mắt chúng bao giờ thế giới cũng được nhìn bằng lăng kính của trí tưởng tượng.
Cuốn sách chứa đựng tư duy đạo đức sâu xa qua lăng kính của một cậu trai không có nhiều va chạm. Cậu ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thế giới xung quanh của cậu nhỏ hẹp cỡ chừng một ngôi nhà, nhưng bên trong cậu chứa đựng những cảm nhận tuyệt vời vượt xa sự tưởng tượng.
Cuốn sách hẳn là sự nhận thức vỡ òa của tác giả trong những năm tháng lưu vong, khi ông nhận ra rằng cuộc sống của trẻ con tươi đẹp và giàu có biết nhường nào, bản thân ông lại quên đi bản thân mình cũng từng là trẻ con, vì vậy, có lẽ ông đã tìm thấy được bản thân mình bên trong Hoàng tử bé.
Ta có thể thấy, cuốn sách thể hiện sự cố gắng quay trở về với bản thể con người một cách nguyên sơ nhất, nhìn nhận sự vật sự việc đầy hình ảnh và màu sắc mà người lớn ít khi nào thấy được, dù họ cũng từng là trẻ con.
Nội dung sách Hoàng Tử Bé
Cuốn sách kể về hành trình tìm lại hành tinh của cậu bé Hoàng tử, câu chu du và thám hiểm những hành tinh xung quanh, và qua con mắt và cách miêu tả của cậu, ta sẽ thấy một hành tinh tượng trưng cho một cách sống của người lớn.
Ở thiên thạch thứ nhất là một ông vua trị vì hành tinh mà chẳng có lấy một thần dân. Ông vui mừng khi cậu hoàng tử đến thăm. Ông phong cho cậu làm thượng thư bộ thư pháp, ông cho cậu xử án chú chuột – sinh vật duy nhất có trên hành tinh của ông. Ông vua tượng trưng cho những kẻ say mê quyền lực, nguyên tắc và chỉ mong muốn áp đặt luật lệ lên người khác, chỉ muốn chỉ đạo ngay cả khi họ không có bất cứ ai muốn theo sau.
Thiên thạch thứ hai là một kẻ khoác lác. Hắn coi cậu là một người hâm mộ mình đến thăm. Gã khoác lác là người muốn được người khác ngưỡng mộ mình, nhưng lại sống cô đơn trên hành tinh của chính ông ta. Gã chẳng nghe thấy gì ngoài những câu ca ngợi. Tượng trưng cho những kẻ tự phụ, đam mê danh tiếng và không quen nghe những lời nói thật, bởi bản thân luôn là nhất, là vĩ đại nên luôn nghĩ mình là trung tâm của mọi người, lâu dần, thành kẻ cô độc vì ngoài bản thân họ không nhìn thấy gì khác.
Thiên thạch thứ ba là một gã nát rượu, hắn uống rượu suốt ngày để quên nỗi xấu hổ của mình về việc uống nhiều rượu, tượng trưng cho những kẻ không bao giờ thừa nhận khuyết điểm và luôn đổ tội cho hoàn cảnh, hèn nhát và không dám phá bỏ giới hạn. Hoặc có doanh nghiệp chỉ ngồi đếm sao sáng, tượng trưng cho những kẻ đam mê đồng tiền, đam mê vật chất kể cả những thứ chẳng bao giờ thuộc về mình.
Mỗi hành tinh tượng trưng cho một kiểu người, và Hoàng tử bé chán ngán tất thảy những kẻ đó, bởi không ai, nhận ra được rằng hạnh phúc đôi khi phải cho đi chứ không phải để giữ lại. Và mỗi kiểu người này được xây dựng dựa trên những tình huống đối nghịch, thế cho nên, khiến ta phải nhìn nhận lại, cuộc sống này có vẻ sai trái và cần được chỉnh sửa lại.
Cuốn sách của trẻ con, tư duy của người lớn
Đi qua những con chữ được tác giả viết lại, ta nhận ra được rằng, bài học cuối cùng tác giả muốn truyền tải lại cho chúng ta, là nếu muốn thực sự có được thứ gì đó, ta phải yêu thương nó bằng cả trái tim. Khi nhìn lại sự việc bằng con mắt của yêu thương, ta nhận ra có những điều thật giản đơn nhưng lại không dễ phát hiện.
Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu bé yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi! Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu. Và ta nhận ra rằng thuần hóa không phải là dùng quyền lực và bạo lực để làm họ phải tuân theo ý mình, mà phải thuần hóa bằng trái tim và tình yêu thương, có những thứ chỉ trái tim mới có thể giải quyết được:
“Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”.
Đây là bài học xuyên suốt tác phẩm, xâu chuỗi những sự kiện với nhau, nói cho cùng tác giả cũng muốn khuyên chúng ta phải yêu thương và cảm thông với mọi người.
Hoàng tử bé là một cuốn sách xuất sắc trong việc truyền tải tri thức và những bài học nhân văn dành cho độc giả, khéo léo, sự đan xen giữa những suy nghĩ của trẻ nhỏ và những lời khuyên dành cho người lớn chính là điểm hấp dẫn người đọc không phân biệt thế hệ.
Hoàng tử bé – bài học về việc biết thuần hóa những gì chúng ta yêu và sẵn sàng được thuần hóa bởi những gì ta yêu.
Chuyến đi của cậu hoàng tử bắt đầu từ sự không hài lòng với thái độ của bông hoa hồng. Chuyến đi ấy giúp cả Hoàng tử bé và bông hồng đều trở nên mạnh mẽ và sáng suốt hơn. Đến Trái Đất, lần đầu tiên nghe thấy tiếng vọng, Hoàng tử bé nhận xét rằng nơi đây thật nhạt nhẽo, thật khác với ngày cậu còn ở cùng một bông hoa luôn cất tiếng trước. Cậu dần nhận ra những điều quý giá mà cậu trước đây đã bỏ lỡ. Cậu bắt đầu biết nghĩ về sự hi sinh của người khác, biết thương một cô nàng không sợ hổ, nhưng sợ gió lùa, một bông hoa chỉ có bốn cái gai để chống chọi với cuộc đời dữ dội, nhưng lại là bông hoa can đảm và đẹp nhất trong tất cả những loài hoa cậu gặp.
Nhìn nhận sự việc bằng con mắt của yêu thương
Bông hồng, vốn là hiện thân của sự đỏng đảnh, kiêu kỳ, cũng lớn lên từ mối quan hệ đổ vỡ này. Nàng không cần lồng kính nữa, cũng chẳng ho sặc sụa để bắt hoàng tử phải quan tâm tới mình, nàng chấp nhận sự ra đi của cậu bằng vẻ bình tĩnh dịu dàng, không hề trách móc.
Bằng sự kiêu hãnh, và hơn hết, nàng yêu cậu, nên nàng không muốn người mình yêu thấy nàng rơi nước mắt. Chính bông hoa cũng dạy chúng ta cách vượt qua sự sợ hãi, tổn thương và khó khăn, bởi: “Em muốn biết bươm bướm là thế nào, em phải chịu đựng vài ba con sâu".
Càng yêu thương, tận tình chăm sóc cho hoa bao nhiêu thì cậu càng đau khổ và cảm thấy bị lừa dối bấy nhiêu khi phát hiện ra ở trên trái đất có cả nghìn bông hoa như thế. Thế nhưng, sau cuộc trò chuyện với chú cáo có bộ lông đỏ rực, loài vật của sự im lặng, một sự im lặng không rõ là tinh ranh hay thông thái, cậu hiểu ra rằng đóa hồng của cậu là duy nhất. Sự duy nhất của đóa hồng ấy là bởi nàng là bông hoa cậu yêu.
Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi! Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu. Giống như cuộc chiến giữa cừu và hoa, là chuyện phù phiếm với viên phi công, nhưng là điều tối quan trọng với Hoàng tử bé, giống như mọi sự trên thế gian, kể cả tính mạng của cậu (khi cậu mượn nọc độc của rắn để mong trút lại thân xác nặng nề mà trở về với bông hoa)… Tất cả, tất cả đều không quan trọng bằng sự tồn tại của một đóa hồng.
Chú cáo đã gửi đến Hoàng tử bé bí quyết của chính mình: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”. Nhiều khi những quyết định mang tính trực giác, bản năng đem tới kết quả tốt hơn sự phân tích bằng lí tính. Cái “nhiều khi” ấy đúng trong tình yêu. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định. “Khi một người yêu một đóa hoa, hoa ấy chỉ có một đóa thôi, trong hàng triệu hàng triệu ngôi sao, chừng ấy đủ làm cho anh sung sướng khi nhìn những ngôi sao”.
“Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế”. Nếu không phải ngày ngày cậu tưới hoa, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì nàng là đóa hồng của cậu, thì có lẽ bông hồng ở tiểu tinh cầu B612 sẽ chẳng khác gì những đóa hoa trống rỗng trong vườn hồng nơi Trái Đất.
Hoàng tử bé đã dành thời gian cho hoa, hoa cũng dành thời gian cho cậu vì thế mà cả cậu và hoa trở thành những phần quan trọng không thể thiếu của nhau. Cậu nhận ra thế nào là “thuần hoá” qua lời định nghĩa vô cùng thấm thía của cáo: “thuần hóa” là tạo nên những mối liên hệ để hai người cần đến nhau. Người ta chỉ hiểu những gì người ta đã thuần hóa, và việc thuần hóa, giống như Hoàng tử bé đã thuần hóa Cáo, là việc phải dành nhiều thời gian và công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn và dịu dàng, từng chút một.
Lời kết sách Hoàng Tử Bé
Tôi đã từng nghĩ làm người lớn thì phải làm điều gì to tát lắm, nào là phải trở thành ông này, bà nọ, nào là phải đi xe sang, ở nhà xịn. Nhưng, trưởng thành chỉ đơn giản là biết thấu hiểu cho mọi người, cho từng khoảnh khắc, từng tình huống, biết trân trọng, tôn trọng trách nhiệm của người khác cũng như của bản thân trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội, và trong quá trình làm người.
Có lẽ, khi chúng ta chợt nhận ra mình đã già dặn đi một tí, thận trọng hơn một tí, nhận trách nhiệm nhiều hơn một tí đó là khi ta cũng nhận ra mình không còn nhỏ nữa. Song, chính trong mỗi người lớn vẫn còn đó hình hài của một đứa trẻ. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản vì cha mẹ nào cũng từng là trẻ con. Nhưng điều quan trọng là khi trở thành người lớn, người ta dễ quên mình từng là những đứa trẻ! “Vì mỗi người lớn đã từng là trẻ con”, cùng đón đọc Hoàng tử bé của Saint Exupéry để tìm lại chính mình và đón nhận mọi vẻ đẹp của cuộc sống luôn ẩn giấu xung quanh!
Để lại bình luận
5