- 24 giờ trong cơ thể con người diễn ra như thế nào
- Một số bài tập thể dục cho bộ não, giúp trí nhớ minh mẫn
Não được biết đến là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, giúp kiểm soát các hoạt động và phản xạ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày nhiều người trong chúng ta thường có những thói quen vô hình khiến não tổn thương và lâu dần gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
1. Thiếu ngủ gây tổn thương não
Thiếu ngủ có thể là một nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Do đó, tốt nhất bạn nên ngủ đúng giờ, nếu không có giấc ngủ chất lượng, bạn cần tránh uống rượu, caffein và sử dụng thiết điện tử vào buổi tối trước khi đi ngủ. Thay vào đó, hãy bắt đầu một thói quen trước giờ ngủ với những hoạt động nhẹ nhàng, thư giãn. Lưu ý, hạn chế trùm kín đầu khi ngủ, vì như vậy sẽ làm tăng nồng độ CO2 và giảm O2, có thể gây tổn thương não.
2. Ở một mình quá lâu
Bản chất của con người là phải được tiếp xúc với xã hội. Có bao nhiêu người bạn trên Facebook không quan trọng bằng cảm giác kết nối thực sự. Theo một thống kê, những người dù chỉ có vài bạn thân họ có xu hướng hạnh phúc và làm việc được hiệu quả hơn so với những người cô lập một mình. Họ cũng ít có khả năng bị suy giảm trí não và mắc bệnh Alzheimer. Nếu bạn cảm thấy cô đơn, hãy gọi cho một số bạn bè hoặc bắt đầu một hoạt động mới mẻ có liên quan đến những con người khác, chẳng hạn như tham gia lớp khiêu vũ, câu lạc bộ quần vợt, đánh cầu lông, tình nguyện xã hội...
3. Ăn vặt quá nhiều
Ở những người ăn nhiều bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên và nước ngọt, các bộ phận của não liên quan đến học tập, trí nhớ và sức khỏe tinh thần sẽ nhỏ hơn. Đặc biệt, những món tráng miệng nhiều đường sẽ làm gián đoạn quá trình hấp thu protein và các dưỡng chất, khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ.
Trái lại, các loại quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và rau lá xanh có tác dụng bảo tồn chức năng não và làm chậm quá trình suy giảm tinh thần. Vì vậy, hãy cố gắng thay đổi thói quen ăn một túi khoai tây chiên bằng một nắm các loại hạt (hạnh nhân, óc chó...).
4. Âm lượng tai nghe quá lớn
Với tai nghe ở mức âm lượng tối đa, bạn có thể làm hỏng thính giác của mình vĩnh viễn chỉ sau 30 phút. Không chỉ ảnh hưởng đến đôi tai, mất thính lực ở người lớn tuổi có liên quan đến các vấn đề hại não, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và mất mô não. Nguyên nhân có thể là do bộ não phải làm việc quá sức để hiểu những tiếng nói xung quanh và không thể lưu trữ những gì đã nghe vào bộ nhớ. Vì vậy, hãy giảm âm lượng xuống, không lớn hơn 60% âm lượng tối đa của thiết bị và cố gắng không đeo tai nghe liên tục vài giờ.
5. Ít vận động cũng là một nguyên nhân
Càng không tập thể dục thường xuyên, bạn càng có nhiều khả năng bị sa sút trí tuệ và nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao. Tất cả đều có thể liên quan đến bệnh Alzheimer.
Bạn có thể không cần phải bắt đầu chạy marathon mới có thể bảo vệ não bộ, chỉ cần 30 phút đi bộ nhanh trong vườn hoặc quanh khu phố cũng sẽ có hiệu quả. Điều quan trọng là thực hiện đều đặn, ít nhất 3 ngày một tuần và duy trì thành thói quen.
6. Hút thuốc ảnh hưởng không nhỏ tới não bộ
Một hậu quả rất đáng sợ là hút thuốc có thể làm não teo nhỏ, giảm trí nhớ và tăng cao gấp đôi nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ, bao gồm cả Alzheimer. Hút thuốc lá cũng gây ra bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và huyết áp cao.
Các yếu tố sinh học hút thuốc liên quan đến cách não phản ứng với nicotine. Khi một người hút thuốc lá, nicotin sẽ đến não trong vòng khoảng mười giây. Lúc đầu, nicotine giúp cải thiện tâm trạng và sự tập trung, giảm tức giận và căng thẳng, thư giãn cơ bắp và giảm cảm giác thèm ăn. Nhưng tiếp xúc nicotine thường xuyên dẫn đến những thay đổi trong não.
7. Ăn quá mức
Nếu cơ thể tiêu thụ quá nhiều thức ăn ngay cả loại thực phẩm phù hợp, não có thể gặp khó khăn khi xây dựng mạng lưới kết nối mạnh mẽ giúp bạn suy nghĩ và ghi nhớ. Ăn quá nhiều trong thời gian dài khiến tăng nguy cơ thừa cân, từ đó có nguy cơ cao mắc những căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao, tất cả đều liên quan đến các vấn đề về não và bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, lượng calo cao theo thời gian thực sự có thể làm tăng tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) khi vào giai đoạn cao niên
Nghiên cứu được trình bày vào đầu năm nay tại cuộc họp thường niên của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ, cho thấy rằng tiêu thụ từ 2.100 đến 6.000 calo mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc MCI ở những người từ 70 tuổi trở lên. Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 1.200 nam giới và phụ nữ, tuổi từ 70 đến 89, những người không có dấu hiệu sa sút trí tuệ khi bắt đầu nghiên cứu.
Tiến sĩ Gad Marshall, nhà thần kinh học hành vi tại Harvard, Bệnh viện Phụ nữ và Brigham trực thuộc Đại học Harvard ở Boston, giải thích: "Nghiên cứu này ngụ ý rằng trong giai đoạn cuối đời, khi bạn đã có nhiều nguy cơ bị suy giảm nhận thức, chủ yếu do bệnh Alzheimer, lượng calo tăng lên có liên quan đến tăng nguy cơ suy giảm nhận thức".
8. Ở trong bóng tối quá nhiều
Khi bạn không tiếp xúc đủ lâu với ánh sáng tự nhiên, nguy cơ bị trầm cảm cũng tăng lên và khiến não bộ hoạt động chậm chạp lại. Các nghiên cứu cũng cho thấy ánh sáng mặt trời giúp não bộ làm việc hiệu quả hơn. Ánh sáng mặt trời và bóng tối kích hoạt việc giải phóng các hormone trong não của bạn. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời được cho là làm tăng giải phóng một loại hormone gọi là serotonin trong não. Vào ban đêm, bóng tối sẽ kích hoạt não tạo ra một loại hormone khác gọi là melatonin. Hormone này có tác dụng khiến con người thấy buồn ngủ.
Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gây giảm mức serotonin, có thể dẫn đến trầm cảm nặng theo mùa. Các tác động do ánh sáng tạo ra của serotonin được kích hoạt bởi ánh sáng mặt trời đi qua mắt. Ánh sáng mặt trời báo hiệu các khu vực đặc biệt trong võng mạc, nơi kích hoạt giải phóng serotonin. Vì vậy, nhiều người bệnh được ghi nhận có nhiều khả năng gặp phải loại trầm cảm này vào mùa đông, khi ngày ngắn hơn.
Vì thế để giúp đầu óc luôn tỉnh táo và hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, Alzheimer... bạn nên chủ động duy trì một lối sống lành mạnh.
9. Nói quá nhiều hoặc quá ít
Nói quá nhiều kết hợp với tâm lý hay lo âu và mệt mỏi sẽ làm hại não, khiến tâm trí bất an. Ngược lại, nói quá ít cũng không thực sự tốt, bởi các trao đổi tri thức sẽ giúp tăng hiệu năng của não. Hãy nói ít đi một chút và lắng nghe nhiều hơn, đồng thời tăng cường tương tác cá nhân để giúp não được nghỉ ngơi và cân bằng cuộc sống.
10. Mất nước
Tình trạng thiếu nước trong cơ thể sẽ ảnh hưởng tới các mô não cũng như hoạt động của não. Uống đủ nước và duy trì độ ẩm thích hợp sẽ giúp bảo vệ não bộ khỏi bị tổn thương.
Sức khỏe não bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả di truyền. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có khả năng kiểm soát và lựa chọn lối sống lành mạnh nhằm hạn chế làm tổn thương não. Bộ não con người là thứ quý giá và cần được bạn đối xử tốt.
Do đó, để có một trí nhớ tốt cùng cơ thể khỏe mạnh, bạn hãy tránh xa những thói quen xấu trên và thiết lập cho mình một chế độ ăn cùng lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó không quên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Để lại bình luận
5